Sunday, January 17, 2021

CHÁNH TRỊ NƯỚC NHẤN CHÌM MEKONG

 (Mekong drowned in water politics)

Editorial – Bình Yên Đông lược dịch

Bangkok Post – 10 January 2021


Sông Mekong hùng vĩ là trái tim và linh hồn của Đông Nam Á (ĐNA).  Hàng triệu cuộc sống nối liền với nó, nhất là về thực phẩm, năng lượng và an ninh nước.  Ngoài việc sản sinh ra một trong những lưu vực sông đa dạng sinh học nhất trên trái đất, bản chất xuyên biên giới của sông – bắt đầu hành trình trên cao nguyên Tây Tạng và chảy dài 2.140 km qua Trung Hoa trước khi vào vùng hạ lưu ở ĐNA – có nghĩa là nó đang đối mặt với đe dọa chưa từng thấy cho sự hiện hữu của mình: chánh trị nước.

Trong những năm gần đây, mực nước thấp lịch sử trong Mekong đã tàn phá các cộng đồng như Tonle Sap ở Cambodia, từng là nơi cư trú của một trong những nền thủy sản nước ngọt phong phú nhất thế giới.  Nhưng Tonle Sap không đơn độc.  Những hình ảnh tương tự của đáy sông khô cạn, cá chết và vườn tược bị hủy hoại được chia sẻ trong các cộng đồng trên khắp ĐNA, ngay Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã huy động quân đội để cứu hạn ở bắc và đông bắc [Thái Lan] trong năm 2019.

Năm rồi, 2 phúc trình cung cấp các tường thuật khác nhau về nguyên nhân của mối đe dọa.  Trong khi nghiên cứu đầu tiên của hãng cố vấn Eyes on Earth được Hoa Kỳ hậu thuẫn cáo buộc các hoạt động của đập Trung Hoa ở thượng lưu làm giảm mực nước trong mùa nắng và mưa cũng như sự dao động bất thường, một nghiên cứu của Đại học Tsinghua (Thanh Hoa) của Trung Hoa cho rằng thời tiết và El Nino đã gây hạn hán và mực nước thấp.  Các động lực chánh trị có lẽ đã bảo đảm các kết quả nghiên cứu được dùng để thúc đẩy cốt chuyện; nó là một trò chơi của ngoại giao nước đã đục khoét việc cai quản nước xuyên biên giới và ảnh hưởng hàng triệu người trong tiến trình.

Khi các lo ngại tiếp tục gia tăng vì Mekong khô cạn, Thủ tướng Trung Hoa Li Keqiang (Lý Khắc Cường) hồi tháng 9 đã hứa là nước nầy sẽ bắt đầu chia sẻ dữ kiện thủy học với các quốc gia ở hạ lưu quanh năm thay vì chỉ trong mùa mưa, một hành động đáng hoan nghênh.

Nhưng tuần rồi, người dân địa phương ở Chiang Saen phía bắc thức giấc với một sự ngạc nhiên không hay trong Năm Mới khi họ ghi nhận mực nước trong Mekong đã tụt xuống một lần nữa.  Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor), được thành lập hồi tháng 12, cho thấy một hình ảnh rõ hơn.  Bằng cách dùng viễn thám và ảnh vệ tinh, nó xác nhận mực nước đã tụt xuống “trên 1 m” từ ngày 2 đến 4 tháng 1 vì trữ nước ở đập Jinghong (Cảnh Hồng) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) ngày 31 tháng 12. [Lời người dịch: Đây là một trong những nghi vấn của dự án Theo dõi Đập Mekong, vì nó chỉ cho thấy một sự kiện đã xảy ra mà không cho thấy nguyên nhân.  Dó đó, có thể có nhiều diễn dịch cho cùng một sự kiện.  Ở đây, lý do khiến mực nước ở Chiang Saen tụt xuống trên 1 m là để giảm mức sản xuất điện chứ không phải để trữ nước.]

Vào ngày 5 tháng 1, sau khi dữ kiện được công bố, Beijing (Bắc Kinh) cuối cùng thông báo cho Trung tâm Chỉ huy Nước Quốc gia (National Water Command Center) của Thái Lan rằng đập Jinghong sẽ giảm lưu lượng 47% từ ngày 5 đến 24 tháng 1 để “bảo trì lưới điện” (có lẽ để đáp ứng nhu cầu sau khi việc cúp điện tràn lan ở Trung Hoa được báo cáo sau khi cấm nhập cảng than đá từ Australia), mâu thuẫn với lời hứa trước đây để chia sẻ dữ kiện thủy học và thông báo trước cho các quốc gia ở hạ lưu việc điều hành đập.

Cái rõ ràng là một Mekong lành mạnh cần sự hợp tác chung của tất cả các quốc gia mà nó chảy qua.  Tuy nhiên, sự hiện diện của các diễn viên quốc gia và không quốc gia và các nghị trình khác nhau đã khiến nó trở thành một công việc khó khăn.

Hiện nay, 2 cơ quan, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), đang dẫn đầu các nỗ lực để hàn gắn sông nhưng đường lối của họ chỉ một chiều, chỉ chú trọng vào việc cải thiện việc tiên đoán hạn hán để tránh mực nước thấp.  Mặc dù điều nầy quan trọng, ngăn chận các ảnh hưởng tiệu cực của đập và các dự án thủy điện cũng cấp bách cho hệ sinh thái mong manh nầy.

Các cơ quan độc lập đã thực hiện các nghiên cứu của họ cũng ghi nhận rằng các hoạt động đập chưa từng thấy đã làm thiếu phù sa, từng chảy xuống hạ lưu, bón đất, và giúp cá sinh sản.  Thật vật, ảnh hưởng của đập rất rõ khi nước Mekong ở hạ lưu trở màu trong xanh thay vì đục ngầu như thông lệ.

Nhưng việc điều hành và xây cất thêm đập tiếp tục thiếu kiểm soát không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở Lào, đang dự trù xây hết đập như một phần của chiến lược “Bình điện của Á Châu” để xuất cảng điện, mặc dù không có người mua (Thái Lan đã dư điện và Covid-19 giảm nhu cầu thêm, theo Bộ Năng lượng).

Rõ ràng, đập không ra đi, vì thế cải thiện phải được thực hiện trong tiến trình hiện nay để tránh việc lặp lại các tình trạng đã thấy trong những năm vừa qua.

Nói thẳng ra, cần có một tiến trình dựa trên đối thoại, nhân nhượng, và tin cậy giữa tất cả các đối tác.  Nếu Trung Hoa nghiêm chỉnh về việc thực hiện một “cộng đồng Á Châu có chung vận mệnh” của họ để khuyến khích hòa bình khu vực, phát triển và thịnh vượng, họ phải cải thiện giây liên lạc của mình.  Trong khi đó, các quốc gia ở hạ lưu phải cùng nhau hành động để cân bằng chiến lược áp đảo ở thượng lưu của Trung Hoa.

Chỉ sau khi một đường lối dựa trên luật lệ được thiết lập mới có trách nhiệm và một viễn cảnh khác cho tương lai của Mekong và khu vực.

.

No comments:

Post a Comment