Sunday, July 30, 2017

Năm 2017, khả năng lũ sẽ đến sớm và lớn tại đồng bằng sông Cửu Long



Đó là nhận định của các nhà khoa học tại hội thảo khoa học “Đánh giá khả năng lũ sớm, lũ lớn năm 2017 ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)”, do Trung tâm Khí tượng Thủy văn (KTTV) Quốc gia vừa tổ chức tại TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp).



Nguy cơ năm 2017 xuất hiện lũ lớn và sớm. Ảnh: M.Lý

Theo báo cáo của Trung tâm KTTV Quốc gia, lượng mưa trung bình trong năm 2017 cao hơn mức trung bình nhiều năm (TBNN); mực nước đo được ở khu vực đầu nguồn sông Cửu Long trong những tháng mùa khô cao hơn TBNN từ 0,45 – 0,55m.

Những ngày cuối tháng 5, do ảnh hưởng của lũ tuyến trên kết hợp với triều cường, mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc cao hơn rất nhiều so với TBNN cùng kỳ và ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2000 khoảng 0,1 – 0,3m.

Do mùa mưa năm 2017 đến sớm và lượng mưa cao hơn so với TBNN, do đó khả năng lũ đầu nguồn sông Cửu Long sẽ đến sớm, dự báo đến cuối tháng 7/2017 mực nước tại trạm Tân Châu và Châu Đốc khả năng ở mức 2,5 – 3m.

Đỉnh lũ năm 2017 khả năng sẽ xảy ra vào nửa đầu tháng 10/2017, ở mức báo động 2 – báo động 3 (sông Tiền tại Tân Châu từ 4,0 – 4,5m, sông Hậu tại trạm Châu Đốc từ 3,5 – 4,0m).

Theo dự báo, đỉnh lũ năm 2017 xấp xỉ năm 2016 và tương đương đỉnh lũ TBNN nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ lên nhanh hơn bình thường, do mưa lớn cực đoan xuất hiện, tập trung nhiều ngày trên khu vực thượng nguồn sông Mê Kông kết hợp với việc điều tiết dòng chảy từ thượng nguồn của các hồ thủy điện.

Tại hội thảo, Đài KTTV khu vực Nam bộ cũng thông tin về tình trạng suy giảm tổng lượng phù sa trên sông Mê Kông. Theo đó, kết quả đo đạc cho thấy trong giai đoạn từ năm 2008 – 2016, tổng lượng phù sa trung bình hàng năm từ sông Mê Kông chảy về ĐBSCL là 44,6 triệu tấn, xu thế giảm mỗi năm là 5,4%. Kết quả đo đạc trong mùa lũ giai đoạn từ năm 1997 – 2016, tổng lượng phù sa trung bình từ sông Mê Kông chảy về ĐBSCL là 24,3 triệu tấn với xu thế giảm mỗi năm là 2,3%.

Nhằm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do lũ, ngập lụt có thể gây ra trong năm 2017, các nhà khoa học cho rằng, các địa phương cần theo dõi sát tình hình thời tiết, thủy văn lưu vực sông Mê Kông thông qua bản tin dự báo của Trung tâm dự báo KTTV Trung ương, Đài KTTV Nam bộ và các đài KTTV tỉnh để chủ động ứng phó kịp thời.
Với hệ thống đê bao ở ĐBSCL như hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến vùng đê bao xung yếu, vùng trũng, vùng ven sông, cùng cù lao… nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cụm, khu dân cư, vùng sản xuất nông nghiệp trong đê bao; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng dân cư trong khu vực về ứng phó với thiên tai, lũ lụt nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân.

SOURCE:




No comments:

Post a Comment