Sunday, April 25, 2021

CẢM NHẬN DÒNG SỨC MẠNH CỦA NGƯỜI DÂN

 (Feel the people's power flow)

Vasana Chinvarakorn and Piyanan Jitjang – Bình Yên Đông lược dịch

Bangkok Post – 14 April 2021

Rừng ngập nước của cộng đồng Boon Rueang trong tỉnh Chiang Rai 

được dùng như một ‘siêu thị nhà bếp’ của người địa phương.

 [Ảnh: Phitchayetsaphong Khurupratchamak and Kitti Treeraj]

Loạt bài nầy khảo sát người dân sống dọc theo Mekong và các phụ lưu đã dấn thân vào cuộc vận động để cứu đời sống và cuộc sống của họ

Giữa sự vui mừng, có một lúc để lo lắng.  Tháng 9 vừa qua, trong buổi lễ trao Giải Xích đạo của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Programme (UNDP)) ở rừng đất ngập nước Boon Rueang trong tỉnh Chiang Rai, những người tham dự nhận thấy đất khô hơn trước đây.  Người điều hành nói đùa rằng nếu ‘rừng đất ngập nước’ ướt như trong mùa mưa trước, buổi lễ sẽ bị ngập một phần.

Nhiều tháng trôi qua, vấn đề gây lo lắng cho Pimpun Wongchaiya, một người bản xứ ở Boon Rueang.  Các bưng biền ngập nước được nuôi dưỡng bởi những con suối từ dãy núi Doi Luang kế cận và sông Ing, một phụ lưu của Mekong trong Tam giác Vàng, đã xuống đến mức thấp nguy hiểm, đe dọa cá.

“Mekong không chảy vào sông Ing và rừng ngập nước.  Tôi lo ngại về cái mà thế hệ con cái của chúng tôi sẽ đối đầu,” người mẹ có 2 con than thở.

Pimpun không thể xác định nguyên nhân của hạn hán đang diễn ra.  Có thể là kết quả của thay đổi khí hậu?  Hay việc khai thác nước ngầm bừa bãi của nông dân trồng lúa phải trồng thêm để bù cho giá lúa thấp?  Hay, như bà hoài nghi, có gì liên quan đến các đập khổng lồ của Trung Hoa ở thượng lưu Mekong?

Người đàn bà 65 tuổi không đơn độc trong việc nhắm vào quốc gia đáng gườm.  Từ khi Trung Hoa bắt đầu xây đập – 11 cho đến nay và một số khác được dự trù – người dân sống ở hạ lưu Mekong càng ngày càng bị ảnh hưởng.  Như Pimpun ghi nhận, sự lên xuống theo mùa của Mekong và các phụ lưu đã trở nên bất thường và không thể đoán trước.  Nước có thể dâng lên và hạ xuống mạnh mẽ trong cùng ngày hay ứ đọng, không như sông chảy tự do trước đây.  Cá thường đẻ trứng trong các phụ lưu, được người địa phương gọi là “tử cung” của Mekong, đã suy giảm nếu không phải biến mất tất cả.  Sự suy giảm tương tự cũng xảy ra cho kai, hay cỏ sông, một nguồn thực phẩm quan trọng cho cá và con người.  Từ màu nước đục ngầu tiêu biểu, Mekong đổi sang màu xanh nhạt.  Người địa phương nói sông đang “đói”, vì “thiếu phù sa”, hầu hết bị ngăn chận ở thượng lưu.  Giống như thiếu máu, dòng nước phải cướp lấy chất dinh dưỡng để nuôi dưỡng đời sống ở trong và dọc theo 2 bờ của sông một thời hùng vĩ.

Mỗi năm, dân làng tham gia làm lễ ‘phong chức’ rừng.

Một nhà hoạt động môi trường kỳ cựu là cố vấn cho cộng đồng Boon Rueang, Niwat Roykaew, tự là Kru Tee, thấy trước một tương lai u ám nếu không làm gì.

“Rừng ngập nước nầy có thể không sống sót,” ông lưu ý trong buổi lễ trao giải của UNDP.

Đối với ông, nguyên nhân của xáo trộn sinh thái rất rõ – các đập bê tông.  Giải pháp nào?  Niwat thúc giục dân làng Boon Rueang và toàn thể lưu vực Ing và xa hơn hãy nhìn vào tương lai to lớn.

“Tất cả chúng ta là một phần của Mekong,” ông nói.  “Đã đến lúc chúng ta gom lực lượng để bảo vệ ‘mae (mẹ)’ của chúng ta.”

Mô hình của Boon Rueang

Làm thế nào để công dân bình thường có thể chống với thủy triều khi chánh phủ của họ không thể hay không lo lắng?  Trong hơn 20 năm, Trung Hoa tiếp tục việc xây đập điên cuồng, kiểm soát dòng nước dưới sự điều khiển của họ.  Ở hạ lưu Mekong, Lào chạy theo trong cuộc đua không ngừng nghỉ để trở thành “Bình điện của Đông Nam Á”, với số dự án đập trên dòng chánh và phụ lưu, được tài trợ và xây cất bởi các ngân hàng và công ty Thái, để bán điện sang Thái Lan.  Trong lúc đó, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) không thể làm nhiều để kiểm soát hay giảm thiểu các ảnh hưởng của đập đối với môi trường và cuộc sống của người dân.

Niwat tin rằng có thể có một cuộc vận động từ dưới lên.  Thật vậy, thành công của người dân địa phương ở Boon Rueang trong việc bảo tồn rừng đất ngập nước lâu hàng thế kỷ có thể là bản vẻ cho các phong trào bảo tồn của người dân trong toàn khu vực Mekong.

Vào năm 2018, chánh phủ Thái, đối mặt với sự chống đối mãnh liệt của cộng đồng Boon Rueang, đã thối lui trong một kế hoạch sử dụng một phần của 483 hectares đất ngập nước cho chương trình kỹ nghệ hóa đại qui mô.  Thành quả như thế của một nhóm người dân thường cuối cùng được UNDP công nhận, và đã chọn Boon Rueang trong số 583 đề nghị từ trên 120 quốc gia để trao Giải Xích đạo có danh tiếng.

Nhưng ½ thập niên trước, không khí trong làng của Pimpun hoàn toàn u ám.  “Tôi không thể nào ngủ được,” bà nhớ lại.  “Tôi sửng sờ khi nghe nói họ sắp giật lấy rừng của chúng tôi.  Tôi đã tuyên bố rằng tôi sẽ không buông dù chỉ ½ mẫu!”

Vào năm 2015, một loạt chương trình Đặc Khu Kinh tế (Special Economic Zone (SEZ)) được phát động trên cả nước được loan báo.  Rừng đất ngập nước Boon Rueang, với tình trạng chánh thức là “đồng cỏ công cộng” từ năm 1997, được nhắm đến như bất động sản chánh, thu hút các nhà đầu tư đến thị trấn Chiang Khong, tỉnh Chiang Rai ở kế cận.

Trẻ con ở địa phương học sinh thái ở sau nhà.

Không ai nghĩ rằng sức mạnh của người phía bắc có vẻ dịu dàng và tự mãn có thể biểu lộ giải pháp một cách đanh thép.  Pimpun thuật lại một vụ rắc rối khi cả làng, trong đó có bà, níu các binh sĩ võ trang được cử đến để tháo các biểu ngữ.

“Khi các binh sĩ thấy chúng tôi rất cứng rắn, họ bắt đầu lo sợ và đi chỗ khác.”

Trận chiến chống lại dự án SEZ không phải là lần đầu tiên mà dân làng Boon Rueang cho thấy tình yêu và mối ràng buộc với rừng của họ.  Cha của Pimpun mất người bạn và gần mất mạng của mình khi họ tranh đấu chống lại các kế hoạch của những khuôn mặt có ảnh hưởng ở địa phương để xây các nhà máy thuốc lá và gạo ở trong vùng.  Những năm sau đó đã chứng kiến cuộc chiến đấu gay go khi một loạt “chương trình phát triển” quét qua các khu vực lân cận, làm tăng giá đất và suy đoán.  Mặc dù bìa ngoài của rừng đất ngập nước dần dần bị chiếm, phần trung tâm được cộng đồng Boon Rueang bảo vệ vẫn còn nguyên vẹn.

Rừng đất ngập nước nầy từ lâu là “siêu thị nhà bếp” của dân làng; nguồn rau cải, cá và được thảo phong phú và miễn phí đã cưu mang họ trong lúc vui lẫn buồn.  Pimpun nói cha của bà xoay sở để nuôi 10 đứa con với tiền lương của một thầy giáo nhờ vào cá ông bắt được từ bưng biền của đất ngập nước vào cuối tuần.

Nhưng chính cuộc đối đầu mới nhất đã biểu lộ khả năng của người dân để làm nghiêng cán cân.  Pimpun nói rằng mặc dù đàn ông có vẻ ngồi đầu trong các phiên họp hay biểu tình, đàn bà ở bên cạnh chồng, thảo chiến lược, gây quỹ và phối hợp với các con của họ đang làm việc hay đi học trong các thành phố lớn nhưng cũng yêu rừng nhiều như các thế hệ trước.

Một khía cạnh thích thú của phong trào Boon Rueang, mà người ở địa phương tên Phitchayetsaphong Khurupratchamak ghi nhận, là làm thế nào để người dân có thể tranh đấu một cách ôn hòa ngay trên đất của họ.  Mặc dù luật lệ hà khắc của chế độ quân sự giới hạn tụ họp đông người, một số người địa phương có khiếu về máy tính và truyền thông xã hội đã tạo nên “những không gian công cộng ảo” một cách nhanh chóng, dưới tên Nhóm Bảo tồn Rừng Đất Ngập nước Boon Rueang (Boon Rueang Wetland Forest Conservation Group (BRWFCG)), để chia sẻ tin tức và thảo luận các kế hoạch.  Chỉ trong 2 tiếng đồng hồ, họ đã gây quỹ được 30.000 baht để làm các biểu ngữ biểu tình và áo thun xanh in khẩu hiệu đã trở thành nhãn hiệu của họ.

“Không có gì khác thường khi dân làng như chúng tôi không ngồi trước Nhà Chánh phủ hay khiếu nại với các cơ quan nhà nước khác,” Phitchayetsaphong nói.  Cuối cùng, Chiang Rai trở thành tỉnh duy nhất không có quyền hạn để lấy đất cho chương trình SEZ, Phitchayetsaphong, hiện là phối trí viên của BEWFCG, ghi nhận.

Đi vào mắt bão là Niwat, người mà cả Pimpun lẫn Phitchayetsaphong rất ngưỡng mộ vì sự hiểu biết và nhiều năm tận tụy, vận động để bảo vệ Mekong và các phụ lưu.  Người sáng lập của Nhóm Yêu Chiang Khong nói trước và trên hết, người dân đã có ‘tâm can” để làm mọi thứ để bảo vệ tài nguyên quý giá của họ.  Cái họ thiếu, ông nói, là chiến lược và chiến thuật để huy động.

“Người dân không ngu,” Niwat nói.  “Họ có kiến thức, nhưng chưa được tổ chức tốt hay được đánh giá.  Thí dụ, chánh phủ nói rừng Boon Rueang bị ‘suy thoái’.  Người địa phương biết nó mầu mỡ nhưng họ không biết trình bày một cách có hệ thống loại cây nào còn và bao nhiêu.  Do đó, quan điểm của họ bị bác bỏ.”

Niwat giới thiệu hệ thống của ông đến các đồng minh địa phương, các viện học thuật và các nhà hoạt động.  Quan trọng hơn, người dân Boon Rueang tham gia vào Hội đồng Nhân dân Ing, một liên minh của các cộng đồng rãi rác chung quanh lưu vực Ing để cố gắng thúc đẩy việc tham gia của quần chúng vào việc quản lý tài nguyên.  Họ tham gia vào việc chia sẻ sinh thái địa phương, lịch sử và văn hóa, trên các trang Facebook của cả BRWFCG và Hội đồng Nhân dân Ing.

Vì thế, trái với sự phỏng đoán của chánh quyền, người dân Boon Rueang cung cấp một danh sách cây cối, cá và các thú vật khác rất ấn tượng ở trong rừng đất ngập nước, không chỉ đóng góp cho kinh tế gia đình mà còn cho kinh tế của bồn carbon, có trị giá lên đến vài triệu baht mỗi năm.  Niwat nói kiến thức của đàn bà về cây ăn được tìm tòi từ đất ngập nước cho thấy giá trị lớn lao của rừng, đặc biệt, khi chuẩn bị thức ăn cho cả “đoàn”.

Ngoài ra, các đặc điểm độc đáo của rừng đất ngập nước theo mùa, người địa phương gọi là Pa Rim Ing (Rừng ở cạnh sông Ing), đã làm cho các chuyên viên thích thú.  Sutti Malithong, phó giám đốc của Viện Môi trường và Đa dạng Sinh học để Phát triển Địa phương và ASEAN, Đại học Rajabhat Chiang Rai, nói rừng Boon Rueang có các loại cây hiếm và các cây khác chưa có trong kiến thức về đất ngập nước.  Có nhiều hứa hẹn để nghiên cứu trong tương lai trong lãnh vực nầy, ông đề nghị.

Thật vậy, thành quả của Boon Rueang có thể cứu các rừng đất ngập nước khác.  Cộng tác viên lâu đời của Niwat, Somkiat Khuenchiangsa của Hiệp hội Sông Sống, đang thúc đẩy việc bảo vệ tất cả rừng đất ngập nước trong lưu vực Ing như Khu Ramsar.  Nếu được chấp thuận, người địa phương có thể tiếp tục thu hoạch tài nguyên để sống, nhưng không được khai thác thương mại, và các dự án kỹ nghệ như SEZs sẽ bị cấm vĩnh viễn.  Tính cho đến nay, 5 rừng đất ngập nước, gồm có Boon Rueang, đã được ghi vào đơn xin làm Khu Ramsar.

Nhưng sự sống còn tối hậu của rừng đất ngập nước đòi hỏi một bước dài hơn.

.

No comments:

Post a Comment