Sunday, August 1, 2021

TAI HỌA TRUNG HOA TRÊN SÔNG MEKONG

 

(Chinese calamity on the Mekong river)

Fabien Baussart – Bình Yên Đông lược dịch

Times of Israel – July 13, 2021

Đập Dachaoshan trên thượng lưu Mekong ở Trung Hoa. [Ảnh: AP]

 

Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy qua 6 quốc gia là nơi cư trú của nền thủy sản nội địa lớn nhất thế giới và hỗ trợ cho cuộc sống của trên 60 triệu người trong các quốc gia nghèo khó như Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam.  Người dân sống ven sông và những người dựa vào nước sông nay đang đối phó với thách thức sống còn vì việc xây cất các đập thủy điện khổng lồ của Trung Hoa khiến cho khu vực bị khô hạn.  Tính nghiêm trọng của vấn đề có thể đo lường từ sự kiện là Lào, với trách nhiệm và minh bạch kém, đã có kế hoạch để xây 140 đập trên Mekong và các phụ lưu với trợ giúp tài chánh của Trung Hoa.

Trung Hoa đã xây 11 đập khổng lồ trong vùng núi non ở thượng lưu Mekong để đáp ứng với nhu cầu năng lượng của mình.  Ngoài ra, Trung Hoa cũng có kế hoạch để nới rộng sông và xây hàng trăm đập ở hạ lưu sông Mekong và các phụ lưu như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)).  Vì các hoạt động xây cất nguy hiểm của Trung Hoa ở thượng lưu Mekong, những vùng ở hạ lưu vực đang chứng kiến hạn hán cũng như sự tàn phá của các hoạt động thủy sản và nông nghiệp.  Ngày nay, các hoạt động xây cất của BRI, bao gồm việc thay đổi dòng chảy của Mekong, sẽ có những ảnh hưởng môi trường tiêu cực, hủy hoại hàng triêu cuộc sống trong các quốc gia nghèo ở Đông Nam Á (ĐNA).

Các đập thủy điện của BRI gây một số rủi ro liên hệ đến tính dễ tổn thương khí hậu và thiệt hại tiềm tàng cho các cộng đồng địa phương và hệ sinh thái.  Những ảnh hưởng xấu gồm có việc phóng thích khí methane, thay đổi mực nước, sự phân phối phù sa và tính sẵn có của cá và các động vật ở dưới nước khác.  Một phúc trình năm 2018 của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một tổ chức lưu vực liên chánh phủ, nói các hoạt động xây đập sẽ có ảnh hưởng tiêu cực đến sinh thái và sức khỏe và cuộc sống của người nghèo dọc theo sông Mekong.  Người nghèo sẽ được lợi ít trong khi chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực.  “Các đập thủy điện làm giảm dòng chảy trong mùa mưa và gia tăng dòng chảy trong mùa khô khi điều hành bình thường (ngoại trừ các cực đoan khí hậu).  Điều nầy làm tăng việc dẫn thủy, giảm thiệt hại lũ lụt, cung cấp cứu trợ hạn hán, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái của sông, tính khả chấp và an ninh lương thực liên quan đến thủy sản,” phúc trình cảnh báo.

Không chỉ có lòng sông mà các làng mạc dọc theo sông bị phá hủy để lấy đất cho các đập khổng lồ do Trung Hoa xây cất.  Năm 2019, mực nước trong sông Mekong đã xuống thấp đến mức kỷ lục trong 100 năm.  Điều nầy đã ảnh hưởng nặng nề đến nguồn cá, việc trồng lúa và sự lành mạnh của hệ sinh thái chung quanh sông.  Khi các đập được xây cất thiếu kiểm soát, khu vực Mekong đang đi đến “kiểm họa sinh thái,” tăng tốc bởi thay đổi khí hậu, có thể làm cho sông chết sớm, Brian Eyler, giám đốc chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson, nói.  Đập của Trung Hoa ở thượng lưu Mekong đã làm giảm mực nước ở hạ lưu vực, gây hạn hán.  Điều nầy đã ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam, buộc người dân phải đi rất xa để lấy nước gia dụng hàng ngày.

Việc xây cất đập Nuozhadu (Nọa Trát Độ) của Trung Hoa khiến cho sông Mekong thay đổi đường chảy tự nhiên của nó, đưa đến việc “thiếu nước trầm trọng ở hạ lưu Mekong”, ảnh vệ tinh từ 1992 đến 2019 cho thấy.  Các đập của Trung Hoa do BRI bảo trợ đã ngăn chận một số lượng nước chưa từng thấy chảy xuống hạ lưu để hỗ trợ cho cuộc sống của hàng triệu người.  “Việc quản lý đập của Trung Hoa đang gây ra những thay đổi thất thường và tàn phá trong mực nước ở hạ lưu.  Các trận lũ lụt thình lình và không ngờ ở hạ lưu nay có thể liên kết với việc hoàn tất của đập Dachaoshan (Đại Chiếu Sơn) và đập Nuozhadu trong năm 2002 và 2012-2014.  Việc xả nước bất ngờ từ đập làm cho mực nước sông lên nhanh đã tàn phá các cộng đồng ở hạ lưu, gây thiệt hại hàng triệu USD và làm chấn động các tiến trình sinh thái của sông,” Trung tâm Stimson, một tổ chức nghiên cứu, quan sát.

Đập Nuozhadu trên thượng lưu Mekong ở Trung Hoa. [Ảnh: Pinterest]

 

Các quốc gia ĐNA quá yếu để yêu cầu Trung Hoa ngưng ngăn chận nước.  Họ tiếp tục đối mặt với các ảnh hưởng xấu của việc xây cất đập của Trung Hoa.  Ở Cambodia, thủy sản và canh tác nông nghiệp đã bị ảnh hưởng khi các đập thủy điện làm giảm nguồn cá và chất dinh dưỡng.  Ở Thái Lan, quân đội được trưng dụng để giúp người dân bị ảnh hưởng của hạn hán, châm ngòi bởi đập Xayaburi trên Mekong [Lời người dịch: Đập Xayaburi là đập dòng chảy nên không trữ nước.  Tất cả số nước chảy đến đập đều chảy qua đập].  Ngoài ra, chánh phủ Beijing (Bắc Kinh) có kế hoạch để nới rộng Mekong bằng cách dùng thuốc nổ để phá các ghềnh thác và cồn cát để tạo luồng lưu thông cho các tàu trọng tải 500 tấn của Trung Hoa.  Nó đang được tiến hành theo kế hoạch mặc dù việc chống đối đang tạm thời ngăn chận.  Các nhà môi trường đã quy trách nhiệm cho Trung Hoa đã dành ưu tiên cho quyền lợi kinh tế do thủy điện mang lại, thay vì công nhận các ảnh hưởng tai hại đối với sông Mekong và các cộng đồng ở hạ lưu sông.

.

No comments:

Post a Comment