Saturday, July 11, 2020

Một dòng sông khô cạn: Cá, Lúa và an ninh lương thực trong khu vực Mekong

A River Drained: Fish, Rice, and Food Security in the Mekong

Peiying Loh – Bình Yên Đông lược dịch
Kontinentalist – June 26, 2020

Đánh cá trên sông Mekong. [Ảnh: International Rivers]

Sông Mẹ cho Cuộc sống
Mekong là con sông dài thứ 12th trên thế giới và là một mạch sống thiết yếu của nhiều người ở Đông Nam Á (ĐNA).  Được gọi là Sông Mẹ (แม่น้ำโขง) ở Thái Lan và Lào, Mekong mang lại thực phẩm phong phú và nhiều tài nguyên cho 6 quốc gia nó chảy qua.

Lưu vực và đa dạng sinh học
Mekong cùng các phụ lưu và chi lưu tạo thành lưu vực Mekong, một lưu vực phức tạp – một vùng trong đó các sông, rừng và đất đai có một liên hệ cộng sinh – thoát nước cho một diện tích 795.000 km2.  Nguồn của sông ở Cao nguyên Tây Tạng trong thượng lưu vực Mekong.  Khoảng ½ chiều dài của sông chảy qua Trung Hoa, nơi nó được gọi là Lancang Jiang (澜沧江) (Lạn Thương).


Lưu vực sông Mekong [Ảnh: Internet]

Hạ lưu vực Mekong gồm hầu hết các phụ lưu chánh (các sông nhỏ hơn chảy vào sông lớn) của Mekong.  Các phụ lưu nầy đóng góp trên 80% tổng số lưu lượng hàng năm 475 km3 của Mekong.
Toàn thể hệ thống sông Mekong là nơi nương tựa của một vài hệ sinh thái phức tạp liên kết với nhau.  Chúng gồm có rừng quanh năm, theo mùa, và ở trên núi; buội rậm và cây cao; rừng đước; và nhiều hệ sinh thái nước ngọt và duyên hà.  Tất cả biến Mekong thành một trong những vùng đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới.  Nó là nơi cư trú của 1.148 loại cá, 20.000 loại cây, 430 loại động vật có vú, 1.200 loại chim, và 800 loại bò sát và lưỡng cư (vừa ở trên cạn vừa ở dưới nước).

Mekong cũng là nguồn mang lại 2 thực phẩm chánh trong khu vực – cá và lúa – nuôi sống và hỗ trợ cuộc sống của khoảng 60 triệu người.

Tonlé Sap – hồ đã sản sinh ra Đế quốc Angkor vĩ đại – nằm ở trung tâm Cambodia.  Hồ tràn ngập trong mùa mưa và lên cao nhất trong tháng 11, nước rút và dòng chảy bổ sung nước và phù sa cho nhiều vùng thiên nhiên và nông nghiệp.

Hồ Tonlé Sap [Ảnh: Internet]

Đầy đến mé, hồ trở thành nơi sinh sản của nhiều loại cá.  Hầu hết cá trong Mekong là di ngư và di chuyển rất xa để đẻ trứng; Tonlé Sap là một nơi đẻ trứng quan trọng của nhiều loại cá địa phương.  Cá linh – một nguyên liệu thiết yếu của mắm pra hoc ở Cambodia, một loại bột nhão mặn và gia vị chủ yếu của hàng triệu người sống ven sông – là một trong các loại cá đó.
Các đồng lụt bao la của hồ (vùng đất thấp ngập nước trong mùa mưa ở ven sông) là một trong những nơi đánh cá nước ngọt phong phú nhất thế giới.  Cùng với khúc sông Mekong trong lãnh thổ, các đồng lụt nầy cung cấp một nguồn cá dồi dào cho quốc gia với 5.285.000 tấn – gần bằng 4 lần sản lượng cá biển của Cambodia.
Mặc dù tất cả các quốc gia Mekong dựa vào nguồn cá của sông, Cambodia có lẽ phụ thuộc nhiều nhất.  Cá nước ngọt rất cần thiết cho an ninh lương thực của người dân Cambodia; với mức tiêu thụ cá nước ngọt của mỗi đầu người được ước tính khoảng 33 kg một năm.
Cá là tâm điểm của chế độ ăn uống của người dân ở trong vùng: một nguồn chất đạm chánh yếu.  Thật vậy, hạ lưu vực Mekong là nơi đánh cá nội địa lớn nhất trên thế giới – sản xuất khoảng 2,3 triệu tấn cá mỗi năm.

Lúa
Xa về phía nam ở Việt Nam, Mekong đổ ra Biển Đông, nơi nó xòe ra trong Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).  Có nhiều nhánh của Mekong đổ ra biển giải thích vì sao nó có tên sông Cửu Long (Chín con Rồng).  Là một vùng vô cùng mầu mỡ, ĐBSCL hỗ trợ một trong những hoa màu có tầm quan trọng nhất trên thế giới: lúa.
Gạo từ lúa là một món ăn thường ngày trên hầu hết các bàn ăn ở Á Châu, và Việt Nam là nước sản xuất lúa đứng hàng thứ 5th trên thế giới.  Khoảng ½ số lúa đó được trồng ở ĐBSCL, nơi sản xuất khoảng 20 triệu tấn mỗi năm.

Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam [Ảnh: Newswise]

ĐBSCL phụ thuộc một cách lạ thường vào sông Mekong.  Sông mang phù sa xuống hạ lưu để hình thành địa chất của nó.  Lũ lụt thường xuyên của sông bổ sung các cánh đồng của ĐBSCL với phù sa giàu chất dinh dưỡng từ thượng lưu, góp phần cho sự mầu mỡ của nó.  Nước ngọt dẫn từ sông, cùng với nước mưa và nước ngầm, hỗ trợ các vụ lúa, trồng và thu hoạch trong 3 mùa riêng biệt ở đây.  Cả hai đều dựa vào khí hậu điều hòa của lưu vực Mekong.
Cá và lúa là xương sống của an ninh lương thực trong các quốc gia hạ lưu Mekong.  Tuy nhiên, một số hoạt động kinh tế cũng đóng góp vào cuộc sống của các cộng đồng trong lưu vực.  Các hoạt động nầy gồm có nuôi cá, du lịch, đốn gỗ và khai thác rừng cũng như trồng các loại hoa màu thương mại như khoai mì, bắp, mía, cà phê, và cao su.
Hầu hết các quốc gia Mekong vẫn còn là các nền kinh tế đang phát triển, dù vài nước chật vật hơn các nước khác.  Trải qua 3 cuộc chiến trong gần 50 năm, nhiều người trong khu vực tiếp tục thống khổ vì nghèo đói.  Một vài quốc gia xem việc phát triển kỹ nghệ như một lối thoát, nhưng điều nầy cũng có những nguy cơ.  Phát triển bừa bãi, nghiêm trọng thêm vì ảnh hưởng của thay đổi khí hậu, có thể đưa đến việc khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên.  Thí dụ, thủy điện phải trả một cái giá khổng lồ trên môi trường mặc dù có vẻ như một nguồn năng lượng sạch và lợi tức hấp dẫn lúc ban đầu.

Thủy điện
Thủy điện đã tăng động lực trong những thập niên gần đây, và các ghềnh thác mạnh mẽ của Mekong giúp nó trở thành một nơi lý tưởng.  Đập đầu tiên trên sông được hoàn tất vào năm 1993, và kể từ đó, trên 60 đập thủy điện nữa đã được xây trên Mekong và các phụ lưu.
Đập Xayaburi có công suất 1.285 MW ở bắc Lào là đập đầu tiên trong 11 đập dự trù trên dòng chánh Mekong ở hạ lưu.  Nó cũng gây tranh cãi nhiều nhất.  Lào tiến hành việc xây cất mặc dù các nước láng giềng chống đối, và đập sẽ có những hậu quả nghiêm trọng đối với đời sống và hệ sinh thái ở chung quanh.  Đập Xayaburi ngăn chận đường di chuyển của ít nhất 23 loại cá và hạn chế phù sa chảy xuống hạ lưu, làm giảm đáng kể số lượng cá thu hoạch và hiệu năng của đất canh tác ở các quốc gia hạ lưu.

Đập Xayaburi ở Lào [Ảnh: Internet]

Không cần phải nói, điều nầy có thể gây nguy hại cho an ninh cá và lúa trong khu vực.
Đập Xayaburi và 11 [10?] đập khác được dự trù cho dòng chánh chỉ là một phần của cái sẽ đến trong lưu vực Mekong.  Nghiên cứu cho thấy rằng ảnh hưởng cộng dồn của các đập trên phụ lưu Mekong sẽ gây thiệt hại cho đời sống ở địa phương và đa dạng sinh học hơn là các đập trên dòng chánh đã biết rõ.
Có gần 100 đập được dự trù trong lưu vực Mekong.  Hầu hết sẽ được xây ở Lào (với một vài đập do Thái Lan và Trung Hoa tài trợ), quốc gia có tham vọng trở thành “Bình điện của Á Châu”.  Lào hy vọng dùng tiền bán điện xuất cảng để giải quyết vấn đề nghèo khó của quốc gia.
Các sông xuyên biên giới quốc gia thường là những nơi của tranh chấp, và Mekong xem sự chia sẻ xung đột như một tài nguyên chung cốt yếu trong khu vực.  Mặc dù Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) có ý định làm cho các thảo luận giữa các quốc gia Mekong ở hạ lưu được dễ dàng, sự đổ vỡ của các thảo luận phản ánh sức mạnh mặc cả của các quốc gia ở thượng lưu.  Trung Hoa và Myanmar không phải là thành viên của MRC, và không cần phải tuân thủ các điều lệ của tổ chức.  Trung Hoa, một gã khổng lồ kinh tế khu vực và toàn cầu, đã xây 6 đập trên dòng chánh Lancang Jiang, cho phép nước nầy quản lý dòng chảy của sông – một hành động có thể làm phức tạp thêm tình trạng hạn hán kéo dài ở hạ lưu.
Với quá nhiều đập được dự trù cho Mekong, an ninh lương thực trở thành một vấn đề chánh trị cũng như môi trường và kinh tế xã hội.

Thay đổi Khí hậu
Thay đổi khí hậu cộng thêm vào tất cả những thứ nêu trên.  Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu đang thay đổi vĩnh viễn cấu tạo của khí quyển trái đất, gây các ảnh hưởng đổ xuống như thác trên các hệ sinh thái và cuộc sống trên khắp thế giới.
ĐBSCL, cao hơn mực nước biển một chút, sẽ bị ngập lụt và xâm nhập mặn nhiều hơn khi mực nước biển dâng với nhiệt độ.  Điều nầy sẽ phá hủy nhiều ruộng lúa và 1/3 của ĐBSCL sẽ chìm xuống biển.  Sự gia tăng carbon dioxide trong nước biển cũng ảnh hưởng đến kỹ nghệ nuôi cá ở ĐBSCL, đe dọa thêm an ninh lương thực của khu vực.  Không phải nói, ĐBSCL cũng đang chìm từ từ.  ĐBSCL là một trong những vùng trồng lúa được dẫn tưới nhiều nhất, và phụ thuộc vào việc khai thác nước ngầm thái quá để sản xuất lúa quanh năm, ngày nay, góp phần vào sự sụt lún đất nghiêm trọng.
Bi thảm hơn, thay đổi khí hậu sẽ làm gián đoạn chu kỳ dòng chảy Mekong, gây thêm các cực đoan trong năm.  Mùa khô sẽ khô hơn, khi nhiệt độ có thể tăng thêm 5 độ vào năm 2050.  Mùa mưa sẽ ẩm ướt hơn nhiều, và lượng mưa hàng năm có thể tăng thêm 14%.  Với ngập lụt và hạn hán nhiều hơn, việc cung cấp lương thực có lẽ sẽ bị gián đoạn, và nhiều đất canh tác và nhà cửa có thể bị hủy hoại.  Các cực đoan trong năm nầy cũng thay đổi sự di chuyển của cá, có thể làm giảm thêm đời sống đã bị thu ngắn.
Hiện nay, chúng ta đã thấy các mùa cực đoan ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế và kinh tế như thế nào.  Hạ lưu vực Mekong đã chứng kiến lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng từ năm 2000, và đợt hạn hán cực đoan từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 1 năm 2020 khiến mực nước sông xuống đến mức thấp nhất, ít nhất, trong vòng 60 năm.  ĐBSCL được dự đoán đối mặt với hạn hán nghiêm trọng vào năm 2030.

An ninh lương thực
Nhưng an ninh lương thực có ý nghĩa gì đối với các quốc gia Mekong?  Ủy ban về An ninh Lương thực Thế giới của Liên Hiệp Quốc (UN Committee on Word Food Security) định nghĩa an ninh lương thực là tình trạng khi “tất cả người dân, vào bất cứ lúc nào, cũng có lương thực đầy đủ, an toàn và dinh dưỡng qua các phương tiện vật chất, xã hội và kinh tế để đáp ứng thị hiếu lương thực và nhu cầu ăn uống cho lối sống tích cực và lành mạnh”.  Nghe có vẻ đơn giản và thẳng thắn, nhưng nó thật sự vô cùng khó khăn để thực hiện đối với nhiều cộng đồng.
Mekong luôn luôn là một nguồn lương thực và lợi tức ổn định của nhiều cộng đồng – cho đến khi việc sử dụng bừa bãi tạo thành vấn đề.  Việc phát triển thủy điện và thay đổi khí hậu có lẽ là những mối đe dọa lớn nhất của dòng sông, nhưng các ảnh hưởng kết hợp từ các hoạt động nông nghiệp – chuyển nước cho thủy nông, gia tăng đơn canh, kỹ nghệ nông ngiệp, và canh tác các loại thực phẩm chuyển giống – tiếp tục cạnh tranh việc dùng nước ở Mekong.  Là thành phần tiêu thụ nước lớn nhất trong khu vực Mekong, nông nghiệp cũng sẽ bị tấn công mạnh nhất bởi thay đổi khí hậu.

Hiện nay, an ninh lương thực là một thách thức lớn lao cho nhiều quốc gia trong lưu vực Mekong.  Gần ½ (44,9%) dân số Cambodia đối mặt với mức an ninh lương thực vừa phải hay nghiêm trọng với chỉ số 22,8 trên Chỉ số Người đói Toàn cầu (Global Hunger Index).  Lào tệ hơn một chút với chỉ số 25,7, và Việt Nam, mặc dù tương đối tốt hơn nhiều, vẫn dễ bị tổn thương với chỉ số 15,3.  Dễ tổn thương nhất thường là các cộng đồng thiểu số và các cộng đồng ở nông thôn, nơi nghèo khó và thiên tai rất phổ biến.

Thay đổi khí hậu sẽ khiến an ninh lương thực tệ hại hơn theo không gian và thời gian, tạo nên các thời kỳ khan hiếm nước và lương thực trong các vùng nhất định, khi hạn hán và lũ lụt bất ngờ phá hủy hoa màu.  Về lâu dài, các chánh phủ sẽ phải có thêm nhiều biện pháp, có lẽ cực đoan, để đối phó với tình trạng thiếu thực phẩm và bảo đảm sản xuất nhiều hơn.  Điều nầy có thể bao gồm việc chuyển thêm đất sang đất đơn canh, làm suy thoái và mất thêm các nơi cư trú tự nhiên.  Thiếu đa dạng trong nguồn lương thực sẽ làm cho khu vực dễ tổn thương hơn.  Các quốc gia có thể dựa vào thực phẩm nhập cảng như một giải đáp, đẩy giá lương thực lên cao.

Giảm nhẹ tính dễ tổn thương
Mặc dù thế giới sẽ không thể chận đứng thay đổi khí hậu kịp lúc, chúng ta vẫn có thể giảm các ảnh hưởng của nó ngay bây giờ, đặc biệt là các ảnh hưởng đối với an ninh lương thực.  Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách xác định và cứu xét các vùng dễ bị tổn thương: thay đổi lối canh tác, áp dụng kỹ thuật một cách thích hợp, trao dồi khả năng của nông dân bằng cách truyền đạt kỹ năng quản lý, trao quyền cho phụ nữ có khả năng, và giúp các cộng đồng tự chuẩn bị.

Cần Thơ, thành phố lớn nhất trong ĐBSCL, là một trong những thành phố dễ bị tổn thương nhất trong khu vực.  Nếu mực nước biển dâng lên 1 m, khoảng 20% thành phố sẽ chìm xuống nước.  Cần Thơ phải dùng cách “lật ngược (bottom-up)”, vận động các cộng đồng, nông dân, và cơ quan chánh quyền để thích ứng và giảm nhẹ thay đổi khí hậu với một số chánh sách tổng thể.  Các chánh sách nầy bao gồm các chương trình giáo dục công cộng cho giới trẻ để gia tăng khả năng và cơ sở hạ tầng nhằm chống lại ảnh hưởng của thay đổi khí hậu.

Quản lý đúng và sử dụng khả chấp các lưu vực, một điều kiện then chốt của an ninh lương thực, đòi hỏi sự hợp tác giữa các quốc gia.  MRC có ý định làm cho vấn đề nầy được dễ dàng từ nhiều năm nay.  Mặc dù MRC có những trở ngại lớn cần phải vượt qua – việc không tham gia của Trung Hoa và Myanmar, cùng với những chỉ trích cho rằng tổ chức không có thực quyền – nó đã đầu tư hầu hết thời gian và tiền bạc vào việc nghiên cứu, củng cố việc hoạch định chánh sách và làm sáng tỏ giá trị của các nguồn tài nguyên Mekong.

Phần còn lại thuộc về lãnh đạo trong khu vực Mekong để thấy rõ những gì đang lâm nguy, và hiểu rằng một dòng sông khô cạn là sự thiệt hại của tất cả mọi người.

.

No comments:

Post a Comment