Sunday, September 27, 2020

THÁI LAN BỊ ÁP LỰC ĐỂ CHỐNG LẠI DỰ ÁN ĐẬP SANAKHAM

 (Thailand under pressure to act against the Sanakham dam project)

 

Sông Mekong ở Chiang Khan, Thái Lan. [Ảnh: Ian Cook]

Những người tham gia chiến dịch hy vọng việc từ chối mua điện từ đập Sanakham có thể ngăn cản tiến trình xây đập và tránh gây thêm nguy hại cho sinh thái mong manh của Mekong

“Nước lên rất nhanh và rút rất nhanh vì nó không chảy một cách tự nhiên…  Nó ảnh hưởng lớn lao đến chúng tôi.  Rất khó để bắt được cá, và cá không thể đẻ trứng,” Prayoon Saen-ae, 62 tuổi, trưởng nhóm ngư dân địa phương ở Chiang Khan, bắc Thái Lan, cho biết.

Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) chánh thức bắt đầu giai đoạn tham vấn trước cho đập Sanakham được Trung Hoa hậu thuẫn hôm 30 tháng 7.  Các nhà hoạt động Thái cảm thấy có trách nhiệm chống lại dự án thủy điện chỉ cách biên giới Thái có 2 km.  Dự án 648 MW sẽ được phát triển bởi chi nhánh của Datang International Power Generation, một công ty điện quốc doanh của Trung Hoa, và được dự trù hoàn tất vào năm 2028.  Với 7 dự án đập được dự trù trên dòng chánh Mekong ở Lào, không kể đập Xayaburid đang hoạt động, Sanakham là đập thứ 6th ở Hạ lưu Mekong được tham vấn trước.


“Chúng tôi chống lại dự án Xayaburi, và rất khó khăn vì nó nằm trên lãnh thổ của họ - không phải của chúng tôi,” Prayoon Saen-ae, một cư dân lâu đời ở Chiang Khan, nói.  Ông nói chỉ có NGOs nói với ông về dự án Sanakham.  Ông nói ông “hơi tức giận [chánh phủ Thái] vì chúng tôi không thể làm gì khác.  Khi chúng tôi chống đối đập Xayaburi, chánh phủ Thái không giúp gì hết.  Họ luôn luôn bào chữa.”

Nhóm Công tác của Ủy ban Hỗn hợp MRC bác bỏ các văn kiện tham vấn trước và gửi lại cho chánh phủ Lào để sửa chữa, nói là tin tức “quá cũ”, nhưng MRC và giới chức Thái không thể ngừng công tác.

“Dân làng biết về đập nầy, nhưng họ không biết phải làm gì, Channarong Wongla, 50 tuổi, thuộc Nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khan, nói.  “Chúng tôi trao đổi tin tức và báo cho dân làng biết qua tin nhắn trên app hay Facebook.”

Lào sử dụng Mekong và các phụ lưu trong ý định trở thành “bình điện của Á Châu” gây khó khăn trong việc cai quản nguồn nước xuyên biên giới.  Đã có một vài đập mới được đề nghị ở phía trên Sanakham, bao gồm các dự án Pak Lay và Pak Beng được Trung Hoa hậu thuẫn, và đập Luang Prabang được Việt Nam tài trợ.  Trên Nam Ou, một phụ lưu đóng góp phần lớn phù sa cho Mekong, Lào đã hoàn tất hay dự trù một chuỗi gồm 7 đập thủy điện, với rất ít giám sát môi trường.

Không có tự do báo chí và xã hội dân sự ở Lào đã đặt các nhà hoạt động Thái Lan vào một tư thế duy nhất để lên tiếng chống lại việc xây đập Sanakham trị giá 2 tỉ USD.

Một chiếc đò neo trên sông Mekong ở Chiang Khan, đông bắc Thái Lan giáp ranh với Lào. [Ảnh: Eddie Gerald]

“Mục tiêu chánh là ngừng dự án.  Chúng tôi sẽ cho dân làng biết về luật lệ, quyền lợi và ảnh hưởng của dự án đập,” Channarong Wongla nói, người có bằng cấp về thiết kế đập thủy điện và làm việc nhiều năm trong giới kỹ nghệ và công ty trước khi quyết định trở về quê nhà ở Chiang Khan để tham gia vào các vấn đề môi trường.

Các tập thể NGOs Thái, chẳng hạn như Save the Mekong (Cứu Mekong) và People’s Network of Isaan Mekong Basin (Hệ thống Người dân Lưu vực Mekong ở Isaan), đã nhanh chóng chỉ trích đập Sanakham, trích dẫn các lo ngại môi trường và khả năng lặp lại hạn hán năm 2019.


Không có người mua, không có đập Sanakham

“Ai cần? Ai thật sự cần? Pianporn Detees của NGO International Rivers nói.  “Thái Lan không cần vì chúng ta có thừa điện.  Vậy thì ai thật sự cần?  Các công ty xây cất?  Ngân hàng?  Hay những người cầm quyền có thể được lợi riêng?”

Giống như Xayaburi, đập Sanakham sẽ cung cấp điện cho Thái Lan, nhưng nhiều nhóm đang áp lực MRC để dời vị trí đập cũng như yêu cầu Thái Lan không mua điện để dự án kém khả thi về mặt tài chánh.

“Cái chúng ta thấy trong thập niên vừa qua trong chuyên môn của tôi là hầu hết các dự án thủy điện được thúc đẩy bởi thành phần xây dựng và kỹ nghệ liên hệ, không phải vì nhu cầu điện,” Pianporn Detees nói.

Nguồn cung cấp điện thừa thãi của Thái Lan thêm nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, với bộ năng lượng gần đây loan báo rằng nhu cầu điện đã giảm khoảng 40% tổng số công suất.

Mới đây Cơ quan Phát điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)) loan báo các kế hoạch đóng cửa các nhà máy cũ kỹ, khuyến khích kỹ nghệ nông nghiệp sử dụng nhiều điện, và bán điện cho Myanmar.

“Ngày nay, chúng ta đang gặp khủng hoảng y tế, làm thế nào để chúng ta biện minh cho việc mua thêm điện?” Suwit Kulapwong, hội trưởng của Hiệp hội Môi trường và Nhân quyền Isaan và đại diện của Hệ thống Người dân, cho biết.

Hệ thống Người dân do Suwit đại diện là tuyến đầu trong các nỗ lực bảo tồn chống lại đập Sanakham, lên tiếng chống đối từ tháng 5. 

Sông Mekong ở Chiang Khan, Thái Lan. [Ảnh: Engdao Wichitpunya]

Đóng dấu

“Không nên xây đập Sanakham.  Cộng đồng và xã hội dân sự đang hành động ở cấp vùng và quốc gia để ngừng dự án, nhấn mạnh đến sự không cần thiết, rủi ro và tốn kém,” Gary Lee của International Rivers, Thái Lan cho biết, và thêm rằng tỉnh Loei đã chịu thiệt hại vì đập Xayaburi.  “Ảnh hưởng gồm có mực nước giao động nhanh chóng, gián đoạn phù sa và chất dinh dưỡng, đưa đến các ảnh hưởng quan trọng đến thủy sản cần thiết cho cuộc sống và lợi tức của các cộng đồng.”

Đánh giá ảnh hưởng của đập Sanakham đệ trình cho MRC có rất ít tham khảo các nghiên cứu trong thập niên vừa qua và bị tố là đạo văn của dự án Pak Lay cách đó trên 50 km – chỉ thay đổi tên của dự án.  Tuy nhiên, MRC không có quyền phủ quyết việc xây đập của Lào và tham vấn trước vẫn là ý kiến.

Tiến trình tham vấn trước rất lôi thôi, và các nhà phê bình nói nó không có hiệu quả và rằng các thảo luận liên quan đến các dự án thủy điện chỉ đề cập chung quanh vấn đề giảm nhẹ thay vì liệu dự án có nên tiến hành.

Tuy nhiên, Gary Lee cho thấy rằng “bắt đầu tiến trình tham vấn trước không có nghĩa là đập Sanakham sẽ tiến hành.  Thí dụ, đập Pak Beng và Pak Lay, với tiến trình tham vấn hoàn tất năm 2017 và 2019, theo thứ tự, vẫn chưa tiến hành.”  Hai đập phải ký thỏa thuận mua điện với Thái Lan, ông nói thêm.

Thỏa ước Mekong 1995, nền tảng của tiến trình tham vấn trước, liên quan đến việc thông báo cho các quốc gia để đề nghị và giảm nhẹ các ảnh hưởng xuyên biên giới có thể có.  Điều nầy xảy ra với Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang.  Đối với Xayaburi, tiến trình khiến chánh phủ Lào phải đầu tư để điều chỉnh thiết kế của đập để giải quyết vấn đề di chuyển của phù sa và cá.

“MRC thực hiện hay ủy thác nhiều nghên cứu, nhấn mạnh các đập qui mô lớn trên dòng chánh và phụ lưu đe dọa nghiêm trọng đến sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực của Mekong, với những gia đình nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất,” Gary Lee nói.  “Tuy nhiên, các dự án vẫn tiến hành, xem nhẹ hay bỏ qua rất nhiều bằng chứng khoa học.”

Có tin cho biết nhà phát triển đã xây đường đi đến vị trí đập Sanakham.

“Tôi không nghĩ [MRC] có bất cứ lợi ích nào,” Channarong Wongla nói. “Chúng ta cũng không cần MRC thảo luận về việc hủy bỏ các dự án đập vì có vẻ họ là cơ cấu khuyến khích các dự án đập.”

Không thể hủy bỏ dự án Sanakham, giới chức Thái đang chuẩn bị để giảm nhẹ ảnh hưởng của đập, với Phó Thủ tướng (PThT) Prawit Wongsuwon nhấn mạnh đến phù sa, thủy sản và thủy vận.

Lỗi của chánh quyền

Giống như MRC, chánh phủ Thái Lan không có quyền ngưng đập do Trung Hoa xây ở Lào.

“Theo chỗ tôi biết, Thái không thể ngừng vì Sanakham sẽ được xây trên đất Lào.  Đó là quyền của họ,” Lertsak Pattanachaikul, một thành viên quốc hội của tỉnh Loei, nói.  Ông thêm rằng không biết nhiều về đập ở Thái Lan và rằng ông được lưu ý bởi các nhóm thiện nguyện địa phương làm việc với Bộ Khuyến khích Phẩm chất Môi trường.

Lertsak đệ trình nghi ngờ của ông về đập Sanakham lên chánh phủ Thái ngày 23 tháng 7.  Trong một diễn văn tại quốc hội, ông đề nghị EGAT nên từ chối mua điện từ đập Sanakham.

Prapat Photasuthon, Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác, có ý định trả lời nghi vấn của Lertsak, nói rằng Sanakham sẽ nhỏ hơn Xayaburi và rằng ảnh hưởng của đập trên Mekong là “một thực tế mới”.

Lertsak nói với China Dialogue: “Nhiệm vụ PThT của tôi là cố gắng làm cho chánh phủ thừa nhận các ảnh hưởng sẽ xảy ra cho dân làng sống ven sông.  Mực nước giao động là một vấn đề cho họ kể từ khi Trung Hoa bắt đầu các dự án đập 20 năm trước.  Nhưng khi Xayaburi bắt đầu, chúng tôi có thể thấy rõ sự thay đổi.  Mekong rất khô cạn.  Cho nên, dự án nầy sẽ ảnh hưởng toàn thể hệ thống sông.  Nó sẽ tệ hại hơn.”

 

Một lối đi bằng kính với cảnh quan trên Mekong ở Phra Yai Phu Khok Ngio, Chiang Khan. [Ảnh: Aphirak Thila]

Các nhóm môi trường và chánh phủ nhanh chóng nêu lên ảnh hưởng của đập mới đối với các dự án công cộng.  Vùng Chiang Khan uể oải sẽ thu hút du khách, và doanh nghiệp và người địa phương lo ngại bị ảnh hưởng.  Ở quốc hội, Lertsak dự đoán rằng đập mới sẽ hạ thấp cái nhìn được người thụ thuế tài trợ từ một lối đi bằng kính vừa được xây.

Chiang Khan và phần còn lại của tỉnh Loei đối mặt với các dự án quản lý nước gây tranh cãi khác, kể cả dự án Kong-Loei-Chi-Mun, một dự án đầy tham vọng của Thái Lan trị giá 75 tỉ để chuyển nước Mekong dẫn tưới cho 17 tỉnh.  Đập Sanakham và Mekong khô cạn khiến cho dự án 16 tuổi nầy, cũng không được nhiều người địa phương trong vùng biết đến, gặp khó khăn, các nhà hoạt động cho biết.

Cũng có nhiều lời kêu gọi từ các nhà hoạt động và chánh phủ để giải quyết tính nhạy cảm của đập Sanakham đối với động đất.  Đường nứt Loei đã được thêm vào dự án, Channarong Wongla ở Rak Chiang Khan nói.  Tiếp theo sau một trận động đất nhỏ mới đây, Bộ Tài nguyên Mỏ sẽ đánh giá Đường nứt Loei trong năm 2022.

“Tôi đặc biệt lo ngại cho sự an toàn vì tin tức về vụ vỡ đập ở Lào.  Với Xayaburi, chúng tôi biết rằng nó được một công ty Thái xây và đạt tiêu chuẩn,” PThT Pertsak Pattanachaikul nói.  Đập phụ D do Tập đoàn SK của Nam Triều Tiên xây ở hạ Lào sụp đổ năm 2018, giết chết 40 người và di tản hàng ngàn người.  “Với Sanakham, một dự án đầu tư của Trung Hoa và có lẽ sẽ được xây bởi nhóm Trung Hoa của họ.  Tôi lo ngại về chuyện nầy.”


Đối trọng của Trung Hoa

Sự tham dự của Trung Hoa vào dự án Sanakham và việc tài trợ tiếp theo các đập Pak Lay và Pak Beng – cũng như việc khoán trắng các dự án ở Lào – cũng gây nhiều lo ngại cho các nhà hoạt động và chánh phủ Thái.

Ở thượng lưu của Lào, Trung Hoa có 12 đập khổng lồ trên phần sông Mekong của mình, được gọi là Lancang, và các nghiên cứu gần đây của Eyes on Earth tố cáo rằng Trung Hoa đang giữ lại nước rất cần cho các quốc gia ở hạ lưu, làm cho hạn hán thêm tồi tệ và gây căng thẳng xuyên biên giới Mekong.  MRC và một nhóm chuyên viên Mekong phủ nhận lời tố cáo nhưng lặp lại sự cần thiết để chia sẻ thêm dữ kiện từ Trung Hoa.

“Văn phòng Thủy lợi Quốc gia Thái Lan rất bi quan về ảnh hưởng của các đập mới trên dòng chánh ở Lào, kể cả Sanakham, đối với dòng chảy cũng như phù sa và sự di chuyển của cá ở hạ lưu,” Brian Eyler ở Trung tâm Stimson, và tác giả của quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (Last Days of the Mighty Mekong), cho biết.  “[Các đập của Trung Hoa ở thượng lưu] tạo sự bất định cho cái mà trước đây là chu kỳ thủy học có thể đoán trước một cách khá dễ và rằng sự bất định sẽ không thu hút các nguồn tài trợ cho các đập ở hạ lưu.”

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Trung Hoa Li Keqiang (Lý Khắc Cường) loan báo rằng Trung Hoa sẽ chia sẻ dữ kiện quanh năm với các quốc gia hạ lưu Mekong để giúp làm giảm lo ngại, nhưng liệu nó sẽ đến từ các trạm thủy học khác với 2 trạm hiện nay hay không.  Cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Copperation (LMC)), câu trả lời của Trung Hoa cho việc hoạch định phát triển các quốc gia Mekong ở hạ lưu, đã gặp lãnh đạo các quốc gia Mekong hôm 25 tháng 8 để xác nhận thêm dữ kiện sẽ được chia sẻ với các quốc gia ở hạ lưu.

Vấn đề thủy điện không phải là một ưu tiên cao cho LMC, Eyler nói, nhưng các dự án của LMC và Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)) tạo các chướng ngại vật cho các nhà hoạt động Thái Lan, trái ngược với Lào và Cambodia, nơi đầu tư của Trung Hoa phần lớn không bị chỉ trích.

“Ở Lào, anh có thể đi tù vì nói về các đập,” Suwit nói.  Năm rồi, giới chức Lào bắt giữ 8 nhà hoạt động khi chuẩn bị chống đối việc lấy đất, xây đập và phá rừng.  Suwit nói mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Hoa và Thái Lan khiến cho việc đối phó các vấn đề nầy gặp khó khăn, trích dẫn các nhóm Thái-Trung Hoa và sự thiếu tin cậy.  “Chúng tôi đề nghị về minh bạch và cai quản tốt, cho nên các nhà đầu tư Trung Hoa đưa công ty Datang hay Viện Khổng Tử để nói chuyện với chúng tôi.  Họ không nghĩ đến việc hủy bỏ dự án.”

Năm nay, đã có một số thắng lợi trong các chiến dịch chống lại việc phát triển Mekong, nổi bật nhất là việc hủy bỏ kế hoạch phá nổ ghềnh thác ở phía bắc Thái Lan để gia tăng lượng mậu dịch.  Hồi tháng 3, Cambodia tạm ngưng các đập trên dòng chánh Mekong trong 10 năm theo sau các hoạt động liên tục và nguy hiểm đến sinh thái của hồ Tonle Sap.

Khi thời hạn 6 tháng để tham vấn trước cho đập Sanakham bắt đầu, các nhà hoạt động hy vọng chánh phủ Thái sẽ từ chối việc mua điện và giới chức Thái nhấn mạnh đến việc có thể dời vị trí đập xa hơn về phía thượng lưu.

“Không có ai chánh thức nói chuyện với chúng tôi về đập.  Chỉ có các NGOs ở địa phương.  Không có chánh phủ hay Thủ tướng,” Prayoon nói khi ông đợi tin về việc làm thế nào để Trung Hoa, Thái Lan và Lào cùng hướng về ngư dân và sinh thái của Mekong.  “Chúng tôi không có sức mạnh để chống lại.”

No comments:

Post a Comment