Sunday, October 4, 2020

HỢP TÁC MỚI GIỮA HOA KỲ-MEKONG CÓ Ý NGHĨA GÌ?

 (How Meaningful is the New US-Mekong Partnership?)

Sebastian Strangio – Bình Yên Đông lược dịch

The Diplomat – September 14, 2020

 

Sông Mekong giữa Thái Lan và Lào (phía bên phải). [Ảnh: Wikimedia]

 

Khuôn khổ đa phương vừa được công bố gần đây đáng hoan nghênh – nhưng rất giới hạn – trong việc kềm chế sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Hoa trong khu vực Mekong.

Vào ngày 11 tháng 9, Hoa Kỳ và 5 quốc gia hạ lưu Mekong phát động một khuôn khổ mới cho việc hợp tác đa phương giữa lúc có những lo ngại ngày càng tăng về sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Hoa ở lục địa Đông Nam Á (ĐNA).

Qua việc loan báo Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ (Mekong-U.S. Partnership (MUSP)) tại một phiên họp ở Hà Nội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hứa ít nhất 153 triệu USD cho Thái Lan, Myanmar, Cambodia, Việt Nam và Lào trong một số dự án hợp tác khác nhau; bao gồm trợ cấp để chia sẻ dữ kiện thủy học, quản lý thiên tai, và các nỗ lực chống tội phạm xuyên biên giới trong khu vực.

Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên họp, rằng sáng kiến, được xây dựng trên và hấp thu Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI)) do Hoa Kỳ cầm đầu được thành lập từ năm 2009, sẽ “đóng góp vào việc phát triển khả chấp phân vùng Mekong và giúp các quốc gia Mekong thu hẹp khoảng cách phát triển, nắm lấy cơ hội và vượt qua những thách thức.”

Bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng ở Trung Hoa, sông Mekong dài 4.350 km uốn khúc qua tất cả 5 quốc gia lục địa ĐNA trước khi đổ ra Biển Đông.  Khoảng 60 triệu người trong khu vực sống dựa vào dòng sông và tài nguyên của nó.

Theo trang mạng của MUSP, Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ nhằm mục đích “cải thiện minh bạch, cai quản, sự nối kết, và phát triển khả chấp” trong khu vực.  Nó cũng “tăng cường sự nối kết khu vực” và “để xác định và thực hiện các giải pháp đối với những thách thức chủ yếu của khu vực.”

Như được các viên chức của Hoa Kỳ nhận định gần đây, tất cả các mục tiêu nầy có thể được xem như để đối lại ảnh hưởng của Trung Hoa trong khu vực, đã nhanh chóng trở thành một mặt trận mới cho sự cạnh tranh của siêu cường.  Việc loan báo được đưa ra giữa lúc có những lo ngại đặc biệt về chuỗi đập của Beijing trên thượng lưu Mekong, có tên là Lancang ở Trung Hoa, bị tố cáo là đã góp phần trong đợt hạn hán ở các quốc gia hạ lưu.

Trong tháng 4, phúc trình của Eyes on Earth, một công ty nghiên cứu và tham vấn ở Hoa Kỳ, kết luận rằng chuỗi đập đã ngăn chận nước mưa chảy xuống hạ lưu, vì thế làm cho tình hình hạn hán thêm nghiêm trọng.  Mặc dù Trung Hoa phủ nhận kết quả của phúc trình (một số mặt cũng bị nghi ngờ bởi nhiều nhà nghiên cứu độc lập, cũng như của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), các viên chức Hoa Kỳ đã dùng nó để đả kích Trung Hoa là “tích trữ” nước ở thượng lưu Mekong.  Tháng rồi, Beijing đồng ý chia sẻ dữ kiện thủy học quanh năm với các quốc gia ở hạ lưu.

Trong một tuyên bố đề ngày 11 tháng 9, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo làm rõ hơn các mục tiêu của Hoa Kỳ ở lục địa ĐNA: “Chúng tôi bênh vực cho minh bạch và sự tôn trọng trong khu vực Mekong, nơi mà CCP [Chinese Communist Party (đảng Cộng sản Trung Hoa)] đã tiếp tay cho việc buôn lậu vũ khí và ma túy và kiểm soát đơn phương các đập ở thượng lưu, khiến cho hạn hán lịch sử thêm nghiêm trọng,” ông cho biết trong bản tuyên bố.

MUP tiêu biểu cho một sự can thiệp đáng hoan nghênh nhưng quá trễ trong một khu vực quan trọng, nơi Trung Hoa phát động cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) trong năm 2014 để hướng dẫn sự can thiệp của Beijing trong khu vực.

Nguồn tài trợ mới của Mỹ được hoan nghênh bởi các quốc gia Mekong ở hạ lưu như một biện pháp để gia tăng khả năng của họ trong việc đối phó với Trung Hoa.  Đồng thời, nó cho thấy một giọt nhỏ xíu so với tài nguyên mà Trung Hoa đã đổ vào LMC.  Khuôn khổ của Trung Hoa vượt ra ngoài việc quản lý dòng sông để bao trùm việc phát triển hạ tầng cơ sở, đầu tư và mậu dịch.  Điều nầy phản ánh một sự bất tương xứng quen thuộc giữa cứu cánh và phương tiện trong chánh sách của Hoa Kỳ đối với ĐNA.  Mặc dù Pompeo kêu gọi các quốc gia trong khu vực nên quay lưng với các công ty quốc doanh của Trung Hoa, ông chưa cho các chánh phủ ĐNA một giả pháp thay thế có thể đứng vững.

Điều nầy, sau đó, phản chiếu tầm quan trọng khác biệt về quan điểm của 2 cường quốc đối với khu vực Mekong.  Kể từ những năm đầu tiên của Chiến tranh Lạnh, lục địa ĐNA rất quan trọng đối với an ninh của Trung Hoa, cái chỉ được chú ý khi 2 khu vực được kết hợp chặt chẽ hơn với việc xây cất các hệ thống vận chuyển mới và các khu mậu dịch biên giới.  Đối với Hoa Kỳ, mặt khác, nó chỉ là một trong những khu vực xa xôi mà họ tìm cách để đối phó lại với sức mạnh đang lên của Trung Hoa.  Sự kiện rất đơn giản nhưng thường trực của sự cận kề là cái mà MUSP hy vọng để giảm bớt - nhưng không thể giảm hết hoàn toàn.

No comments:

Post a Comment