(Laos urged to reassess dam)
Niem Chleng – Bình Yên Đông lược dịch
Phnom Penh Post – 26 November 2020
Dự án thủy điện Sanakham có trị giá khoảng 2 tỉ USD. [Ảnh: MRC]
Chánh phủ Lào và nhà phát triển dự án thủy điện Sanakham đã được thúc giục để nới rộng việc thẩm định ảnh hưởng của dự án và đề nghị thêm các biện pháp để làm giảm ảnh hưởng bất lợi tiềm tàng của đập có công suất 648 MW.
Trong một diễn đàn khu vực công khai do Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) tổ chức với các bên liên hệ vào ngày 24 tháng 11 ở Pakse, Siem Reap, Bangkok, và Hà Nội, cũng như ở trên mạng, khoảng 200 tham dự viên bày tỏ lo ngại của họ về dự án.
Một thông báo báo chí của MRC nói họ đề nghị rằng tiến trình tham vấn trước phải được thực hiện có ý nghĩa hơn và bảo đảm rằng các ảnh hưởng tiêu cực tiềm tàng của dự án phải được cứu xét.
Trị giá của đập Sanakham được ước tính là 2,073 tỉ USD, trong đó 27,7 triệu USD sẽ được dành cho các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng môi trường và xã hội và các chương trình theo dõi. Nó là dự án thứ 6th được đệ trình lên MRC để tham vấn trước.
Đập được đề nghị sẽ nằm giữa Xayaburi và tỉnh Vientiane ở Lào, khoảng 155 km về phía bắc của thủ đô Vientiane, và khoảng 2 km về phía thượng lưu của biên giới Thái-Lào trong tỉnh Loei ở đông bắc Thái Lan, MRC cho biết.
Được dự trù hoạt động vào năm 2028, đập sẽ cao 58 m và dài 350 m, gồm có 12 turbines, mỗi cái sản xuất 57 MW điện, theo lời của MRC trong tháng 5.
Các tham dự viên ở diễn đàn nói chánh phủ Lào và nhà phát triển dự án Datang (Lao) Sanakham Hydropower Co Ltd nên nới rộng thẩm định về phạm vi môi trường và xã hội khác nhau.
Một duyệt xét tổng thể hơn về ảnh hưởng có thể có của các đập khác và việc phát triển dự án cũng phải được chia sẻ.
“Họ cũng khẳng định rằng các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng được nhà phát triển đề nghị hiện nay là không đầy đủ, đề nghị thêm các biện pháp, bao gồm các cơ chế bồi thường để đối phó với việc thay đổi cuộc sống, được cung cấp với dữ kiện cập nhật và các nghiên cứu gần đây,” MRC nói.
Hạn hán hồi năm ngoái và năm nay đã kéo dài mùa khô và ảnh hưởng việc đảo ngược dòng chảy của Tonle Sap và sản xuất thủy sản ở Cambodia. Các tham dự viên ở diễn đàn kêu gọi các quốc gia thành viên MRC xả nước từ các hồ chứa thủy điện trên các phụ lưu trong những năm sắp tới.
Điều nầy cho phép phù sa chảy nhiều hơn, hỗ trợ việc di chuyển của cá ở hạ lưu, và duy trì cân bằng sinh thái trong dòng chánh Mekong, MRC nói.
Các tham dự viên ở diễn đàn cũng đề nghị MRC nên cứu xét cách thức để bảo đảm tính sẵn sàng của tài liệu và dữ kiện đầy đủ và cập nhật cho các dự án trong tương lai trước khi bắt đầu tiến trình tham vấn trước.
Họ nói điều nầy sẽ cho phép cứu xét các tài liệu đệ trình có ý nhĩa hơn. Các cơ chế chia sẻ tin tức, họ nói, nên được cải thiện và ý kiến của các bên liên hệ nên được cứu xét như một phần của tiến trình tham vấn trước và về sau.
“Các biện pháp giảm nhẹ ảnh hưởng của dự án Sanakham quan trọng hơn bao giờ,” Giám đốc Điều hành An Pich Hatda của MRC nói. Ông nói thêm rằng các hoạt động xây cất và ảnh hưởng, thường ở địa phương, có thể có ảnh hưởng xuyên biên giới.
Ông nói các quốc gia thành viên MRC gần đây đã đồng ý thăm dò một cơ chế tài trợ khu vực để hỗ trợ các dự án phục hồi cuộc sống và hệ sinh thái trong Hạ Lưu vực Mekong.
Bounkham Vorachit, thứ trưởng Bộ Thủy lợi và Môi trường Lào, cho biết trong diễn văn khai mạc diễn đàn rằng Lào hoan nghênh các ý kiến và đề nghị của các bên liên hệ.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để bảo đảm rằng các vấn đề nghiêm trọng sẽ được cứu xét trước khi chúng tôi tiến hành dự án,” bà nói.
Dự án là một phần trong kế hoạch của chánh phủ Lào để xuất cảng khoảng 20 GW điện đến các nước láng giềng vào năm 2030, trọng tâm là phát triển thủy điện.
Trong thời kỳ 2020-2030, chánh phủ Thái dự định nhập cảng khoảng 9 GW điện từ Lào, Cambodia khoảng 6 GW, Việt Nam khoảng 5 GW, Myanmar khoảng 300 MW và Malaysia khoảng 300 MW, tờ Vientiane Timnes tường trình, trích lời của Bộ Năng lượng và Hầm mỏ Lào.
MRC là một tổ chức liên chánh phủ thành lập vào năm 1995 để “cộng tác trực tiếp với các chánh phủ Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam để cùng quản lý nguồn nước chung và phát triển khả chấp sông Mekong”.