Sunday, November 19, 2023

CON SÔNG TRÙ PHÚ NHẤT THẾ GIỚI ĐÁNG GIÁ NHƯ THẾ NÀO? ĐÂY LÀ ƯỚC TÍNH GIÁ TRỊ THIÊN NHIÊN CỦA CÁC CHUYÊN VIÊN

(How much is the world's most productive river worth? Here's how experts estimate the value of nature)

Stefan Lovgren – Bình Yên Đông lược dịch

The Conversation – April 4, 2023

 

Mekong ở Đông Nam Á (ĐNA) có thể là một con sông quan trọng nhất trên thế giới.  Được gọi là “mẹ của các sông,” nó là nơi cư trú của thủy sản nội địa lớn nhất trên thế giới, và những số lượng khổng lồ của phù sa mà nó vận chuyển nuôi dưỡng một số đất canh tác phì nhiêu nhất trên thế giới.  Hàng chục triệu người dựa vào nó để sinh sống.

Nhưng giá trị bằng tiền của nó như thế nào?  Có thể nào đặt một giá trị bằng USD cho vô số dịch vụ hệ sinh thái mà nó cung cấp, để giúp giữ cho những dịch vụ đó vững mạnh trong tương lai hay không?


Đó là cái mà các đồng nghiệp nghiên cứu của tôi và tôi đang cố gắng để tìm ra, chú trọng đến 2 quốc gia nắm giữ những vùng trù phú nhất của sông cho đánh cá và canh tác: Cambodia và Việt Nam.

 


Hiểu giá trị của một con sông rất cần để quản lý và lấy quyết định tốt, chẳng hạn như phát triển hạ tầng cơ sở và nơi để bảo vệ thiên nhiên.  Điều nầy đặc biệt đúng đối với Mekong, đã chịu áp lực lớn lao trong những năm gần đây vì đánh cá quá mức, xây đập và thay đổi khí hậu, và nơi mà các quyết định về các dự án phát triển thường không bao gồm chi phí môi trường.

“Các sông chẳng hạn như Mekong có tác dụng như những hệ thống hỗ trợ đời sống cho toàn thể khu vực,” Rafael Schmitt, khoa học gia cầm đầu Dự án Tư bản Thiên nhiên của Đại học Stanford đã nghiên cứu hệ thống Mekong trong nhiều năm, nói.  “Hiểu giá trị của chúng, bằng tiền, có thể quan trọng để phán xét công bằng các ảnh hưởng mà việc phát triển hạ tầng cơ sở sẽ có đối với những chức năng nầy.”

Nhưng tính toán trị giá đó không đơn giản.  Hầu hết các lợi ích tự nhiên mà một dòng sông mang lại là, một cách tự nhiên, ở dưới nước, và vì thế ẩn núp việc quan sát trực tiếp.  Các dịch vụ hệ sinh thái có thể khó để theo dõi vì các sông thường chảy qua những khoảng cách dài và thỉnh thoảng chảy qua biên giới quốc gia.

 


Đi vào việc tính toán tư bản thiên nhiên

Lý thuyết của tư bản thiên nhiên (natural capital) đề nghị rằng những dịch vụ hệ sinh thái cung cấp bởi thiên nhiên – chẳng hạn như lọc nước, ngừa lụt và vật liệu thô – có giá trị kinh tế phải được cứu xét khi lấy các quyết định ảnh hưởng đến các hệ thống nầy.

Một số người lập luận rằng đặt một cái giá tài chánh lên thiên nhiên là trái đạo đức, và rằng làm như thế hủy hoại động cơ thúc đẩy bên trong của con người để coi trọng và bảo vệ thiên nhiên.  Những người chỉ trích nói việc định giá thường không nắm toàn thể giá trị của dịch vụ thiên nhiên.

Những người ủng hộ nói rằng tính toán tư bản thiên nhiên đặt một địa vị nổi bật lên giá trị của hệ thống thiên nhiên khi so sánh với các áp lực thương mại.  Họ nói nó mang tính rõ ràng đến cho những lợi ích thiên nhiên thay vì bị che khuất, sử dụng từ ngữ để các nhà làm chánh sách có thể hiểu và sử dụng tốt hơn.

Một vài quốc gia đã kết hợp việc tính toán tư bản thiên nhiên trong những năm gần đây, gồm có Costa Rica, Canada và Botswana.  Thường thường, điều đó đã đưa đến việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên tốt hơn, chẳng hạn như rừng đước bảo vệ các bờ biển mong manh.  Chánh phủ Hoa Kỳ cũng loan báo một chiến lược trong năm 2023 để bắt đầu phát triển khoa học đo đạc để tính toán trị giá của tài sản thiên nhiên căn bản, chẳng hạn như khoáng sản, rừng và sông quan trọng.

Tuy nhiên, các nghiên cứu tư bản thiên nhiên phần lớn chú trọng đền các hệ sinh thái trên mặt đất, nơi được-mất giữa can thiệp và bảo tồn của con người dễ thấy hơn.

Khi định giá trị của sông, những thách thức sâu rộng hơn nhiều.  “Nếu anh phá một khu rừng, ảnh hưởng được thấy trực tiếp,” Schmitt chỉ ra.  “Một con sông có thể nhìn như nguyên thủy, nhưng chức năng của nó có thể thay đổi lớn lao bởi 1 đập ở xa.”

 


Tính toán cho thủy điện

Thủy điện cung cấp 1 thí dụ của những thách thức trong việc lấy quyết định về sông mà không hiểu đầy đủ trị giá của nó.  Thường thì việc tính trị giá của 1 đập thủy điện dễ hơn trị giá của cá và phù sa trong sông và sau cùng trở thành đất canh tác phì nhiêu.

Các sông của lưu vực Mekong đã được khai thác rộng rãi cho việc sản xuất điện trong những thập niên gần đây, với việc nẩy nở của đập ở Trung Hoa, Lào và nơi khác.  Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitoring (MDM)), do Trung tâm Stimson bất vụ lợi điều hành, theo dõi các đập và ảnh hưởng môi trường của chúng trong lưu vực Mekong gần như tức thời.

Mặc dù thủy điện rõ ràng là một lợi ích kinh tế - cung cấp điện cho nhà cửa và doanh nghiệp, và đóng góp vào GDP của quốc gia – các đập cũng thay đổi dòng chảy của sông và ngăn chận việc di chuyển của cá và chuyên chở phù sa.

Hạn hán trong Mekong trong những năm gần đây, liên kết với El Niño và tồi tệ thêm bởi thay đổi khí hậu, càng tồi tệ thêm vì các nhà điều hành đập giữ nước lại.  Điều đó làm cho mực nước xuống đến mức thấp kỷ lục, với những hậu quả tàn phá thủy sản.  Trong hồ Tonle Sap, hồ lớn nhất ĐNA và là trái tim của thủy sản Mekong, hàng ngàn ngư dân buộc phải bỏ nghề, và nhiều thủy sản thương mại phải đóng cửa.

Một dự án đang bị xoi mói hiện nay trong lưu vực Mekong là 1 đập nhỏ đang được xây trên sông Sekong, một phụ lưu, ở Lào gần biên giới Cambodia.  Mặc dù đập dự trù sản xuất một số điện nhỏ, các nghiên cứu sơ khởi cho thấy nó sẽ có ảnh hưởng tiêu cực lớn lao đối với dân số của nhiều loại di ngư trong Sekong, là phụ lưu chảy tự do cuối cùng trong lưu vực sông Mekong.

 


Định giá ‘mạch máu của khu vực’

Sông Mekong bắt nguồn ở cao nguyên Tây Tạng và chảy qua 2.700 miles (khoảng 4.350 km) qua 6 quốc gia trước khi dổ ra Biển Đông.

Hạ lưu sông Mekong. [Nguồn: USGS]

Tính phong phú sinh thái và sinh học của nó đáng kể rõ ràng.  Hệ thống sông là nơi cư trú của trên 1.000 loại cá, và số cá đánh được hàng năm chỉ trong hạ lưu vực, bên dưới Trung Hoa, được ước tính trên 2 triệu tấn.

“Sông là mạch máu của khu vực trong nhiều thế kỷ,” Zeb Hogan, một nhà sinh học của Đại học Nevada, Reno, người cầm đầu dự án nghiên cứu Kỳ quan của Mekong (Wonders of the Mekong) mà tôi tham gia, nói.  “Nó là nguồn tái tạo cuối cùng – nếu nó được hoạt động thích đáng.”

Nhưng thiết lập trị giá tài chánh của cá thì phức tạp hơn nó thấy.  Nhiều người trong khu vực Mekong là ngư dân để kiếm sống, đối với họ cá không có hay có ít trị giá thị trường nhưng quan trọng cho sự sống còn của họ.

Sông cũng là nơi cư trú của một số cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới, như các đuối và cá tra dầu khổng lồ và là loại có nguy cơ tuyệt chủng cao.  “Làm thế nào để anh định giá quyền hiện hữu của một chủng loại?” Hogan hỏi.

Phù sa, bón phân cho các đồng lụt và xây nên Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tương đối dễ để định lượng, Schmitt, nhà khoa học Stanford nói.  Theo phân tích của ông, Mekong, trong tình trạng thiên nhiên của nó, vận chuyển 160 triệu tấn phù sa mỗi năm.

Tuy nhiên, các đập chỉ cho qua khoảng 50 triệu tấn, trong khi khai thác cát ở Cambodia và Việt Nam lấy đi 90 triệu tấn, có nghĩa là nhiều phù sa bị ngăn chận và lấy đi từ sông hơn số lượng nó đưa đên nơi đến tự nhiên của nó.  Kết quả là, ĐBSCL, thay vì nhận được nhiều phù sa một cách tự nhiên, đã bị sạt lở sông lớn lao, với hàng ngàn nhà bị cuốn trôi đi.

Tiềm năng được chỉ định ‘khu di sản thế giới’

Các dịch vụ thiên nhiên của sông cũng có thể bao gồm những lợi ích văn hóa và xã hội có thể khó để đặt những trị giá tiền bạc.

Một đề nghị mới tìm cách để chỉ định một khúc sông giàu sinh học của sông Mekong ở miền bắc Cambodia như một Khu Di sàn Thế giới UNESCO.  Nếu thành công,việc chỉ định như thế có thể mang với nó một số uy tín nào đó rất khó để tính bằng con số.

Tính phức tạp của sông Mekong khiến cho dự án của chúng tôi là một cam đoan đầy thử thách.  Cùng lúc, tính đa dạng phong phú của những lợi ích thiên nhiên mà Mekong cung cấp làm cho công việc nầy quan trọng, để các quyết định trong tương lai có thể được lấy dựa trên các chi phí thật sự.


No comments:

Post a Comment