Sunday, November 7, 2021

DÂN LÀNG LO SỢ MẤT ĐẤT KHI BỜ SÔNG TIẾP TỤC SẠT LỞ

 (Villagers fear losing land as riverbanks continue to collapse)

Moeun Chhean Nariddh – Bình Yên Đông lược dịch

Khmer Times - November 1, 2021

 

Một người đàn ông đi qua bờ sông sạt lở được gia cố ở huyện Mok Kampoul trong tỉnh Kandal. [Ảnh: Moeun Chhean Nariddh]

 

Khoảng 50 năm trước, cha mẹ của Dul Han cho bà và mỗi anh chị của bà một lô đất rộng 12 m và sâu 40 m trong xã Sdao tỉnh Kampong Cham sau khi họ thành hôn và có gia đình mới.

Nhưng không may, giống như tất cả các gia đình ở trong xã sống dọc theo sông Mekong, Han, nay được 73 tuổi, nói đất của anh chị của bà, tổng cộng dài khoảng 160 m, đã bị sông nuốt chững vì dòng nước và sóng mạnh đã làm sạt lở từ từ bờ sông từ năm nầy sang năm khác.

Nay, bà lo ngại rằng lô đất nhỏ cuối cùng bà cho đứa con gái đang sống trên đó cũng sẽ có cùng số phận khi một khúc bờ sông lớn ở trước nhà con bà đã sạt lở trong 3 tuần qua.

Dul Han ngồi trước nhà với con gái, Yang Sokheang, và cháu gái trong xã Sdao. [Ảnh: Moeun Chhean Nariddh]

 

“Không như ngày trước, lần nầy một phần lớn bờ sông đổ xuống sông lập tức,” Yang Sokheang, người con gái 41 tuổi của Han nói.  “Chúng tôi mở đèn mỗi đêm để theo dõi bờ sông và chuẩn bị chạy đến nơi an toàn.”

Han nói cây xoài lớn của bà ở cạnh bờ sông đã ngả xuống được dùng làm củi trong trường hợp nó đổ xuống sông như nhiều cây khác trong quá khứ.

Cũng thế, nhiều láng giềng của Sokheang sống trên bờ sông đã bày tỏ lo ngại tương tự rằng nhà của họ và đất đai còn lại có thể đổ xuống sông bất cứ lúc nào.

“Tôi đang sống trên một lô đất rộng 12 m,” Hoy Ny 35 tuổi sống trong làng L’vear Leu của xã Sdao, nói.  “Nếu tất cả đổ xuống sông, tôi sẽ không có đất để di chuyển.”

Người mẹ có 3 con nói cô cũng nhớ đất của cô chạy ra giữa sông khi cô còn trẻ.

“Nhưng, hầu hết đất của tôi đã đổ xuống sông,” cô nói, chỉ vào một tàu chở cát đi ngang qua ở đàng xa.

Chỉ trong 3 tuần, Ny nói một phần bờ sông rộng khoảng 5 m và dài khoảng 100 m ở trước nhà của cô đã dổ xuống sông.

Kết hợp bởi dòng nước sông dâng lên và sóng lớn, dân làng nghi rằng việc khai thác cát đang diễn ra trong vùng đã góp phần làm sạt lở bờ sông.

Tuy nhiên, Lay Senghong, xã trưởng Sdao, phủ nhận giả thiết nầy và đổ cho nước chảy ngầm từ vùng đất bị ngập trong làng là nguyên nhân chánh cho việc sạt lở bờ sông gần đây trong xã của ông.

“Trong nhiều năm qua, những đoạn bờ sông ở những nơi khác nhau trong xã của tôi đã đổ xuống sông,” ông nói.

Senghong nói chánh quyền huyện và xã đã khảo sát thiệt hại của bờ sông để xem họ có thể làm gì để giúp ngăn ngừa bờ sông sạt lở thêm.

“Chúng tôi sẽ đặt một ống thoát nước ở dưới mặt đất để thoát nước ngập và gia cố bờ sông bằng đá,” ông nói, thêm rằng khoảng 5 gia đình trong làng L’vear Leu bị ảnh hưởng bởi bờ sông sạt lở.

 

Hoy Ny đứng trước nhà của cô ở gần bờ sông bị sạt lở.

[Ảnh: Moeun Chhean Nariddh]

 

Thiệt hại bờ sông cũng gồm có khoảng ½ đường nông thôn dọc theo sông, khiến cho xe cộ không thể đi qua.

Xã trưởng nói người dân có thể đi qua đường như thường lệ sau khi bờ sông được gia cố và nước ngập đã được thoát đi.

Tuy nhiên, việc sạt lở bờ sông gần đây dọc theo sông Mekong không chỉ xảy ra ở xã Sdao.

Một đoạn bờ sông khác dài khoảng 2 km ở hạ lưu của làng L’vear Leu bên kia ranh giới tỉnh Kampong Cham cũng đổ xuống sông trong huyện Mok Kampoul, tỉnh Kandal hồi tháng 4 năm nay.

Than Bunleang, 37 tuổi, sống ở gần nơi thiệt hại xảy ra, nói anh ở Phnom Penh khi vợ anh gọi để báo rằng đoạn bờ sông đã đổ xuống sông.

“Vì thế tôi vội vã trở về nhà vì tôi lo ngại cho mấy đúa con,” anh nới với Khmer Times vào lúc đó.

Bunleang nói bờ sông ở phía sau nhà anh cũng sạt lở vài năm trước, buộc anh phải dời nhà vào đất liền gần đường.

“Tôi có nhiều con và nhà tôi nhỏ,” anh nói.  “Vì thế, tôi muốn mở rộng phía sau nhà vào bờ sông.  Nhưng, tôi lo ngại rằng bờ sông sẽ tiếp tục sạt lở.”

Tuy nhiên, Bunleang và láng giềng của anh nay nói họ cảm thấy an toàn một chút sau khi chánh quyền huyện và xã đặt bao cát và đá để gia cố bờ sông trong xã của anh.

“Nhưng chúng tôi vẫn còn lo ngại cho các nơi khác cũng có thể sạt lở,” vợ anh, từ chối cho biết tên, nói.

Mặc dù một số dân làng và nhà môi trường phần lớn đổ cho việc khai thác cát làm sạt lở bờ sông trong tỉnh Kandal và Kampong Cham, Men Sum, xã trưởng Rakar Korng Muoy của huyện Mok Kampoul, đã loại trừ việc khai thác cát như là nguyên nhân của việc sạt lở bờ sông trong xã của ông.

“Sạt lở bờ sông không phải do khai thác cát,” ông nói với phóng viên ở địa phương trong tháng 4.  “Nó do tai họa thiên nhiên và dòng nước mạnh của sông.”

Thay vào đó, ông nói, khai thác cát đã giúp chuyển dòng chảy của sông để dòng nước mạnh không chảy vào bờ.  Ông nói bờ sông sạt lở cũng xảy ra ở các huyện khác dọc theo sông Mekong.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu địa môi trường đã khám phá rằng bờ sông Mekong, nhất là ở Cambodia, rất dễ sạt lở vì việc khai thác cát thái quá được thúc đẩy bởi nhu cầu cát cao trong thành phần xây cất.

Theo tường trình của The Science Times, nhóm nghiên cứu của Đại học Southampton khám phá rằng khai thác cát làm cho bờ sông Mekong mất ổn định, đưa đến sạt lở và thiệt hại cho hạ tầng cơ sở.

Phúc trình cũng lưu ý rằng trong số các quốc gia ven sông Mekong, Cambodia là một trong các quốc gia có cát sông quan trọng của thế giới với vô số hoạt động khai thác cát.

Mặc dù Sonar – một kỹ thuật dùng âm thanh để khám phá vật thể ở dưới mặt nước – các nhà nghiên cứu xác định rằng nhiều lổ lớn trong đáy sông trên khắp các quốc gia khác nhau, trung bình, rộng khoảng 42 m và sâu 8 m.  Những lổ lớn nầy được cho là do việc khai thác cát không khả chấp tạo nên.

Bằng cách Quét Tia Laser Mặt đất (Terrestrial Laser Scanning (TLS)), Julian Leyland của Đại học Southampton cũng xác nhận rằng đáy sông thấp hơn 2 m có thể làm cho nhiều bờ sông sạt lở.  Tuy nhiên, việc khai thác cát hiện nay được ghi nhận trên 8 m.

“Rõ ràng là việc khai thác cát thái quá có trách nhiệm cho mức sạt lở bờ sông gia tăng mà các cộng đồng ở địa phương đã báo cáo từ nhiều năm,” Leyland nói.

No comments:

Post a Comment