Wednesday, July 31, 2019

MEKONG TRONG CHIẾN LƯỢC CHÂU Á CỦA HOA KỲ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC


(The Mekong in US Asia Strategy: Opportunities and Challenges)

Prashanth Parameswaran – Bình Yên Đông lược dịch
The Diplomat – July 8, 2019



Trong vòng hội đàm thượng đỉnh Á Châu được tổ chức vào cuối tháng nầy ở Bangkok, một trong những lãnh vực then chốt nổi bật trong chánh sách của Hoa Kỳ sẽ là sự tiếp cận của Washington với phân vùng Mekong – một vùng đất liền ở Đông Nam Á (ĐNA) mà sông Mekong, một trong những con sông lớn và dài nhất trên thế giới, chảy qua.  Mặc dù Hoa Kỳ đã quan tâm đến vùng Mekong từ lâu, vai trò của nó sẽ rất quan trọng trong bối cảnh bành trướng của Hoa Kỳ, kể cả sự gia tăng cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Hoa và chiến lược của chánh quyền Trump cho một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở rộng (free and open Indo-Pacific (FOIP)).

Tầm quan trọng của Mekong đã được xác định từ lâu trong chánh sách của Hoa Kỳ.  Sông Mekong - chảy qua Trung Hoa (có tên là Lancang) và các quốc gia ĐNA gồm có Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam – là một nguồn tài nguyên thiết yếu cung cấp thực phẩm, nước và giao thông cho hơn 60 triệu người trong vùng.  Vào những thời điểm khác nhau, Mekong từng là nơi giao tiếp hay xung đột giữa các quốc gia ĐNA cùng với các cường quốc có liên hệ, kể cả Hoa Kỳ trong suốt cao điểm của cuộc chiến Việt Nam.  Tầm quan trọng của Mekong trong chánh sách Châu Á của Hoa Kỳ chỉ gia tăng trong những năm vừa qua, với việc các quốc gia Mekong tăng cường sức mạnh kinh tế nhưng gặp khó khăn trong việc đối phó với thách thức và sự xâm nhập ngày càng tăng của Trung Hoa.  Trong khi đó, sông Mekong đang lâm nguy vì phát triển, dân số, áp lực liên quan đến thay đổi khí hậu, kể cả sự bùng phát của đập thủy điện.

Sông Mekong vẫn là tâm điểm trong chiến lược Châu Á của Hoa Kỳ ngày nay.  Thật vậy, trong chiến lược FOIP do chánh quyền Trump hình thành, phân vùng Mekong là nơi mà nguyên tắc tự do và mở rộng có lẽ gặp thử thách lớn nhất.  Phân vùng cũng điển hình cho sự ràng buộc giữa ba trụ cột của FOIP là an ninh, kinh tế và cai quản vì sự hiện hữu của những thách thức đa dạng xuyên biên giới.  Tương lai của vùng Mekong cũng có liên quan đến các mục tiêu rộng rãi hơn của Hoa Kỳ, bao gồm thúc đẩy đồng minh và đối tác, khuyến khích việc đoàn kết ASEAN, tăng cường cam kết kinh tế của Hoa Kỳ, và đối phó với sự trỗi dậy của Trung Hoa.

Chánh sách của Hoa Kỳ đã đi khá xa trong việc nầy và bắt đầu hình thành một phản ứng chắc chắn hơn.  Thật vậy, 2019 đánh dấu một thập niên ngày thành lập Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI) của chánh quyền Obama, một nỗ lực để cỗ vũ sự hợp tác và nâng cao khả năng trong vùng ĐNA.  Trong khi tiêu điểm của LMI tương đối ít được chú ý dưới thời chánh quyền Trump và chưa được khai triển tối đa, sáng kiến vẫn tiếp tục cùng với những nỗ lực liên hệ khác trong chiến lược FOIP, bao gồm các nỗ lực hạ tầng cơ sở mới và thúc đẩy công việc đang tiến hành bởi đồng minh và đối tác của Hoa Kỳ chẳng hạn như Nhật Bản và Singapore.

Nhưng thách thức vẫn còn tồn tại.  Một số thách thức liên quan đến sự thay đổi của vùng trong thập niên qua sau khi LMI được phát động, là vấn đề giới hạn triển vọng cam kết của Hoa Kỳ, hay sự xâm nhập của Trung Hoa qua cơ cấu Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) và Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)) bao quát hơn, có vẽ hấp dẫn đối với các quốc gia ĐNA nhưng đi kèm với những sợi dây vô hình.  Những thách thức khác liên quan đến chính chánh sách của Hoa Kỳ, liệu có quá khó trong việc thu thập tài nguyên để giải quyết một loạt các vấn đề rộng lớn – bao gồm môi trường, năng lượng, y tế, nước, nông nghiệp, cai quản, thay đổi khí hậu, sự nối kết, và quyền phụ nữ - với thông điệp kèm theo để làm rõ đường lối của Washington độc lập với đường lối của Bắc Kinh và những tay chơi khác.

Dĩ nhiên, những thách thức nầy không phải là không thể vượt qua.  Các quốc gia ĐNA thận trọng với ảnh hưởng đang lên của Trung Hoa ở trong vùng ở mức độ khác nhau và họ vẫn mở cửa cho các giải pháp thay thế.  Và nếu Hoa Kỳ sử dụng tất cả các mũi tên trong bao, kể cả sức mạnh của các tổ chức phi chánh phủ chẳng hạn như các trường đại học và công ty, Hoa Kỳ có thể sớm sử dụng những khả năng vô song trong việc trợ giúp các quốc gia nầy cũng như để triển khai những quyền lợi của Washington trong vùng ĐNA và Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Prashanth Parameswaran – Bình Yên Đông lược dịch



No comments:

Post a Comment