Sunday, May 16, 2021

* HOA KỲ BÀY TỎ LO NGẠI VỀ CÁC ĐẬP CỦA TRUNG HOA Ở THƯỢNG LƯU VỰC SÔNG MEKONG

 (US raises concerns over China's upstream dams on Mekong river basin)

ANI – Bình Yên Đông lược dịch

ANINews – March 1, 2021

 


Washington [US], March 1 (ANI): Bày tỏ lo ngại vì mực nước xuống thấp của sông Mekong và các đập Trung Hoa ở thượng lưu, Đại sứ Atul Keshap, Phụ tá Ngoại trưởng phụ trách các Vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng các đập của Trung Hoa ở thượng lưu khiến cho hạn hán thêm tồi tệ đang gây tác hại cho các cộng đồng và hệ sinh thái, trong nhiều thế hệ, đã dựa vào nhịp lũ tự nhiên của sông Mekong.

Phát biểu tại hội nghị Ấn Độ-Thái Bình Dương về Tăng cường Cai quản Sông Xuyên Biên giới hôm Thứ Bảy (giờ địa phương), Keshap nói phúc trình của hội nghị được công bố tại sự kiện rất tuyệt hảo và tóm tắt công tác của chúng ta để cứu xét những thách thức đối diện với lưu vực sông Mekong và ràng buộc với kinh tế, cuộc sống, và văn hóa của gần 70 triệu người.

“Chúng tôi lo ngại như trong hội nghị tháng 10 – đã ghi nhận hạn hán kỷ lục và các đập ở thượng lưu Trung Hoa làm tồi tệ thêm đang gây tác hại cho các cộng đồng và hệ sinh thái đã dựa vào nhịp lũ tự nhiên của sông Mekong trong vô số thế hệ,” ông nói với Frontier Post.

Trong phần phát biểu của ông, nhà ngoại giao ghi nhận những hậu quả bi thảm cho an ninh lương thực, phát triển kinh tế, và môi trường.

“Rõ ràng là các đập ở thượng lưu đang giữ lại nước mà thiếu phối hợp hay thông báo, làm tăng thêm các thách thức an ninh nước không cần thiết mà các cộng đồng Mekong đang đối mặt,” ông nói.

Về Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), ông nói rằng, tuần rồi, MRC lại kêu gọi Trung Hoa chia sẻ đúng lúc dữ kiện nước cần thiết.  Tuyên bố nầy hưởng ứng với cái mà MRC gọi là sự tụt giảm “đáng lo ngại” của mực nước sông Mekong gần đây.

“Hoa Kỳ và các đối tác của chúng tôi đã phát triển Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor) để cung cấp tin tức về việc sử dụng nước tốt hơn.  Các nhà điều hành đập ở thượng lưu cần minh bạch và tham vấn với các nước láng giềng ở hạ lưu nhiều hơn,” nhà ngoại giao nói.

Nhà ngoại giao lưu ý lời tuyên bố của MRC về thỏa thuận với Beijing trong năm 2020 để chia sẻ dữ kiện mưa và mực nước quanh năm và thông báo với MRC về sự lên xuống bất thường của mực nước.  Rõ ràng Trung Hoa đã không giữ lời cam kết nầy, Keshap nói.

Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ MRC từ nhiều thập niên và vẫn cam kết để chia sẻ kinh nghiệm và cộng tác với các bạn để bảo tồn tự chủ của khu vực Mekong.

Ngoài ra, nhà ngoại giao tuyên bố rằng Hoa Kỳ cam kết theo đuổi các ý tưởng được thảo luận tại hội nghị và trong phúc trình nầy.  Chúng tôi ủng hộ người dân Mekong và tương lai của sông Mekong.

Từ năm 2009, Hoa Kỳ đã đầu tư trên 3,5 tỉ USD viện trợ cho các quốc gia Mekong, gồm có 1,2 tỉ USD cho các chương trình y tế, 734 triệu USD cho tăng trưởng kinh tế, 616 triệu USD cho hòa bình và an ninh, 527 triệu USD cho nhân quyền và cai quản, 258 triệu USD cho giáo dục và các dịch vụ xã hội và 165 triệu USD cho viện trợ nhân đạo.

Keshap cũng nói thêm rằng, hồi năm ngoái, họ đã phát động Hợp tác Hoa Kỳ-Mekong (US-Mekong Partnership (USMP)) để phối hợp sâu rộng hơn.

Qua USMP, Hoa Kỳ đang hợp tác với Cambodia, Lào, Burma [Myanmar], Thái Lan và Việt Nam trong các giải pháp cho các thách thức mới, gồm có quản lý tài nguyên xuyên biên giới, nối kết kinh tế khu vực và phát triển nhân sự, và các vấn đề an ninh ngoại lệ như an ninh y tế, ma túy, vũ khí, buôn lậu người và thú hoang, Frontier Post tường trình.

Keshap cũng cam kết cộng tác qua Sáng kiến Dữ kiện Nước Mekong (Mekong Water Data Initiative) để cải thiện việc chia sẻ dữ kiện nước, gồm có việc hỗ trợ cho Theo dõi Đập Mekong.  Ông cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ đang trau dồi tài năng và khéo léo của người dân Mekong qua các chương trình như Viện Sáng kiến Lãnh đạo Trẻ Đông Nam Á (Young Southeast Asian Leaders Initiative Academy) ở Đại học Fulbright Việt Nam và Chương trình Khoa học gia Trẻ (Young Scientists Program).

.

No comments:

Post a Comment