ThienNhien.Net – Thế rồi theo năm tháng các dòng sông cứ
chết dần, chết mòn một cách nhanh chóng. Sông Ngũ Huyện Khê ở Bắc Ninh ô nhiễm
hoàn toàn trồng rau còn chết rụi huống hồ là nuôi cá. Sông Đuống tưởng là sạch
nhưng có lúc kiểm tra nồng độ nitrit còn gấp nhiều lần cho phép. Rồi đến cả
sông mẹ, Hồng Hà cũng nhiều lần bị đầu độc đến độ chết cá, chết tôm.
Hầu hết các dự án đầu tư to nhỏ đều hay quên chuyện đáng
phải làm đầu tiên: xử lý môi trường. Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong chuyện
này nên cứ dàn hàng ngang mà tiến, cứ phát triển kinh tế đã còn môi trường để…
con cháu tính sau.
Một làng bè trên sông
Tự mình diệt mình
Tiến sĩ Bùi Quang Tề, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Nuôi
trồng Thủy sản I kể chuyện thật mà như bịa về những buổi thuyết trình các dự án
đầu tư mà ông chứng kiến: Trình bày sắp xong rồi có người bên dưới mới chợt hỏi
vấn đề xử lý môi trường như thế nào? Giám đốc dự án hay lãnh đạo địa phương
được đầu tư chân đã xỏ vào giày, toan bước đi mới ngoái đầu quay lại nói với:
“Nhớ phải xử lý môi trường cẩn thận đấy nhé”.
Đừng tưởng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản không
gây ra ô nhiễm. Cách đây hơn 20 năm ở huyện Mê Linh (Hà Nội) có đoạn sông Hồng
cụt dân tự phát nuôi cá. Ban đầu chỉ vài chục lồng nên năng suất rất cao, lợi
nhuận rất lớn, đầu tư 1 triệu mà thu về 5 – 7 triệu/năm. Thấy vậy, chính quyền
hứng lên ra hẳn một nghị quyết nuôi cá. Đoạn sông dài có mấy cây số, rộng có
vài trăm mét mà quy hoạch nuôi tới 500 lồng cá, mỗi lồng được cho vay 1 triệu
(số tiền khá lớn hồi ấy). Khi dân đua nhau thả được 470 lồng thì bắt đầu có hiện
tượng cá chết. Số là, năm đó nước lũ không chảy vào được đoạn sông Hồng cụt.
Chất thải kết tảng chặt cứng dưới đáy lồng khiến cho cá giãy lên đành đạch như
bị bỏ thuốc trừ sâu rồi chết.
Nghi bệnh lạ, họ mời ông Tề đến. Xem xét một hồi ông thủng
thẳng: Tôi là chuyên gia về bệnh thủy sản nhưng không thể chữa được cái này mà
chữa vào chính sách của chính các ông. Đoạn sông này chỉ nuôi được 50 lồng thôi
nhưng lại tổ chức nuôi tới 500 lồng. Mỗi lồng tạm tính 2 tạ vị chi là 100 tấn
cá. Mỗi kg cá trắm phải ăn 40kg cỏ để cho được 1kg thịt. 4.000 tấn cỏ đổ xuống
đoạn sông này thì làm sao chẳng ô nhiễm? Làm sao mà chẳng tự mình tiêu diệt
mình?
Gần đây nhất là năm 2014 ở sông Kinh Thầy cũng phát triển
nuôi thủy sản một cách ồ ạt, chỉ khác xưa làm lồng tre nay làm lồng lưới. Dù đã
đưa đủ loại thuốc tốt xuống lồng nhưng các loại cá vẫn thi nhau chết khiến
người nuôi như đứng trên ổ kiến lửa.
Ông Tề đến hỏi họ rằng: Ở đây có thủy triều không? Họ đáp:
Có. Thế thì đúng rồi, nước lên rồi nước xuống, chính lúc nước đứng là thời điểm
thiếu ô xy. Dân chẳng ai chịu tin cả vì làm gì có chuyện sóng nước Kinh Thầy
dào dạt thế mà lại thiếu ô xy. Nhưng kết quả phân tích đã chỉ ra rằng mức ô xy
hòa tan bằng 1 mg/lít (bình thường nước sông phải là 5 – 8 mg/lít) khiến hầu
hết các loại cá không thể sống nổi nhất là trong điều kiện nuôi nhốt chen chúc.
Sức tải của dòng sông có hạn mà người ta kết lồng bè thành từng làng, từng làng
một nên cạn kiệt cả ô xy.
Cá to bây giờ chủ yếu là cá nuôi
Nghề nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm là thế nhưng vẫn không
thấm vào đâu so với ô nhiễm của các khu công nghiệp, của chất thải dân sinh đổ
tràn xuống lòng sông. Năm 1991, ông Tề được vời đến theo lời mời của Sở NN-PTNT
Hà Tây cũ để kiểm tra xem đoạn sông Nhuệ chảy qua khu vực thị xã Hà Đông có
nuôi được cá lồng không. Chọn lúc 2 giờ chiều – thời điểm ô xy hòa tan mạnh
nhất trong ngày để đo nhưng chỉ được 2 mg/lít nên ông kết luận: “Không nuôi cá
lồng trên sông Nhuệ được”. Kết luận đó khi ấy nhạy cảm ngang với tội… phá hoại
sản xuất. Cả tỉnh đang bừng bừng khí thế quyết tâm thì ông dội ngay một gáo nước
lạnh vào. Nhưng với nhà khoa học, không có gì quý hơn sự thật.
Quả thực, sau đó những hộ cố nuôi cá lồng bè trên sông Nhuệ
đều dính thất bại cay đắng.
Những dòng sông đã qua đời
Thế rồi theo năm tháng các dòng sông cứ chết dần, chết mòn
một cách nhanh chóng. Sông Ngũ Huyện Khê ở Bắc Ninh ô nhiễm hoàn toàn trồng rau
còn chết rụi huống hồ là nuôi cá. Sông Đuống tưởng là sạch nhưng có lúc kiểm
tra nồng độ nitrit còn gấp nhiều lần cho phép. Rồi đến cả sông mẹ, Hồng Hà cũng
nhiều lần bị đầu độc đến độ chết cá chết tôm, đến độ khiến cho người nuôi lồng
bè phải kêu trời, than đất.
Ông Tề phân tích: Trong môi trường nước ngọt NH3 và N02 là
hai chất rất độc đó là chưa kể đến ô nhiễm bởi các kim loại như thủy ngân, chì,
asen… Nó có từ đâu ra? Từ chính trong chất thải sinh hoạt, chất thải của các
nhà máy chế biến sắn, đường, các khu công nghiệp ven bờ đổ xuống sông. Chuyện
cá chết trên sông Bưởi ở Thanh Hóa thuộc vào dạng này. Các sông lớn đang bắt
đầu ô nhiễm còn sông nhỏ đã lên tới đỉnh. Hễ lên tới đỉnh là cá tôm chết ngay
còn các loại nhuyễn thể khác như trai, ốc, hến sẽ chết từ từ. Chúng ăn bùn, hấp
thụ nhiều chất độc trong cơ thể nên rất nguy hiểm cho con người khi sử dụng.
Bơm nước từ sông lên đồng
Mỗi dòng sông có hàng vạn, hàng triệu người sinh sống ven
lưu vực tùy theo mức độ lớn bé. Nạn ô nhiễm như những tế bào lạ, cứ di căn hết
dòng sông này sang dòng sông khác. Giờ sông chết, bám vào cái tử thi đang bốc
mùi đó cuộc sống của họ chỉ có nước chết mòn theo. Tôi lớn lên ven bờ sông Đáy,
tuổi thơ từng vẫy vùng giữa dòng nước mát, ngửa mặt vừa bơi vừa ngắm những cánh
buồm nâu hay những chiếc thuyền mui kín, mui hở sớm sớm, chiều chiều qua lại
như mắc cửi. Thế mà nay, quay lại, con sông quê hương đã chết tự bao giờ.
Cá chết thối, nước chết thum thủm còn cây cối đôi bờ chết
héo. Người ta tránh xa sông như tránh hủi, tránh cùi. Những cột nước bơm lên từ
sông dềnh bọt cao ngang cái mái nhà đẩy đưa mùi xú uế xa xa mãi. Dân quê tôi
giờ đi cấy ai cũng phải dùng ủng, chỉ cần sơ sẩy tiếp xúc với nước sông chút
thôi là gãi đến trầy da bật máu, ngứa đến tận tủy cùng xương. Các sông lớn,
sông nhỏ hầu hết đều có dân vạn. Dân vạn chài không có đất, không có nhà, gia
đình đời đời, kiếp kiếp lấy mặt nước làm đất, lấy lòng thuyền làm nhà. Sông Lô,
sông Hồng, sông Cầu, sông Lục Đầu Giang, sông Đà chỉ mươi năm về trước vẫn còn
có những làng chài đẹp như thơ, như mộng.
Tôi đã quay đi, quay lại vạn Cổ Đô (ngay chân cầu Trung Hà,
huyện Ba Vì, Hà Nội) không dưới dăm bảy lần chỉ vì một chữ tình. Ở nơi đó tôi
đi đánh cá đêm rồi ngủ nguyên buổi cùng bà con, đến bữa sớt chia nhau từng củ
sâm bãi (khoai lang) nướng thơm bùi ngùi mùi phù sa ngay trên thuyền vạn. Ở nơi
đó tôi đùa vui cùng những đứa trẻ vạn chài mà trên thân chúng luôn buộc theo
cái túi trong đó đựng một quả bóng nhựa để đề phòng ngã xuống sông. Ở nơi đó
tôi đã được sống những giây phút chan hòa cùng trời đất, mây nước.
Tiếng cười giòn tan xen lẫn tiếng “ùm ùm” của những con cá
chép cập bãi trong mùa tự tình. Giờ quay lại, tiếng cười năm xưa đã chết đuối
tự lúc nào. Vạn Cổ Đô ngày nào còn sầm uất vài chục thuyền bè giăng mắc nay
buồn thiu lặng lẽ như một cái bóng. Lớp trẻ đi hết, vạn giờ chỉ còn lại vài cái
thuyền mà trên đó là những ông già bà cả không biết làm một nghề gì khác ngoài
đánh cá, là những người tật nguyền chẳng thể rời thuyền như thằng Câm bạn tôi.
Cá nheo, cá lăng, cá chiên – những thứ trước đây rất sẵn trong các hang ngầm,
hủm đá giờ hãn hữu lắm mới bắt gặp, mà con nào con nấy còi cọc, lở loét đến
cùng mình.
Nguồn: