Tuesday, April 28, 2020

Đồng bằng sông Cửu Long chống chọi với hạn, mặn và đập thủy điện Trung Quốc


Thu Hằng

Chợ nổi trên sông Cửu Long ở Cần Thơ. Ảnh minh họa. © RFI / Tiếng Việt

Do dịch Covid-19, sự chú ý của công luận đối với tình trạng hạn hán và nước biển xâm lấn ở đồng bằng sông Cửu Long (Mêkông) đã bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Theo báo mạng Le Courrier du Vietnam (14/02), vào tháng 02/2020, khoảng 79.700 hộ trong khu vực không có nước sạch sử dụng hàng ngày. Nhiều xe bồn đã được huy động chở nước cung cấp cho khoảng 40.000 hộ dân ở những khu vực xa xôi nhất thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bến Tre, Long An, Cà Mau và Trà Vinh.

Năm 2020, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Giai đoạn 08-13/04 là thời điểm nước biển xâm lấn đạt mức cao nhất, vẫn theo Le Courrier du Vietnam. Sau đó, tình trạng này giảm dần cho đến tháng Năm, nhưng vẫn ở mức cao. Năm 2019, hạ lưu sông Mêkông từng trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng do các đập thủy điện của Trung Quốc trên thượng nguồn đã cố tình giữ nước. Hiện tượng bất thường này được công ty nghiên cứu và tư vấn Mỹ Eyes on Earth Inc, do bộ Ngoại Giao Mỹ tài trợ, công bố ngày 12/04/2020.

Để hỗ trợ người dân tám tỉnh đang chịu thiên tai, ngày 10/04, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phê chuẩn chương trình trợ giúp 530 tỉ đồng (hơn 22,7 triệu đô la) : Năm tỉnh Bến Tre, Long An, Tiền Giang, Cà Mau và Kiên Giang, mỗi tỉnh được nhận 70 tỉ đồng ; ba tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Bạc Liêu, mỗi tỉnh được nhận 60 tỉ đồng.
Kinh phí trên được dành cho việc triển khai các giải pháp khẩn cấp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, như bơm nước ngọt, nạo kênh, xây kè giữ nước ngọt, đào ao và giếng, mở rộng mạng lưới dự trữ nước, mua trang thiết bị lọc và giữ nước, phân phối nước…
Những biện pháp trước mắt này là hữu hiệu, nhưng phải tính phương án xa hơn. Đây là nhận định với RFI Tiếng Việt của tiến sĩ Dương Văn Ni, chủ tịch Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt là Quỹ Nghiên cứu và Bảo tồn Mekong, Mekong convervancy Foundation, MCF). Trách nhiệm nghiêm trọng của các đập thủy điện Trung Quốc trên thượng nguồn cũng được tiến sĩ Dương Văn Ni phân tích trong buổi trả lời phỏng vấn RFI Tiếng Việt.

RFI : Thưa tiến sĩ, đồng bằng sông Cửu Long đang trải qua một đợt hạn hán và nước biển xâm lấn nghiêm trọng. Xin ông cho biết nghiêm trọng đến mức nào ?

TS. Dương Văn Ni : Theo báo cáo của các địa phương, so với năm 2015-2016, chúng ta có 10 tỉnh tuyên bố thiên tai so với 12 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Năm nay, đến giờ phút này (tháng 04/2020), có 7 tỉnh đã công bố thiên tai. Như vậy, so về mức độ ảnh hưởng, năm nay không bị ảnh hưởng nhiều như năm 2015-2016.
Tuy nhiên, đó là vấn đề mang tính hành chánh. Còn trong thực tế, năm 2020 này, nước mặn xâm nhập không thua gì năm 2015-2016. Dù nước mặn xâm nhập nhiều, nhưng dù sao bà con ở vùng duyên hải ít bị thiệt hại hơn 2015-2016 là bởi vì vào năm 2015-2016, bà con không có tư thế chuẩn bị, bởi vì cả mấy chục năm trước đó không có xuất hiện cái mặn gay gắt như vậy, thành thử ra người ta cũng chủ quan. Thứ hai là chính sách Nhà nước lúc đó vẫn giữ diện tích lúa vì sợ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, thành thử ra không cho phép người dân chuyển đổi.
Sau 2015-2016, nhiều địa phương rút kinh nghiệm và người ta cũng chuyển đổi một số diện tích, không trồng lúa nữa. Thành thử ra năm 2020 này, mặc dầu mặn xâm nhập sâu cũng không thua gì năm 2015-2016 nhưng mức độ thiệt hại thấp hơn 2015-2016, bởi vì người dân đã được cảnh báo trước.

RFI : Đâu là những nguyên nhân giải thích hiện tượng này ?

TS. Dương Văn Ni : Nói về mặn của đồng bằng sông Cửu Long thì chắc chắn chúng ta biết rồi, bản chất của đồng bằng sông Cửu Long được hình thành trong hai môi trường nước : nguồn nước ngọt trong mùa mưa và nguồn nước mặn trong mùa khô.
Vào mùa mưa, nó hình thành được là do nguồn nước ngọt truyền tải phù sa từ phía thượng nguồn về bồi thêm cho đồng bằng. Nhưng trong mùa nắng, thì nó lại nhờ dòng nước biển xâm nhập vào và mang phù sa biển vào để bồi cho vùng duyên hải. Vậy thì tự nhiên đã như thế rồi ! Hàng năm nước biển xâm nhập vào, tùy lượng nước ngọt trên phía thượng nguồn đưa về. Năm nào nguồn nước ngọt phía thượng nguồn đưa về nhiều và kéo dài khi mùa mưa chấm dứt thì mùa khô năm đó, mặc dầu đã dứt mưa giống như những năm bình thường, nhưng mà do lượng nước ở trên còn dồi dào đổ về, thành thử nó đẩy nước mặn ra ngoài biển, năm đó cái mặn xâm nhập vào đồng bằng ít hơn.

Nói nôm na lại, ở đồng bằng sông Cửu Long, cái mặn ngọt của vùng duyên hải lệ thuộc vào mấy yếu tố. Yếu tố thứ nhất là nguồn nước mặn, dồi dào đến mức độ nào. Yếu tố thứ hai là kiểu sử dụng đất của người dân. Ví dụ người dân trên vùng thượng nguồn hoặc ở những tỉnh phía trên, họ sử dụng nước để tưới tiêu nhiều thì sẽ chặn nguồn nước ngọt lại, do đó không đủ nước ngọt về bên dưới và bên dưới bị ảnh hưởng mặn. Yếu tố thứ ba là do mưa. Có nhiều năm, vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long nhận được một lương mưa khá lớn, từ 1.800 đến 2.200 mm. Do đó, lượng mưa này đóng góp rất đáng kể cho chuyện làm bớt mặn vùng này.
Ba nguồn nước này, nguồn nước mặn, nước mặt (nước ngọt) và nước mưa cùng kiểu sử dụng đất quyết định vấn đề mặn ngọt của vùng duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long.
Nhưng mà mấy năm gần đây, chúng ta biết là trên chuỗi sông Mêkông, từ phía Trung Quốc, qua tới Lào qua tới Thái Lan, Campuchia và xuống tới Việt Nam, thì trên dòng sông này, trong tự nhiên, nó có rất nhiều vùng chống ngập, những vùng chứa nước rất nhiều vào mùa mưa. Vào mùa khô, nó phóng thích từ từ ra dòng sông và chảy xuống dưới phía đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Điển hình nhất là Biển Hồ (Tonlé Sap) bên Campuchia, mỗi năm tích trữ một lượng nước khổng lồ. Khi mùa khô, hết mưa, nó cũng phóng thích từ từ ra dòng sông và do đó cũng góp phần đẩy mạnh, làm cho cái mặn của đồng bằng sông Cửu Long giảm đi.

RFI : Những công trình đập nước, nhà máy điện trên thượng nguồn sông Mêkông tác động như thế nào đến hiện tượng này ?

TS. Dương Văn Ni : Chúng ta có thể kết luận một cách chắc chắn mà không cần phải tranh cãi gì nữa, những đập thủy điện này tác động rất trầm trọng đến chế độ thủy văn của đồng bằng sông Cửu Long. Nói tác động trầm trọng, có nghĩa như thế nào ? Có nghĩa là có những năm bình thường, nói nôm na như người dân nói là « mưa thuận gió hòa », thì không có vấn đề gì xảy ra cả. Các đập thủy điện này ngăn nước để phát điện. Họ ngăn nhưng họ cũng phải xả nước. Vào những năm mưa thuận gió hòa, lượng nước về bình thường, nói chung không ảnh hưởng gì lớn.
Nhưng những năm thời tiết cực đoan, ví dụ hạn hán như năm nay, thì nguyên tắc của đập thủy điện là phải trữ nước, đủ nước mới phát điện được, thành thử ra, quá trình họ trữ nước, chắc chắn phía hạ du sẽ không thể nào nhận đủ nước. Nói tóm lại, những năm bị khô hạn thì những đập thủy điện này làm cho khô hạn thêm, như năm nay. Ngược lại, vào những năm mưa nhiều, khi đập thủy điện đã tích đầy, thì có ngưỡng an toàn, không thể nào tích cao hơn được nữa. Nếu tích cao hơn, trọng lượng của khối nước bên trên lớn hơn tính toán của đập, có thể làm vỡ đập và họ bắt buộc phải xả bỏ. Nói tóm lại, trong những năm mưa nhiều, trong khi phía hạ du nước đã ngập rồi, thì các đập thủy điện lại xả nước, làm ngập thêm.
Do đó, các đập thủy điện có tác động, có thể nói, đối với nước, năm nào hạn thì sẽ trầm hạn, làm cho hạn hán trầm trọng thêm. Ngược lại, năm nào lũ thì sẽ chồng thêm lũ, làm trận lũ đó lớn thêm.

RFI : Vào đầu tháng 04/2020, thủ tướng Việt Nam đã thông qua kế hoạch hỗ trợ 530 tỉ đồng cho 8 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Khoản kinh phí này có đủ giúp cải thiện tình hình, cũng như trợ giúp người nông dân trong vùng không ?

TS. Dương Văn Ni : Với số tiền đó, nếu tính đều ra cho 8 tỉnh duyên hải của đồng bằng sông Cửu Long thì không đáng là bao nhiêu cả. Nhưng số tiền đó tập trung vào giải quyết vấn đề nước sinh hoạt, thì có ý nghĩa tương đối tốt.
Tại vì nếu nói về nước, chúng ta chia làm mấy loại nước. Nước dùng để uống, để sinh hoạt hàng ngày tắm giặt và nước dùng để sản xuất. Với số tiền đó, nếu chính quyền địa phương từng nơi tập trung vào nguồn nước để người dân ăn uống, sinh hoạt, thì tôi cho rằng số tiền đó có ý nghĩa đáng kể.
Nhưng nếu số tiền đó để tập trung giải quyết nguồn nước sản xuất, thì chẳng thấm vào đâu bởi vì sản xuất cần nhiều nước lắm.

Source:


.

Monday, April 27, 2020

CHUỖI ĐẬP THỦY ĐIỆN VÂN NAM VÀ “CỬU LONG CẠN DÒNG”



Nguyễn Minh Quang
22 tháng 4 năm 2020

Sông Mekong ở Nakhon Phanom khô cạn. [Ảnh: Bangkok Post]


Phần dẫn nhập

Trong bài viết trên trang mạng của Viet Ecology Foundation [1] và được trích đăng trên báo Người Việt ở Orange County, California [2], Bác sĩ (BS) Ngô Thế Vinh, tác giả của 2 quyển sách Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóngMekong – Dòng sông nghẽn mạch, đã dùng một bài phỏng vấn được đăng trên báo Người Đô Thị ở trong nước ngày 15 tháng 5 năm 2016 [3] để “…trả lời quan điểm sai trái cho rằng Cửu Long cạn dòng không phải do Trung Cộng xây chuỗi đập thủy điện trên thượng nguồn.”

BS Ngô Thế Vinh nhận định rằng: “Đã tới năm 2020, mà vẫn còn một số bài viết mới phát tán trên mạng, và tác giả bài viết ấy chỉ dựa vào con số 16% lượng nước sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc, để bảo rằng ảnh hưởng chuỗi đập khổng lồ Vân Nam là không đáng kể, như một biện minh che chắn cho những việc làm sai trái của Bắc Kinh trên dòng Mekong trong suốt hơn ba thập niên qua.

Xây chuỗi đập bậc thềm Vân Nam, Trung Quốc đã khởi đầu phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Dung lượng các hồ chứa Vân Nam ngoài khả năng giữ hơn 30 tỉ mét khối nước [thời điểm 2016], còn chặn lại một trữ lượng rất lớn phù sa không cho xuống tới hạ lưu. Thiếu nguồn nước ngọt, thiếu phù sa lại thêm ngập mặn với nước biển dâng, cả một vùng châu thổ phì nhiêu ĐBSCL, cái nôi của một nền văn minh miệt vườn, có tương lai trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa.”

Các nhận định của BS Ngô Thế Vinh có chính xác hay không?  Quan điểm cho rằng Cửu Long cạn dòng không phải do Trung Cộng xây chuỗi đập thủy điện trên thượng nguồn có sai trái hay không?  Quan điểm cho rằng ảnh hưởng của chuỗi đập khổng lồ ở Vân Nam là không đáng kể có phải là một biện minh để che chắn cho những việc làm sai trái của Bắc Kinh hay không?  Bài viết nầy nhằm mục đích trả lời những câu hỏi đó.

Nguyên tắc thủy học của một đập thủy điện

Thông thường, một đập thủy điện được xây cất để tạo một hồ chứa nước ở phía sau đập, với một chiều cao (thủy thế) đủ để chạy các turbine đặt trong nhà máy phát điện ở chân đập rồi xả nước xuống hạ lưu.  Tất cả các đập trên dòng chánh Lancang ở Trung Hoa đều thuộc loại nầy.

Vì lưu lượng tại vị trí đập thay đổi rất lớn tùy theo mùa, nước được trữ trong hồ chứa trong mùa mưa để có thể chạy máy turbine quanh năm.  Do đó, các đập thủy điện loại nầy làm lưu lượng của sông tại vị trí đập giảm trong mùa mưa và tăng trong mùa khô.

Một loại đập thủy điện khác, cũng được dùng để tạo hồ chứa nước ở phía sau đập, nhưng với chiều cao đủ để điều hòa lưu lượng tại vị trí đập.  Nhà máy điện được đặt trong một lưu vực sông khác, có cao độ thấp hơn cao độ của hồ chứa, để tạo thủy thế cho các turbine của nhà máy điện.  Thí dụ điển hình là đập thủy điện Đa Nhim, với hồ chứa Đơn Dương ở cao độ khoảng 1.040 m nằm trên sông Đa Nhim nhưng nhà máy điện Krong Pha thì nằm trong lưu vực Sông Cái (Phan Rang) có cao độ khoảng 250 m.

Một loại đập thủy điện khác không có hồ chứa nước ở phía sau đập gọi là đập dòng chảy (run-of-the-river dam).  Đập chỉ xây đủ cao để tạo thủy thế và chỉ sử dụng lưu lượng tự nhiên của sông tại vị trí đập.  Tất cả số nước chảy đến đập đều được xả xuống hạ lưu đập qua các máy turbine của nhà máy điện ở chân đập hay các cửa xả lũ.  Tất cả các đập trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong đều thuộc loại nầy.

Cửu Long cạn dòng vì chuỗi đập Vân Nam?

Dùng con số 16% số lượng nước Mekong đổ xuống từ Trung Hoa chỉ là cách giải thích đơn giản và dễ hiểu để minh chứng chuỗi đập thủy điện khổng lồ ở Vân Nam không làm cho Cửu Long cạn dòng.  Tuy không đầy đủ, nhưng cũng không có gì sai.

Có rất nhiều nghiên cứu, dựa trên dữ kiện thủy học đo đạc, cho thấy các đập thủy điện trên thượng nguồn Lancang ở Trung Hoa đã theo đúng các nguyên tắc thủy học của một đập thủy điện có hồ chứa nước ở phía sau: giảm lưu lượng trong mùa mưa và tăng lưu lượng trong mùa khô.

“Dữ kiện đo đạc từ năm 1961 đến 2000 cho thấy rằng việc xây cất và vận hành đập Manwan (Mạn Loan) có ảnh hưởng đáng kể đến tình trạng thủy học, đó là mực nước và lưu lượng, ở trạm thủy học Chiang Saen [Thái Lan], cửa ngỏ của hạ lưu vực Mekong.  Việc đóng đập Manwan có thể làm cho mực nước trung bình hàng tháng ở Chiang Saen xuống đến mức thấp nhất trong năm 1992 và 1993.

Đập thủy điện Manwan ở Trung Hoa. [Ảnh: Internet]

Lưu lượng trong mùa khô (tháng 11 đến tháng 4) ở trạm Chiang Saen gia tăng đáng kể sau khi đập Manwan được hoàn tất vào năm 1993…  Lưu lượng trung bình hàng tháng trong mùa khô tăng từ 654 m3/sec đến 1.055 m3/sec, hay khoảng 61%.

Lưu lượng trong mùa mưa (tháng 5 đến tháng 10) ở trạm Chiang Saen cũng gia tăng từ năm 1993…  Lưu lượng trung bình hàng tháng trong mùa mưa tăng từ 2.744 m3/sec đến 3.511 m3/sec, hay khoảng 21%.  Sự gia tăng nầy có thể do lượng mưa rất lớn ở thượng lưu vực trong khoảng thời gian nầy.

Ảnh hưởng thủy học của việc hoàn tất và điều hành đập Manwan không được quan sát ở Châu Đốc và Tân Châu [Việt Nam], hai trạm thủy học cuối nguồn của hệ thống trạm thủy học ở hạ lưu vực Mekong.” [4]

Một nghiên cứu trong năm 2014, sử dụng dữ kiện đo đạc từ 1960 đến 2014, cho thấy việc điều hành các đập thủy điện đã thay đổi lưu lượng của sông từ năm 2011 với mức thay đổi lớn nhất trong năm 2014.  Tại Chiang Saen, lưu lượng trung bình hàng tháng gia tăng 121-187% trong tháng 3 đến tháng 5 năm 2014 (mùa khô) và giảm 32-46% trong tháng 7 và 8 năm 2014 (mùa mưa).  Tại trạm Kratie ở Cambodia, lưu lượng thay đổi ít hơn với 41-74% gia tăng và 0-6% giảm trong cùng thời gian. [5]

Gần đây nhất, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) loan báo mực nước sông Mekong tại các trạm thủy học dọc theo sông Mekong đã xuống đến mức thấp nhất trong lịch sử đo đạc, ngay trong mùa mưa [6].  Từ ngày 14 tháng 6 đến ngày 18 tháng 7 năm 2019, mực nước giảm xuống 0,97 m tại trạm Chiang Saen ở Thái Lan, 5,58 m tại trạm Vientiane ở Lào, và 0,38 m tại trạm Kratie ở Cambodia [6].  Đây có lẽ là bằng chứng vững chắc nhất cho thấy chuỗi đập thủy điện Vân Nam không phải là “thủ phạm” làm cho “Cửu Long cạn dòng”, vì đập thủy điện lớn cuối cùng và có hồ chứa lớn nhất, đập Nuozhadu (Nọa Trác Độ) với dung tích gần 24 tỉ m3 nước, được hoàn tất và đưa vào hoạt động từ năm 2014.

Đập thủy điện Nuozhadu ở Trung Hoa. [Ảnh: Internet]

Chuỗi đập Vân Nam phá hủy toàn hệ sinh thái lưu vực Mekong?

Ngay sau khi phê bình một số tác giả trên mạng “…chỉ dựa vào con số 16% lượng nước sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc để bảo rằng ảnh hưởng chuỗi đập khổng lồ Vân Nam là không đáng kể,”  BS Ngô Thế Vinh đã “tự bắn vào chân mình” khi chỉ dùng con số 30 tỉ mét khối dung lượng của chuỗi đập Vân Nam, khoảng 6% số lượng nước hàng năm của sông Mekong, để kết luận rằng “…chuỗi đập bậc thềm Vân Nam, Trung Quốc đã khởi đầu phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong.”

Quả thật là các đập thủy điện lớn có những ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường gồm có các ảnh hưởng trực tiếp đến các đặc tính sinh học, hóa học và vật lý của sông, những vùng đất dọc theo sông (stream-side) ở phía dưới đập, và những vùng đất chung quanh hồ chứa nước.  Ảnh hưởng quan trong nhất của chuỗi đập Vân Nam là ngăn chận một số lượng phù sa đáng kể trong các hồ chứa nước.

Theo một nghiên cứu mới nhất của MRC, dựa trên dữ kiện lưu lượng và độ phù sa đo đạc, số lượng phù sa trong sông Mekong từ năm 1961 đến năm 2011-13 giảm từ 71,3 xuống còn 12,8 triệu tấn tại trạm Chiang Saen, giảm từ 112,4 xuống còn 22,8 triệu tấn tại trạm Luang Prabang ở Lào, giảm từ 144,5 xuống còn 91,1 triệu tấn tại trạm Mukdahan ở Thái Lan, và giảm từ 165,8 xuống còn 70,8 triệu tấn tại trạm Pakse ở Lào [7].  Như vậy, chúng ta có thể kết luận rằng chuỗi đập thủy điện ở Vân Nam làm giảm số lượng phù sa trong sông Mekong khoảng 80% khi chảy vào hạ lưu vực ở Chiang Saen, Thái Lan và khoảng 50% ở Pakse, Lào trước khi chảy vào Cambodia. 

So sánh số lượng phù sa trong sông Mekong trong năm 1961 (lúc chưa có đập thủy điện) và năm 2011-13 ( đã có chuỗi đập Vân Nam và đập trên phụ lưu ở Thái Lan và Lào), chúng ta thấy số lượng phù sa do các phụ lưu ở hạ lưu vực (94,5 triệu tấn năm 1961 và 58 triệu tấn năm 2011-13) quan trọng hơn số lượng phù sa từ thượng lưu vực (71,3 triệu tấn trong năm 1961 và 12,8 triệu tấn trong năm 2011-13).  Đó là chưa kể đến số lượng phù sa từ lưu vực Sekong-Sesan và Sre Pok (3S), được ước tính khoảng 11 triệu tấn/năm.  Số lượng phù sa từ lưu vực 3S được ước tính chỉ còn khoảng 1,6 triệu tấn/năm trong khoảng 2011-13, tức giảm khoảng 85%.

Đập thủy điện Hạ Sesan 2 ở Cambodia. [Ảnh: Khmer Times]

ĐBSCL sẽ trở thành vùng đất chết do sa mạc hóa?

Những người hoạt động môi trường thường dùng phương pháp “gieo rắc sợ hãi” để hù dọa quần chúng.  Là một “con người xanh của môi sinh” như ông đã xác nhận, BS Ngô Thế Vinh cũng áp dụng phương pháp gieo rắc sợ hãi khi khẳng dịnh rằng: “Thiếu nguồn nước ngọt, thiếu phù sa lại thêm ngập mặn với nước biển dâng, cả một vùng châu thổ phì nhiêu ĐBSCL, cái nôi của một nền văn minh miệt vườn, có tương lai trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa.” [1-3].

ĐBSCL có thể thiếu nguồn nước ngọt của sông Mekong vì nhu cầu sử dụng nước gia tăng ở các quốc gia thượng nguồn, chứ không phải do các đập thủy điện trên dòng chánh Lancang của Trung Hoa, vì các đập thủy điện nầy làm tăng lưu lượng của sông trong mùa khô.  Hơn nữa, ĐBSCL còn có những nguồn nước ngọt khác, chẳng hạn như nguồn nước ngầm và nguồn nước biển được khử muối bằng kỹ thuật tiên tiến [8].  Mặc dù số lượng phù sa trong sông Mekong có thể giảm đến 50%, nhưng ĐBSCL có thể sử dụng phân bón để duy trì năng suất nông nghiệp.

ĐBSCL không thể nào bị ngập mặn vì nước biển dâng, nếu nó được bảo vệ bởi một hệ thống đê, tương tự như hệ thống đê ở Hòa Lan.  Ngày nay, có khoảng 27% diện tích của Hòa Lan nằm dưới mặt biển và là nơi cư trú của trên 60% dân số 17 triệu của nước nầy [9].

ĐBSCL cũng không thể nào trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa, nếu những tiến bộ kỹ thuật được áp dụng để tiết kiệm nước [8] và canh tác các loại hoa màu và cây cối có sức chịu hạn mặn cao.  Với những tiến bộ kỹ thuật nầy, Israel đã biến một phần của sa mạc Negev thành những cánh đồng xanh cho nông nghiệp [10].

Canh tác trong sa mạc Negev ở Israel. [Ảnh: YouTube]


Phần kết luận

Trong một bài viết được đăng tải trên trang mạng của Viet Ecology Foundation và nhật báo Người Việt ở Orange County, California, BS Ngô Thế Vinh quả quyết rằng chuỗi đập thủy điện Vân Nam trên sông Lancang ở Trung Hoa làm cho “Cửu Long cạn dòng”, phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong, và làm cho ĐBSCL bị ngập mặn hay trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa trong tương lai.  Sau đó, lên án những ai - cho rằng ảnh hưởng chuỗi đập khổng lồ Vân Nam là không đáng kể - đã biện minh và che chắn cho những việc làm sai trái của Bắc Kinh trên dòng Mekong trong suốt hơn ba thập niên qua.

Nhưng có nhiều nghiên cứu – dựa trên dữ kiện đo đạc từ trước cho đến nay – cho thấy chuỗi đập thủy điện Vân Nam không những không làm cho “Cửu Long cạn dòng”, mà còn làm gia tăng lưu lượng trong mùa khô.  Giống như bất cứ dự án phát triển nào, chuổi đập thủy điện Vân Nam có ảnh hưởng đến hệ sinh thái, nhưng chỉ giới hạn ở vùng dự án và ven sông chứ không có ảnh hưởng trên toàn lưu vực.  ĐBSCL không thể bị ngập mặn hay trở thành vùng đất chết do sa mạc hóa, nếu ĐBSCL biết áp dụng những tiến bộ kỹ thuật đã được áp dụng trên thế giới để tạo thêm nguồn nước ngọt, ngăn mặn và duy trì năng suất nông nghiệp.

BS Ngô Thế Vinh có quyền “theo một motif hay tư duy cũ mèm là đổ lỗi cho Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn xa lắc… rồi chửi bới, đổ lỗi được coi là giải pháp và lòng yêu nước” [11] để lên án những việc làm của Bắc Kinh mà ông cho là sai trái.  Nhưng ông không thể lên án những ai cho rằng chuỗi đập khổng lồ Vân Nam không có ảnh hưởng đáng kể là một biện minh để che chắn cho những việc làm sai trái đó, chỉ vì họ đã làm đúng theo lương tâm khoa học: Khoa học không có tình thương mà cũng không có hận thù; khoa học không có vị nễ mà cũng không có bôi bác; khoa học là thẳng thắn, trung thực, và chính xác.

Sơ lược về tác giả

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

Tài liệu tham khảo

[1]       Ngô Thế Vinh. Không có ngày tháng. “Vũ khí giải cứu Mekong: Chất xám và tiếng nói.”  Viet Ecology Foundation. http://vietecology.org/Article/Article/2380
[2]       Ngô Thế Vinh. 23 tháng 3 năm 2020.  “Vũ khí giải cứu Mekong: Chất xám và tiếng nói.”  Người Việt. https://www.nguoi-viet.com/dien-dan/vu-khi-giai-cuu-mekong-chat-xam-va-tieng-noi/
[3]       Lê Quỳnh. 15 tháng 5 năm 2016. “Phỏng vấn Ngô Thế Vinh – người đi dọc 4.800 km sông Mekong.”  Người Đô thị. https://nguoidothi.net.vn/phong-van-ngo-the-vinh-nguoi-di-doc-4-800km-song-mekong-3533.html
[4]       Quang M. Nguyen, P.E.  June 28, 2003.  “Hydrologic Impacts of China’s Upper Mekong Dams on the Lower Mekong River.”  Mekong Infohttp://www.mekonginfo.org
[5]       Timo A.Räsänen, et al. February 2017.  “Observed river discharge due to hydropower operations in the Upper Mekong Basin.”  Journal of Hydrology.  https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0022169416308125?via%3Dihub
[6]       Mekong River Commission. 18 July 2019.  “Mekong water levels reach low record.”  Mekong River Commissionhttp://www.mrcmekong.org/news-and-events/news/mekong-water-levels-reach-low-record/
[7]       Lois Koehnken.  Julu 2014. Discharge Sediment Monitoring Project (DSMP) 2009-2013.  Summary & Analysis of Results.  Final Report.  Mekong River Commission Secretariathttps://portal.mrcmekong.org/assets/v1/documents/Report-workshop/Technical-Report_DSMP/DSMP-Report-2009_13-Final-Report-July-2014.pdf
[8]       Nguyễn Minh Quang.  22 tháng 3 năm 2020.  “Ngày Nước Thế giới: Vinh danh Tiến bộ Kỹ thuật Giúp Nhân loại Giải quyết Tình trạng Thiếu Nước.”  Mekong – Cửu Long Blogspot. https://mekong-cuulong.blogspot.com/2020/03/ngay-nuoc-gioi-vinh-danh-tien-bo-ky.html
[9]       Matt Rosenberg.  September 9, 2019.  “How the Netherlands Reclaimed Land from the Sea.”  ThoughtCo.https://www.thoughtco.com/polders-and-dikes-of-the-netherlands-1435535
[10]     Tourist Israel.  Accessed March 26, 2020.  “Israel’s Desert Agriculture.”  Tourist Israelhttps://www.touristisrael.com/israels-desert-agriculture/10334/
[11]     Đăng Khoa.  14 tháng 3 năm 2020.  “Tình cảnh Mekong: Người Việt nên tự trách mình.”  Báo Sạchhttps://facebook.com/baochisach/posts/218871886144656




Wednesday, April 22, 2020

Hãy trả đất đai miền Tây về như nửa thế kỷ trước


Mỹ Thuận

(VNTB) – “Để làm vụ ba, chúng ta làm đê bao ngăn lũ, thậm chí là dự án thoát lũ ra biển Tây, vì chúng ta coi lũ là thiên tai, trong khi lũ là hệ sinh thái cần thiết. Chúng ta làm ngược lại quy luật tự nhiên, nên đất mất đi lớp nước trữ, khô hạn sẽ gia tăng”.

Mỹ Thuận - Hãy trả đất đai miền Tây về như nửa thế kỷ trước

Người miền Tây giờ thì ‘tối mặt, tối mày’ mà vẫn nghèo
Ông Lê Anh Tuấn, Phó Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ), nói rằng từ xưa, những vùng trũng như Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười là vùng tự nhiên chứa nước lũ, người dân bỏ đất không làm vụ ba, cho ngập lũ đón phù sa. Có giai đoạn đất nước sau chiến tranh còn nghèo, thiếu ăn, nên phải bảo đảm an ninh lương thực bằng cách mỗi địa phương tự sản xuất lúa, dự trữ càng nhiều càng tốt. Số lương thực này còn được chính quyền dùng để trả các khoản nợ mà Hà Nội đã vay để phục vụ cho cuộc chiến tranh Bắc – Nam.
“Bây giờ, tư duy tích trữ ấy vẫn còn ảnh hưởng. Để làm vụ ba, chúng ta làm đê bao ngăn lũ, thậm chí là dự án thoát lũ ra biển Tây, vì chúng ta coi lũ là thiên tai, trong khi lũ là hệ sinh thái cần thiết. Chúng ta làm ngược lại quy luật tự nhiên, nên đất mất đi lớp nước trữ, khô hạn sẽ gia tăng”. Ông Lê Anh Tuấn nhận xét.

Trong những buổi tọa đàm liên quan việc ‘đê bao’ ở miền Tây, nhiều nhà khoa học khẳng định đê bao khép kín, sản xuất lúa vụ 3 mặc dù đem lại sự tăng trưởng mạnh về sản lượng, nhưng cũng tạo ra những thiệt hại nặng nề cho vùng này, đặc biệt là làm giảm đi nguồn cá, mất phù sa, đồng ruộng bạc màu, dịch bệnh phát triển, nông dân phải sử dụng nhiều phân bón, ô nhiễm môi trường…
Cảnh báo “đê bao càng dài, mặn càng lấn sâu” của nhiều nhà khoa học vào đầu thập niên 90 ở thế kỷ trước, gần như không được chính quyền cầu thị.

Những năm 1990, khi các tuyến đê bao khép kín ngăn lũ hình thành, người dân có thể làm lúa ngay mùa nước nổi. Cùng với dự án thoát lũ ra biển Tây (An Giang, Kiên Giang), cứ thế những tuyến đê bao ngăn lũ ngày càng được đắp dài ở hai vùng trũng là Đồng Tháp Mười (phía tả ngạn thuộc các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An) và vùng Tứ Giác Long Xuyên (phía hữu ngạn thuộc An Giang, Kiên Giang).
Đến nay, hệ thống đê bao khép kín có tổng chiều dài khoảng 7.000 km, đưa hàng triệu người dân ổn định nhà cửa phía trong đê. Khắp nơi, người dân say sưa làm lúa vụ 3, thậm chí trong 2 năm làm 7 vụ lúa. Sản lượng lúa gia tăng nhanh chóng, đưa Việt Nam trở thành một trong 3 nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Lưu ý, Việt Nam là quốc gia xuất khẩu sản lượng gạo nhiều nhất nhì thế giới, nhưng xét về giá thì chẳng thể so bì với ai. Và hệ lụy ở đây cho thấy hoàn toàn là chuyện của lợi bất cập hại. Người nông dân Nam bộ đã thiệt đơn, thiệt kép trong vụ việc này.

Miền Tây chứ phải đâu sông Hồng mà cần đắp đê (!)
Hằng năm khi lũ sông Mê Kông đổ về làm cho Biển Hồ tăng diện tích chứa nước từ 300.000 ha trong mùa khô lên 1,5 triệu ha. Từ Biển Hồ nước chảy vào Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên làm cho hai vùng này ngập sâu 3 – 4 m. Từ đây, nước nhả dần dần ra sông Tiền, sông Hậu, vào mùa khô đẩy nước mặn xâm nhập từ biển vào.
Thế nhưng, sau khi hình thành hệ thống đê bao khép kín, một khảo sát từ năm 2000 đến 2011 (thời kỳ chưa chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các đập thủy điện của Trung Quốc), cho thấy lượng nước ở Tứ Giác Long Xuyên đã giảm từ 9,2 tỉ m3 xuống còn khoảng 4,5 tỉ m3 do diện tích khoảng 1.100 km2 ô đê bao khép kín ngăn lại.
“Điều này cũng đồng nghĩa đồng bằng sông Cửu Long đã mất 4,7 tỉ m3 nước để đẩy mặn trong mùa khô cho vùng ven biển. Hai vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười không còn nước tích trữ đủ để bổ sung cho sông Tiền, sông Hậu đẩy nước mặn ra xa nên xâm nhập mặn lại càng lấn sâu. Tệ hơn khi biến đổi khí hậu càng tác động mạnh, El Nino gây hạn hán xảy ra khắp lưu vực sông Mê Kông”, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về thủy điện và sông Mê Kông, nhận định.

Tài liệu có tên “Đánh giá các hệ thống ngăn mặn vùng ven biển châu thổ Cửu Long và dự án thủy lợi sông Cái Lớn – Cái Bé” của nhóm nghiên cứu gồm Lê Anh Tuấn – Nguyễn Hữu Thiện – Dương Văn Ni – Nguyễn Hồng Tín – Đặng Kiều Nhân, cho biết như sau (trích): “Một điều mà nhiều người nhận xét, ở những nơi có cống – đập chặn dòng, tình trạng di dân ngày càng phổ biến. Việc canh tác khó khăn, chi phí đầu tư cao mà lợi nhuận giảm, cộng thêm tình trạng môi trường nước bị ô nhiễm, nhiều người đã bỏ đồng ruộng đi mưu sinh ở các khu công nghiệp hoặc thành phố (ở địa phương quen gọi một tên chung là “đi Bình Dương”).

Hiện tượng này không phải do vấn đề dân số, tốc độ tăng dân số của đồng bằng sông Cửu Long hiện nay là âm, mà do kinh tế nông thôn đang đi xuống. Trong vấn đề di dân, phụ nữ và trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.
Do sông ngòi ô nhiễm, trẻ em nông thôn ngày nay không biết bơi, chỉ những đứa trẻ trừ ở các nhánh sông lớn như Sông Tiền, Sông Hậu. Đây là một nét văn hóa đã bị mất của đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động giao thông thủy sút giảm cũng là mất một nét quan trọng của văn hóa sông nước đồng bằng sông Cửu Long. Lượng cá trắng sút giảm nghiêm trọng nên một số món ăn mất hình ảnh con cá trên thực đơn…”.
Hãy trả đất đai miền Tây về như nửa thế kỷ trước, thời chưa có cái ngày ‘30 tháng tư lịch sử’.

Nguồn : https://vietnamthoibao.org/

.


.

Monday, April 20, 2020

Tô Văn Trường – Dự án giao thông thuỷ của Trung Quốc trên sông Mekong



18 tháng 4 năm 2020

Tiến sỹ Tô Văn Trường là chuyên gia độc lập về tài nguyên và môi trường. Ông đã có thời gian từ 1988-9/1996 là chuyên gia ở Ủy hội sông Mekong (MRC) Bangkok-Thái Lan. Từ 10/1996-01/2009 là Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam.


Chính phủ Thái Lan ngày 4 tháng 2 vừa qua quyết định không tham gia đề án hoàn thành 2025, đã kéo dài 20 năm nay nhằm tăng cường giao thông trên Sông Mekong từ Trung Quốc qua Thái và Lào, dài 631 km tới Luan Praband, để có thể đáp ứng thông thương cho loại tàu chở 500 tấn vào năm 2025,  giúp chuyên chở 6.45 triệu tấn và 3.3 triệu khách mỗi năm.

Dự án bị coi là phá hoại môi trường vì có 13 địa điểm thiên nhiên phải bị phá hủy bằng cách nổ mìn phá đá, và chỉ có lợi cho Trung Quốc, bị các tổ chức dân sự Thái Lan tổ chức phản đối.
Đây có lẽ đây là thành công đầu tiên trong việc đấu tranh với tham vọng của Trung Quốc trên sông Mekong, nhưng ít được báo chí phổ thông nói tới. (Xin xem một phân tích trên ISEAS-Yusof Ishak Institute).

Một câu chuyện cũ
Hai mươi năm trước, Trung Quốc từng lập dự án giao thông thủy Trung Quốc – Lào. Dịp đó, đoàn công tác của Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Đình Thịnh làm trưởng đoàn, có các thành viên Nguyễn Hồng Toàn (Chánh văn phòng Ủy ban sông Mekong Việt Nam), Nguyễn Chu Hồi (Viện trưởng Viện kinh tế thủy sản), tôi và một chuyên gia nữa của Bộ Giao thông, tham gia hội thảo các nước ven sông Mekong tổ chức ở Lào, và đi khảo sát tuyến giao thông thủy từ Trung Quốc về Lào theo dự án phá đá ngầm, để cho xà lan đi lại giao thương. Dự án này do Trung Quốc thiết kế và đầu tư bước đầu là 5 triệu đô la.

Ở hội thảo, đoàn Việt Nam và Campuchia phân tích nhiều điều bất cập của dự án, kể cả bài toán thủy lực và tác động xấu đến môi trường sinh thái. Khi đi khảo sát thực địa, Trung Quốc bố trí tầu đệm khí (có bọc thép ở mũi tầu) đi từ Trung Quốc xuôi dòng bị húc vào đá, bẹp một chút ở mũi nhưng vẫn an toàn (không biết do vô tình hay hữu ý).

Buổi tối, tôi thảo luận riêng với ba chuyên gia Trung Quốc trên máy tính về bài toán thủy lực. Họ là các nhà khoa học của Vũ Hán (tốt nghiệp tiến sĩ ở Mỹ). Tôi nêu rõ quan điểm: chúng ta cùng áp dụng hệ phương trình Saint-Venant một chiều, dù phương pháp giải nào đi nữa, như phương pháp sai phân hữu hạn (gồm sai phân hiện và sai phân ẩn) hay phương pháp phần tử hữu hạn (lưới tam giác hay chữ nhật) hoặc phương pháp phần tử biên, nhưng kết quả rất khác nhau, vì chất lượng của số liệu đầu vào. Nếu Trung Quốc vẫn không cung cấp các tài liệu cơ bản địa hình, thủy văn thì không bao giờ đi đến thống nhất về kết quả mô hình thủy lực (chưa nói đến các tác động xấu đến môi trường theo các tiêu chí Đánh giá tác động môi trường).

Họ bàn riêng với nhau, rồi cuối cùng cũng quyết định cấp cho tôi tài liệu địa hình, thủy văn. Lúc đó đã 11 giờ khuya, tôi gõ cửa phòng Thứ trưởng Nguyễn Đình Thịnh, tường thuật lại nội dung buổi tối làm việc và nộp lại toàn bộ tài liệu. Thứ trưởng Thịnh cho biết, trước đây Bộ trưởng Lê Huy Ngọ từng trao cho ông một bộ tài liệu do cơ quan chức năng của Việt Nam thu thập, được coi là “mật” nhưng tài liệu tôi thu thập được từ phía Trung Quốc thì chi tiết và giá trị hơn rất nhiều.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho dòng chính khi bị chuyển thành “đường giao thông thủy Lan Thương – Thái Lan”, TS Nguyễn Chu Hồi còn tham gia thêm vài lần nữa với đoàn công tác của Ủy ban sông Mekong và thấy rõ hơn đây là “Trò chơi chiến lược” của Trung Quốc.

Dự án giao thông thủy Trung Quốc – Thái Lan
Khởi động và tạm dừng
Theo tôi biết, bắt đầu từ năm 1994, các quốc gia Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan đã có các cuộc họp về dự án phá đá nổ mìn khu vực thượng lưu Mekong (từ cảng Simao, Vân Nam -Trung Quốc đến Ban Houayxai, LuangPrabang – Lào) với tổng chiều dài 890km.
Theo tài liệu cập nhật của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Dự án phá đá nổ mìn khu vực thượng lưu Mekong đã được công ty tư vấn China CCCC Second Harbor tiến hành nghiên cứu và lập các báo cáo nghiên cứu khả thi (Báo cáo khả thi, Đánh giá tác động môi trường). Các báo cáo này đã được nộp cho các quốc gia nêu trên từ tháng 9/2001.
Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà dự án đến nay vẫn chưa được tiếp tục thực hiện giai đoạn thiết kế kỹ thuật.

Đến cuộc họp lần 3, cấp Bộ trưởng, tại Vân Nam, Trung Quốc, ngày 20/12/2017, phía Trung Quốc và Thái Lan đã có thảo luận riêng về dự án này và đi đến thống nhất là tạm dừng dự án. (Xin xem Bangkokpost)

Ngày 09/03/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai thông báo: Trong thời gian bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị thăm Thái Lan tháng 02/2019, hai bên đã tiếp tục thảo luận và phía Trung Quốc đồng ý không xem xét dự án. (Xin xem Bangkokpost)
Các nguyên nhân tạm hoãn dự án chủ yếu là do các tổ chức xã hội của Thái Lan và người dân trong vùng dự án phản đối và yêu cầu Chính phủ Thái Lan không thực hiện, với các lý do sau đây:
– Dự án được thực hiện bởi tư vấn Trung Quốc, không có các chuyên gia và các đơn vị có liên quan trong vùng dự án cùng tham dự.
– Không thông báo và thảo luận với cộng đồng về Dự án và mục tiêu của dự án.
– Báo cáo nghiên cứu khả thi không đầy đủ, không xem xét hết các yếu tố về môi trường, văn hóa và sinh kế của người dân vùng dự án.
– Dự án chỉ tập trung vào yếu tố đạt lợi ích kinh tế, tuy nhiên lại xem nhẹ các yêu cầu và chiến lược của các quốc gia liên quan.
– Quan trọng nhất: Chính quyền và người dân nhận thấy nền kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do bị tác động bởi hàng hóa Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Thái Lan khi dự án này được hoàn thành.

Nhận định về động thái của phía Trung Quốc
Việc thông báo từ bỏ kế hoạch phá đá nổ mìn khu vực thượng lưu Mekong mới chỉ được một bên là Thái Lan đưa tin, trong khi đó, dường như, các quốc gia khác trong vùng dự án là Lào, Myanmar và Trung Quốc đến nay vẫn chưa có bất cứ thông báo nào về việc tạm dừng hay loại bỏ dự án này.
Theo báo cáo nghiên cứu của dự án thì lợi ích kinh tế của Trung Quốc đối với dự án này là rất lớn về Du lịch và giao thương hàng hóa. Do vậy việc Trung Quốc từ bỏ Dự án này cần phải được xem xét hết sức thận trọng. Bằng chứng là:
– Bản ghi nhớ (MoU) về giao thông thủy vùng thượng lưu Mekong giữa Trung Quốc, Myanmar, Lào và Thái Lan vẫn còn hiệu lực.
– Chiến lược giao thông thủy 2015-2025 của Trung Quốc đã phê duyệt, do vậy khả năng Trung Quốc vẫn chủ động tiến hành dự án thuộc khu vực Vân Nam. Và với hợp tác GMS, Trung Quốc sẽ từng bước thuyết phục các quốc gia hạ lưu (Tháng 12/2017, phía Trung Quốc đề xuất với Thái Lan sẽ xem xét nghiên cứu giảm quy mô dự án và đánh giá lại các tác động môi trường và sinh kế vùng dự án. Xin xem Nationmultimedia).
– Đoạn sông của dự án là sông biên giới, do vậy khả năng Trung Quốc sẽ “lách luật” bằng cách cải tạo giao thông bên phía Lào với quy mô nhỏ hơn… Đây cũng là vấn đề cần xem xét.

Vài kết luận bước đầu
Khả năng phía Trung Quốc tạm hoãn dự án phá đá nổ mìn khu vực thượng lưu Mekong là khá cao, do phải đối diện với các phản đối của cộng đồng dân cư của Thái Lan trong vùng dự án, và do chính nghiên cứu khả thi cùng các báo cáo đã thực hiện chưa đầy đủ, chưa đáp ứng được các yêu cầu và các tiêu chuẩn kỹ thuật của Thái Lan.

Kinh tế chỉ là cái vỏ bọc, chiến lược hướng nam của Trung Quốc mới thực sự là mục đích của họ. Trung Quốc theo đuổi 20 năm vì trước đây Lào và Campuchia đều không ủng hộ Trung Quốc mở tuyến giao thông trên bộ dọc xuống ASEAN, nên họ mở luồng giao thông thủy để chứng mình sự giao thương kinh tế Trung Quốc-ASEAN (thực tế lúc đó chỉ có tàu Trung Quốc và một vài tàu Thái Lan đi lại).

Giờ đây, Trung Quốc sẵn sàng ngãng ra, dừng dự án lại vì tình hình trên bộ, sau chiêu tung “Sáng kiến vành đai, con đường” và “Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21” đi qua Biển Đông với chiến thuật thiết kế “Chuỗi ngọc trai trên biển” trong đó có các viên ngọc trai (đô thị thương mại): Hạ Môn, Tam Á, Hoàng Sa, Trường Sa, Sihanoukville (đã xong), Như vậy, họ không có nhu cầu bắt buộc về giao thông thủy như thế nữa, vừa tốn kém, vừa bị công luận phản đối.
Với lợi ích kinh tế, cũng như chiến lược nâng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực với nhiều thủ đoạn có lợi nhất cho mình, cho nên phía Việt Nam cần tiếp tục theo dõi sát sao thông tin về dự án này.

Nguồn:
 https://usvietnam.uoregon.edu/du-an-giao-thong-thuy-cua-trung-quoc-tren-song-mekong/

.

Sunday, April 19, 2020

CÁC ĐẬP THỦY ĐIỆN TRÊN SÔNG LANCANG GIỮ NƯỚC GÂY HẠN HÁN Ở HẠ LƯU MEKONG?



 Nguyễn Minh Quang
17 tháng 4 năm 2020


Sông Mekong ở Sangkhorn, Thái Lan cạn trơ đáy trong tháng 1 năm 2020. 
[Ảnh: Adam Dean]

Phần dẫn nhập

Ngày 14 tháng 3 năm 2020, hãng thông tấn Reuters phổ biến một bản tin từ Bangkok, Thái Lan cho biết, dựa theo một nghiên cứu của Eyes on Earth Inc. (EOE) vừa được công bố [1], các đập thủy điện trên sông Lancang - sông Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa – đã giữ lại một số lượng nước to lớn trong khi các quốc gia ở hạ lưu chịu thiệt hại nặng nề vì hạn hán [2].  Ngay sau đó, bản tin đã được các hệ thống truyền thông trên thế giới trích đăng, trong số đó có đài RFA và VOA [3-8].

Cũng theo Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Hoa lập tức bác bỏ kết quả nghiên cứu của EOE, vì lời giải thích cho rằng việc xây đập trên sông Lancang của Trung Hoa gây hạn hán ở hạ lưu là vô lý [2].  Đây không phải là lần đầu tiên mà Trung Hoa phủ nhận cáo buộc nầy.  Vào năm 2010, sau khi dự một phiên họp với lãnh đạo các quốc gia Thái Lan, Cambodia, Việt Nam và Lào, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Hoa Song Tao (Tống Đào) tuyên bố: “Dữ kiện thống kê cho thấy đợt hạn hán gần đây trên toàn lưu vực là do thời tiết cực kỳ khô khan, và mực nước sông Mekong xuống thấp không có liên quan gì đến việc phát triển thủy điện.” [9]

Nghiên cứu EOE như thế nào?  Nhận xét của Trung Hoa về nghiên cứu nầy đúng hay sai?  Bài viết nầy sẽ tìm hiểu để trả lời hai câu hỏi đó.

Thủy học của lưu vực và đập thủy điện

Thủy học - một môn học về nước trong khí quyển, trên mặt đất, và trong lòng đất – là một môn học được nhiều người cho là “khô khan,” nhưng rất cần thiết để trả lời hai câu hỏi nêu trên.  Tuy nhiên, phần trình bày ở đây sẽ được đơn giản hóa đến mức tối đa để người đọc có thể hiểu dễ dàng.

Thủy học của lưu vực

Lưu vực của sông tại một vị trí – chẳng hạn như ở trạm thủy học, nơi các dữ kiện thủy học như lưu lượng và mực nước được đo đạc – là phần diện tích trên mặt đất mà khi nước mưa rơi xuống sẽ chảy qua vị trí đó.

Ngoài phương pháp đo đạc trực tiếp, lưu lượng có thể được ước tính theo lượng mưa trên lưu vực.  Vì nước mưa bốc hơi và thấm xuống đất, nên chỉ có một phần chảy đến trạm thủy học, gọi là hệ số chảy tràn.  Phương pháp để tính lưu lượng đơn giản và phổ biến nhất là phương pháp thuần lý (rational method) với phương trình Q = CiA, trong đó Q là lưu lượng tối đa chảy qua trạm, C là hệ số chảy tràn (C < 1.0), i là cường độ mưa (mm/hr) trên lưu vực, và A là diện tích lưu vực.

Thủy học của đập thủy điện

Mục đích của đập thủy điện là tạo chiều cao của cột nước để chạy máy phát điện (thủy thế) hay điều tiết lưu lượng tại vị trí đập, hoặc cả hai.  Vì lưu lượng tự nhiên tại vị trí đập thay đổi rất lớn tùy theo mùa, đập thủy điện cần hồ trữ nước trong mùa mưa và tháo nước trong mùa khô để có thể cung cấp một lưu lượng cố định quanh năm cho máy phát điện.  Lưu lượng cố định nầy cao hơn lưu lượng thấp nhất tại vị trí đập.

Dung lượng của hồ chứa nước gồm có 2 phần:  dung lượng chết (dead storage) và dung lượng hoạt động (active storage).  Nước của dung lượng chết được trữ vĩnh viễn trong hồ, còn nước trong dung lượng hoạt động được xả xuống hạ lưu qua nhà máy phát điện.  Vào mùa mưa, nước đến hồ được giữ lại cho đến khi hồ đầy nước.  Sau đó, nước đến hồ phải được xả xuống hạ lưu qua cửa xả tràn để tránh vỡ đập.  Trong những năm hạn hán, hồ có thể không đầy nên không có nước được xả xuống hạ lưu vào mùa mưa.  Vào mùa khô, nước từ nhà máy phát điện luôn luôn được xả xuống hạ lưu, ngoại trừ nhà máy điện ngưng hoạt động.

Nhận xét về nghiên cứu của EOE

Nghiên cứu của EOE sử dụng “… một mô hình đơn giản và đáng tin cậy để tiên đoán dòng chảy tự nhiên của thượng lưu Mekong, rồi dùng kết quả của mô hình để xem chuỗi đập thủy điện xây trên thượng nguồn Mekong thay đổi dòng chảy tự nhiên của sông như thế nào.” [1]  Nghiên cứu nầy có những khuyết điểm có ảnh hưởng lớn lao đến kết quả của nó.

Phương pháp ước tính mực nước

Nghiên cứu EOE dùng chỉ số độ ướt của mặt đất (land surface wetness index) được tính toán từ dữ kiện vi sóng của vệ tinh Special Sensor Microwave Imager/Sounder (SSMI/S) để ước tính mực nước của sông Mekong bằng cách xác định sự liện hệ giữa chỉ số độ ướt của mặt đất với mực nước trung bình hàng tháng ở Chiang Saen.  Đây là một phương pháp mới lạ (novel method) chưa được kiểm chứng.

Sông Mekong ở Chiang Saen, Thái Lan. [Ảnh: Wikipedia]


Phương trình của sự liên hệ giữa độ ướt (WI) và mực nước ở Chiang Saen (H) trong nghiên cứu của không giống với bất cứ sự liên hệ thông thường nào:

H = 0,921 + 0,554xWI + 0,954xWI2

Trị số 0,921 cho mực nước khi chỉ số độ ướt bằng 0 trong phương trình trên chỉ là một “khái niệm lý thuyết (theoretical concept).  Trên thực tế, mực nước thấp nhất trong mùa khô ở trạm Chiang Saen trước khi có chuỗi đập thủy điện Trung Hoa là trị số thích hợp nhất.

Thời gian tiêu biểu cho dòng chảy tự nhiên

Nghiên cứu của EOE dùng dữ kiện trong các năm 1992, 1993 và 2002 để xác định sự liên hệ (calibration) và dữ kiện trong các năm 1994 đến 1996 để kiểm chứng sự liên hệ đó (verification), vì cho rằng dữ kiện trong các năm nầy “tiêu biểu tốt nhất cho dòng chảy tự nhiên.”  Giả thiết nầy hoàn toàn không thích hợp vì đập Manwan (Mạn Loan) bắt đầu hoạt động vào năm 1993, tất cả dữ kiện mực nước trong nghiên cứu của EOE đều bị ảnh hưởng của đập nầy.  Điều nầy phù hợp với kết quả ước tính trong nghiên cứu của EOE cho thấy mực nước thấp nhất ở trạm thủy học Chiang Saen càng ngày càng tăng.  Thời gian trước năm 1992 mới là thời gian tiêu biểu cho dòng chảy tự nhiên của sông Mekong.

So sánh mực nước đo đạc (màu đen) và ước tính (màu đỏ) 
của sông Mekong ở Chiang Saen, Thái Lan.

Tình trạng hạn hán trong lưu vực

Trong khoảng thời gian nghiên cứu, từ năm 1992 đến 2019, có ít nhất 2 đợt hán hán nghiêm trọng đã xảy ra trên toàn lưu vực sông Mekong trong năm 2016 và 2019 [10].  Nhưng các ước tính trong nghiên cứu của EOE cho thấy mực nước trung bình hàng tháng cao nhất ở trạm Chiang Saen trong năm 2016 và 2019 thì tuơng đương với năm 2015 và 2018, là những năm không có hạn hán.

“Mất” nước ở thượng lưu vực Mekong

Dựa trên tổng số mực nước bị “mất” tại trạm thủy học Chiang Saen trong 26 năm lên đến 126.44 m, nghiên cứu của EOE kết luận rằng “số nước nầy hoặc bị giữ lại trong các hồ chứa hay chuyển ra khỏi sông bằng những phương tiện khác.”  Lập luận nầy chỉ là một suy diễn không có cơ sở khoa học.  Các đập thủy điện trên sông Lancang làm đúng nhiệm vụ của chúng: giữ nước trong mùa mưa và xả nước trong mùa khô chứa không giữ nước vĩnh viễn.  Không có bằng chứng nào cho thấy nước được chuyển ra khỏi sông.  Trái lại, mực nước trung bình hàng tháng thấp nhất ở trạm Chiang Saen càng ngày càng tăng chứng minh rằng lưu lượng sông Mekong ở đây gia tăng sau khi có đập.

Đập Manwan trên sông Lancang. [Ảnh: Internet]

Phần kết luận

Theo một bản tin của hãng thông tấn Reuters, dựa theo kết quả nghiên cứu của Eyes on Earth Inc., các đập thủy điện trên sông Lancang đã giữ lại một số lượng nước to lớn gây hạn hán cho các quốc gia ở hạ lưu Mekong.  Bộ Ngoại giao Trung Hoa đã lập tức bác bỏ kết quả của nghiên cứu nầy vì cho nó là vô lý.

Nghiên cứu sử dụng một mô hình “đơn giản và đáng tin cậy” để tiên đoán dòng chảy tự nhiên của sông Lancang.  Mô hình nầy ước tính mực nước tự nhiên của sông Mekong ở trạm thủy học Chiang Saen, cửa ngỏ của hạ lưu vực Mekong, bằng phương pháp mới lạ, dựa trên “khái niệm lý thuyết” và chưa được kiểm chứng và có những khuyết điểm như dùng dữ kiện thủy học bị đập ảnh hưởng để tiêu biểu cho dòng chảy tự nhiên và không thể phản ánh tình trạng hạn hán trong lưu vực.  Dựa vào kết quả của mô hình, nghiên cứu kết luận rằng sông Mekong bị “mất” nước vì Trung Hoa giữ lại nước trong các hồ chứa hay chuyển ra khỏi sông bằng “những phương tiện khác.”  Kết luận nầy chỉ là suy diễn mà không có cơ sở khoa học.

Dựa vào các nguyên tắc thủy học của lưu vực và đập thủy điện và những gì được trình bày trong phúc trình nghiên cứu, chúng ta có thể thấy rằng lập luận cho rằng Trung Hoa giữ lại nước trong hồ chứa gây hạn hán cho các quốc gia ở hạ lưu Mekong là vô lý, và việc bác bỏ nghiên cứu của Bộ Ngoại giao Trung Hoa là có lý.

Sơ lược về tác giả

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

Tài liệu tham khảo

[1]       Basist, A. and Claude Williams.  April 10, 2020.  Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Mekong Basin Through Natural (Unimpeded) Conditions.  Sustainable Infrastructure Partnership.  Bangkok, Thailand.
[2]       Kay Johnson.  April 13, 2020.  “Chinese dams held back Mekong waters during drought, study finds.”  Reuters.  https://www.reuters.com/article/us-mekong-river/chinese-dams-held-back-mekong-waters-during-drought-study-finds-idUSKCN21V0U7
[3]       Hannah Beech.  April 13, 2020.  “China Limited the Mekong’s Flow Other Countries Suffered a Drought.”  The New York Times.  https://www.nytimes.com/2020/04/13/world/asia/china-mekong-drought.html
[4]       Reuters.  April 13, 2020.  “Did China’s dams contribute to drought in Lower Mekong Countries?”  South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3079661/did-chinas-dams-contribute-drought-lower-mekong-countries
[5]       Reuters.  April 14, 2020.  “China dams held back Mekong waters during drought: US study.”  The Strait Times.  https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/china-dams-held-back-mekong-waters-during-drought-us-study
[6]       Reuters.  14 tháng 4 năm 2020.  “Mỹ Báo Động TQ Chận Nước Thượng Nguồn Sông Mekong làm Thiệt Hại Các Nước Hạ Nguồn Gồm Có VN.”  Việt Báo.  https://vietbao.com/a302859/my-bao-dong-tq-chan-nuoc-thuong-nguon-song-mekong-lam-thiet-hai-cac-nuoc-ha-nguon-gom-co-vn
[7]       RFA.  April 14, 2020.  “Ngiên cứu khẳng định Trung Quốc giữ nước lại trên thượng nguồn Mekong!”  RFA.  https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/study-confirms-china-holds-water-upstream-in-the-mekong-delta-04142020164725.html
[8]       VOA Tiếng Việt.  April 14, 2020.  “TQ Đổi dòng, giữ nước Mekong; Đại sứ quán Mỹ tại HN ‘quan ngại’”  VOA.  https://www.voatiengviet.com/a/tq-doi-dong-giu-nuoc-mekong-dai-su-quan-my-tai-hn-quan-ngai/5371023.html
[9]       Ambika Ahuja.  April 5, 2010.  “China says dams not to blame for low Mekong levels.”  Reuters.  https://www.reuters.com/article/us-mekong-idUSTRE6341A620100405
[10]     Strange Sounds.  September 2, 2019.  “The Mighty Mekong River Is Almost Dry in the Middle of the Rainy Season.”  Strange Sounds.  https://strangesounds.org/2019/09/mekong-river-drying-up-disaster-video.html


.