Sunday, November 27, 2016

Cập nhật tin tức về nạn cát tặc - 27 tháng 11 năm 2016



Cục Đường thủy nội địa “dán bùa” cho cát tặc trá hình: Trách nhiệm của ai?
LĐ - 247 NHÓM PV 9:28 AM, 21/10/2016 


Cơ quan chức năng phát hiện DN tư nhân Sáu Hằng hút cát trái phép.

Bằng 3 văn bản nội dung có phần sơ sài, nhiều kẽ hở do phó Cục trưởng Cục Đường thuỷ nội địa phê duyệt, một DN tư nhân đã vô tư múc cát kiếm lời dưới chiêu bài nạo vét, xây dựng cảng thủy nội địa. Kết quả, cảng chưa thấy, lòng sông bị nạo vét thiếu kiểm soát mà trách nhiệm của cơ quan quản lý còn chưa rõ. 

Mù mờ 3 văn bản “bật đèn xanh” cho DN hút cát
Trong bài viết đăng tải ngày 19.10, báo Lao Động đã đưa ra những điểm bất thường trong hồ sơ xin xây dựng cảng ĐTNĐ của DN tư nhân Sáu Hằng, trụ sở thôn Duyên Linh, xã Đông Ninh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên cho thấy dấu hiệu chứng tỏ việc làm hồ sơ xây dựng cảng chỉ che đậy hành vi cát tặc công khai.

Đáng chú ý nhất là 3 văn bản do Hoàng Minh Toàn - Phó Cục Trưởng Cục ĐTNĐ ký trong các ngày 18.1, 1.2 và 5.7 liên quan đến việc chấp thuận chủ trương xây dựng cảng thuỷ nội địa của DN Sáu Hằng và việc cải tạo vùng nước phục vụ thi công. Các văn bản này được đưa ra trong lúc bến thủy nội địa Sáu Hằng đã được Sở GTVT Hưng Yên cấp Giấy phép hoạt động bến thủy nội địa với thông số tương ứng (chiều dài 306,3m, chiều rộng 30m, có khả năng tiếp nhận loại phương tiện thủy có mớn nước đầy tải đến 2m ra vào) từ ngày 29.10.2015.

Bằng việc được Cục ĐTNĐ VN chấp thuận phương án cải tạo vùng nước trước cảng, DN này có thể hút cát với khối lượng 14.733,93 m3.

Nếu văn bản ngày 18.1 chấp thuận đề nghị xây cảng với thông số tương ứng như cảng đã có và đang hoạt động thì công văn thứ 2 ban hành ngày 1.2.2016, ông Hoàng Minh Toàn - Phó Cục Trưởng - ký CV 215/CĐTNĐ-PCTTr chấp thuận cho phép DN tư nhân Sáu Hằng cải tạo vùng nước trong 60 ngày để phục vụ thi công xây dựng cảng mà không đưa ra thời điểm bắt đầu hay kết thúc.

Sau khi “bật đèn xanh” cho DN nạo vét từ tháng 2.2016, ngày 5.7.2016 ông Hoàng Minh Toàn lại ký văn bản số 1413/CĐTNĐ-PCTTr “chấp thuận lại chủ trương xây dựng cảng thuỷ nội địa của DN Sáu Hằng” với chiều rộng tính từ mép ngoài cầu cảng dự kiến dài gấp đôi so với trước và thời gian thực hiện tiếp tục ở dạng mù mờ: “Trong 60 ngày trong năm 2016”.

Thông qua văn bản chấp thuận lại, vô hình chung Cục ĐTNĐ VN một lần nữa “bật đèn xanh” cho DN hút cát sông Hồng với thời hạn không xác định trong năm 2016.

Bên cạnh đó, văn bản chấp thuận “cơi nới” thông số cảng này được đưa ra đúng 1 ngày sau khi DN đề nghị khiến dư luận không khỏi “mỉm cười” trước “tác phong” hành chính quá nhanh chóng của ông Phó Cục trưởng.

Nếu tính tổng khối lượng cát DN tư nhân Sáu Hằng xin phép hút để cải tạo bến là hơn 31.000 m3. Tuy nhiên thực tế DN này hút còn lớn hơn nhiều và bằng chứng là ngày 5.9 vừa qua, Cảng vụ ĐTNĐ Hưng Yên đã bắt quả tang DN tư nhân Sáu Hằng đang hút cát “trong vùng nước không đúng theo phương án đã được Cục ĐTNĐ VN chấp thuận”.

Cục ĐTNĐ nói gì?
Ngày 20.10, báo Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo Cục ĐTNĐ, Cục trưởng Hoàng Hồng Giang cho biết đang đi công tác và uỷ quyền cho phó Cục trưởng Trần Văn Thọ cung cấp thông tin.
Ông Thọ cho biết vấn đề cấp phép xây dựng cảng ĐTNN thuộc trách nhiệm của ông Hoàng Minh Toàn, phó Cục trưởng và về lý thuyết ông Toàn phải trao đổi xin ý kiến Cục trưởng đồng thời trong văn bản chấp thuận chủ trương phải gửi báo cáo. Tuy nhiên, hiện chưa rõ vụ việc này đã được báo cáo lên Cục trưởng hay chưa.

Theo ông Thọ, khi chuẩn bị xây dựng cảng thì DN phải có thoả thuận xây dựng, thoả thuận về vùng nước và làm việc với cục đồng thời có 2 phương án khi nạo vét vùng nước. Nếu chỉ nạo vét mà đảm bảo chiều sâu cho phương tiện ra vào và không tận thu sản phẩm đó, chất thải đó phải đổ vào 1 vị trí ở bãi đổ mà địa phương chấp thuận và bãi đổ phải có đánh giá tác động môi trường (DTM) đồng thời DN không được bán sản phẩm đó (như trường hợp công văn cấp phép của DN Sáu Hằng).

Dạng thứ 2 là nạo vét xong muốn tận thu sản phẩm để bù đắp chi phí thì phải làm các quy định hiện hành theo thông tư 69 và cũng do Cục cung cấp, chấp thuận chủ trương nạo vét tận thu. Tuy nhiên, DN đó phải thuê đơn vị tư vấn để khảo sát lập hồ sơ thiết kế và trên hồ sơ thiết kế đó Cục sẽ phê duyệt chuẩn kỹ thuật rồi làm DTM, cũng như đăng ký tận thu sản phẩm với địa phương, và nộp các loại thuế liên quan như thuế cấp quyền khai thác...

Về trách nhiệm quản lý khi để xảy ra vụ việc nói trên, ông Thọ cho rằng đây là trách nhiệm rà soát của các cơ quan kể cả Cục ĐTNĐ trong việc thẩm tra giám sát quá trình thực hiện dự án của DN.
Ông Thọ từ chối bình luận về việc nhân rộng vùng nước từ 30m lên 60m trong công văn ngày 5.7 và cho biết không trực tiếp phụ trách nên không rõ.

Còn khi báo Lao Động liên hệ với ông Hoàng Minh Toàn, ông này cho biết đang bận việc gia đình nên sẽ cung cấp thông tin trong ngày 21.10.
Trước việc làm sai trái của DN tư nhân Sáu Hằng, ngày 7.10.2016, Cảng vụ ĐTNĐ khu vực II (cấp trên của Cảng vụ ĐTNĐ Hưng Yên) đã có công văn báo cáo Cục ĐTNĐ VN, “đề nghị thu hồi văn bản chấp thuận chủ trương xây dựng cảng” của DN tư nhân Sáu Hằng và tiến hành lập biên bản xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng. Theo báo cáo của Phòng CSGT Đường thủy, 9 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã bắt giữ 21 phương tiện khai thác cát trái phép, xử phạt gần 580 triệu đồng.


***** 

Đường dân sinh tan nát vì cát tặc
LĐO HOÀNG ĐỨC- TRẦN LÂM 10:8 PM, 15/05/2016 


Con đường dân sinh được xây dựng bằng hàng chục tỉ đồng ngân sách 
đã bị các DN khai thác cát cày nát.

Tỉnh lộ 515 được tỉnh Thanh Hoá xuất trên 10 tỉ đồng từ ngân sách nâng cấp đoạn từ ngã ba Chè đi Thiệu Toán (huyện Thiệu Hoá) năm 2008. Đến năm 2012, con đường bắt đầu xuống cấp do hoạt động khai thác cát. Đến nay, dù lãnh đạo tỉnh đã ra văn bản dừng khai thác nhưng một số đơn vị vẫn cố tình khai thác khiến con đường ngày càng tan nát. 

Nát đường vì khai thác cát
Dọc đoạn đường hơn 10km từ Ngã Ba chè tới xã Thiệu Toán là những ổ gà, ổ voi còn nhiều hơn là nhà dân hai bên đường. Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là xã Thiệu Toán, huyện Thiệu Hoá khi đoạn đường tại đây mùa hè thì bụi bay ngập trời, bám vào nhà cửa, cây cối của người dân, mùa mưa chẳng khác gì ruộng cày.

Trao đổi với lãnh đạo xã Thiệu Toán, ông Phạm Đình Lam - Phó Chủ tịch - cho rằng: “Đường như vậy là do lưu lượng xe tải chở cát từ bãi cát số 15 và trên Thọ Xuân qua xã với mật độ dày đặc nên mới nhanh thế”. “Tại sao xã lại không có biện pháp ngăn chặn tình trạng này?” – PV hỏi. Ông Lam lý giải:  “Xã có giao cho ban công an dựng rào chắn để ngăn chặn xe tải đi qua, thậm chí ban đêm cũng có người gác nhưng do sự thiếu trách nhiệm từ cán bộ được giao, và cái khó ở chỗ trên đê (ngay cổng ra của bãi cát số 15) đã có tổ công an của huyện đứng làm nhiệm vụ nên công an xã mới buông lỏng công tác giám sát”. 

Nhiều năm qua, người dân khốn khổ khi phải sống chung với tình trạng xe chở cát ùn ùn đi qua suốt đêm ngày. Dân đã viết đơn lên xã, xã đã phản ánh lên huyện nhưng chưa có kết quả. Đỉnh điểm của sự việc là người dân vác đá ra đường và đứng chặn xe chở cát hồi đầu năm 2016 vì quá bức xúc. Không chỉ người dân, mà các thầy cô giáo, các em học sinh cùng doanh nghiệp xe bus Thanh Hóa cũng chịu ảnh hưởng. Xe bus số 09 phải bỏ tuyến đi qua xã Thiệu Toán. Thầy Nguyễn Ngọc Anh – Trường THCS Thiệu Toán - cho biết: “Con đường này quá xấu, mấy năm gần đây các em học sinh không dám đi nữa, vì ngã xe, bụi mù và phải “nhường đường” cho xe tải nên các em đã chọn đi đường vòng tới trường dù xa hơn, các thầy cô cũng phải thay đổi giờ sớm hơn để kịp giờ dạy” . Thầy Anh còn tếu táo: “Nhờ con đường mà cả tháng không phải đánh giày,vì có đánh thì đi đường này nó lại bẩn như cũ”.

Đã cấm vẫn làm
Trước tình hình đó ngày 23.3.2016, UBND huyện Thiệu Hóa ra công văn số 262a/UBND-TNMT yêu cầu chi nhánh Cty CPĐTPT T&D Hà Nội tại Thanh Hóa dừng hoạt động khai thác cát tại mỏ số 15, xã Thiệu Toán, xã Thiệu Minh từ ngày 25 .3, tạm dừng hoạt động tập kết cát đối với 2 bãi tập kết có nguồn gốc từ mỏ cát số 15 từ ngày 25.3, chỉ được tiêu thụ hết số cát đang tập kết trên bãi. 

Ngay sau đó, ngày 6.4, ông Nguyễn Đức Quyền – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - đã có công văn số 3043/UBND-CN yêu cầu Cty CPĐTPT T&D dừng hoàn toàn việc khai thác tại mỏ cát trên, thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo và thực hiện môi trường đất đai theo quy định.

Vậy nhưng đến đầu tháng 5, ghi nhận của phóng viên có mặt tại bãi cát số 15, thì tại đây vẫn còn tình trạng tập kết và khai thác cát từ Cty CPĐTPT T&D. Luôn có gần chục tàu chở cát, thay phiên nhau đưa cát lên bãi, không những thế, các xe tải vẫn ra vào bãi cát để vận chuyển dù tần suất có giảm đi. 

Không những không dừng khai thác, Cty  cổ phần đầu tư phát triển T&D Hà Nội tại Thanh Hóa tự ý xây nhà kiên cố tại bãi tập kết là sai quy định. Để lách luật và có thể tiếp tục khai thác, Cty ty T&D đã  chuyển nhượng lại cho Cty Hải Lam  bãi tập kết số 2 (bãi cát số 15 có 3 bãi tập kết nhỏ). Và theo như ông Lê Mạnh Hải - Chủ tịch UBND xã Thiệu Toán -  thì “Cty T&D không được phép tập kết cát tại đó, nhưng từ lâu họ đã bắt tay với Cty Hải Lam để khai thác”.

Trước đó, ngày 30.3.2016, ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa - ra quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư sửa chữa Đường tỉnh 515 đoạn Km0-Km11+700 (ngã ba Chè đi xã Thiệu Vận, Thiệu Toán, huyện Thiệu Hóa) với dự kiến mức đầu tư 20 tỉ đồng từ nguồn Quỹ bão trì đường bộ Trung ương cấp bổ sung (ngoài nguồn 35%) về quỹ bảo trì đương bộ tỉnh Thanh Hóa.

20 tỉ đồng sẽ làm cho con đường không còn ổ gà, ổ trâu, thầy trò có thể đến trường ít bui bặm. Nhưng không biết con đường đó sẽ bằng phẳng được bao lâu nếu tình trạng khai thác cát tràn lan không được chấm dứt.

Con đường bị băm nát. 

Người dân khốn khổ vì con đường

Người dân khốn khổ, bị ảnh hưởng đủ đường nhiều năm vì con đường. 

Khi các cơ quan chức năng chưa ngăn chặn được tình trạng trên, 
người dân đành dựng gác chắn.


Mọi sự đau khổ đều bắt nguồn từ mỏ cát.


*****

Ninh Bình: Chiến sĩ CSGT hy sinh khi áp giải thuyền cát tặc
LĐO Trần Lâm 3:54 PM, 26/06/2016


Hoạt động hút cát trên sông Đáy đoạn qua Ninh Bình.

Ngày 26.6, Phòng Tham mưu, Công an tỉnh Ninh Bình cho biết, đơn vị đang tích cực điều ra làm rõ nguyên nhân vụ việc một chiến sỹ CSGT thuộc Phòng PC67 Công an tỉnh Ninh Bình hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ trên địa bàn tối 23.6 vừa qua. 

Đại tá Phạm Văn Hội - Trưởng phòng Tham mưu, Công an tỉnh Ninh Bình - cho biết, thực hiện kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh về đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên tuyến đường thủy nội địa và kế hoạch của Phòng Cảnh sát giao thông (PC67), tối 23.6, tổ công tác Cảnh sát giao thông đường thủy trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ hỗ trợ, áo phao phối hợp với phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) tiến hành kiểm tra, bắt giữ 4 phương tiện thủy khai thác cát trái phép trên tuyến sông Đáy đoạn giáp ranh giữa xã Hồi Ninh, huyện Kim Sơn (Ninh Bình) với xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Khoảng 23 giờ 40 phút cùng ngày, tổ công tác đã yêu cầu chủ các phương tiện chấm dứt hành vi vi phạm và đưa các phương tiện về trụ sở Đội Cảnh sát giao thông đường thủy để giải quyết. Trên đường đưa các phương tiện về trụ sở, tàu chở cát do Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1973), trú tại xóm 13, xã Nghĩa Phú, huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) là chủ phương tiện điều khiển đã bị chìm do trời tối, mưa to, gió lớn. Lúc này, ngoài chủ phương tiện trên tàu còn có Trung tá Đặng Tuấn Anh, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy và Đại úy Vũ Mạnh Hùng, cán bộ Đội Cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Phòng PC67. 

Vụ tai nạn đã khiến đồng chí Trung tá Đặng Tuấn Anh bị mất tích, đồng chí Vũ Mạnh Hùng bị thương. Đến 9 giờ 30 phút ngày 24.6, lực lượng chức năng mới tìm thấy thi thể đồng chí Đặng Tuấn Anh tại khu vực tàu bị đắm.

 Sáng 25.6, Công an tỉnh Ninh Bình phối hợp với gia đình tổ chức tang lễ cho Trung tá Đặng Tuấn Anh theo nghi thức Công an nhân dân. Trước mắt, Công an tỉnh Ninh Bình hỗ trợ toàn bộ chi phí tang lễ cho gia đình Trung tá Đặng Tuấn Anh. Đại úy Vũ Mạnh Hùng hiện đang được tích cực điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình.

 Hiện Công an tỉnh Ninh Bình tiếp tục điều tra về nguyên nhân vụ việc.


*****
“Cát tặc” tấn công, công an xã phải nhập viện
LĐO Trần Tuấn 10:51 AM, 01/09/2016 

Một tàu khai thác cát trái phép bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt giữ

Trong lúc ngăn chặn sà lan hút cát trái phép trên sông Ngàn Sâu, một công an viên của xã Ân Phú (Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã bị cát tặc tấn công gây thương tích
Ông Trần Văn Thư - Chủ tịch UBND xã Ân Phú - cho biết, chiều 31.8, nhận được tin báo của người dân, anh Đậu Văn Phượng (công an viên xã Ân Phú) cùng hai người khác thuộc Phòng TNMT Vũ Quang, công an huyện Vũ Quang lái xuồng máy ra khúc sông Ngàn Sâu (đoạn qua xã Ân Phú) để ngăn sà lan đang hút cát trái phép.
Lúc tiếp cận sà lan đang hút cát, tổ công tác bị Nguyễn Đình Sơn (30 tuổi, trú huyện Thanh Chương, Nghệ An) và Lê Quốc Khánh (27 tuổi, trú huyện Đức Thọ) điều khiển sà lan đâm thẳng vào xuồng máy.
Khi lực lượng chức năng nhắc nhở, Sơn và Khánh liền gây sự, dùng ống tuýp nước tấn công, đánh công an viên Đậu Văn Phượng bị thương ở chân. “Anh Phương bị trật bánh chè, hiện đã được chuyển ra Bệnh viện Đa khoa 115 Nghệ An điều trị”, ông Thư nói. Vụ việc hiện Công an huyện Vũ Quang đang tạm giữ Sơn và Khánh để làm rõ.


        Tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Ngàn Sâu.


*****
Tại sông Cổ Chiên, Bến Tre: Người dân kêu cứu vì “cát tặc” lộng hành
LĐ - 268 Thanh Huyền 11:37 AM, 29/09/2016 

“Cát tặc” ngang nhiên múc cát gần bờ gây bức xúc trong dân.

Hơn 3 tháng nay, 20 hộ dân ở hai ấp Bình Thanh và Bình An (xã Hòa Nghĩa, huyện Chợ Lách, Bến Tre) như “đứng trên đống lửa” vì bị “cát tặc” hoành hành cả ngày lẫn đêm. Người dân lo sợ mất đất, mất nhà nên gửi đơn kêu cứu tới cơ quan chức năng, nhưng chưa được giải quyết…

Theo đơn phản ánh của 20 hộ dân ở hai ấp Bình Thanh và Bình An, hơn 3 tháng nay tại khúc sông Cổ Chiên thuộc xã Hòa Nghĩa xuất hiện 1 chiếc xáng cần (loại ghe cần cẩu) múc cát cả ngày lẫn đêm. Người dân bức xúc bởi việc khai thác cát trái phép đã làm lở bãi bồi từ Vàm Kinh xuống phía hạ lưu sông Cổ Chiên dài trên 1km.

Hộ ông Lê Dương (71 tuổi, ấp Bình Thanh) phản ánh: “Ban ngày phương tiện khai thác cát cách bờ khoảng 200m, đêm đến lén lút đưa sát vào gần bờ múc cát. Đã 3 tháng nay rồi, hỏi đất cát nào mà chịu nổi, không sạt lở?”. Cũng theo phản ánh của người dân, khoảng vài năm trước, để gia cố đê bao dọc bờ sông Cổ Chiên đoạn thuộc xã Hòa Nghĩa, chính quyền địa phương thu thuế của dân theo đầu công đất (500.000 đồng/công) để làm đê. Vì lợi ích chung, người dân đồng lòng đóng thuế để làm đê bao. Tuy nhiên, nhiều năm nay tình trạng khai thác cát trái phép tràn lan khiến đê bao bị sạt lở nghiêm trọng. Để giữ đất, giữ vườn cây ăn trái, người dân phải tự bỏ kinh phí ra gia cố đê bao tự “cứu mình”.

Bà Nguyễn Thị Diền (ngoài 70 tuổi, ấp Bình Thanh) than thở, trước đây nhà bà cách bờ sông khoảng 200m. Nay sạt lở ngày càng nhiều, sông đã lấn sát vách nhà. “Nếu tình trạng khai thác cát cứ kéo dài, nhà tôi không biết sẽ bị đổ xuống sông lúc nào”- bà Diền lo lắng. Hộ ông Huỳnh Văn Bình (ấp Bình An) bức xúc: “Hơn 3 tháng nay người dân chúng tôi sống trong tâm trạng bất an bởi hằng đêm tiếng động cơ của xáng cần nổ ầm ầm, vang động cả xóm”. Nhiều người dân cho hay, nạn “cát tặc” hoành hành tại khúc sông này hơn 3 tháng nay diễn ra suốt ngày đêm nhưng không thấy cơ quan chức năng nào xử lý.

Hộ ông Bình cho biết, “chúng tôi đã nhiều lần đến trực tiếp chính quyền địa phương xã Hòa Nghĩa phản ánh nhưng được người có thẩm quyền của xã này trả lời xã không biết. Khi tôi cầm đơn lên Phòng Tài nguyên Môi trường (TNMT) huyện Chợ Lách phản ánh thì nhận được câu trả lời: “Huyện không cho khai thác cát, còn tỉnh có cấp phép cho khai thác hay không thì huyện không biết”. Quá bức xúc, người dân cho biết, họ sẽ gửi đơn lên tỉnh yêu cầu can thiệp.

Ông Nguyễn Văn Việt - Trưởng phòng TNMT huyện Chợ Lách thừa nhận, mỏ cát trên đã hết phép khai thác từ nhiều năm qua và ngành chức năng không cấp phép mới cho doanh nghiệp vào khai thác cát. “Qua phản ánh của người dân, chúng tôi có vài lần đi kiểm tra, phát hiện vi phạm và có xử phạt chủ phương tiện 1 lần với mức phạt 16 triệu đồng”- ông Việt nói. Ông Việt khẳng định, việc để xảy ra tình trạng khai thác cát nóng trên địa bàn xã nào là chủ tịch UBND xã đó phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện. Về phòng TNMT huyện chỉ kết hợp với đoàn liên ngành kiểm tra, nếu phát hiện sẽ xử phạt.

Theo phản ánh của người dân, mỗi lần có đoàn huyện xuống kiểm tra, là như có “nội tuyến” nên chủ phương tiện gác cần, dừng khai thác cát. Khi đoàn kiểm tra đi khỏi, phương tiện lại tiếp tục buông cần múc cát ngang nhiên. Trước thực trạng trên, người dân bày tỏ mong mỏi ngành chức năng sớm vào cuộc quyết liệt, xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát gần bờ trên để người dân an tâm sinh sống.








No comments: