Monday, February 8, 2021

THÁI LAN BÁC BỎ PHÚC TRÌNH KỸ THUẬT MỚI VỀ ĐẬP LỚN ĐƯỢC LÀO DỰ TRÙ TRÊN DÒNG CHÁNH MEKONG

 (Thailand Rejects New Technical Report on Planned Large Lao Mekong Mainstream Dam)

Radio Free Asia – Bình Yên Đông lược dịch

January 24, 2021

 

Thái Lan đã bác bỏ một phúc trình kỹ thuật mới cho dự án đập Sanakham của Lào, một trong 9 đập lớn trên dòng chánh Mekong nằm trong chiến lược kinh tế đầy tranh cãi của Vientiane để trở thành “Bình điện của Đông Nam Á.”

Đập Sanakham có công suất 648 MW là một trong 7 đập đang được hoạch định trong các giai đoạn khác nhau.  Với chi phí khoảng 2 tỉ USD, nó sẽ mất 8 năm để hoàn tất khi việc xây cất bắt đầu trong tỉnh Xayaburi ở tây bắc Lào.

Văn phòng Quốc gia Thủy lợi của Thái Lan nói với RFA ở Lào hôm Thứ Ba rằng họ không chấp nhận các sửa đổi được đệ nạp ngày 15 tháng 1 cho Ủy ban Quốc gia Mekong Thái Lan của nhà phát triển Datang Corporation của Trung Hoa.

“Văn phòng của chúng tôi và Ủy ban Mekong kết luận rằng tin tức trong phúc trình mới vẫn chưa đủ.  Cần phải nghiên cứu thêm,” Somkiat Prajamwong, tổng thư ký của văn phòng nói.

Somkiat nói phúc trình không có dữ kiện về ảnh hưởng đối với môi trường hay ảnh hưởng đối với người dân sống ngay dưới đập được đề nghị.  Ông kêu gọi nhà phát triển thực hiện việc đánh giá ảnh hưởng môi trường rộng rãi và bổ chính một lần nữa trước lần tham vấn sắp tới.

RFA liên lạc với Bộ Năng lượng và Hầm mỏ Lào, nhưng không ai trả lời các câu hỏi về dự án đập Sanakham.

Tuy nhiên, bộ nói với truyền thông Thái trong tháng 12 rằng họ sẽ thanh thỏa với tất cả yêu cầu để tiến hành dự án và họ đang chờ ý kiến từ các thành viên khác của Ủy hội Sông Mekong, một cơ quan liên chánh phủ cộng tác với các chánh phủ Lào, Việt Nam, Thái Lan và Cambodia, để quản lý tài nguyên của con sông dài 4.350 km.

Đập Sanakham được dự trù xây trên sông Mekong, phía bắc của làng Veukham trong huyện Kenthao của tỉnh Xayaburi.  Dự án sẽ dời cư 3.000 người trong 13 làng.

Người dân sống gần vị trí xây đập nói với RFA rằng họ có thể bị buộc phải dời cư, và họ lo ngại rằng đập sẽ gây nguy hại cho số cá ở địa phương.

“Đập sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng đến số cá, và chúng tôi không biết sẽ được bồi thường như thế nào,” một người dân ở Kenthao nói với RFA với điều kiện ẩn danh.

Một người dân khác của huyện bày tỏ lo ngại về tài sản của ông, nói: “Chúng tôi không biết phải đi đâu, hay có được bồi thường hay không.  Nhà phát triển đập đã đến đây, và họ đã khảo sát và thu thập tin tức.”

Kiểm tra được dự trù

Lào có kế hoạch thực hiện kiểm tra an toàn cho 79 đập trên Mekong và các phụ lưu.

“Chúng tôi đang dự trù kiểm tra các đập trước và sau mùa mưa mỗi 5 năm,” một viên chức của Nha Quản lý Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng và Hầm mỏ nói với RFA hôm Thứ Năm.

“Nếu các nhược điểm được phát hiện, các nhà phát triển đập phải sửa chữa.  Rồi đập đã sửa chữa phải qua kiểm tra của bộ một lần nữa,” viên chức nói.

Theo viên chức nầy, bộ đã kiểm tra 55 đập từ năm 2019, và thấy 10 đập nhỏ hơn không được xây đúng tiêu chuẩn.  Bộ cũng thực hiện tập dợt an toàn và thử các hệ thống báo động khẩn cấp của một số đập.

Một loạt kiểm tra gồm có đập Xe Pian-Xe Namnoi, bị vỡ trong tháng 7 năm 2018, gây nên tai họa được mô tả là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên ở Lào.

Nước cuốn và bùn đã giết chết 71 người và cuốn trôi tất cả hay 1 phần của 19 làng, kéo theo nhà cửa và gây ngập lụt nghiêm trọng trong các làng ở hạ lưu trong tỉnh Attapeu và tận đến Cambodia.

Ủy ban Điều tra Quốc gia trong tháng 5 năm 2019 đã tổ chức họp báo để giải thích nguyên nhân của vụ vỡ đập, nói rằng thủ phạm chánh là độ thấm cao của nền của đập phụ, và đất xốp và dễ bị xói mòn ở chung quanh.

Ngoài hàng chục đập thủy điện trên sông Mekong và các phụ lưu, Lào đã dự trù để xây thêm hàng chục đập với hy vọng xuất cảng điện đến các quốc gia trong khu vực.

Mặc dù chánh phủ Lào xem việc sản xuất điện như một phương tiện để thúc đẩy kinh tế quốc gia, các dự án đầy tranh cãi vì ảnh hưởng môi trường, việc dời cư các làng mạc nhưng không có bồi thường thỏa đáng, và các dàn xếp về tài chánh và nhu cầu điện đầy nghi vấn.

.

No comments:

Post a Comment