11/03/2017
Xây các đập thủy điện trên sông Mekong là
vấn đề rất lớn, ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và đời sống của người dân thuộc
lưu vực sông và quan hệ giữa các nước trong khu vực
Trên mạng có bài báo “Thủy điện không khiến
dòng Mekong sẽ chết” gây xôn xao công luận, dẫn từ phát biểu của TS Phạm Tuấn
Phan, Giám đốc (CEO) điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mekong (MRS) tại Diễn đàn
khu vực (Stakeholders Forum) và dự án thủy điện Pak Beng tổ chức ở Luang
Prabang - Lào mới đây.
Trường tồn?
Bài báo dựa trên nhận định “dòng Mekong sẽ
chết” được nhiều bạn đọc quan tâm. Định kiến của bài báo thể hiện ngay từ câu đầu:
“Trong những năm qua, Mekong Delta đang chết vì khát, vì mặn và nông ngư dân
ngày càng cơ cực vẫn cứ nghèo”...
Thực tế, hiện nay vùng ven biển, bà con muốn
nuôi tôm nước lợ đang lo không chủ động được độ mặn theo thời kỳ sinh trưởng của
con tôm. Các vùng hẻo lánh rất khó đi đến trước đây thì nay đã có đường cho ô
tô với nhiều ngôi nhà được xây khang trang hơn trước. Tuy những vùng này chưa
phát triển toàn diện như mong muốn nhưng so với thời kỳ bao cấp cuối thế kỷ trước
thì đến nay bộ mặt nông thôn đã khác rất nhiều.
Từ năm 2016, với chủ trương “ven sông
hóa”, các quốc gia ven sông bắt đầu sử dụng CEO là người trong khu vực và Việt
Nam là nước đầu tiên có người trúng cử ở vị trí rất quan trọng này qua các thủ
tục rất khắt khe của MRC.
Biểu đồ các dự án thủy điện trên Lancang
Mekong (IRN)
CEO Phạm Tuấn Phan có thể nhầm lẫn hay “nước
đôi” khi cho rằng thủy điện sẽ không khiến dòng sông Mekong chết, dòng sông sẽ
trường tồn! Tuy nhiên, tác động của nó làm giảm cá tôm, mất một số loài và tác
động bất lợi đến thủy văn, phù sa, xói lở ở hạ lưu. Tổ chức Sông ngòi quốc tế
(International River - IR) đến không có nghĩa là họ đồng ý như nhận thức của
CEO Tuấn Phan. Khi được mời dự tiệc, nếu phản đối/không thích thì người ta sẽ
không đến hoặc đến vì xã giao. Còn việc đến một diễn đàn quan trọng như thế này
dù phản đối hay ủng hộ thì họ vẫn phải đến để có tiếng nói trên diễn đàn.
CEO đặt nặng vấn đề kinh phí khắc phục sự
cố, chẳng hạn việc tăng chi phí 400 triệu USD của Lào để chỉnh sửa một số hạng
mục theo các ý kiến góp ý. Thông tin do kỹ sư phụ trách công trường thi công
nói chỉ khoảng 200 triệu USD cho Xayabury hay 140.000 USD cho Don Sahong tại đập.
Xin lưu ý, các chi phí đó là rất nhỏ bé so với các tác động bất lợi lũy tích,
kéo dài mà nó có thể tác động xuống hạ lưu.
Bất lợi rất nhiều
Theo thông tin trong chương trình nghiên cứu
khoa học KC08 của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện nay trên lưu vực có khoảng 42
đập thủy điện với tổng dung tích hữu ích khoảng 40 tỉ m3, chưa kể 3 thủy điện
dòng chính đang và sẽ xây dựng ở Lào (Xayabury 225 triệu m3, Don Shahong 115
triệu m3, Pak Beng 442 triệu m3).
Theo tôi hiểu, tác động có lợi của các đập
thủy điện chỉ thấy được khi hồ vận hành hợp lý, đưa nước xuống hạ lưu theo quy
luật tự nhiên, giảm dần từ đầu mùa khô đến cuối mùa khô.
Trong những năm qua, do nhu cầu phát điện,
các hồ tích sớm ngay từ đầu mùa mưa và tích muộn cuối mùa lũ là nước về thấp
ngay ở tháng 11, 12 và tháng 1. Nước thấp cả tháng 5 và tháng 6 nên kết quả là
mặn đến sớm, rút muộn, rất bất lợi cho sản xuất. Nước điều tiết chủ yếu ở tháng
3 và tháng 4 khi đó đã giảm sản xuất nên hiệu quả không nhiều.
Các bất lợi khác thấy rõ cả trong kết quả
tính toán mô hình thủy lực, thủy văn và khảo sát trong thực tế:
- Mặn đến sớm, rút muộn và mặn bất thường
làm ảnh hưởng đến 2 vụ lúa chính đông xuân và hè thu.
- Xu thế lũ giảm, mất phù sa, thủy sản, đặc
biệt ô nhiễm môi trường nước có thể làm ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản, thiệt
hại là khó lường.
- Tương lai phù sa chỉ còn dao động trong
khoảng 11,1-29,4 triệu tấn so với 34-97 triệu tấn hiện nay.
- Ảnh hưởng đến giao thông thủy - gia tăng
xói lở bờ.
- Hầu hết 9 khu bảo tồn sinh thái ở đồng bằng
sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng xấu ở mức độ khác nhau.
- Mất đi quy luật tự nhiên của dòng chảy
và mất đi nguồn lợi thủy sản, phù sa.
- Mất khả năng dự báo dòng chảy về đồng bằng,
đây là điều đáng lo ngại vì sẽ thiếu chủ động trong sản xuất.
Đối với nông nghiệp, thủy điện ảnh hưởng
214.000 hộ ở vùng ven biển và 149.000 hộ vùng lũ, khoảng 22.000 hộ nuôi trồng
thủy sản.
“Nói chuyện” với Lào!
Xưa nay, do nhu cầu phát triển kinh tế -
xã hội, Việt Nam đã khai thác triệt để tiềm năng thủy điện. Lào là nước nghèo,
có tiềm năng thủy điện dồi dào nên họ tập trung vào phát triển thủy điện, không
có gì lạ. Một câu hỏi rất thực tế được đặt ra: Các nước, kể cả Việt Nam, sẽ
giúp ích được gì cho Lào, nếu họ ngừng xây dựng các đập thủy điện?
Các cơ quan hữu quan ở trong nước, kể cả
Chính phủ Việt Nam, đã nhiều lần thảo luận với bạn về tuân thủ Hiệp định Mekong
1995 và trì hoãn việc xây đập thủy điện càng lâu càng tốt, đặc biệt là “nói
không” với các hồ Stung Treng và Sambor vì ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến đồng
bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, vai trò và vị thế của Ủy ban sông Mekong Việt
Nam cũng rất hạn chế.
Nhìn vào thực tế, trước mắt, cần tiếp tục
đẩy mạnh yêu cầu Lào ngưng tất cả dự án thủy điện tới khi nghiên cứu “Council
Study” hoàn tất và nghiêm chỉnh tuân thủ Hiệp định MRC 1995. Đồng thời, cần có
giải pháp “win - win” (các bên cùng có lợi) là hạn chế việc xây dựng các đập
trên đất Lào, có thời gian kiểm chứng, hạn chế các tác động tiêu cực. Đặc biệt,
xây dựng quy chế trao đổi thông tin kịp thời, nắm chắc quy trình vận hành các hồ
chứa để các nước hạ lưu chủ động các giải pháp ứng phó là rất cần thiết.
Tô Văn Trường
Nguồn:
No comments:
Post a Comment