Sunday, August 30, 2020

TIN CẬY LÀ CHÌA KHÓA CỦA HỢP TÁC LANCANG-MEKONG


(Trust key to Lancang-Mekong cooperation)

Tian Fuqiang, Liu Hui and Lu Hui – Bình Yên Dông lược dịch
China Daily – August 24, 2020

Một người dân làng chèo thuyền trên sông Mekong ở ngoại ô Luang Prabang, Lào 
ngày 5 tháng 2 năm 2020.

Lời người dịch:  Bài viết nầy là phần đối đáp mới nhất của phía Trung Hoa  trong trận chiến thông tin giữa các chuyên viên của Hoa Kỳ và Trung Hoa về tình trạng hạn hán trong lưu vực Lancang-Mekong.  Nó nêu lên những khuyết điểm quan trọng trong nghiên cứu của phía Hoa Kỳ ảnh hưởng đến kết quả nó nó.

Hạn hán xảy ra trong lưu vực sông Mekong trong năm 2019 làm mực nước trong dòng sông vĩ đại nầy xuống đến mức thấp nhất trong hơn 100 năm, gây thiệt hại đáng kể cho người sử dụng nước ở thượng lưu lẫn hạ lưu.

Mực nước thấp chưa từng thấy ở trong sông đã thu hút nhiều sự chú ý từ các quốc gia duyên hà Lancang-Mekong và xa hơn, kể cả một nghiên cứu của các nhà nghiên cứu của Eyes on Earth và Global Environmental Satellite Application (EoE) cho rằng hạn hán là do các đập của Trung Hoa ở thượng lưu giữ lại nước.  Nhưng một nhận xét sau đó của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) nêu lên những nghi ngờ quan trọng về phương pháp và dữ kiện dùng trong nghiên cứu của EoE.

Phúc trình của MRC kết luận rằng hạn hán năm 2019 phần lớn là do lượng mưa ít trong mùa mưa và mưa chấm dứt sớm, cùng hiện tượng El Nino làm cho nhiệt độ và độ bốc thoát cao bất thường.  Nó cũng cho rằng kết luận về tình trạng thiếu nước cấp thời ở hạ lưu vực Mekong trong năm 2019-20 là do các đập của Trung Hoa giữ lại nước là không đúng.

Được cỗ vũ bởi phúc trình của MRC, chúng tôi thực hiện một nghiên cứu nhằm mục đích định lượng thêm các đặc tính hạn hán trong lưu vực Lancang-Mekong và vai trò có thể có của việc điều hành hồ chứa.

Kết quả được duyệt xét nhóm và chia sẻ rộng rãi trong một buổi hội thảo trên mạng trong tháng 7, thu hút nhiều học giả nổi tiếng từ Đại học Oxford, Đại học Illinois-Champaign, MRC, Đại học Chulalongkorn, Thủy điện & Đập Quốc tế và Viện Nghiên cứu Thủy lợi phía Nam của Việt Nam, cùng các chuyên viên khác từ 6 quốc gia Lancang-Mekong.

Các chuyên viên quốc tế kết luận rằng nghiên cứu của chúng tôi đã trình bày một cách chính xác các đặc tính hạn hán của lưu vực Lancang-Mekong, nguyên nhân của đợt hạn hán 2019 và thành phần khu vực của lượng chảy tràn dọc theo sông Mekong bằng cách sử dụng các mô hình mới nhất, các phương pháp và dữ kiện tổng thể trong nghiên cứu.  Các chuyên viên cũng nói rằng phúc trình của chúng tôi mô tả ảnh hưởng giảm nhẹ của các hồ chứa ở thượng lưu đối với hạn hán nói chung.

Từ các bài viết được công bố của ông, chúng tôi biết tác giả chánh của phúc trình Eoe đã phát triển một chỉ số độ ướt có tên là Chỉ số độ ướt Basist, và lưu ý trong các bài viết của ông rằng chỉ số nầy không thể áp dụng cho các vùng núi có cây cối rậm rạp.

Nhưng lưu vực Lancang là một cùng núi có cây cối rậm rạp.  Có nghĩa là nghiên cứu EoE không chính xác và tệ hơn là dựa trên một tiền đề sai.

Trong một bài báo trên Bangkok Post, các tác giả EoE đưa ra một vấn đề lũ lụt mới.  Họ nhấn mạnh đến ưu thế tuyệt đối của nhịp lũ đối với đời sống của người dân ở hạ lưu phụ thuộc vào nó, đó là, kỹ nghệ đánh cá Tonle Sap, bằng cách cáo buộc rằng “không có trường hợp lũ lụt nghiệm trọng giết chết hàng ngàn người, chứ đừng nói hàng triệu”.

Nhưng sự việc là lũ lụt đã gây nhiều thiệt hại kinh tế và nhân mạng trong 6 quốc gia Lancang-Mekong.  Hàng trăm người chết khi lũ lụt lớn tàn phá lưu vực Mekong trong năm 2000-14 với tổng số người chết trên 2.000 – có thể giảm thiểu phần lớn nhờ vào hạ tầng cơ sở kiểm soát lũ lụt có hiệu quả.

Để xác định ảnh hưởng của các đập Lancang đối với nhịp lũ Tonle Sap, cần phải biết mức đóng góp của sông Lancang vào lưu lượng trong mùa mưa ở Stung Treng – vào khoảng 14% trong nghiên cứu của chúng tôi (16,8% theo phúc trình của MRC).  Cũng cần phải biết rằng dòng chảy đảo ngược vào (chảy vào) hồ Tonle Sap chiếm khoảng 15% lưu lượng của dòng chánh Mekong trong thời gian nầy.  Do đó, mức đóng góp của sông Lancang đối với việc đảo ngược dòng chảy vào hồ Tonle Sap chỉ vào khoảng 2%.  Cứu xét phần kiểm soát của các đập Lancang đối với dòng chảy sông Lancang, ảnh hưởng của việc điều hành các đập Lancang đối với nhịp lũ của hồ Tonle Sap không quá 2%.

Là những người nghiên cứu, chúng tôi đã tham gia vào nhiều hoạt động hợp tác liên quan đến sông Lancang-Mekong trong hơn 10 năm qua.  Chúng tôi chứng kiến các quốc gia Lancang-Mekong cam kết hợp tác nguồn nước ở cấp cao qua MRC và cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)).  Theo chỗ chúng tôi được biết, chìa khóa của việc quản lý nguồn nước xuyên biên giới là hành dộng tập thể.  Theo ngôn từ của Elinor Ostrom, người đoạt Giải Nobel 2009 về Kinh tế, bồi đấp kiến thức và sự tin cậy rất cần thiết để giải quyết các vấn đề một cách tập thể.

Kinh nghiệm của đợt hạn hán 2019 và tất cả các đợt hạn hán trước đó kêu gọi hành động có phối hợp hơn giữa các bên liên hệ để giảm nhẹ hạn hán và các mối nguy thủy học cực đoan khác.  Điều nầy không dễ dàng.  Chia sẻ kiến thức, đặt nền tảng trên sự hiểu biết khoa học vững chắc, có thể là bước đầu trong chiều hướng đó.

Để kết thúc, chúng tôi muốn chia sẻ kết quả chánh của nghiên cứu của chúng tôi nhằm mục đích xây dựng kiến thức và tin cậy.  Lưu vực Lancang-Mekong đang trải qua hạn hán thường xuyên – đáng kể trong mùa khô hơn trong mùa mưa.  Hạn hán năm 2019 là một trong những trận hạn hán tồi tệ nhất trong thế kỷ qua, và vùng bị ảnh hưởng nặng nhất là Lancang đến thượng lưu Mekong (Nong Khai).

Từ khi hạn hán nghiêm trọng trong năm 2019 được xác định là do ít mưa vào đầu mùa mưa, việc điều hành các hồ chứa trong lưu vực Lancang-Mekong có thể đóng một vai trò tích cực trong việc đối phó với hạn hán trong lưu vực.  Chúng tôi hy vọng tất cả các quốc gia duyên hà có những nỗ lực nghiêm chỉnh để đối mặt với thách thức chung để xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người.

Sơ lược về tác giả

Tian Fuqiang là giáo sư ở Trung tâm nước Xuyên Biên giới và An ninh Sinh thái, Đại học Tsinghua (Thanh Hoa); Liu Hui là kỹ sư trưởng của Nha Thủy lực, Viện Nghiên cứu Nguồn Nước và Thủy điện Trung Hoa; và Lu Hui là phó giáo sư ở Trung tâm nước Xuyên Biên giới và An ninh Sinh thái, Đại học Tsinghua.


.

MEKONG, NƠI TỤ HỌP CỦA THẢM HỌA


(In the Mekong, a Confluence of Calamities)

Courtney Weatherby and John Lichtefeld – Bình Yên Đông lược dịch
Foreign Policy – April 28, 2020

Người dân Cambodia phơi cá trong một làng dọc theo Tonle Sap ở Phnom Penh trong năm 2019, năm mà nước nầy đối mặt với một trong những trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử cận đại. [Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP]

Hạn hán cùng với đại dịch corona báo hiệu nguy hiểm cho an ninh lương thực.

Trong năm vừa qua, hạn hán nặng nề được các đập thủy điện ở thượng lưu làm nghiêm trọng thêm đã bóp nghẹt mức sản xuất nông nghiệp, hủy hoại ngư nghiệp, và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trong lưu vực Mekong.  Đại dịch coronavirus làm phức tạp thêm tình hình nầy, làm gián đoạn nguồn cung cấp và tăng giá gạo và các thức ăn chánh khác.  Mặc dù các chánh phủ Mekong đã cam kết với người dân của họ để bảo đảm các nguồn cung cấp thực phẩm, nhiều lo ngại đang gia tăng liệu thực phẩm có đầy đủ và vừa túi tiền cho dân số dễ tổn thương nhất trong khu vực.  Không có nơi nào mà những nguy cơ về sự bất ổn lượng thực rõ hơn ở Cambodia.

Đối với nông dân và ngư dân trên khắp lưu vực sông Mekong, coronavirus xảy ra vào lúc tệ hại.  Trong tháng 4 năm 2019, khu vực bắt đầu khổ sở vì trận hạn hán nghiêm trọng và kéo dài.  Hiện tượng thời tiết El Niño khiến tình trạng thiếu nước lan rộng, vì mưa mùa – thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10 để trồng vụ lúa chánh – đã không đến.  Các hồ chứa trên khắp khu vực bắt đầu cạn, và mực nước trong hạ lưu Mekong xuống đến mức thấp lịch sử.  Các đập của Trung Hoa ở thượng lưu Mekong làm cho ảnh hưởng của hạn hán thêm tồi tệ, hạn chế nước chảy xuống hạ lưu nơi nó có thể giảm bớt tình trạng khô hạn kỷ lục. [Lời người dịch: Điều nầy đã gây tranh cãi rất nhiều từ tháng 4 năm 2020.]

Các cộng đồng nông nghiệp thiệt hại lớn lao.  Vào tháng 7, Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 12 tỉnh và yêu cầu nông dân hoãn việc canh tác lúa để dùng số nước ít ỏi còn lại cho việc gia dụng.  Mực nước trong các hồ chứa vẫn thấp trong suốt mùa mưa, và vào đầu năm 2020, Bangkok huy động quân đội để cứu hạn trong 43 tỉnh.  Các ước tính sơ khởi cho thấy một sự tụt giảm mạnh từ 40 đến 54% sản lượng lúa trái mùa của nước nầy. 

Trong khi đó ở Lào, mực nước trong sông Mekong được ghi nhận gần 7 m dưới mức bình thường ở Vientiane.  Vì tình trạng khô khan, nông dân chỉ có thể canh tác lúa trên khoảng 40% diện tích đất có thể canh tác của quốc gia, và chánh phủ ước tính rằng sản lượng năm nay sẽ thấp hơn năm 2018 khoảng 17.500 tấn.  Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức tương tự nhưng khá hơn.  Với dòng chảy trong Mekong giảm đi, nước mặn xâm nhập sâu vào trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long của nước nầy, gây thiệt hại cho trên 30.000 ha ruộng lúa.  Chánh phủ mau chóng cộng tác với nông dân để chuyển các mùa lúa và tránh rủi ro cho mùa chánh, và kết quả là, mức sản xuất của quốc gia được dự đoán chỉ giảm khoảng 3% trong năm 2020.

Cambodia bị thiệt hại nặng bởi hạn hán.  Vào tháng 12, khoảng 45.000 ha ruộng lúa bị thiệt hại, và 16 trong 25 tỉnh của nước nầy đối mặt với tình trạng thiếu nước.  Chánh phủ đề nghị nông dân nên bỏ mùa lúa thứ 2nd để tiết kiệm nước, và các tổ chức cứu trợ bắt đầu chia sẻ báo cáo về nông dân đang chật vật với nợ nần vì thất mùa.

Là một quốc gia đang phát triển, Cambodia vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào nông nghiệp để duy trì cuộc sống và cung cấp thực phẩm.  Trợ cấp canh tác rất phổ biến – Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng trên 70% nông dân Cambodia tham gia vào một trong các lề lối nầy – và thành phần nông nghiệp sử dụng trên 30% dân số, đóng góp trên 1/5 GDP của quốc gia.  Đa số đất canh tác được dùng để trồng lúa, và nông dân thường vay nợ để mua sắm những thứ cần thiết để làm mùa.  Đối với nhiều người, thất mùa hay mất mùa có thể là sạt nghiệp.

Cùng lúc với nông nghiệp trong khu vực bắt đầu khát nước, số cá đánh được của quốc gia đã sụp đổ.  Hệ thống sông Mekong là nền ngư nghiệp nước ngọt lớn nhất trên thế giới, thường cung cấp trên 2,6 triệu tấn cá hàng năm.  ¼ số nầy đến từ Cambodia và hầu hết từ hồ Tonle Sap.  Mặc dù mưa mùa trong năm 2018 đưa đến một sản lượng cá lớn hơn bình thường, thay đổi trong dòng chảy từ các đập thủy điện và thay đổi khí hậu, cùng với việc đánh bắt bừa bãi, khiến cho số lượng cá đánh bắt được trong những năm gần gây giảm xuống.

Sản xuất tự nhiên của sông Mekong do mưa: Lượng nước mưa làm cho phụ lưu nối hồ Tonle Sap với Mekong đảo ngược dòng chảy.  Dòng chảy đảo ngược nầy làm ngập hồ Tonle Sap và mang cá con vào các khu rừng và đồng lụt ở chung quanh hồ.  Khi mưa mùa chấm dứt, sông đảo dòng một lần nữa, và nước và cá lớn trở lại dòng chánh Mekong.  Lũ càng lớn, số cá đánh được càng nhiều.  Nhịp lũ nầy phần lớn không xảy ra trong năm 2019 vì hạn hán và sự can thiệp vào dòng chảy của các đập ở thượng lưu.  Vào tháng 10, ngư dân sống dọc theo hồ Tonle Sap báo cáo rằng số cá đánh được ít hơn trung bình từ 60 đến 70%.

Cũng như lúa, cá là một nguồn sinh sống chủ yếu của quốc gia.  Trên 2 triệu người Cambodia làm việc về thủy sản, chiếm khoảng 10 đến 18% GDP của Cambodia.  Cá cũng cung cấp khoảng 70% chất đạm tiêu thụ ở Cambodia, vì thế một sự sụt giảm đáng kể có thể đưa đến sự tăng vọt cấp thời của bất ổn lương thực.  Trong các cộng đồng dọc theo Tonle Sap, sự tụt giảm của số cá đánh được góp phần cho việc ra đi của lao động và buộc các gia đình phải vay nợ để trang trải chi phí hàng ngày.

Hạn chế mậu dịch đang làm đứt chuỗi cung cấp, và việc hạn chế đi lại vì coronavirus ngăn chận lao động làm việc ở nông trại.  Các quốc gia cần phải lui bước và ngưng hoảng hốt.

Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu (Global Food Security Index) của Bộ phận Tình báo Kinh tế (Economist Intelligance Unit) liệt kê Cambodia gần hạng chót, 90 trong số 113 được lượng định.  Sự bất ổn lương thực tương đối của Cambodia phản ánh mức phát triển kinh tế vừa phải, cũng như thiếu sự đa dạng trong thức ăn vì quá lệ thuộc vào lúa và cá.  Ngay trong một năm bình thường, 1/5 dân số thiếu ăn, và suy dinh dưỡng ở khắp nơi.

Mặc dù thị trường toàn cầu có thể cung cấp thực phẩm thay thế cho số cá mất mất và sản lượng lúa giảm trong năm hạn hán, đại dịch coronavirus đưa đến tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng vọt ở nơi mà chuỗi cung cấp nội địa bị gián đoạn.  Nhu cầu cho thức ăn chánh như lúa và bột mì đã tăng vọt vì được tìm mua hớt hải.  Ở Cambodia, giá lúa ở Siem Reap tăng 33% từ tháng 3 đến tháng 4.  Ngay ở Thái Lan, có kho lúa quốc gia đáng kể, giá cả tăng trên 25% từ đầu năm, đạt mức cao nhất trong 7 năm.  Sau cá, heo tính đến nay là nguồn chất đạm được tiêu thụ rộng rãi nhất ở Cambodia.  Nhưng các đợt cúm heo Phi Châu liên tiếp ở Trung Hoa và láng giềng Việt Nam đã giới hạn nguồn cung cấp khu vực trong năm qua, đẩy giá lên trong các thị trường bị ảnh hưởng và trong các quốc gia lệ thuộc vào nhập cảng như Cambodia.

Dự trữ lúa ở Thái Lan và Việt Nam có vẻ dư để đáp ứng nhu cầu quốc gia, nhưng vì không biết chắc ảnh hưởng kinh tế của coronavirus, việc xuất cảng đã bị cấm để bảo đảm an ninh lương thực ở trong nước.  Vào tháng 3, Việt Nam tạm ngưng xuất cảng gạo trong thời gian ngắn và sau đó thay thế bằng định mức xuất cảng vào giữa tháng 4.  Các nhà phân tích tiên đoán số lượng xuất cảng của quốc gia sẽ giảm khoảng 40%.  Mặc dù Thái Lan hy vọng được lợi từ việc gia tăng xuất cảng gạo, chánh phủ đã yêu cầu sự hỗ trợ của thành phần tư nhân để bảo đảm cho việc cung ứng vững chắc thị trường nội địa và cấm xuất cảng trứng tiếp theo các báo cáo về việc tích trữ ở địa phương.  Cambodia đã áp dụng các biện pháp của mình, loan báo cấm xuất cảng một số gạo vào ngày 30 tháng 3, và ngày 4 tháng 4 cấm xuất cảng cá.  Các thương thuyết gia của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) đã nhóm họp trong đầu tháng 4 để thảo luận luật lệ duy trì mậu dịch nông sản tự do nhưng không thể đi đến một thỏa thuận quan trọng.

Từ việc lượng định của mình, Cambodia phải có đủ dự trữ lương thực để đáp ứng nhu cầu quốc gia; tuy nhiên, viễn ảnh của các cộng đồng nông dân và ngư dân mang nợ nần thì không lạc quan.  Liệu thực phẩm vừa túi tiền có đến với người dân hay không trở thành vấn đề ngày càng nguy ngập khi khủng hoảng kéo dài và ảnh hưởng kinh tế gia tăng.  Việc cấm xuất cảng của quốc gia có thể có lợi ích ngắn hạn ở địa phương nhưng cũng có thể làm gián đoạn thêm chuỗi cung cấp và gây thiệt hại cho nông dân và ngư dân nếu không được quản lý cẩn thận.  Mặc dù giới tinh hoa và trung lưu trong thành phố có thể có biện pháp để bảo đảm có đủ thực phẩm vừa túi tiền, các cộng đồng nông thôn rải rác trong các làng mạc trên khắp nước có thể thấy hệ thống thực phẩm ở địa phương ít thích nghi hơn.

Trong những lúc bình thường, cơ chế thị trường và chuỗi cung cấp có thể thay thế cho việc thiếu hụt hay giá cả tăng vọt ảnh hưởng đến thức ăn chánh – nhưng đây không phải là lúc bình thường.  Người nghèo ở Cambodia có thể đối mặt với một sự tụ họp chưa từng thấy của mất lợi tức, thiếu cung cấp, giá thực phẩm cao, và sự gián đoạn chuỗi cung cấp.  Chánh phủ cần phải theo dõi cẩn thận tình hình nầy trong ngắn hạn và phải có những biện pháp để can thiệp trong trường hợp các cộng đồng nông dân và ngư dân không thể tự cung cấp cho họ.

Khi cuộc khủng hoảng cấp thời do sự đe dọa của coronavirus đã qua, Cambodia và các láng giềng vẫn phải đối mặt với thách thức lâu dài để bảo đảm một hệ thống sông Mekong khả chấp và tươi sáng.  Mặc dù thay đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng thời tiết tự nhiên như El Niños nằm ngoài sự kiểm soát của những người hoạch định chánh sách, các chánh phủ Mekong có thể hành động ngay bây giờ để thi hành các chánh sách và quy định để giảm nhẹ ảnh hưởng của chúng trong tương lai.  Điều nầy gồm có việc thương thảo với Bắc Kinh để chia sẻ dữ kiện thủy học quanh năm của sông và việc điều hành các đập Trung Hoa ở thượng lưu.  Nó cũng gồm có một sự thăm dò các giải pháp thay thế cho các đập mới được dự trù hiện nay trên Mekong và các phụ lưu ở Lào, mà nếu được xây sẽ làm giảm thêm số cá đã tụt giảm.

Đại dịch coronavirus là một thách thức ngắn hạn khó khăn cho an ninh lượng thực của người dân dễ tổn thương nhất ở Cambodia.  Tuy nhiên, hạn hán là một vấn đề tái diễn trong vùng cần được đặc biệt đối phó để bảo đảm rằng khủng hoảng nông nghiệp sẽ không trở thành thông lệ.  Đối với Cambodia, là quốc gia lệ thuộc nặng nề vào nhịp lũ tự nhiên để cung cấp thực phẩm, bảo tồn dòng chảy tự nhiên của Tonle Sap phải là một ưu tiên hàng đầu.

Sơ lược về tác giả

Courtney Weatherbay là một phân tích viên nghiên cứu của các chương trình Đông Nam Á và Năng lượng, Nước, và Tính Khả chấp của Trung tâm Stimson.  Nghiên cứu của bà chú trọng đến những thách thức trong phát triển năng lượng và hạ tầng cơ sở khả chấp ở Đông Nam Á và Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhất là mối quan hệ thực phẩm-nước-năng lượng trong Mekong và vùng phụ cận.

John Lichtefeld là một học giả ngoại trú của các chương trình Đông Nam Á và Năng lượng, Nước, và Tính Khả chấp của Trung tâm Stimson, và là phó chủ tịch của Nhóm Á Châu.  Lãnh vực nghiên cứu của ông bao gồm an ninh môi trường và thích ứng chánh trị với thay đổi khí hậu ở lục địa Đông Nam Á.


.

Sunday, August 23, 2020

HỒ LỚN NHẤT CỦA CAMBODIA ĐANG KHÔ CẠN, KÉO THEO RỪNG VÀ CÁ


(Cambodia’s biggest lake is running dry, taking forests and fish with it)

Stefan Lovgren – Bình Yên Đông lược dịch
National Geographic – August 17, 2020

Các ngư dân đi qua một làng nổi trên Tonle Sap.  Nhiều cư dân sống trên hồ đang chứng kiến hạn hán và mực nước giảm xuống, và đang bỏ việc đánh cá để canh tác trong rừng ngập nước ngày càng khô ở chung quanh hồ. [Ảnh: Linh Pham]

Hạn hán và đập đã đẩy Tonle Sap vào suy thoái nguy hiểm, đe dọa rừng ngập nước và thủy sản cung cấp hầu hết chất đạm của quốc gia.

Hun Sotharith nhớ lại khi ông đến Tonle Sap của Cambodia để trở thành một ngư dân.  Đó là đầu thập niên 1990s, và rừng ngập nước chung quanh hồ nơi ông đánh cá rất rậm rạp đến độ Sotharith, một cựu quân nhân, phải mất một ngày rưỡi để tìm đường trở về làng nổi của ông.

Vào lúc đó, trong 6 tháng mùa mưa, vùng đất ngập nước bao la trở thành nơi sinh sống, sinh sản, và trú ẩn của nhiều loại cá, kể cả cá tra dầu (giant catfish) Mekong đang tuyệt chủng.  “Rừng ở khắp nơi, và cá rất nhiều,” Sotharith nói.

Ngày nay, chỉ còn dấu vết còn lại của thế giới rừng ngập nước ở Koh Chivang, một huyện có 5 làng ở cuối hồ về phía tây bắc, nơi Sotharith hiện là phó chủ tịch huyện.  Một trận hỏa hoạn trong mùa khô 2016 đã thiêu hủy 80% rừng ngập nước của huyện, phá hủy nơi cư trú chủ yếu của cá và làm cho nhiều người trong số 130.000 cư dân sống trên các nhà nổi phải bỏ nghề đánh cá; nay, họ trồng ớt và các hoa màu khác.
Hồ Tonle Sap. [Nguồn: Sapana Lohani]

Cốt chuyện tương tự được nghe chung quanh Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á (ĐNA) và là trung tâm thủy sản nội địa phong phú nhất trên thế giới.  Ở nhiều nơi, rừng nguyên sinh từng tăng trưởng từ đất có thể canh tác từ lòng hồ, xám xịt, khô và không có cây cối – nhưng bị ngập bởi nước lụt đến trễ trong những năm gần đây – nay kéo dài quá tầm mắt.  Hỏa hoạn thường do cố ý để khai quang đất cho nông nghiệp làm giảm thêm rừng ngập nước.

Nhiều nhà bảo tồn nay đang cảnh báo rằng Tonle Sap, một Khu Sinh quyển UNESCO, đối mặt với đe dọa sống còn.  Việc phá thêm rừng và suy thoái môi trường có tiềm năng gây thiệt hại kinh tế thảm khốc cho gần 1 triệu người Cambodia sống chung quanh hồ và nhiều triệu người khác dựa vào hồ để có cá – nguồn chất đạm chủ yếu của quốc gia.

Một trại nuôi cá hố của chánh phủ.  Thủy sản trong rừng ngập nước chung quanh Tonle Sap lâm nguy vì hạn hán và phá rừng hủy hoại nơi cư trú của cá. [Ảnh: Linh Pham]

Một quân cảnh lùng kiếm những người đốn gỗ lậu trong rừng. 
[Ảnh: Sean Gallagher]

Trong khi các vùng khác, như Prey Lang, một khu bảo tồn thiên nhiên ở miền trung Cambodia và là một trong những rừng cây xanh ở vùng đất thấp còn sót lại ở ĐNA, đã bị tổn thương vì phá rừng bừa bãi – thường do việc đốn gỗ trái phép được tham nhũng chống đỡ - một thiệt hại lớn nhất đã xảy ra trong rừng ngập nước Tonle Sap, theo một nghiên cứu được công bố gần đây trong tạp chí Water.  Nó cho thấy 31% rừng bị mất từ năm 1993.

Các nghiên cứu khác cho thấy rừng ngập nước có tiềm năng thu hút carbon nhiều hơn rừng khô, có nghĩa là chúng có thể giúp làm giảm ảnh hưởng của thay đổi khí hậu bằng cách hút carbon dioxide từ khí quyển và giữ lại.

“Điều nầy đáng lo ngại, vì có quá ít rừng ngập nước” ở Cambodia so với các loại rừng khác, và “rừng ngập nước có vai trò quan trọng trong sự lành mạnh của hệ thống ở dưới nước,” tác giả chánh của nghiên cứu trong Water, Sapana Lohani, một khoa học gia môi trường là thành viên của một dự án nghiên cứu của USAID có tên Wonders of the Mekong (Kỳ quan của Mekong), cho biết.

Zeb Hogan, một chuyên viên sinh học về cá ở Đại học Nevada, Reno và một nhà thám hiểm của National Geographic làm việc trong khu vực trong nhiều thập niên và cầm đầu dự án USAID, nói: “Chúng ta đang chứng kiến sự hủy hoại của một hệ sinh thái độc nhất, với sự mất mát thảm thương của đời sống hoang dã, thủy sản, và cuộc sống của một số người to lớn.”

Tài sản sinh thái

Trước giữa thế kỷ 20th, Cambodia nổi tiếng với nội địa tươi tốt.  Mặc dù có diện tích nhỏ hơn láng giềng Thái Lan và Việt Nam, quốc gia nầy có nhiều rừng nguyên sinh hơn.  Nhưng khi quốc gia thoát khỏi nội chiến và kinh tế bắt đầu tăng trưởng vào đầu thập niên 2000s, mức độ phá rừng cũng gia tăng.  Một kế hoạch của chánh phủ để chuyển trên 10% lãnh thổ quốc gia cho các công ty ngoại quốc, hầu hết là đồn điền cao su, đưa đến sự hủy hoại môi trường tràn lan.

Ngay cả sau khi chương trình bị đình chỉ trong năm 2012, việc phá rừng ở Cambodia tiếp tục gia tăng.  Theo Global Forest Watch (Giám sát Rừng Toàn cầu), một sáng kiến theo dõi trên mạng của World Resources Institute (Viện Tài nguyên Thế giới), Cambodia mất ¼ tổng số diện tích cây bao phủ – trên 5 triệu acres rừng – từ năm 2001 đến 2019, mức cao nhất của bất cứ quốc gia Á Châu nào và cao hơn Brazil rất nhiều.

Rừng bị phá ở tỉnh Preah Vihear, phía bắc Cambodia gần biên giới Lào.  Quốc gia ĐNA từng có mức phá rừng nhanh nhất trên thế giới; chỉ còn lại khoảng 3% rừng nguyên sinh.  [Ảnh: Sean Gallagher]


Một đồn điền cao su trong Khu Đời sống Hoang dã Beng Per, ở phía bắc Cambodia.  Hầu hết đất đai của khu đời sống hoang dã đã được chánh phủ bán. [Ảnh: Sean Gallagher]


Tài sản sinh thái của Tonle Sap được duy trì bởi nhịp nước hàng năm chảy vào hồ từ tháng 6 đến 11 của mùa mưa từ Mekong và các sông khác.  Khi các rừng chung quanh bị ngập,Tonle Sap có thể lan rộng trên 5 lần diện tích trong mùa khô.  Thủy sản phong phú đến độ cá đánh được hàng năm ở đây nhiều hơn số cá đánh được trong tất cả sông hồ ở Bắc Mỹ gộp lại.

Nhưng mọi thứ không còn bình thường trong vùng Tonle Sap.  Nhiều năm đánh bắt bừa bãi đã làm giảm mạnh mẽ số cá đánh được, mặc dù không thể biết chính xác bao nhiêu vì chánh phủ Cambodia rất do dự để phổ biến các con số đáng tin cậy.

Và nay, toàn thể hệ thống dường như đang khô cạn.  Từ năm ngoái, mực nước trên khắp Hạ lưu vực Mekong đã xuống đến mức thấp lịch sử, kết quả của hạn hán và nước bị các đập thủy điện của Trung Hoa giữ lại ở thượng lưu.  Năm nay, nhịp lũ đáng lý đã đến vẫn chưa đến.  Mực nước trong Tonle Sap thấp hơn mực nước cùng lúc hồi năm ngoái, theo trạm thủy học duy nhất mà Ủy hội sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) dùng theo dõi (ở nơi Tonle Sap chảy vào hồ). [Lời người dịch: Đó là trạm thủy học Kampong Luong.]

Tình trạng khô cạn khiến cho rừng ngập nước dễ bị đốn gỗ và hỏa hoạn do con người gây ra, vô tình hay cố ý.  Trong năm 2016, hỏa hoạn lớn lao đã thiêu rụi 1/3 trong số 750.000 acres rừng ngập nước trong vùng Tonle Sap.  Năm nay, hỏa hoạn bắt đầu trong tháng 2.  Mặc dù không tràn lan như năm 2016, chúng thiêu rụi các mảnh rừng nguyên sinh lớn, và tiếp tục cháy ở một số nơi sau các trận mưa đầu mùa vào 2 tháng trước.

Mất mọi thứ

Không chỉ có cá bị đe dọa bởi sự mất rừng ngập nước, nhưng rùa, rắn và một số chủng loại có nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm rái cá có râu, một trong các loại rái cá ít được biết đến trên thế giới.  Nhiều thú vật mất nơi cư trú, chẳng hạn như loài khỉ Đức, một loại khỉ bị đe dọa, nhiều con đu mình trên cây cháy nám đen.

Prek Toal là nơi cư trú của chim nổi tiếng quốc tế ở góc tây bắc của Tonle Sap.  Là nơi cư trú của thủy cầm lớn nhất ở ĐNA, với khoảng 100.000 cặp, nó bảo vệ nhiều loại cò, cò quăm, và cồng cộc, một số nhỏ cò già vô cùng hiếm, và đàn chàng bè duy nhất ở ĐNA.

Hỏa hoạn trong năm 2016 thiêu hủy gần 20.000 acres ở Prek Toal, 1/3 khu bảo tồn.  Tuy nhiên, hỏa hoạn không giết một số chim đáng kể, vì chúng trốn vào nơi cư trú an toàn.  Năm nay, nó có vẻ không bị tổn thương vì hỏa hoạn, nhưng các nhà bảo tồn lo ngại rằng hỏa hoạn trong tương lai có thể xóa thêm.

“Chúng tôi không muốn mất mọi thứ,” Simon Mahood, một nhà sinh thái học của Wildlife Conservation Society (Hiệp hội Bảo tồn Đời sống Hoang dã) đã góp phần xây dựng khu bảo tồn trong thập niên 1990s, nói.  “Prek Toal có lẽ là câu chuyện bảo tồn thành công nhất ở ĐNA.”

Căng thẳng

Đại dịch Covid-19 đã xóa bất cứ lợi tức mà người dân thường thu nhập từ du khách viếng thăm Prek Toal và đền Angkor nổi tiếng, nằm ở phía bắc của hồ.  Nó cũng thu hút nhiều di dân từ Thái Lan, một việc mà các quan sát viên lo ngại sẽ tạo áp lực lên đất đai chung quanh Tonle Sap khi có nhiều người trồng hoa màu.

Dường như đã có căng thẳng giữa các cộng đồng sống trên mặt nước và người dân sống trên đất liền, với các báo cáo về “người lạ” đi vào rừng ngập nước và bắt đầu đốt – nhiều khi bỏ tàn thuốc – để khai quang đất canh tác hay để đuổi thú hoang vì chúng có thể giết người.

“Cư dân trong đất liền không dễ để nói chuyện,”  Sotharith nói.  “Họ đến với gươm và dao, và họ có thể bạo động với chúng tôi.”

Gần Khu bảo tồn Đời sống Hoang dã Phnom Tnout Phnom Pok ở bắc Cambodia, đất bị đốt cháy bởi nông dân, người đốn gỗ, và người địa phương để bắt thú hoang hay khai quang để canh tác.  Cambodia có mức phá rừng nhanh nhất trên thế giới, được trợ giúp bởi hạn hán. [Ảnh: Sean Gallagher]

Ở Koh Chivang, kế cận với Prek Toal, Sotharith ước tính rằng 70% cư dân, phần đông làm nghề đánh cá trước đây, nay chuyển qua canh tác trên các thửa đất nhỏ bên cạnh nhà sàn của họ.  Ớt, với giá cao trong những ngày gần đây, là hoa mùa được ưa chuộng.

“Người dân của chúng tôi không canh tác xa nhà, và chúng tôi khuyên họ không nên phá rừng,” Sotharith nói.  “Chúng tôi đã học kinh nghiệm.”

Nhưng các nhà bảo tồn hy vọng rằng rừng ngập nước sẽ không bị mất.  “Là một hệ sinh thái nhiệt đới, Tonle Sap rất phong phú và mọi thứ lớn rất nhanh, cho nên có tiềm năng cho việc phục hồi, nếu áp lực được giải tỏa,” Nick Souter, một nhà sinh thái học của Conservation International (Bảo tồn Quốc tế).  Tổ chức nầy đang giúp các cộng đồng Tonle Sap trồng lại nhiều vùng rừng ngập nước và thành lập các đội chữa cháy địa phương để phòng ngừa cháy rừng.

Nhưng đối với một số người, kể cả Nai Sina, một ngư dân 24 tuổi trong làng Kampong Prohoc, nó có thể quá trễ.  Sina, người đánh cá trong 8 năm qua, nói anh dự định đi ra nước ngoài để tìm việc.  Nếu nước dâng lên bình thường, anh nói, anh sẽ trở về để đánh cá.  Nhưng mọi thứ tùy thuộc vào rừng.

“Khi chúng tôi có rừng,” anh nói, “chúng tôi có cá, chúng tôi có thú hoang khác, và tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi phong phú.  Khi anh phá rừng, anh phải nghĩ đến tương lai.”


.

CÁC ĐẬP CỦA TRUNG HOA VÀ HẠN HÁN MEKONG


(Chinese dams and the Mekong drought)

Milton Osborne – Bình Yên Đông lược dịch
Lowy Institute – 11 August 2020


[Lời người dịch: Tiến sĩ Milton Osborne hình như muốn bênh vực cho các phúc trình của Eyes on Earth và Trung tâm Stimson mà quên rằng chính Trung tâm Stimson cũng gián tiếp nhìn nhận rằng lượng mưa ở nhiều nơi trên thượng lưu vực thấp hơn trung bình, phù hợp với nhận xét của Ủy hội Sông Mekong và nghiên cứu của Đại học Tsinghua ở Trung Hoa.  Ông cũng bỏ qua những thiếu sót quan trọng mà Australia-Mekong Partnership for Environmental Resources & Energy Systems (AMPERES) đã nhận xét về phúc trình Eyes on Earth.]

Ảnh hưởng môi trường của các đập do Trung Hoa xây thì không thể chối cãi.  Sự im lặng ở một vài nơi thì đáng ngạc nhiên.

Các phúc trình mới nhất từ Hạ lưu Mekong là nguyên nhân của mối lo ngại ngày càng tăng cho một thời kỳ hạn hán khác tiếp theo sau đợt hán hán năm 2019, ảnh hưởng đến Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.  Không có mưa trong cuối tháng 5 và suốt tháng 6 và 7, và mực nước trong sông quá thấp khiến cho dòng chảy của phụ lưu Tonle Sap ở Phnom Penh không đảo ngược như “bình thường” để đưa nước vào Biển Hồ.  Trong Biển Hồ, mực nước thấp có ảnh hưởng tiêu cực đến số cá đánh được mà ngư dân nói là thấp nhất trong nhiều năm.

Viễn ảnh của một đợt hạn hán thảm khốc đến với việc công bố bằng chứng rằng đợt hạn hán 2019 xảy ra trong lúc Trung Hoa giữ lại nước trong một số đập trên sông Mekong.  Cáo buộc nầy được làm nổi bật trong các bài viết quan trọng của Trung tâm Stimson ở Washington, quan trọng nhất là bằng chứng mới công bố trong tháng 4 và một bài viết trong Foreign Policy của Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson (và tác giả quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (The Last Days of the Mighty Mekong)|duyệt xét cho Mekong Review).

Bằng chứng chi tiết đàng sau các phúc trình dựa trên không ảnh thu thập bởi Eyes on Earth, một cơ quan dùng ảnh vệ tinh để theo dõi khí hậu.  Kết quả rất đáng lo ngại vì chúng tương phản với các đợt hạn hán liên tục trong 2 thập niên qua gây thiệt hại trên khắp Hạ lưu Mekong.  Thất mùa xảy ra nhiều lần, và có những lo ngại đặc biệt cho Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chánh quyền trong vùng đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì tình trạng hạn hán đến sớm trong năm nay.  Tình hình đáng lo ngại nầy trầm trọng thêm vì sự sụt giảm của phù sa chảy xuống hạ lưu, phù sa bị ngăn chận bởi 11 đập của Trung Hoa.  Và có bằng chứng chắc chắn, nhưng rời rạc, rằng số cá đã giảm trong việc cung cấp chất đạm cho dân số trong khu vực.

Các cáo buộc chánh trong phúc trình của Stimson như sau:

·        Trong khi hạn hán tàn phá Hạ lưu Mekong trong năm 2019, lượng mưa và tuyết tan ở Trung Hoa trên mức trung bình và dòng chảy từ mưa và tuyết tan hầu như được giữ lại ở phía sau các đập của Trung Hoa.
·        Hành động của Trung Hoa là nguyên nhân của hạn hán trong một số năm.
·        Trung Hoa đang ngăn chận nước nhiều hơn bao giờ hết.
·        Hành động của Trung Hoa bao gồm việc xả nước thình lình, có thể liên kết với việc quản lý đập khi một số được hoàn tất.

Các kết luận nầy dựa trên dữ kiện của Eyes on Earth, cho phép ước tính chính xác điều gì xảy ra bên trong Trung Hoa và liên quan đến 11 đập trên thượng lưu Mekong.  Họ đặt nghi vấn đối với thái độ căn bản của Trung Hoa đối với dòng sông.

Như phúc trình của Stimson quan sát, Trung Hoa xem Mekong như “một tài nguyên có chủ quyền thay vì một tài nguyên chung”.  Thái độ nầy được phản ánh bởi sự kiện là Trung Hoa chưa bao giờ thừa nhận các quy ước có thể làm hại quyền kiểm soát tuyệt đối Mekong bên trong lãnh thổ của họ.

Không khó để thấy các hành động liên quan đến Mekong của Trung Hoa như một sự phản ánh các chánh sách ngoại giao rộng lớn hơn của họ.  Và mặc dù Stimson đề nghị rằng các khám phá mới tạo cơ hội cho “cam kết hợp tác có thể biến các đập của Trung Hoa thành một giải pháp cho lần tới khi hạn hán quan trọng xảy ra trong khu vực”, quan điểm của tôi bi quan hơn.  Trong 3 thập niên qua, chánh sách và hành động liên quan đến Mekong của Trung Hoa và cái xảy ra ở Hạ lưu Mekong được đánh dấu bởi tư lợi.  Điều nầy áp dụng với việc từ chối gia nhập Ủy hội Sông Mekong và việc thành lập một cơ quan thay thế để đối phó với các vấn đề Mekong (Lancang-Mekong Cooperation), cùng với các chánh sách mà họ theo đuổi để tìm kiếm sự thuận lợi thương mại cho người Trung Hoa trong các kế hoạch khai thông dọc theo thủy lộ Mekong để khuyến khích mậu dịch đường thủy.  Nay thì họ giữ lại nước vào lúc hạn hán tàn phá các lân bang cho thấy họ không muốn cải thiện hành động trong tương lai.

Văn phòng Ủy hội Sông Mekong ở Vientiane, Lào. 
[Ảnh: Mladen Antonov/AFP]

Các phản ứng đối với phúc trình đi từ có thể tiên đoán được đến ngạc nhiên.  Như được mong đợi, các nhóm xã hội dân sự nắm lấy sự tiết lộ của Stimson để kêu gọi việc thay đổi chánh sách của Trung Hoa trong tương lai.  Ngạc nhiên hơn là phản ứng nhanh của Ủy hội Sông Mekong đặt nghi vấn về giá trị của dữ kiện do Eyes on Earth phổ biến, lập luận rằng cần phải nghiên cứu thêm trước khi rút ra bất cứ kết luận nào.  Điều nầy có vẻ như một phản ứng kỳ quặc của một cơ quan tranh đấu cho phúc lợi của Mekong.

Không ngạc nhiên khi thấy Global Times tường trình rằng một nghiên cứu của Trung Hoa cho rằng các đập do Trung Hoa xây trên Mekong có một vai trò quan trọng trong mùa mưa, tương phản với cái đã xảy ra trước khi mùa mưa đến.

Nghiên cứu nầy đã được hồi đáp chi tiết bởi Eyler trong một bài cậy đăng mới đây trên Bangkok Post.

Sau cùng, sự im lặng từ các chánh phủ của các quốc gia Hạ lưu Mekong rất đáng ngạc nhiên.  Có lẽ Lào và Cambodia nay quá lệ thuộc vào Trung Hoa nên họ không lên tiếng, nhưng có vẻ hợp lý để mong đợi Việt Nam và Thái Lan tham gia vào mối lo ngại chung bắt nguồn từ các nhóm xã hội dân sự.

Sơ lược về tác giả

Tiến sĩ Milton Osborne là một Học giả của Viện Chánh sách Quốc tế Lowy.  Ông có liên hệ với Đông Nam Á gần 60 năm từ khi làm việc ở Tòa Đại sứ Australia ở Phnom Penh năm 1959.  Tốt nghiệp Đại học Sydney và Cornell (Huy chương Đại học và Học giả Fulbright, theo thứ tự) và giảng dạy ở Australia, Anh, Hoa Kỳ và Singapore.

Ông là tác giả của 11 quyển sách và nhiều bài viết về Á Châu gồm có: Southeast Asia: An Introductory History, tái bản lần thứ 12th; River Road to China: The Search for the Source of the Mekong (A New York Times ‘notable book’); The Mekong: Turbulent Past, Uncertain Future; và gần đây Pol Pot solved the Leprosy Problem. Năm 2014, ông được tuyên dương là Commandeur in the Ordre National du Mérite cho công tác của ông với giới chức Pháp và sự đóng góp trong việc nghiên cứu vai trò của Pháp ở Á Châu.


.

Monday, August 17, 2020

MỘT LO NGẠI MỚI CHO MEKONG: TONLE SAP KHÔNG ĐẢO NGƯỢC DÒNG CHẢY


Nguyễn Minh Quang
8 tháng 8 năm 2020

Người dân Phnom Penh xem đua thuyền rồng trên Tonle Sap ngày 23 tháng 11 năm 2018 trong lễ Bon Om Touk, đánh dấu việc đảo ngược dòng chảy hàng năm của Tonle Sap. [Ảnh: RFI]

Phần dẫn nhập

Tonle Sap là một phụ lưu đặc biệt của sông Mekong, nối liền hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á có cùng tên với sông Mekong ở Phnom Penh, thủ đô của Cambodia.  Thông thường, nước từ hồ Tonle Sap chảy vào sông Mekong.  Nhưng trong mùa mưa, khi mực nước trong sông Mekong dâng đủ cao, dòng chảy trong Tonle Sap đảo ngược và nước từ sông Mekong chảy vào hồ Tonle Sap, khiến diện tích của mặt hồ rộng khoảng 2.500 km2 trong tháng 6 tăng lên đến 16.000 km2 vào cuối tháng 10 hay đầu tháng 11 [1].  Nhiều vùng chung quanh hồ bị ngập trở thành nơi sinh sản và tăng trưởng của cá, giúp hồ Tonle Sap có sản lượng cá đánh được hàng năm từ 177.000 đến 252.000 tấn [2].  Hồ Tonle Sap vận hành như một hồ chứa nước lụt thiên nhiên của hệ thống sông Mekong: điều tiết lưu lượng lũ ở hạ lưu Phnom Penh trong mùa mưa và bổ sung nước cho Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong mùa khô.

Hồi năm rồi, một sự kết hợp của thay đổi khí hậu, El Niño và các đập trên dòng chánh Mekong và các phụ lưu khiến cho Tonle Sap đảo ngược dòng chảy trong tháng 8, thay vì trong tháng 6, và chỉ kéo dài 6 tuần thay vì nhiều tháng như thường lệ [3].  Năm nay, Tonle Sap có thể đảo ngược dòng chảy trễ hơn thường lệ một lần nữa, vì theo Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC), mực nước sông Mekong ở Stung Treng, Kratie, Kampong Cham và Neak Luong vẫn còn thấp hơn mực nước thấp nhất đo được từ năm 1960 đến 2019 [4].  Đây là những triệu chứng làm cho nhiều chuyên viên lo ngại: Tonle Sap không đảo ngược dòng chảy.  Việc nầy không chỉ làm cho thủy sản của hồ Tonle Sap tụt giảm mà toàn thể hệ sinh thái của Tonle Sap cũng lâm nguy [5] rồi kéo theo ĐBSCL.

Thỏa ước Mekong 1995

Đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap là một sự kiện thủy học quan trọng được ấn định trong các Điều 5, 6, và 26 của Thỏa ước Mekong 1995 [6].

Điều 5. Sử dụng Hợp lý và Công bằng.  Để sử dụng nước của hệ thống sông Mekong một cách hợp lý và công bằng trong lãnh thổ của mình, dựa trên tất cả các yếu tố và tình huống xác đáng, Quy định cho việc Sử dụng Nước và Chuyển nước Liên Lưu vực được ấn định trong Điều 26 và các mục A và B dưới đây:

A.    Trên các phụ lưu của sông Mekong, kể cả Tonle Sap, việc sử dụng nước trong lưu vực và chuyển nước liên lưu vực phải được thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp.

B.     Trên dòng chánh sông Mekong:

1.      Trong mùa mưa:
a. Sử dụng nước bên trong lưu vực phải thông báo cho Ủy ban Hỗn hợp.
b. Chuyển nước liên lưu vực phải được tham vấn trước để được Ủy ban Hỗn hợp đồng ý.

2.      Trong mùa khô:
a.      Sử dụng nước bên trong lưu vực phải được tham vấn trước để được Ủy ban Hỗn hợp đồng ý.
b.      Bất cứ dự án chuyển nước liên lưu vực nào cũng phải được sự đồng ý của Ủy ban Hỗn hợp qua một thỏa thuận riêng cho mỗi dự án trước khi chuyển nước.  Tuy nhiên, nếu có dư nước sau khi tất cả các bên sử dụng trong mùa khô, được Ủy ban Hỗn hợp kiểm chứng và nhất trí xác nhận, việc chuyển số nước dư liên lưu vực có thể được thực hiện sau khi tham vấn trước.

Điều 6. Duy trì Lưu lượng trên Dòng chánh.  Để hợp tác trong việc duy trì lưu lượng trên dòng chánh vì việc chuyển nước, xả nước trong hồ chứa, hay các hoạt động thường trực khác; ngoại trừ trường hợp hạn hán và/hay lũ lụt nghiêm trọng lịch sử:

A.    Không thấp hơn lưu lượng tối thiểu hàng tháng tự nhiên của từng tháng trong mùa khô;
B.     Để giúp dòng chảy tự nhiên trong Tonle Sap đảo ngược có thể chấp nhận được trong mùa mưa; và,
C.     Ngăn ngừa đỉnh lũ trung bình hàng ngày vượt quá cái xảy ra trung bình trong mùa lũ.

Ủy ban Hỗn hợp sẽ đưa ra các hướng dẫn về vị trí và mức độ của lưu lượng, và theo dõi và có hành động cần thiết cho việc duy trì được ấn định trong Điều 26.

Điều 26. Quy định về việc Sử dụng Nước và Chuyển nước Liên Lưu vực.  Ủy ban Hỗn hợp sẽ soạn thảo và đề nghị lên Hội đồng Bộ trưởng để chấp thuận, cùng các việc khác, Quy định về việc Sử dụng Nước và Chuyển nước Liên Lưu vực theo các Điều 5 và 6, bao gồm nhưng không hạn chế trong việc: 1) thiết lập thời biểu cho mùa mưa và mùa khô; 2) thiết lập địa điểm các trạm thủy học, và ấn định và duy trì lưu lượng cần thiết tại mỗi trạm; 3) ấn định tiêu chuẩn để xác định lượng nước dư trong mùa khô trên dòng chánh; 4) cải thiện cơ chế theo dõi việc dùng nước bên trong lưu vực; và 5) thiết lập cơ chế để theo dõi việc chuyển nước liên lưu vực từ dòng chánh.

Thủy học của hệ thống Tonle Sap [7]



Một điểm đặc biệt của hệ thống là hồ Tonle Sap, hồ nước ngọt lớn nhất ở ĐNA.  Nó vận hành như một hồ chứa nước tự nhiên, có thể chứa 20% dòng chảy trong mùa mưa của sông Mekong từ việc đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap – một điểm đặc biệt khác – nối hồ Tonle Sap với sông Mekong ở Phnom Penh.  Dòng chảy trong Tonle Sap đảo ngược vì sự sai biệt mực nước trong dòng chánh Mekong và hồ Tonle Sap là hiện tượng độc nhất trên thế giới.  Trung bình, có 43 km3 nước sông Mekong chảy vào hồ mỗi năm, chiếm 52% tổng số nước của hệ thống (35% từ các phụ lưu và 13% từ mưa).

Dựa trên lưu lượng đo đạc tại trạm Prek Kdam trên Tonle Sap từ năm 1962 đến 1972, việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap có những đặc tính như sau:

·        Dòng chảy thường bắt đầu đảo ngược vào đầu tháng 6, nhưng có thể sớm hay trễ hơn 1 tháng.  Lưu lượng chảy vào hồ lên cao nhất vào cuối tháng 8;
·        Thông thường, dòng chảy ngược kéo dài trong 4 tháng và chấm dứt vào cuối tháng 9, nhưng có thể sớm hay trễ hơn 2 tuần;
·        Sau đó, dòng chảy đảo ngược lại để chảy ra sông Mekong và lên cao nhất trong tháng 11;
·        Trong nhiều năm, việc đảo dòng với lưu lượng lên đến 7.500 m3/sec có thể xảy ra trong vòng vài ngày; và
·        Lưu lượng chảy ra từ hồ trong tháng 3 đến tháng 5 chỉ có vài trăm m3/sec, phản ánh mùa khô và sai biệt mực nước ít.


Ảnh hưởng của việc trữ nước tạm thời trong hệ thống Tonle Sap hay điều tiết lũ lụt tự nhiên của sông Mekong có những lợi ích như sau:

·        Đỉnh lũ trong sông Mekong bị cắt, đo đó, làm giảm cường độ và phạm vi ngập lụt ở ĐBSCL; và
·        Trong ½ mùa khô, nước từ hồ Tonle Sap gia tăng lưu lượng ở hạ lưu Phnom Penh giúp cho việc canh tác và hạn chế sự xâm nhập của nước mặn vào ĐBSCL;
·        Lưu lượng trung bình hàng tháng lên cao nhất 32.000 m3/sec trong tháng 8 ở Phnom Penh.  Ở Tân Châu và Châu Đốc, lưu lượng trung bình trong tháng 8 thấp hơn khoảng 5.000 m3/sec và lên cao nhất trong tháng 9; và
·        Lưu lượng trong mùa khô từ tháng 11 đến tháng 2 tăng lên đáng kể.

Ngoài các lợi ích trên, việc điều tiết của hồ Tonle Sap cũng làm cho mực nước lụt ở ĐBSCL dâng lên rất chậm (dưới 10 cm/ngày) và có thể tiên đoán trước, do đó, người dân ở ĐBSCL có thời gian để chuẩn bị đối phó.


Duy trì lưu lượng trên dòng chánh Mekong

Các quy định về việc duy trì dòng chảy trên dòng chánh sông Mekong được trình bày chi tiết trong một phúc trình của MRC có tựa đề Hướng dẫn Kỹ thuật về việc Thực hiện các Thủ tục để Duy trì Dòng chảy trên Dòng chánh – Phiên bản đang Soạn (Technical Guidelines on Implementation of the Procedures for the Maintenance of Flows on the Mainstream – Working Version) [8].  Hướng dẫn Kỹ thuật gồm có các điểm chánh như sau:

Các định nghĩa then chốt

Thỏa ước Mekong 1995 đề cập đến lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được; lưu lượng đảo ngược tự nhiên chấp nhận được; hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng lịch sử; mùa khô, mùa mưa và mùa lũ.

Lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được là lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu cho từng tháng trong mùa khô.  Lưu lượng đảo ngược tự nhiên chấp nhận được là lưu lượng của sông Mekong ở Kratie cho phép Tonle Sap đảo ngược dòng chảy để nâng mực nước hồ Tonle Sap lên mức tối ưu chấp nhận được.

Hạn hán được xem là nghiêm trọng lịch sử khi mực nước đo đạc hàng ngày trong mùa khô thấp hơn mực nước có tỉ lệ xảy ra 1:20 của mực nước hàng ngày từ 1960 đến 2009.  Lũ lụt được xem là nghiêm trọng lịch sử khi mực nước đo đạc hàng ngày trong mùa mưa cao hơn mực nước có tỉ lệ xảy ra 1:20 của đỉnh lũ hàng ngày từ năm 1960 đến 2009.

Mùa khô kéo dài 6 tháng từ ngày 1 tháng 12 đến 31 tháng 5.  Mùa mưa kéo dài 6 tháng từ ngày 1 tháng 6 đến 30 tháng 11.  Mùa lũ kéo dài 4 tháng từ 1 tháng 7 đến 31 tháng 10.

Ấn định các trạm thủy học

Theo Điều 26.2 của Thỏa ước Mekong 1995, 9 trạm thủy học được chọn để làm nền tảng cho việc duy trì lưu  lượng trên dòng chánh: Chiang Saen, Vientiane, Khong Chiam, Pakse, Stung Treng, Kratie, Tân Châu và Châu Đốc.  Ba trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Luong nằm trong hệ thống Tonle Sap được chọn để theo dõi việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap.


Ấn định lưu lượng

Theo Điều 6.A – Lưu lượng hàng tháng tối thiểu chấp nhận được cho từng tháng trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 5): Áp dụng cho tất cả các trạm thủy học, ngoại trừ Kampong Luong và Prek Kdam.  Đồng ý thử nghiệm 2 sự lựa chọn: Tỉ lệ Xảy ra (Annual Recurrence Interval (ARI)) từ 1:4 đến 1:5 hay 80-90% Xác suất Xảy ra (Flow Duration Curve (FDC))


Theo Điều 6.B – Lưu lượng đảo ngược tự nhiên chấp nhận được của Tonle Sap xảy ra trong mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11): Áp dụng cho trạm Kratie trên sông Mekong và trạm Prek Kdam và Kampong Luong trên hệ thống Tonle Sap.  Xác suất xảy ra của tổng số dòng chảy trong mùa mưa (từ tháng 6 đến tháng 11) ở Kratie nằm trong khoảng trên và dưới 90% của mức Căn bản (Baseline).


Theo Điều 6.C –  Ngăn ngừa đỉnh lủ hàng ngày trung bình vượt quá đỉnh lũ tự nhiên trong mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 10):  Áp dụng cho tất cả các trạm thủy học, ngoại trừ trạm Prek Kdam và Kampong Luong.  Đỉnh lũ hàng ngày trung bình trong mùa lũ (từ tháng 7 đến tháng 10).


Thiếu sót trong Hướng dẫn Kỹ thuật của MRC

Thiếu sót thứ nhất là lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được, được MRC định nghĩa là được là lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu cho từng tháng trong mùa khô, từ tháng 12 đến tháng 5.  Nhưng sông Mekong trong vùng đông bắc Thái Lan gần như khô cạn ngay trong mùa mưa năm 2019 và lại xuống đến mức thấp trong mùa mưa năm nay; vì thế, định nghĩa của lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được cần được nới rộng để bao gồm lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu cho từng tháng trong năm, mùa khô lẫn mùa mưa.

Thiếu sót thứ hai là sự khó khăn và phức tạp của việc sử dụng tổng số dòng chảy trong mùa mưa ở Kratie và dòng chảy ngược cộng dồn ở Prek Kdam để xác định việc đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap trong mùa mưa.  Việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap có thể được xác định dễ dàng hơn bằng mực nước tại các trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Luong.

Thiếu sót thứ ba là không cứu xét đến dòng chảy từ các phụ lưu, nhất là các phụ lưu có nhiều đập thủy điện đang hoạt động.  Quan trọng nhất là lượng nước xả xuống hạ lưu từ đập cuối cùng trên phụ lưu, thí dụ như Nam Ou 1, Nam Ngum 1, Pak Mun và Hạ Sesan 2.

Thiếu sót sau cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc duy trì lưu lượng trong mùa lũ (từ tháng 8 đến tháng 11) của sông Mekong ở Tân Châu và Châu Đốc để duy trì “mùa nước nổi” ở ĐBSCL, nếu lượng mưa trên lưu vực trên mức trung bình đáng kể.  Mùa nước nổi ở ĐBSCL có thể duy trì bằng cách giữ cho mực nước hàng ngày của sông Mekong ở Châu Đốc dao động giữa mực nước báo động 3,80 m và mực nước lụt 4,20 m [9].  Lợi ích của mùa nước nổi đã được người dân ở ĐBSCL biết đến từ lâu và được MRC kiểm chứng có giá trị hàng năm từ 8 đến 10 tỉ USD so với thiệt hại từ 60 đến 70 triệu USD cho toàn thể hạ lưu vực Mekong [10].

Phần kết luận

Tonle Sap là một phụ lưu đặc biệt của sông Mekong, nối liền hồ Tonle Sap với sông Mekong ở Phnom Penh, thủ đô của Cambodia.  Tonle Sap là con sông duy nhất trên thế giới mà dòng chảy trong sông đảo ngược hàng năm. Vào mùa khô, nước từ hồ Tonle Sap chảy vào sông Mekong.  Nhưng trong mùa mưa, khi mực nước trong sông Mekong dâng đủ cao, nước từ sông Mekong chảy vào hồ Tonle Sap, khiến diện tích của mặt hồ tăng lên gấp 6 lần cung cấp nơi sinh sản và tăng trưởng của cá.  Hồ Tonle Sap điều tiết lưu lượng lũ của sông Mekong khiến lũ lụt ở ĐBSCL “hiền hòa” và bổ sung nước cho đồng bằng nầy trong mùa khô.

Vào năm 2019, Tonle Sap đảo ngược dòng chảy trễ hơn thông thường và chỉ kéo dài có 6 tuần thay vì nhiều tháng.  Năm nay, theo MRC, Tonle Sap có thể đảo ngược dòng chảy trễ hơn thường lệ một lần nữa.  Đây là những triệu chứng làm cho nhiều chuyên viên lo ngại: Tonle Sap không đảo ngược dòng chảy; khiến thủy sản của hồ Tonle Sap tụt giảm và toàn thể hệ sinh thái của Tonle Sap cũng lâm nguy rồi kéo theo ĐBSCL.

Mặc dù Thỏa ước Mekong 1995 có những điều khoản quy định việc duy trì việc đảo dòng của Tonle Sap, những hướng dẫn của MRC để thực hiện những quy định nầy còn thiếu sót hoặc rất phức tạp để áp dụng.  Để cải thiện việc áp dụng các điều khoản trong Thỏa ước Mkong 1995, những hướng dẫn nầy cần được sửa đổi để 1) bao gồm lưu lượng hàng tháng tự nhiên tối thiểu chấp nhận được trong mùa mưa, 2) dùng mực nước ở các trạm Phnom Penh Port, Prek Kdam và Kampong Cham để theo dõi việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap, 3) cứu xét các dòng chảy từ phụ lưu có đập đang hoạt động, và 4) duy trì mùa nước nổi cho ĐBSCL, một sự kiện thủy học quan trọng không kém gì việc đảo ngược dòng chảy trong Tonle Sap.

Sơ lược về tác giả

Tác giả nguyên là Kỹ sư Công chánh Chuyên nghiệp (Professional Civil Engineer) của tiểu bang Florida và California.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh tại Trường Cao đẳng Công chánh, Trung tâm Quốc gia Kỹ Thuật Phú Thọ, Sài Gòn năm 1972.  Trưởng ty Kế hoạch, Ủy ban Quốc gia Thủy lợi, Bộ Công chánh và Giao thông, Sài Gòn đến tháng 4 năm 1975.  Tốt nghiệp Kỹ sư Công chánh (1983) và Cao học Thủy lợi (1985) tại Đại học Nebraska, Hoa Kỳ.  Chuyên viên Thủy học (Hydrlogist) của Sở Quản trị Thủy lợi, Broward County, Florida đến năm 1989.  Từ năm 1990 đến 2015, Kỹ sư Giám sát Trưởng (Senior Supervising Engineer) của Stetson Engineers Inc., một công ty cố vấn về thủy lợi và ô nhiễm nguồn nước, thành lập năm 1957 ở Los Angeles.  Về hưu từ năm 2016.

Tài liệu tham khảo

[1]       Wikipedia.  16 July 2020.  “Tonlé Sap.”  Wikipedia. https://en.wikipedia.org/wiki/Tonl%C3%A9_Sap
[2]       FAO. Accessed August 5, 2020.  “Part II. Tonle Sap Fisheries.”  FAO. http://www.fao.org/3/AB561E/ab561e07.htm
[3]       Tyler Roney.  April 23, 2020.  “The fate of Tonle Sap is decided upriver.”  China Dialogue.  https://chinadialogue.net/en/energy/11977-the-fate-of-tonle-sap-lake-is-decided-upriver/
[4]       Sao Da.  August 5, 2020.  “MRC sees ‘very critical situation’ in Tonle Sap as flow reversal still delayed.’  Khmer Times.  https://www.khmertimeskh.com/50751837/mrc-sees-very-critical-situation-in-tonle-sap-as-flow-reversal-still-delayed/
[5]       Tyler Roney.  August 15, 2019.  “Cambodia’s Tonle Sap Lake Under Threat.”  Asia Sentinel.  https://www.asiasentinel.com/p/cambodia-tonle-sap-lake-under-threat
[6]       Mekong River Commission for Sustainable Development (MRC).  1995 Mekong Agreement and Procedural Rules. MRC. http://www.mrcmekong.org/assets/Publications/MRC-1995-Agreement-n-procedures.pdf
[7]       Technical Support Division and Planning Division.  April 2018. Procedures for the Maintenance of Flows on the Mainstream (PMFM) – Compregensive Information Report.  MRC.  https://pmfm.mrcmekong.org/assets/pmfm/documents/PMFM-Comprehensive-Information-Report.pdf
[8]       MRC.  October 2017.  Technical Guidelines on Implementation of the Procedures for the Maintenance of Flows on the Mainstream.  Working Version.  MRC.  https://pmfm.mrcmekong.org/assets/pmfm/documents/PMFM-Technical-Guidelines.pdf
[9]       Nguyễn Minh Quang.  Tháng 10 năm 2000.  “Nhận xét về trận lũ lụt năm 2000 ở Đồng bằng sông Cửu Long.”  Đi Tới.  Montreal, Canada.
[10]     MRC.  Accessed August 5, 2020.  “Flood & Drought.”  MRC.  http://www.mrcmekong.org/topics/flood-and-drought/


.