(Envoys refute China’s water hegemony on Mekong River with in-person visits)
Hu Yuwei – Bình Yên Đông lược dịch
Global Times – May 10, 2021
Trạm thủy điện Jinghong trong tỉnh Yunnan ở tây nam Trung Hoa. [Ảnh: Hu Yuwei]
.
Nằm trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) ở Tây Nam Trung Hoa, hồ chứa nước của Trạm Thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) lấp lánh với sóng nước màu xanh lá cây hòa vào bầu trời xanh cuối tháng 4 khi các nhà ngoại giao từ các quốc gia Mekong đến viếng thăm. Điều nầy đã cho họ một nhận thức hoàn toàn mới về vai trò của các đập do Trung Hoa xây trên sông Lancang, thượng lưu của sông Mekong nối liền 6 quốc gia duyên hà.
Các trạm thủy điện Jinghong và Nuozhadu (Nọa Trát Độ), được xây trên sông Lancang, từng là mục tiêu của nghi ngờ và tấn công của truyền thông Tây phương và một số lực lượng chánh trị mô tả chúng như là cửa ngỏ cho “bá quyền nước” của Trung Hoa trên sông Mekong qua việc kiểm soát thủy lộ bằng các đập.
Tuy nhiên, “Thấy là Tin” đã trở nên từ ngữ thông dụng nhất trong 4 ngày thăm viếng các trạm thủy điện của các đặc sứ từ 6 quốc gia duyên hà. Những người khách đã công nhận những nỗ lực của Trung Hoa để bảo đảm nhu cầu nước ở hạ lưu trong mùa nắng và mùa mưa và để kiểm soát lũ lụt như “một láng giềng có trách nhiệm ở thượng lưu,” trong khi tìm hiểu về việc điều hành và kỹ thuật của các dự án thủy điện và sự đóng góp tiềm tàng của chúng trong việc điều tiết lũ lụt và quản lý hạn hán.
Công nhận qua quan sát tận mắt
Một vài lực lượng chánh trị hay các NGOs được chánh quyền hậu thuẫn từ một số quốc gia tiếp tục chỉ trích vai trò của Trung Hoa trong khu vực Mekong trong những năm gần đây và phóng đại “đe dọa đập” của Trung Hoa chỉ với bằng chứng và nguồn tin yếu kém.
Tuy nhiên, công nhận của các chuyên viên quốc tế và nhiều ấn bản nghiên cứu hàn lâm được duyệt nhóm đã bác bỏ lý lẽ của những cáo buộc không có cơ sở đó bằng cách dựa vào bằng chứng khoa học cho thấy rằng hạn hán ở hạ lưu phần lớn là do mưa ít và thời tiết cực đoan.
Những cáo buộc đó biến thành quỹ và phóng đại ảnh hưởng của Trung Hoa trong khu vực, nhưng sự thật là lưu vực sông Lancang chỉ chiếm có 20% của toàn thể Lưu vực sông Lancang-Mekong, trong khi lượng chảy tràn chỉ chiếm 13,5%, và mức tiêu thụ nước chỉ bằng 0,6% lượng chảy tràn của toàn lưu vực, Zhong Young, trưởng Nhóm Công tác Hỗn hợp về Hợp tác Thủy lợi của LMC [Lancang-Mekong Cooperation (Hợp tác Lancang-Mekong)] của Trung Hoa, nói với Global Times.
Các nhà nghiên cứu độc lập của Trung Hoa và các quốc gia Mekong khác, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và các tổ chức quốc tế cho thấy rằng lượng nước chảy tràn của Lancang giảm dọc theo dòng chánh trong khi một số lớn phụ lưu ở trung và hạ lưu Mekong đóng góp một lưu lượng cao.
Nhưng trách nhiệm của Trung Hoa không bao giờ ngừng. Dữ kiện mới nhất cho thấy trong 2 tháng qua, Trạm Thủy điện Jinghong đã xả nước nhiều hơn lưu lượng trung bình tự nhiên được đo đạc trong sông Mekong trong mùa khô hiện nay.
“Khi tôi nghe các quốc gia Tây phương nói về thiệt hại do các đập của Trung Hoa gây ra cho sông Mekong, tôi cảm thấy nó rất nghiêm trọng. Nhưng khi tôi đến để thấy, sự thật hoàn toàn khác với cái họ nói. Các đập rất tốt để bảo vệ môi trường và thú hiếm, và nhất là để ngừa lũ lụt và hạn hán trong các quốc gia ở hạ lưu,” Sreng Sataro, đặc sứ của Tòa Đại sứ Cambodia ở Trung Hoa, nói với Global Tiems sau chuyến viếng thăm. “Anh thấy truyền thông Tây phương bỏ qua sự kiện như họ làm với quốc gia của tôi,” ông ghi nhận.
Một số phái đoàn từ các quốc gia duyên hà nói với Global Times rằng cuộc thăm viếng đã thay đổi nhận thức của họ về các dự án thủy điện ở thượng lưu.
“Không chắc để nói các đập của Trung Hoa đang gây vấn đề ở hạ lưu. Một số đập ở Lào có sự tham dự của các chuyên viên Trung Hoa. Họ đã làm rất tốt để cải thiện điều kiện sống của người dân và mang thêm công việc,” Thongsavanh Phyathep, đặc sứ của Tòa Đại sứ Lào ở Trung Hoa, nói với Global Times.
“Chúng tôi lo ngại về việc xây đập nhưng khi chúng tôi thấy cái mà chúng đã làm, tôi cảm thấy mừng. Chúng giữ cho thiên nhiên được tốt. Nó có vẻ rất an toàn. Đây là một kinh nghiệm tốt mà tôi thấy bằng mắt ngày hôm nay,” Phyathep nói.
Đặc sứ của các quốc gia viếng thăm Trạm Thủy điện Jinghong trong tỉnh Yunnan ở Tây Nam Trung Hoa ngày 28 tháng 4 và tìm hiểu về kỹ thuật trong việc điều tiết nước khi có lũ lụt và hạn hán. [Ảnh: Hu Yuwei]
.
“Năm 2016, các quốc gia sông Mekong gánh chịu trận hạn hán tồi tệ nhất trong 100 năm. Trung Hoa đã có những nỗ lực đúng lúc để xả nước từ đập vào khu vực hạ lưu Mekong và đã giảm nhẹ có hiệu quả hạn hán trong các quốc gia Mekong đó,” Htun Htun Oo, đệ nhị bí thư của Tòa Đại sứ Myanmar ở Trung Hoa, nói.
Mongkol Visitstump, tổng lãnh sự của Thái Lan ở Kunming (Côn Minh), Yunnan cũng cám ơn cuộc viếng thăm và nói rằng nó cho phép chúng tôi “hiểu tình hình thật sự của sông Lancang và vùng thượng lưu ở Trung Hoa bằng chính mắt của chúng tôi và thu thập tin tức từ chính tai và có thể học hỏi với tinh thần cởi mở.”
Đầu tư liên tục vào môi trường
Các đặc sứ rất cảm kích với “những lề lối thực hành tốt của các nhà phát triển đập trong việc chăm sóc môi trường chung quanh” sau khi thăm viếng một làng tái định cư sinh động, một trạm gây giống cá và một trạm cứu nạn thú vật, cùng với Trạm Thủy điện Nuozhadu, tất cả là một phần của các nỗ lực của chánh quyền địa phương để duy trì đa dạng sinh học.
Trong cuộc viếng thăm, Global Times được biết rằng Trung Hoa đã cứu xét ảnh hưởng của việc xây các trạm thủy điện trên sông Lancang đối với hệ sinh thái ở hạ lưu và đã điều chỉnh một số kế hoạch của dự án để bảo đảm cho các lòng lạch của di ngư không bị ảnh hưởng.
Việc xây cất các dự án thủy điện bao gồm nhiều phương pháp lấy nước và sự tăng trưởng của cá và các trạm thả cá để bảo vệ các loại cá ở địa phương.
“Chúng tôi thường điều chỉnh nhiệt độ của nước cho việc sinh sản của cá và theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của cá theo tiêu chuẩn quốc gia,” Zhou Jian, phó chủ tịch của Công ty Thủy điện sông Lancang Huaneng, nói với Global Times trong cuộc viếng thăm.
Chánh quyền địa phương và các nhà thầu không những cứu xét áp lực của nhu cầu nước đối với sinh thái sông mà còn đầu tư một số tiền lớn để tối ưu hóa thiết kế kỹ thuật và xây các trạm gây giống và thả cá để giảm thiểu ảnh hưởng tai hại cho môi trường ở hạ lưu.
Các nhà thầu dời các cây cối quý giá nằm trong hồ chứa của đập đến một vườn bách thảo riêng biệt để bảo tồn. Họ cũng giữ các loại cây ít có khả năng sinh sản trong hồ chứa qua việc gây giống nhân tạo, Zhou nói.
Các nhà khoa học bảo tồn một loại lúa có nguy cơ tuyệt chủng ở vườn bách thảo của Trạm Thủy điện Nuozhadu. [Ảnh: cnsphoto]
Thách thức cần cộng tác minh bạch
Nước đã trở thành một trong những vấn đề cốt lõi cho việc phát triển khả chấp của 6 quốc gia duyên hà. Điều nầy nằm trong bản chất của mâu thuẫn giữa cai quản nước và áp lực ngày càng tăng để thực hiện phát triển khả chấp nguồn nước, Zhong nói, nhấn mạnh rằng sự cần thiết và quan điểm chung để các quốc gia Mekong thắt chặt hơn để phát triển thêm.
Tình hình đã khiến cho 6 quốc gia duyên hà phát triển việc hợp tác nguồn nước mạnh mẽ hơn qua đường lối cởi mở và minh bạch hơn, các đặc sứ nói.
Từ năm 2003, Bộ Thủy lợi Trung Hoa đã cung cấp dữ kiện thủy học sông Lancang trong mùa lũ cũng như bão tố, hạn hán và tin tức về lũ quét và tình hình bất thường cho Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam trong 18 năm liên tục. Điều nầy đã giúp ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại của tại họa trong các quốc gia Mekong.
Các đặc sứ cũng khen ngợi Trung Hoa đã bắt đầu chia sẻ dữ kiện thủy học quanh năm với các quốc gia Mekong kể từ tháng 11 năm 2020, và các nỗ lực để phát động một diễn đàn chia sẻ tin tức để cho việc trao đổi có hiệu quả hơn.
.
No comments:
Post a Comment