Sunday, February 9, 2020

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG: HÌNH ẢNH RỐI LOẠN CỦA SẠT LỞ BỜ



(The Mekong Delta: an unsettling portrait of coastal collapse)

John Reed – Bình Yên Đông lược dịch
The Financial Times – Juanuary 4, 2020

Một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất Á Châu đang lún xuống biển – và thay đổi khí hậu chỉ chiếm một phần.


Một số thảm họa môi trường kéo dài nhiều năm; một số khác đến bất ngờ - hay nhanh như chớp.  Sự kiện sau xảy ra vào một ngày trong tháng 8, khi cư dân ở Bình Mỹ, một xã trù phú ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam, nghe một tiếng nứt rất lớn.  Họ túa ra để thấy khoảng 30 m quốc lộ chạy dọc theo nhà của họ sụp xuống sông khi lớp nhựa vỡ ra.  Một trong những vùng đất ngập nước lớn nhất Á Châu đang lún xuống biển, một phần do thay đổi khí hậu làm mực nước biển dâng.  Nhưng khi được hỏi lý do của việc sạt lở, một nông dân địa phương tên Bo chỉ vào cần trục trên tàu ở giữa sông – cách xa khảng 1 km – đó là khai thác cát.  “Họ làm cho đáy sông càng ngày càng sâu hơn,” anh vừa nói vừa ra bộ đào bới.  Các nhà nghiên cứu theo dõi Mekong nói khủng hoảng chồng chất từ nhiều năm đã trở nên khẩn cấp trong những tháng gần đây.  Họ cáo buộc 2 hiện tượng nhân tạo: khai thác cát từ đáy sông và xây cất các đập thượng lưu mới ở Lào và Trung Hoa làm thay đổi dòng nước, phù sa và màu nước.

Một phần của quốc lộ sụp xuống sông Hậu sau khi bị sạt ở phía dưới. 
[Ảnh: Hải Thanh/FT]

Tàu khai thác cát hiện diện ở khắp nơi trong ĐBSCL.  Cát là nhu cầu to lớn cần thiết cho bê tông trong việc xây cất các cao ốc ở thành phố Hồ Chí Minh và khai khẩn đất đai trên biển ở Singapore.  Nhưng tất cả các hoạt động che kín cái giá ngày càng tăng của việc khai thác cát, sôi nổi toàn cầu nhưng rất mờ ám và ít được kiểm soát.  Cái nguy hiểm không chỉ là một thiên đàng sinh thái, nhưng là một vùng đông dân quan trọng về kinh tế mà người Việt Nam gọi là “chén cơm”.  Tương đương về diện tích và dân số với Hòa Lan, ĐBSCL là sân vườn của thành phố Hồ Chí Minh và là nền ngư nghiệp nội địa lớn nhất của cả nước – nguồn cung cấp hàng đầu về tôm, cá và trái cây.  Đập đầu tiên trong 11 đập dự trù trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong bắt đầu hoạt động, một sự kiện mà các khoa học gia nói là sẽ thay đổi dòng sông vĩnh viễn.  Hàng trăm km về phía thương lưu ở Lào, 2 trong số nầy bắt đầu hoạt động hồi năm ngoái, ngăn chận phù sa từng là phương pháp tự nhiên để bù đắp cát bị khai thác.  “Nó như nhà của anh: khi nền móng bị sạt lở, nó sẽ sụp đổ,” Dương Văn Ni, giám đốc Hệ thống Đại học Đất ngập nước (Wetland University Network), một nhóm nghiên cứu theo dõi ĐBSCL với nhiều cảnh báo.  Đối với thế giới nơi mà sự mất mát của cộng đồng ven bờ đáng lo ngại, ĐBSCL là hình ảnh rối loạn của tương lai trong hiện tại.  Người dân Bình Mỹ nói với Financial Times họ được thông báo phải di chuyển đồ đạc trong nhà và chuẩn bị di tản trong thời gian ngắn.

Đào cát dọc theo sông Mekong, gần Vientiane ở Lào. [Ảnh: Getty Images]


Ở phía bắc Thái Lan, người dân sống ven sông nói mực nước xuống rất thấp và nước thường đục ngầu trở nên trong xanh kể từ khi đập Xayaburi ở Lào bắt đầu hoạt động trong tháng 10.  Các nhà sinh học gọi hiện tượng nầy là “nước đói” vì nó chảy nhanh hơn và gây sạt lở nhiều hơn.  Giống như lân bang Trung Hoa khám phá trong 2 thập niên qua, thăng hoa kinh tế thường đi với nguy hại môi trường.  Tháng qua, Việt Nam đồng ý nhập cảng thêm điện từ các đập của Lào để duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức 7% - một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất Á Châu.  Nhưng cả nước đang trả giá với ô nhiễm gia tăng, tận diệt tài nguyên và phát triển bừa bãi.  Marc Goichot của chương trình Đại Mekong WWF ở thành phố Hồ Chí Minh nói: “Hầu hết các công ty nghĩ rằng họ không tùy thuộc vào sông, nhưng nếu anh mất ngư nghiệp, thì thực phẩm lên giá và tiền lương cũng tăng.  Đó là một tiếng xấu nếu để các cộng đồng lâm nguy, và quản lý xấu nếu không cứu xét sự khan hiếm của nước hay cát.”  Ông nói thêm: “Tất cả là doanh nghiệp xấu.”


Người Việt Nam gọi đồng bằng “Cửu Long” (“chín con rồng”) vì dòng sông, sau khi chảy từ cao nguyên Tây Tạng qua 6 quốc gia, chia ra thành nhiều nhánh trước khi đổ ra Biển Đông.  Theo niên đại địa chất, nó rất trẻ, được hình thành khoảng 6.000 năm trước từ phù sa chảy ra biển, tạo thành các cồn cát rồi thành đất liền.  Rừng đước mọc lên, và là nơi cư trú của báo, cá sấu và thú hoang trước khi chúng bị con người thay thế.  Khoảng 20% dân số 96 triệu người của Việt Nam sống ở ĐBSCL, bao gồm nhiều công nhân đều đặn đi lại để làm thợ may, đồ gỗ và điện tử ở trong hay ở gần thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước.  Trong hơn một thế kỷ bị lôi cuốn hay đẩy tới ĐBSCL, từ thời Pháp thuộc qua Việt Nam Cộng Hòa được Hoa Kỳ ủng hộ và hiện nay dưới chánh phủ cộng sản.  Ngày nay, ĐBSCL là “một trong những nơi được kiến tạo nhất trên trái đất”, theo Brian Eyler, giám đốc đông-nam Á Châu của Trung tâm Stimson và tác giả quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (Last Days of the Mighty Mekong).


Chánh phủ dời cư các gia đình sống ven sông vì lo sợ nhà của họ bị cuốn trôi. 
[Ảnh: Hải Thanh/FT]

Eyler nói: “Việc sử dụng ĐBSCL đã vượt quá khả năng tự quản lý của nó.  Cái chúng ta đang thấy là mất sản lượng (diminishing economic returns), và khu vực không theo kịp với tăng trưởng kinh tế.”  Hai thập niên trước, ĐBSCL vẫn còn lấn đất ra biển.  Ngày nay các nhà nghiên cứu nói rằng khu vực đang mất đi đến 12 m bờ biển ở nhiều nơi.  Mực nước cao và đất chìm xuống khiến nước mặn xâm nhập nhiều hơn, làm xáo trộn sự cân bằng giữa nước ngọt, nước mặn và nước lợ mà nông dân trồng lúa, trái cây và nuôi tôm ở ĐBSCL dựa vào.  Một bài viết vừa được Climate Central, một tổ chức bất vụ lợi, công bố đã làm cho nhiều người ở Việt Nam chú ý khi tiên đoán rằng vào năm 2050 hều hết ĐBSCL sẽ chìm dưới mặt biển.  Nhưng có một số nghi ngờ về phương pháp dùng để tiên đoán, và các nhà nghiên cứu nói rằng mực nước biển hiện nay dâng lên rất chậm, khoảng 3 mm mỗi năm.  Nguy cơ gần hơn, theo các nhà nghiên cứu và cư dân, là sạt lở đất.  Nguyễn Hữu Thiện, một chuyên viên môi trường và cố vấn nghiên cứu ĐBSCL, nói: “Thay đổi khí hậu thì từ từ và có thể thích ứng.  Các bước phát triển sai có thể được sửa chữa bằng việc thay đổi chánh sách, và chánh sách đang thay đổi ở Việt Nam.  Nhưng ảnh hưởng của các đập ở thượng lưu rất nghiêm trọng, thường trực và không thể đảo ngược một khi đập được xây.”  Ảnh hưởng được cảm nhận trên cù lao Minh, một đảo nhỏ trong một nhánh của Mekong.  Người dân ở đây thường sinh sống bằng nghề đánh cá, nhưng mới đây đã trồng chôm chôm, bưởi, nhãn và các loại trái cây khác để bán theo nhu cầu.


Nhận thức của cộng đồng là họ đang sống vay mượn.  Bùi Hồng Nam, một phóng viên TV và đài phát thanh địa phương tường trình vụ sạt lở trong vùng nói: “Người dân đang mất nhà, đất và vườn.”  Hồ Văn Chiến, một giới chức địa phương trên đảo của xã An Bình, cho biết có 2 nhà sụp xuống sông trong tháng 10 và khoảng 10 gia đình đã dời vào “đất liền”.  Ông nói người dân địa phương muốn chánh phủ xây một con đê. “Nếu họ không làm, đất sẽ sụp đổ.”  Cũng như những người khác ở ĐBSCL, ông cáo buộc cho việc khai thác cát đã gây sạt lở.  Ông nói: “Tất cả các tàu đều về Sài Gòn,” tên cũ của thành phố Hồ Chí Minh.  Khi ĐBSCL sụt lún, các khu đô thị cũng bị ảnh hưởng.  Cần Thơ, thành phố lớn nhất vùng, có một cầu mới dài 3 km do Nam Hàn xây [Lời người dịch: Nhật bản chứ không phải Nam Hàn] bắc qua sông Hậu, một trong “chin con rồng” Mekong.  Khách sạn Vinpearl và Vincom Plaza cũng vừa được xây bởi Vingroup, một tổ hợp lớn nhất ở Việt Nam.  Cùng với khung cảnh của bờ sông, một hàng rào màu xanh che khuất một phần bờ sạt lở.

Ngư nghiệp chịu ảnh hưởng vì ô nhiễm, phát triển và đập ở thượng lưu thay đổi sông Mekong và các phụ lưu. [Ảnh: Hải Thanh/FT]


Sáu trong số 12 tỉnh của ĐBSCL nay cần phải có “những biện pháp khẩn cấp”, truyền thông nhà nước tường trình trong tháng 9, và đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp hay phong tỏa đất ven sông vì sạt lở.  Các nhà hoạch định cộng sản Việt Nam đã thông qua một kế hoạch khẩn cấp, Nghị quyết 120, sơ lược các biện pháp cần thiết để “phục hồi” cho ĐBSCL.  Phần lớn, nó chú trọng giúp cho các cộng đồng bị đe dọa đổi nghề hay đổi chỗ ở.  Hầu hết cát trên thế giới dùng cho việc xây cất là cát sông.  Nó là món hàng miễn phí, ngoại trừ luật lệ và giấy phép, và khai thác cát rất phổ biến ở Việt Nam, Cambodia, và Lào trong hơn 20 năm.  Mức sản xuất leo thang trong thập niên vừa qua do nhu cầu xây cất và hạ tầng cơ sở ở Việt Nam và các dự án khai khẩn đất ở Singapore.


Để đối phó với việc khai thác bừa bãi, Hà Nội tìm cách kiểm soát kỹ nghệ khai thác cát.  Bộ môi trường vừa báo cho những người khai thác cát nơi mà họ có thể hay không thể khai cát cát, với đe dọa truy tố.  Nhưng các nhà nghiên cứu nói rằng những quy định nầy rất dễ bị qua mặt.  Trên một chuyến phà ngang sông Cổ Chiên, một nhánh khác của Mekong, phóng viên Nam chỉ vào một tàu khai thác cát đậu ở giữa sông vào buổi sáng ngày thường.  Ông vừa nói khu vực mà tàu đang khai thác cát là bất hợp pháp, vừa trải một bản đồ của bộ môi trường cho thấy việc mua bán cát bị kiểm soát.  Các tàu khai cát cát dùng số giả.  Vì các nỗ lực thi hành luật pháp được hực hiện bởi các tỉnh, một số tàu nằm ở giữa sông, trên ranh giới tỉnh để sẳn sàng chạy qua tỉnh kế cận để tránh bị phạt.

Ngay nếu tàu khai thác cát phạm luật, tiền phạt rất thấp và tàu có thể đi qua tỉnh khác để lẩn tránh. [Ảnh: Hải Thanh/FT]


Họ cũng lợi dụng không gian của sông.  Nam nói: “Họ làm việc sau nửa đêm – 4 hay 5 tàu – vì nhà nước chỉ có lực lượng để bắt 1 tàu.”  Ngay khi người khai thác cát bị bắt, tiền phạt cũng rất nhỏ.  Theo các nhà nghiên cứu và cư dân, người dân trong cộng đồng bị sạt lở đe dọa nặng nhất thường xung đột bạo lực với nhân công khai thác cát, bằng súng cao su và gậy.  Sự kiện trùng hợp với kiến thức ngày càng tăng về cái giá mà ĐBSCL phải trả cho việc điều hành thêm các đập.  Ông Thiện, một nhà hoạt động môi trường, nói: “Dựa trên những gì chúng tôi được biết, trong tương lai, khi 11 đập hoạt động, sẽ không còn cát.  Cát chúng tôi có hiện nay, bao nhiêu đó.”  Giới chức Việt Nam càng ngày càng đặt thay đổi khí hậu vào trọng tâm của việc hoạch định chánh sách.  Vấn đề môi trường, tương tự như vụ tràn chất độc hại ở một nhà máy thép do Đài Loan sở hữu, đã gây bất ổn cho một quốc gia tự hào ổn định.  Nghị quyết 120 của chánh phủ, về “phát triển khả chấp và chống chọi khí hậu” cho ĐBSCL, nhắm giải quyết một số vấn đề địa phương.  Mai Trọng Nhân, phó chủ tịch của Nhóm Thay đổi Khí hậu Việt Nam (Vietnam Panel on Climate Change), nói: “Sạt lở gia tăng vì khai thác cát.”  Ông ước tính rằng phù sa trong sông đã sụt giảm ít nhất ½ so với thời kỳ trước khi các đập trên sông Mekong được xây cất khoảng 1 thập niên trước đây.  Ông nói chánh phủ đang áp dụng các biện pháp kỹ thuật như bờ kè bê tông, nhưng càng ngày càng bác bỏ các biện pháp dựa trên chi phí-lợi ích.

Tàu chở cát đậu ở xã Bình Phú. [Ảnh: Hải Thanh/FT]

Chánh phủ cũng chú trọng đến chiến dịch quảng bá, “để người dân có thể thấy sự nguy hiểm của sạt lở ngắn hạn”.  Họ lo sợ cho cuộc sống, ông Nhân nói thêm: “Họ có kinh nghiệm sông nước.”  Chánh phủ Việt Nam khuyến khích các công ty khai thác cát tìm cách khác để sản xuất cát: xay đá để làm cát xây dựng hay sử dụng cát biển cho bãi rác, ông Nhân nói.  Việt Nam cũng cấm xuất cảng cát từ năm 2017, nhưng các nhà môi trường tin rằng những người khai thác cát đang tìm cách để tránh việc cấm đoán.  Báo chí do nhà nước kiểm soát – chỉ dấu đáng tin cậy của ưu tư chánh thức và giới hạn của việc thảo luận – đã bắt đầu tường trình sự việc đang xảy ra ở ĐBSCL.  Câu chuyện gần đây ở Cà Mau, một trong những tỉnh giáp với biển nhiều nhất, nói rằng giới chức đã di tản dân và xây nhà mới cho 5.000 người.  Một số bài báo, với hình ảnh sụp đổ của đường sá và nhà cửa, làm cho người đọc thêm rối loạn.  Ông Eyler nói: “Chánh phủ Việt Nam đang thay đổi 180 độ.  Đó là cách thừa nhận sai lầm và rất có ích.”


.

No comments:

Post a Comment