Monday, February 1, 2021

TRUNG HOA CHUYỂN DÒNG CHẢY Ở THƯỢNG LƯU MEKONG LÀM KHÔ CẠN ĐÔNG NAM Á

 (China’s Diversion of Upstream Mekong Flows Seen Drying Up Southeast Asia)

Ralph Jennings – Bình Yên Đông lược dịch

VOANews - January 28, 2021

Đập Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn) trên thượng lưu Mekong trong tỉnh Yunnan (Vân Nam), Trung Hoa.

TAIPEI – Các phân tích viên nói giới chức Trung Hoa đang chuyển nhiều nước từ các đập dọc theo hệ thống thượng lưu sông Mekong khiến cho các quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) khô cạn ngay trong mùa canh tác và quay sang các cường quốc khác để nhờ giúp.

 

Mười một đập của Trung Hoa ở vùng tây nam khiến hầu hết hạ lưu Mekong, với dân số khoảng 60 triệu người, khô cạn từ năm 2019, theo dữ kiện của Trung tâm Stimson ở Washington.  Các quốc gia bị ảnh hưởng – Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam – ít khi than phiền vì họ nhỏ hơn Trung Hoa và vì mối liên hệ giữa một số lãnh đạo với Beijing (Bắc Kinh), các phân tích viên nói.

Giới chức đập Trung Hoa thường chuyển nước nhưng gia tăng dòng chảy trước các sự kiện với các giới chức ĐNA để có một hình ảnh tốt.  Thitinan Pongsudhirak, một giảng sư khoa học chánh trị của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nói.  Họ chuyển nước cho thủy nông và sản xuất điện. [Lời người dịch: Cho đến nay, không có bằng chứng cho thấy Trung Hoa sử dụng nước từ các đập trên Lancang cho mục đích thủy nông.]

“Rõ ràng là Trung Hoa đang dùng các đập cho cán cân chánh trị,” ông nói, có nghĩa là họ tăng số nước được xả khi họ muốn cải thiện mối liên hệ với các quốc gia ở hạ lưu.

“Trong mùa nước thấp, mùa khô, dĩ nhiên đây là một thách thức lớn nhất cho các quốc gia ở hạ lưu,” ông nói.

Beijing (Bắc Kinh) bắt đầu chia sẻ dữ kiện sông Mekong ở thượng lưu trong tháng 11 qua một diễn đàn trên mạng mà họ đã dựng lên để cung cấp “các dịch vụ cảnh báo sớm và tiên đoán đáng tin cậy” về lũ lụt và hạn hán.  Trang mạng do nhà nước Trung Hoa kiểm soát, Global Times, nói trong tháng 12.  Lào, Myanmar, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam có thể lấy dữ kiện từ 2 trạm thủy học của Trung Hoa trong thượng lưu vực Mekong, bài báo nói.

“Ảnh hưởng tàn khốc”

Nhưng các chuyên viên tin rằng nỗ lực chuyển sự chú ý từ các vấn đề mà Trung Hoa đã gây ra bởi cái mà Trung tâm Stimson gọi là “tích” – giữ - nước ở thượng lưu trước khi nó có thể chảy qua ĐNA để ra biển.

Hạ lưu vực hỗ trợ các đồng lúa ở xung quanh và nền thủy sản nước ngọt lớn nhất thế giới.  Nói chung, hệ thống hạ lưu Mekong cung cấp cho người dân trong lưu vực với khoảng 80% chất đạm động vật, International Rivers có trụ sở ở California cho biết trên mạng của họ.

“Việc xây cất đập của Trung Hoa trên thượng lưu Mekong có ảnh hưởng tàn khốc đến các quốc gia ở hạ lưu, và hàng chục đập được dự trù hay đang xây cất trong hạ lưu vực Mekong,” International Rivers nói.  “Việc bành trướng thủy điện nhanh chóng nầy đe dọa tất cả các quốc gia cùng chia sẻ hạ lưu vực Mekong, với các quốc gia ở cuối nguồn như Cambodia và Việt Nam có nguy cơ lớn nhất.”

Trong đợt hạn hán trong lưu vực Mekong năm 2019, các nhánh ở thượng lưu Trung Hoa nhận lượng mưa kỷ lục nhưng các đập giữ gần hết dòng chảy, trang mạng của Trung tâm Stimson nói.  Nếu không có việc giữ nước đó, Mekong dọc theo biên giới Thái-Lào phải có dòng chảy trên trung bình từ tháng 4 năm 2019 về sau.

“Điều nầy một phần là do một tình trạng lâu dài đã thúc đẩy một số hạn hán,” cơ quan nghiên cứu nói.  “Tần suất hạn hán gia tăng trong hạ lưu vực phù hợp với cung cách mà Trung Hoa giới hạn nước ở thượng lưu trong mùa khô.”

Từ khi đập Nuozhadu (Nọa Trát Độ) hoàn tất năm 2012, một phần của Mekong ở Trung Hoa trong tỉnh Yunnan (Vân Nam), có tên là Lancang, các đập của Trung Hoa, nói chung, đã giữ nhiều nước hơn 20 năm trước, Trung tâm Stimson nói. [Lời người dịch:  Đây không phải là điều đáng ngạc nhiên, vì có nhiều đập thỉ nước được trữ lại nhiều hơn.]

Các đập của Trung Hoa cũng bị nghi là gây ngập lụt, chẳng hạn như các trận lụt cách đây 13 năm dọc theo sông Mekong ở Lào.  Nuozhadu và đập Trung Hoa khác, đập Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn), hoàn tất năm 2003 và cũng trên Lancang, đã xả nước “thình lình” gây ngập lụt ở nhiều nơi ở hạ lưu và gây thiệt hại hàng triệu USD, cơ quan nghiên cứu nói thêm. [Lời người dịch: Theo nguyên tắc thủy học, các đập có thể làm giảm chứ không gây lũ lụt.]

Global Times của Trung Hoa nói lũ lụt và hạn hán năm 2019 và 2020 là do thay đổi khí hậu.

“Nó sẽ rất lớn lao”

Ở Cambodia, việc chuyển nước ở thượng lưu đã làm suy yếu dòng chảy để nâng mực nước trong hồ Tonle Sap, Phil Robertson, phó giám đốc Á Châu của Human Rights Watch, nói.  Thông thường, nước cao làm ngập vùng đất chung quanh và tạo thành nơi sinh sản của cá.  Hồ và đồng lụt lân cận cung cấp 165 kg cá trong mỗi hectare.

Ngập lụt từng kéo dài 3 tháng, nhưng nay, chấm dứt sau 6 tuần, ông nói.  Khoảng 60% người Cambodia ăn chất đạm từ cá trong hồ, ông nói thêm.

“Dòng chảy ít hơn xuống hạ lưu để đẩy nước vào hồ,” Robertson nói.  “Đó là cốt lõi của mùa ở Cambodia, và nếu nó ngưng, nó sẽ rất lớn lao.”

Cambodia, giống như các quốc gia ở hạ lưu Mekong khác, không phản đối Trung Hoa công khai về dòng chảy của sông.  Các quốc gia nầy thiếu sức mạnh thương thuyết với Trung Hoa, quốc gia có kinh tế và quân sự lớn nhất vùng.  Cambodia và Lào nghèo khó tùy thuộc nặng nề vào Trung Hoa để được viện trợ và đầu tư hạ tầng cơ sở.  Lào được lợi từ các đập của họ, với Thái Lan tài trợ và nhập cảng điện, Thitinan nói.

Việt Nam được xem là quốc gia hạ lưu bị ảnh hưởng nhiều nhất khi Mekong chảy vào Biển Đông gần thành phố Hồ Chí Minh.  Nước mặn xâm nhập từ biển làm vấn đề thêm trầm trọng và làm cho hạn hán năm 2019 và 2020 tồi tệ, theo dữ kiện của Liên Hiệp Quốc.

“Giới chức trong quốc gia, là đối thủ hàng thế kỷ với Trung Hoa, không có cách để nước được xả nhiều hơn,” Alexander Vuving, giảng sư ở Trung tâm Nghiên cứu An ninh Á Châu-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Hawaii, nói.

“Đương nhiên, Việt Nam có nhiều quan tâm trong việc chống lại Trung Hoa trong khu vực, nhưng ngay bây giờ, khuynh hướng tôi thấy là Việt Nam ở về phía thua,” Vuving nói.  “Họ không có phương tiện để đối phó với Trung Hoa.”

Trung Hoa tiếp tục xây đập dọc theo thượng lưu Mekong và các phụ lưu.  Lào đang đi theo, Thitinan nói.

Mặc dù 4 quốc gia hạ lưu Mekong có một tổ chức giám sát, Ủy hội Sông Mekong, nay họ đang hướng về Hoa Kỳ và các quốc gia khác để được giúp trong việc chống lại Trung Hoa.

Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ (Mekong-U.S. Partnership) được thành lập trong tháng 9 để cung cấp các biện pháp chống hạn và 6 triệu USD cho công tác bao gồm việc tiếp cận dữ kiện cho mục đích quy hoạch của chánh phủ.

Theo dõi từ xa và dữ kiện vệ tinh được sưu tập bởi Hoa Kỳ trong tháng nầy cho thấy mực nước tụt giảm 1 m trong vùng phía bắc của huyện Chiang Saen dọc theo sông Mekong ở Thái Lan là do đập của Trung Hoa, báo chí ở Á Châu loan báo.  Nhật bản đang giúp lục địa ĐNA tăng tốc phát triển kỹ nghệ và hạ tầng cơ sở để làm cho các quốc gia nầy ít lệ thuộc vào canh tác.

No comments:

Post a Comment