Friday, March 22, 2019

Ngày Nước Thế Giới 2019: Nước sạch có đủ cho tất cả tại Việt Nam?



Trung Khang, RFA
2019-03-20
“Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau” là chủ đề của Ngày Nước Thế Giới 2019. Thực tế tại Việt Nam như thế nào?


Chủ đề của Ngày Nước Thế Giới năm nay nhằm hướng đến tuyên truyền, vận động về khả năng tiếp cận với nước sạch của cộng đồng nhằm thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 6 về Nước sạch và vệ sinh, theo đó đảm bảo sự sẵn có, quản lý bền vững nước và vệ sinh cho tất cả mọi người.

Việt Nam là một thành viên của Tổ chức UN – Water thuộc Liên Hiệp Quốc và hàng năm Việt Nam đều có hưởng ứng Ngày Nước Thế Giới.

Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 20 tháng 3 năm 2019, Thạc sỹ Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu WACC – Đại học Quốc gia TP HCM cho biết thêm thông tin về Ngày Nước Thế Giới 2019 tại Việt Nam:
“Hưởng ứng ngày nước thế giới thì có một hội thảo lớn ở Hà Nội và sau đó có một số triển lãm… Một số trường đại học liên quan đến nhà nước thì cũng những hoạt động này nọ. Còn những công tác cải tạo nguồn nước là những hoạt động thường ngày, không nhắc đến trong những dịp lễ hội như thế này. Nhưng những cái này chỉ mang tính chất hội thảo chương trình là chính, còn những công tác thường xuyên về hạ tầng thì nằm trong những chương trình khác trong năm.”

Theo thống kê của UN-Water hiện nay, khoảng 1,9 tỷ người sống trong các khu vực khan hiếm nước; 2,1 tỷ người không được tiếp cận các dịch vụ về nước uống bảo đảm an toàn. Dự kiến, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ tăng khoảng 2 tỷ người và nhu cầu về nước toàn cầu có thể sẽ tăng 30% so với hiện nay. Và hiện cũng đang có 663 triệu người chưa được tiếp cận với các nguồn nước uống hợp vệ sinh.
Hiện nay nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ nước sông, một phần là từ nước ngầm.Cả hai nguồn nước đó thì mức độ ô nhiễm càng ngày càng tăng lên, đó là điều đáng quan ngại.

-Thạc sỹ Hồ Long Phi

Thạc sỹ Hồ Long Phi cho biết về tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay:
“Hiện nay nguồn nước sinh hoạt chủ yếu từ nước sông, một phần là từ nước ngầm.Cả hai nguồn nước đó thì mức độ ô nhiễm càng ngày càng tăng lên, đó là điều đáng quan ngại. Tuy rằng so với nhiều năm trước đây thì chất lượng nước mặt có cải thiện phần nào, do những hệ thống vệ sinh môi trường xây dựng bắt đầu đưa vào hoạt động. Nhưng nước ngầm thì vẫn còn ô nhiễm, vì chưa được khắc phục một cách thỏa đáng.”

Theo Thạc sỹ Hồ Long Phi, thật ra thì chất lượng nước sinh hoạt ở thành thị tốt hơn nếu so sánh với nông thôn. Theo ông, ở nông thôn thứ nhất do hạ tầng cấp nước chưa đầy đủ, thứ nhì là do ý thức của người dân không cao, họ sử dụng trực tiếp nước từ sông rạch, trong khi sông rạch cũng là nơi nhận nước thải trực tiếp. Theo ông, mức độ nhiễm nước cao thì nằm ở thành phố, nhưng nguy hiểm thì lại nằm ở nông thôn.

Vào ngày 20/3, chúng tôi hỏi chuyện một người sinh sống lâu năm qua nhiều khu vực tại Hà Nội và được anh nhật xét về chất lượng nước sử dụng tại các nơi anh đã sinh sống:
“Tôi sinh sống cùng gia đình ở Hà Nội, nguồn nước nhà tôi khá tốt. Tôi đã chuyển nhà nhiều lần, và thấy chất lượng nước cũng na ná nhau, có điều là gần đây ít bị cúp nước hơn trước. Tuy nhiên, ở những khu vực khác bị ô nhiễm thì sẽ ảnh hưởng chất lượng nước của người dân thông qua các mạch nước ngầm ở bên dưới. Còn khi nguồn nước ô nhiễm bốc hơi lên thì sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Để giảm thiểu ô nhiễm thì việc đầu tiên nên làm là đừng xả rác bừa bãi, cái đó là mình nhìn thấy rõ nhất. Còn trong tương lai, nếu can thiệp thì có lẽ cần đi sâu xa hơn.”

Một cư dân khác đang ở trọ tại Hà Nội cho biết:
“Hiện giờ tôi đang ở trọ, và chất lượng nguồn nước cũng khá. Nhưng cũng có người sử dụng máy lọc nước vì họ không hài lòng với chất lượng nước đó. Theo tôi nghĩ so với trước kia thì chất lượng nước có tốt lên, tuy nhiên cũng không dễ nhận biết rõ được. Tôi nghĩ việc nâng chất lượng nước là việc của chính quyền, họ phải thay đổi để làm sao chất lượng nước cung cấp cho người dân tốt lên.”

Ai cũng biết là phải giữ nước, tại sao cứ để chặt cây. Lúc ông Nguyễn Xuân Phúc mới lên chức, lệnh cấm chặt rừng, nhưng bây giờ nó chặt phá bao nhiêu rừng cây, cây không có, đồi trọc không thì làm sao mà giữ nước.

-Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải

Không may mắn như người dân Hà Nội, hàng nghìn hộ dân ở phường Bãi Cháy, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh hiện đang thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vì các hồ chứa cung cấp nguồn nước thô cho các nhà máy sản xuất nước sạch tại tỉnh Quảng Ninh đang cạn nước. Không chỉ riêng khu vực này, nhiều nơi khác tại Quảng Ninh cũng thiếu nước.

Vì sao nhiều mưa lũ mà Việt Nam lại thiếu nước như vậy? Để trả lời câu hỏi này, chúng tôi hỏi chuyện Tiến sĩ Khoa học Nguyễn Văn Khải vào ngày 20/3 và được ông cho biết:
“Nó dễ như ăn xôi gấc, tại không làm thôi, tại sao lại lấp hồ, tại sao lại lấp sông? Hồ ở Hà Nội trước đây là bao nhiêu cái? Bây giờ còn bao nhiệu cái? Nước trên trời rơi xuống nếu không hứng thì nó trôi đi. Ngày xưa bao nhiêu ruộng, bây giờ thành khu công nghiệp, bao nhiêu vỉa hè đất bây giờ bê tông hóa, thì nước nó phải trôi đi thôi. Ví dụ như nhà tôi, tôi hứng nước mưa mỗi mùa vài chục mét khối, nên đâu thiếu nước. Được cái này mất cái kia thôi. Tại sao cái gì cũng đổ xuống cống? Thí dụ Hà Nội chẳng hạn, cứ đổ xuống sông Tô Lịch, đổ xuống sông Kim Ngưu, thối hoắc ra, tại sao không lọc, tại sao không chặn? Rác nổi lều phều, muốn vớt phải xin phép, nhưng không biết xin phép ai.”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, những báo cáo có hơn 80% người dân có nước sạch là không đúng sự thật. Ông cho biết chỉ cần ra Đan Phượng, ở ngoại thành Hà Nội, thì phải khoan giếng. Ông nói tiếp:
“Ai cũng biết là phải giữ nước, tại sao cứ để chặt cây. Lúc ông Nguyễn Xuân Phúc mới lên chức, lệnh cấm chặt rừng, nhưng bây giờ nó chặt phá bao nhiêu rừng cây, cây không có, đồi trọc không thì làm sao mà giữ nước. Chẳng cần nhà khoa học nào cả, chỉ cần người dân hiểu sống theo pháp luật, các nhà quản lý xã hội theo pháp luật và có tí kiến thức, chả cần kiến thức cao siêu, chỉ cần lớp hai lớp ba cũng được.”

Hội thảo về Ngày Nước Thế Giới 2019 tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 19/3/2019.
Photo courtesy of unwater.org

Cũng theo thống kê của UN-Water, ước tính trên 80% lượng nước thải trên toàn cầu, xả ra môi trường tự nhiên mà không qua xử lý hoặc không được tái sử dụng.

Còn theo Thạc sỹ Hồ Long Phi, một trong những nguyên nhân thiếu nước tại Việt Nam là do việc khai thác nước ngầm đã xảy ra vài chục năm rồi, vì khi đó khan hiếm nguồn nước mặt, hệ thống cấp nước không đủ, nguồn cung không đủ. Ông cho biết thêm, hiện nay thì dần dần hệ thống nước mặt, hệ thống lấy nước từ sông rồi xử lý và cung cấp vào hệ thống cấp nước thì ngày càng tốt và thay thế dần hệ thống nước ngầm, vì vậy chính phủ cũng chủ trương hạn chế khai thác nước ngầm và tiến đến ngưng khai thác. Tuy nhiên ông nói tiếp:
“Nhưng điều đó tôi nghĩ cũng không phải thời gian ngắn mà làm được, vì ở nhiều nơi xa xôi nhưng Đồng bằng sông Cửu Long chẳng hạn, nguồn nước ngầm ở gần ven biển là nguồn nước duy nhất họ có được. Họ dùng nước đó không chỉ để sinh hoạt mà còn dùng để sản xuất nữa. Tức là một lượng nước rất lớn được bơm lên từ tầng nước ngầm sâu hàng trăm mét, điều đó sẽ dẫn đến hệ lụy lâu dài rất là lớn. Trước mắt thì chưa có cách nào để giải quyết được.”

Tiếp cận nguồn nước an toàn là nền tảng cho sức khỏe cộng đồng, điều này rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững, vì một thế giới ổn định và thịnh vượng. UN – Water cho rằng, chúng ta không thể tiến lên toàn cầu hóa trong khi rất nhiều người đang sống mà không có nguồn nước sử dụng an toàn.
Vào tháng 6 năm 1992, tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển được tổ chức ở Rio de Janeiro, Brazil, Liên Hợp Quốc đã ra chọn ngày 22 tháng 3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và bắt đầu được tổ chức thường niên từ năm 1993.

Source:

Quách Hạo Nhiên - Đồng Bằng Sông Cửu Long: Nghịch Lý, Nghị Quyết và... Giả Dối



 “Cần Thơ gạo trắng nước trong
Ai về xứ bạc thong dong cuộc đời”
(Ca dao Nam bộ)

Nghịch lý chồng nghịch lý

Dù nhiều người đã nói rồi nhưng thiết nghĩ cũng cần phải nhắc lại cái nghịch lý đã, đang và sẽ còn diễn ra ở vùng đất cực Nam này của Tổ quốc, đó là: Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy được xem là cái “xương sống” cho nền kinh tế nông nghiệp của cả nước nhưng lại là khu vực ít được Nhà nước quan tâm, đầu tư nhất so với các vùng miền khác về tất cả mọi phương diện. Tất cả những chuyện này không phải tìm đâu xa mà đã được thừa nhận ngay trong các văn bản báo cáo của nhiều cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu mỗi khi diễn ra cuộc hội nghị, hội thảo nào đó.

Hay như mới đây, TS Nguyễn Ngọc Chu trong khi nêu quan điểm của mình về vấn đề đầu tư, xây dựng hạ tầng giao thông vận tải nhất là các dự án đường sắt trên cả nước đã cho thấy rõ hơn cái nghịch lý về vấn đề này ở khu vực miền Tây Nam bộ bằng những con số rất cụ thể:

Miền Tây Nam Bộ là vùng đất trù phú bậc nhất của quốc gia, có tiềm năng to lớn về con người và thiên nhiên, có diện tích 40.548 km2 và dân số 18,5 triệu người. Tăng trưởng GDP của Miền Tây Nam bộ cao hơn bình quân cả nước. Vậy mà hiện nay miền Tây Nam bộ không có tuyến đường sắt nào. 74 năm cầm quyền rồi mà người Việt Nam cũng không chịu làm thêm 1mét đường sắt ở Miền Tây Nam bộ. Trong khi đó, Miền Tây Bắc và Đông Bắc đã có tuyến đường sắt Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội, Hải Phòng – Hà Nội, Lạng Sơn – Hà Nội và đang xây dựng tuyến Quảng Ninh – Hà Nội. Về đường bộ cao tốc, đã có tuyến Lao Cai – Hà Nội, Thái Nguyên – Hà Nội. Quảng Ninh – Hải Phòng – Hà Nội, Bắc Giang – Hà Nội, và đang xây dựng tuyến Lạng Sơn – Bắc Giang.
Như vậy, nhìn tổng quát GTVT Miền Tây Bắc và Đông Bắc vẫn cần tiếp tục đầu tư, nhưng chưa phải cấp thiết bậc nhất. Cấp thiết bậc nhất là tuyến HCM – Hà Nội và Miền Tây Nam bộ. Cho nên, không phải ưu tiên cho Tây Bắc, Đông Bắc mà phải khẩn cấp đầu tư phát triển giao thông vận tải cho Miền Tây Nam bộ, cả đường sắt lẫn đường bộ cao tốc.” [1]

Những nghịch lý trên rõ ràng ai cũng biết nhưng có một nghịch lý còn lớn hơn nữa đã làm cho ĐBSCL ngày một tụt hậu và kiệt quệ hơn mà không phải ai cũng đủ chân thành và dũng khí để nói ra. Trước khi gọi tên cái nghịch lý này là gì xin được nhắc lại hai sự kiện nhỏ dưới đây:
Năm 2009, ĐBSCL có diễn ra một cuộc thi Thơ do Hội liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Cần Thơ tổ chức. Năm ấy, Ban giám khảo cuộc thi đã chọn bài thơ “Trăng nghẹn” của tác giả Hoài Tường Phong để trao giải nhất. Nhưng sau đó, dưới sức ép của “những người có trách nhiệm”, BTC cuộc thi sau đó đã quyết định “bẽ kèo” vào phút 90+1. Nghĩa là rút lại không trao giải nhất cho bài thơ với lý do tác giả Hoài Tường Phong đã “phản ánh” một sự thật về cái nghịch lý của vùng đất và con người nơi đây bằng mấy câu thơ mộc mạc, chân chất đến trần trụi:
“Đồng bằng quê hương tôi nhiều cái nhất ngậm ngùi:
Sản lượng lúa nhiều, vùng cá ba sa lớn nhất,
Đầu tư văn hóa thấp và khó nghèo cũng nhất,
Và cũng dẫn đầu, những cô gái lấy chồng xa”

Đó là chuyện xảy ra cách nay đúng 10 năm, còn gần đây nhất, liên quan đến sự kiện báo Tuổi trẻ Online bị đình bản 3 tháng người ta lại tìm thấy ở đó một trong những nguyên nhân chính là do Báo Tuổi trẻ Online trước đó đã cả gan và vượt rào đăng bài viết “Sao trong quy hoạch không thấy cao tốc cho miền Tây” ngày 26/5/2017. Bài viết này bị các nhà chức trách rằng có nội dung mang tính kỳ thị vùng miền dễ “gây mất đoàn kết dân tộc”. [2]

Hai câu chuyện, hai sự kiện tuy nhỏ nhưng lại chất chứa trong đó một sự thật rất xót xa. Hay nói khác đi đây chính là cái nghịch lý chồng nghịch lý mà người dân vùng ĐBSCL hiện nay đang phải oằn lưng gánh chịu. Cái nghịch lý về sự dối trá, nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo nhưng lúc nào cũng “cả vú lấp miệng em”, không dám thừa nhận của “những người có trách nhiệm” trong bộ máy lãnh đạo quốc gia mỗi khi nghĩ về ĐBSCL.

“Hội nghị Diên Hồng” hay là chuyện “cha chung không ai khóc”

Sau khi được chỉ định làm Thủ tướng Chính phủ (ngày 07/04/2016) thay cho người tiền nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, ông Nguyễn Xuân Phúc ngay lập tức bắt tay vào việc với một khí thế hừng hực thường thấy của những kẻ mới ngồi vào “ngôi vua”. Để nhanh chóng thích nghi và ghi dấu ấn trước quốc dân đồng bào ông cũng cho bày binh bố trận khắp nơi. Cái khẩu hiệu “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” ngay lập tức được giới truyền thông tung hô hết ga. Không dừng lại ở đó, mỗi khi đến địa phương nào đó làm việc ông cũng không bao giờ quên gửi một “thông điệp” với một công thức rất đặc trưng và có một không ai: “X, Y, Z...+ phải là đầu tàu/thủ phủ/đi đầu...của cả vùng/cả nước”.

Tuy vậy, cũng phải mất một năm sau người đứng đầu Chính phủ mới bắt đầu triển khai nhiệm vụ “kiến tạo và phục vụ” người dân vùng ĐBSCL bằng một bản Nghị quyết (số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”) và một Hội nghị chính thức diễn ra trong hai ngày 26, 27/09/2017 tại thành phố Cần Thơ.

Và để chuẩn bị cho phiên điều hành chính thức của mình, trước đó ông Thủ tướng cùng đoàn tùy tùng đã có chuyến “tiền trạm” đi mây về gió bằng trực thăng để thị sát vùng ĐBSCL từ Cần Thơ đến Cà Mau. Còn nhớ, lúc nhìn thấy hình ảnh ngài Thủ tướng trên tay là tấm bản đồ còn ánh mắt thì nhìn đâm chiêu qua cửa sổ máy bay được các cơ quan báo chí đăng tải, một người bạn của tôi lúc ấy đã nhắn tin nói rằng: “nhìn ông Thủ tưởng ngồi trên trực thăng tao xúc động và thương ổng quá!. Ông ấy tận tụy thế kia mà sao những đứa tham mưu lại không trang bị cho ổng một cái ống nhòm để ổng nhìn cho rõ, cho hợp cảnh và chụp hình cho đẹp hơn. Khoảng cách từ trực thăng với đất liền xa như thế mà chỉ nhìn bằng mắt thường thì liệu có thấy được gì không? Thêm nữa, không biết ông ấy có phân biệt và nhìn ra được những vùng đất với cái tỉ lệ ghi trên tấm bản đồ không khi mà nó vốn khác xa so với trên thực địa”?

Nhưng thôi đó là những chuyện bên lề. Vì như một thông lệ hiển nhiên và tất yếu về vô số các cuộc hội nghị, hội thảo lớn nhỏ từ trung ương đến địa phương ở xứ sở này (có lẽ trừ hội nghị thượng đỉnh Trump – Kim vừa mới diễn ra ở Hà Nội là thất bại vì Trump bỏ về sớm và không ký kèo gì với Kim), hội nghị năm 2017 cũng diễn ra rất thành công và tốt đẹp. Mà không thành công sao được khi mà cái hội nghị ấy được các cơ quan báo đài lúc bấy giờ gọi là “Hội nghị Diên Hồng cho ĐBSCL” với gần 500 đại biểu trong và ngoài nước đến tham dự rất khí thế và hoành tráng. Tuy vậy, chỉ có điều là sau một năm tổng kết và nhìn lại thì hỡi ơi, theo tường thuật của báo Tuổi trẻ ngày 21/11/2018 tất cả các nội dung trong bản Nghị quyết đều “vẫn chỉ nằm trên giấy” [3]. Hóa ra sau một năm tổ chức “Hội Nghị Diên Hồng”, các chuyên gia, các nhà quản lý trong cuộc hội thảo (lại hội thảo) với tên gọi "Một năm thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu" (do Trường đại học Cần Thơ phối hợp Thời Báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 14/12/2018) mới té ngửa ra rằng suốt một năm qua vì không có ban điều hành để điều phối chung nên 13 tỉnh ĐBSCL chẳng biết phải làm gì? [4]. Hóa ra, tất cả lại là do“lắm sãy không ai đóng cửa chùa”, “cha chung không ai khóc”, ĐBSCL vì thế, từ chỗ là đứa con rơi, cha mẹ không thừa nhận đến khi được nhận lại rồi thì tình yêu thương giờ đây chẳng qua cũng chỉ là mấy lời vỗ về rất chiếu lệ và giả trá!

“Đi Bình Dương bán nước tương”

Những năm gần đây, người dân vùng ĐBSCL trong câu nói cửa miệng khi bàn về chuyện làm ăn thường bảo nhau rằng chắc chuyến này “đi Bình dương bán nước tương” quá. Câu nói với vần điệu nhịp nhàng mới nghe có vẻ vui tai và buồn cười này nhưng lại phản ánh một sự thật xót xa và đau lòng: một bộ phận người dân ĐBSCL hiện nay đang thật sự đang rất kiệt quệ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đi “Bình Dương bán nước tương” thực ra là rời bỏ làng quê, ruộng đồng, vườn tược để lao vào cuộc mưu sinh ở các khu đô thị, khu công nghiệp với đồng lương còm cỏi và tạm bợ nhưng đầy may rủi và bất trắc. Và với nhiều người nhiều người, dù biết là may rủi nhưng đó lại là sự chọn lựa và lối thoát duy nhất. Bởi dù sao “đi Bình Dương bán nước tương” vẫn thiết thực và “dễ thở” hơn là phải bám trụ lại quê nhà trong cái vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói khi “được giá mất mùa” lúc “được mùa mất giá”,...

Ngay sau Tết nguyên đán năm nay, chúng ta đã tận mắt chứng kiến một cuộc đại di cư của người dân ĐBSCL đi “Bình Dương bán nước tương” mà báo chí đã phản ánh qua sự kiện kẹt xe rất khủng khiếp, chưa từng có trong lịch sử trên quốc lộ 1A – tuyến đường và cửa ngỏ duy nhất kết nối vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Thật sự không biết khi chứng kiến những hình ảnh về sự vất vả cũng sự nhẫn nhịn, chịu đựng của người vùng ĐBSCL như thế, ông Nguyễn Xuân Phúc và “Chính phủ kiến tạo và phục vụ” của ông có suy nghĩ hay động lòng chút nào không? Bởi còn gì tệ hại và xót xa hơn khi những cư dân của một vùng đất trù phú và giàu có nhất nước giờ đây đã phải tay bồng tay bế, tay xách nách mang, đèo nhau trên chiếc xe gắn máy, giành nhau từng centimet trên một con đường duy nhất để đi tìm miếng bỏ vào mồm? Nghị quyết để làm gì nếu nó mãi mãi vẫn chỉ là những con chữ vô hồn và các cuộc hội nghị, hội thảo thì kinh phí tổ chức cũng lấy từ tiền đóng thuế của những người dân lam lũ và ít học nơi đây?

Thay lời kết

Trong câu chuyện bên lề “Hội nghị Diên Hồng cho vùng ĐBSCL năm 2017, người của bạn tôi sau đó còn nói với tôi rằng: “ông Dũng là người miền Tây mà hai nhiệm kỳ Thủ tướng vẫn không đếm xỉa ngó ngàng gì vùng ĐBSCL thì cũng thôi cũng không nên quá kỳ vọng làm gì với cái Nghị quyết này của ông Phúc. Nói ra thì bảo là kỳ thị, phân biệt vùng miền, gây chia rẻ khối đại đoàn kết dân tộc nhưng hãy thử nghĩ lại xem có phải cái tư duy và sự kỳ thị, phân biệt vùng miền ấy vốn đã ăn sâu vào máu của chính những người lãnh đạo cao nhất của đất nước này suốt 40 năm qua không? Chỉ khi nào những người lãnh đạo cao nhất ở đất nước này biết thành tâm sám hối và cúi đầu xin lỗi về sự chậm trễ và kỳ thị của họ với người dân nơi đây thì ĐBSCL mới có hi vọng cất cánh, mới không còn bị coi là “vùng trũng” về giáo dục và văn hóa. Và nếu vẫn giữ cách nghĩ cùng cách làm như hiện nay thì ĐBSCL sẽ tàn lụi trước khi khí hậu kịp biến đổi hay bị nhấn chìm vì nước biển dâng!”
  
Nguồn tham khảo:

Cần Thơ, 21/03/2019
QHN


Saturday, March 16, 2019

Chuyện đê bao, lúa ba vụ và giải cứu lúa

Lê Anh Tuấn
Thứ Bảy,  16/3/2019

(TBKTSG) - Chỉ trong hai tháng đầu năm 2019, nông dân nhiều vùng trồng lúa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Tiền  Giang, Long An... như ngồi trên đống lửa. Không lo sao được khi hạt lúa rớt giá liên tục và đang rơi vào ngưỡng lỗ, đặc biệt những nông dân nghèo phải vay tiền làm ruộng hay mướn đất canh tác trong khi giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp khác, kể cả dịch vụ nông nghiệp, đều tăng.

Trúng mùa, mất giá
Những cánh đồng thâm canh lúa mênh mông này ngày càng làm suy kiệt về tài nguyên và môi trường.Ảnh: Lê Anh Tuấn

Vài tháng trước đó, ngành nông nghiệp vẫn còn hồ hởi cho rằng 2018 là một năm thắng lợi khi ước tính tổng sản lượng lúa cả năm 2018 vùng ĐBSCL sẽ là 24,67 triệu tấn và chỉ riêng vụ đông xuân 2018-2019, được xem là vụ canh tác lúa chủ lực, toàn vùng đồng bằng sẽ thu hoạch chừng 10,9 triệu tấn lúa. 

Nếu năm 2018 là năm có thời tiết tương đối thuận lợi giúp trúng mùa lúa của Việt Nam thì các quốc gia sản xuất lúa trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar và cả Campuchia cũng đang trúng mùa như vậy. Thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Malaysia và các nước Trung Đông. Từ tháng 7-2018, chính quyền Trung Quốc đã tăng thuế nhập khẩu gạo nếp tới 10 lần, từ mức 5% lên 50%. Diễn biến bất lợi của thị trường khiến thương lái ngán ngại thu gom lúa, trong khi chính quyền và các công ty quốc doanh liên quan đến xuất khẩu gạo, kể cả Hội Nông dân Việt Nam, gần như bị động, lúng túng và chưa có những động tác ứng phó hay “trả đũa” tương xứng.

Một lần nữa, điệp khúc “trúng mùa - mất giá” và kêu gọi “giải cứu” vang lên từ tỉnh đến trung ương. Thủ tướng Chính phủ phải chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ mua 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa để dự trữ quốc gia. Số lượng mua dự trữ này, nếu so với tổng sản lượng lúa thu hoạch ở ĐBSCL, chỉ là một lượng quá nhỏ. Sau chỉ đạo này, giá lúa có nhích lên chút đỉnh, chừng 50-150 đồng/ki lô gam, nhưng vẫn ở trong mức xem như lỗ đến huề vốn của nông dân, công lao động xem như bỏ.

Tác hại từ thâm canh ba vụ
Sản lượng lúa ở vùng ĐBSCL gần như tăng đều trong hơn hai thập niên gần đây, dù có năm trồi sụt, nhưng xu thế vẫn tăng. Có hai yếu tố làm sản lượng lúa tăng. Thứ nhất, tiến bộ khoa học nông nghiệp như cơ giới hóa và cải tiến chất lượng giống đã làm năng suất lúa tăng lên, tuy nhiên mức tăng này không cao lắm. Yếu tố thứ hai quan trọng và đáng kể hơn là tăng vụ, từ hai vụ/năm lên phổ biến ba vụ/năm dựa vào việc mở rộng nhanh chóng các vùng đê bao triệt để, kèm các công trình bơm thủy lợi ở các vùng đất trũng thấp để ngăn lũ tràn đồng và hệ thống công trình thủy lợi ngăn mặn để thêm vụ lúa vào mùa khô.
Không thể để nông dân tự xoay xở trong con đường sản xuất hẹp, để sau vài vụ canh tác lại phải có một chiến dịch “giải cứu nông sản”, trong khi điều “cần giải cứu” quan trọng và cần thiết nhất chính là giải cứu môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Do việc thâm canh lúa liên tục, đất không có cơ hội nghỉ ngơi, dinh dưỡng đất tụt giảm và sâu bệnh gia tăng, nông dân phải sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu bệnh nhiều hơn. Nông dân cũng ít chọn lựa các giống lúa dài ngày và chất lượng cao hơn mà tập trung nhiều cho các loại giống lúa có phẩm chất trung bình - thấp như IR50404, vốn có ưu thế như ngắn ngày (thời gian sinh trưởng 90-95 ngày sau khi gieo sạ), ít sâu bệnh và năng suất thu hoạch cao hơn, rất phù hợp cho các cánh đồng có đê bao canh tác ba vụ/năm.
Việc tăng nhanh sản lượng lúa chất lượng trung bình và thấp khiến thị trường rất dễ mất cân đối cung - cầu và vô cùng rủi ro về thị trường. Bên cạnh đó, chất lượng đất và nước trong các vùng đê bao và vùng ngăn mặn ngày càng xuống cấp một cách đáng lo ngại: đất đai trở nên bạc màu, vi sinh vật có lợi ít đi, nguồn nước tù đọng ô nhiễm vì phú dưỡng hóa từ phân bón hóa học và nhiễm độc vì các loại nông dược. Nhiều chủng loại nông dược độc hại không rõ nguồn gốc từ Trung Quốc đang được nông dân xài bừa bãi.
Người dân ở nhiều nơi, kể cả ở các khu vực trũng trữ lũ ngày xưa, như vùng tứ giác Long Xuyên - Hà Tiên và vùng Đồng Tháp Mười, đã phải khoan nước ngầm để có nước sinh hoạt. Các vùng ven biển, công trình ngăn mặn giữ ngọt cũng không đảm bảo nguồn nước sạch. Việc phải tăng lượng nước ngầm khiến đất đai ngày càng sụt lún. Ngành nông nghiệp biết tình trạng này nhưng không thể hạn chế được vì chính ngành nông nghiệp đã cho thực hiện những công trình đê bao và thoát lũ ở quy mô lớn.

Canh tác thuần cây lúa có kéo người nông dân thoát nghèo và bất ổn?
Ảnh: Lê Anh Tuấn
2018 là năm có lũ cao hơn trung bình, nhưng nhiều vùng trũng ở An Giang rất ít nước ngay ở giai đoạn cao trào mùa lũ vào các tháng 8 và 9, trong khi các đô thị lớn như Cần Thơ, Vĩnh Long đã đối mặt với các ngày ngập úng lịch sử. Song, chỉ cần một tháng dứt mùa mưa, khô hạn và xâm nhập mặn đã nhanh chóng xuất hiện. Ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, mặn đã nhanh chóng xâm nhập sâu hơn vào đất liền so với cùng thời kỳ ở các năm trước. Nếu các tỉnh đầu nguồn tiếp tục xuống giống hè thu sớm, các trạm bơm tăng cường hút nước ngoài sông Cửu Long cho giai đoạn sạ - cấy, sẽ khiến nước mặn ngoài biển đi sâu hơn nội đồng, kể cả nguồn nước ngầm cũng bị nhiễm mặn.

Các nhà khoa học ở vùng đồng bằng đã nhiều năm khuyến cáo vấn đề này, kể cả kêu gọi chính sách trữ nước. Nhưng điều này không dễ thực hiện vì tất cả các quy hoạch phát triển hiện nay ở cấp tỉnh, cấp vùng không xác định rõ nơi nào được chọn lựa một cách rõ ràng là khu vực trữ nước hay điều tiết nước mùa mưa để hạn chế xâm nhập mặn mùa khô, trong khi điều “hối tiếc” vẫn hiện hữu là các vùng trũng chứa nước ngày một thu hẹp và ô nhiễm do đê bao ba vụ.

Tài nguyên thiên nhiên và môi trường mới thực sự cần giải cứu
Ngày 17-11-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”. Điểm cốt lõi được các nhà khoa học và quản lý lưu ý nhiều trong nghị quyết này là tinh thần “thuận thiên”, nghĩa là phát triển trên cơ sở tôn trọng quy luật tự nhiên. Tuy nhiên, sau hơn một năm nghị quyết ban hành, việc hiểu và triển khai nghị quyết này vào thực tiễn vẫn còn nhiều lúng túng.

Tư duy ưu tiên chọn giải pháp công trình ở các cấp vẫn nặng hơn các chọn lựa phi công trình. Nghị quyết 120 đã xác định ba trụ cột ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL là thủy sản - cây ăn trái - lúa gạo, nhưng nguồn lực xã hội và tài chính vẫn đổ nhiều cho các công trình và hệ thống để tập trung sản xuất lúa gạo với suy nghĩ “bảo đảm an ninh lương thực và xuất khẩu” theo nghĩa hẹp và ngắn hạn. Thiệt hại do quán tính tư duy này vô cùng lớn và nông dân trong vùng đê bao triệt để đang bị “bao cột” trong vòng nghèo khó và bất ổn.

Không thể để nông dân tự xoay xở trong con đường sản xuất hẹp, để sau vài vụ canh tác lại phải có một chiến dịch “giải cứu nông sản”, trong khi điều “cần giải cứu” quan trọng và cần thiết nhất chính là giải cứu môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, sinh vật và sinh thái) trước ba thảm họa là biến đổi khí hậu, sai lầm trong đầu tư thủy lợi và việc hình thành các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mêkông.
Hiện nay, điều “cần giải cứu” này lại bị xem nhẹ, không được coi là vấn đề khẩn thiết đang đe dọa sự phát triển bền vững cho tương lai vùng châu thổ.



Wednesday, March 13, 2019

Nguyễn Ngọc Trân -Nhiệt điện than trong tổng sơ đồ năng lượng QG đổi mới



04.03. 2019

(Diễn đàn trí thức) - Bài tham luận của GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân được trình bày tại cuộc tọa đàm về Nhiệt điện do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội
Tóm tắt. Với phương châm “Tư duy toàn cầu, hành động quốc gia” và “Giải quyết bài toán cục bộ trong toàn cục”, bài tham luận xem xét vấn đề điện than ở Việt Nam trong Tổng sơ đồ năng lượng quốc gia (TSĐNLQG), một hệ thống động trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xu thế trên thế giới đối với nhiệt điện than những năm gần đây, nhất là sau COP21 Paris và COP 24 Katowice (Ba Lan); những vấn đề nổi cộm của nhiệt điện than tại Việt Nam hiện nay; vị trí của nhiệt điện than cần được xem xét trong một TSĐNLQG được đổi mới trong cách xây dựng, là ba nội dung mà bài tham luận đề cập.

1. Tại sao xu thế chung trên thế giới là giảm bớt thậm chí từ bỏ nhiệt điện than? Hai ngoại lệ.

Các nhà máy nhiệt điện đốt than (NMNĐ than) phát thải ra không khí SO2, NOx, CO2 và bụi than. Chất thải rắn là tro bay và xỉ than. Tiếng ồn và độ rung cũng là những yếu tố tác động đến môi trường khi NM hoạt động. Các NMNĐ than cần có nước ngọt để làm nguội lò.
Các tiến bộ KHCN được ứng dụng hiện nay cho phép lọc các hạt bụi với kích cỡ trên 100 µm (micron), giảm lượng khí SO2, NOx  phát thải. Tiếng ồn và độ rung cũng được khống chế dưới mức quy định.
Còn chưa giải quyết được là lọc khí CO2 và các hạt bụi mịn với kích cở nhỏ, đặc biệt là các hạt bụi mịn PM2,5µm với giá cả chấp nhận được về mặt kinh tế.

CO2 là một tác nhân chính gây ra sự gia tăng nhiệt độ không khí toàn cầu, khoét rộng ra lỗ thủng ô-zôn trong khí quyển, và tạo nên hiệu ứng khí nhà kính.
Các hạt bụi mịn PM2,5µm tồn tại trong không khí dưới dạng hạt bụi vật chất, rắn hay lỏng, và dưới dạng được tạo thành nhân (nucléation, nucleating) từ các khí. Trong trường hợp khí thải từ nhà máy điện than là từ NOx và SO2, là tác nhân làm gia tăng các bệnh đường hô hấp và bệnh ung thư ở những nơi nào chúng được phát tán đến.

Chính vì những tác hại của CO2 và của PM2,5µm từ sau COP21 Paris (2015) và COP24 Katowice (2018) xu hướng chung trên thế giới là giảm và ngưng xây dựng các NMNĐ than mới, lần lượt tháo gở các nhà máy đã hết hạn sử dụng. Điển hình là Ba Lan, nước chủ nhà của hội nghị COP24, đã tuyên bố quyết định giảm 50% tỷ trọng nhiệt điện than trong cán cân năng lượng quốc gia hiện nay (khoảng 80%) từ 2018 đến 2030.

Có hai ngoại lệ. Ngày 02.06.2018, Tổng thống Mỹ D. Trump đã yêu cầu Bộ Năng lượng Hoa Kỳ dừng ngay việc đóng cửa các nhà máy điện than và điện nguyên tử. Quyết định này không gây ngạc nhiên bởi lẽ ngày 01.06.2017, ông Trump đã tuyên bố Hoa Kỳ rút tên khỏi Hiệp ước Paris COP 21 về biến đổi khí hậu toàn cầu mà Tổng thống tiền nhiệm B. Obama đã ký kết tham gia.

Trung Quốc (TQ) quyết định ngưng xây dựng các NMNĐ than mới, tháo dỡ hàng trăm nhà máy cũ tại nước mình. Tuy nhiên gọi là ngoại lệ vì TQ tiếp tục và đẩy mạnh xây dựng các NMNĐ than cho các nước đang phát triển ở Nam Á, Đông Nam Á, và ở Châu Phi, đang thiếu điện và thiếu tiền (ngân hàng TQ cho vay). TQ cho rằng đó là “giải pháp tuyệt vời giải quyết hài hòa các lợi ích”.

Đã bắt đầu có một số nước phải gánh chịu tác hại đến môi trường (Pakistan và một số nước châu Phi).
Vấn đề nằm ở chỗ, và Việt Nam đã và đang trải nghiệm, các EPC NMNĐ than TQ  xây dựng với công nghệ gì, thiết bị chất lượng ra sao và thời gian xây dựng bao lâu. Bởi lẽ có “công nghệ TQ, tiêu chuẩn châu Âu, Mỹ” (giá 1 MW điện than vào khoảng 1,7 triệu USD) và “công nghệ TQ, tiêu chuẩn TQ” (giá 1 MW vào khoảng 1,2 triệu USD).

2. Những vấn đề của nhiệt điện than ở Việt Nam

2.1. Việt Nam cũng gặp những vấn đề chung mà các nước gặp

Khi sản xuất điện từ đốt than, Việt Nam cũng gặp những vấn đề mà các nước sản xuất điện than phải đối diện .
Hình 1 thể hiện kết quả mô phỏng của Koplitz (Trường Đại học Harvard, 2015) về mức độ tập trung của PM2,5µm thải ra từ các NMNĐ than ở Việt Nam hiện nay (trái) và dự báo 2030 (phải) theo số liệu từ Tổng sơ đồ Điện VII (1) .

 Hình 1. Mức độ tập trung của PM 2,5µm ở Việt Nam hiện nay (trái) và dự báo 2030 (phải)



2.2. Tỷ trọng nhiệt điện than tiếp tục tăng tới năm 2030

Theo số liệu của Tập đoàn EVN, tỷ trọng sản lượng điện từ đốt than sẽ tăng từ khoảng 33,4% năm 2015 lên 49,3% vào năm 2020 và 53,2% vào năm 2030.
Nhiều lý do đã được đưa ra trong đó có nguồn than là tài nguyên có sẵn. Nhìn kỹ hơn, loại than nội địa được sử dụng là dải than cám 5a, 5b và 6a có độ tro trung bình từ 29% đến 37,5%, trong đó khối lượng tro bay chiếm từ 70-80% và khối lượng xỉ đáy lò chiểm 20-30%.

2.3. Ngoài nguồn than nội địa, phải nhập nguyên liệu than
Ở thời điểm tháng 6.2018, EVN đang sở hữu và vận hành 12 NMNĐ than trong cả nước. 10 nhà máy dùng than sản xuất trong nước được cấp từ Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc theo tiêu chuẩn theo TCVN 8910-2015.
Các nhà máy dùng than nhập khẩu là NMNĐ Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 4 và tới đây là Duyên Hải 3 mở rộng và Vĩnh Tân 4 mở rộng sử dụng than bitum và á-bitum, nhập từ Indonesia và Australia.
Tổng khối lượng than sử dụng trung bình năm là khoảng 34 triệu tấn, trong đó than nội địa là 25-27 triệu tấn và than nhập khẩu là 9-10 triệu tấn.

2.4. Có quá nhiều EPC Trung Quốc
Trong các NMNĐ than hiện đang hoạt động tại Việt Nam, rất nhiều là sản phẩm của các EPC TQ.
Nhiều sự cố khiến chưa thể yên tâm về công nghệ, về chất lượng của thiết bị. Thời gian xây dựng bị trễ trung bình từ 2 đến 3 năm. Với thời gian, vốn bỏ thầu tăng lên. Nếu tính đến các yếu tố này, không chắc các EPC TQ đáng để được chọn.
Chuỗi số liệu đầu ra liên tục trong ít nhất 3 - 5 năm của các EPC là một phản ánh trình độ công nghệ, chất lượng thiết bị. Rất tiếc ở các NMNĐ than mà tôi đã đến khảo sát, không có và dường như chưa nhận thức được sự cần thiết của các chuỗi số liệu liên quan đến đầu ra.


2.5. Xây dựng nhà máy nhiệt điện than dọc bờ biển, ở các cửa sông

“Có sẵn nước để làm mát” và “Có chỗ để xây dựng cảng nhập than” có lẽ là hai lý do hàng đầu khi quy hoạch các NMNĐ than dọc theo bờ biển hay ở các cửa sông.
Hai lập luận này thuần túy xuất phát từ góc độ kinh tế hiểu theo nghĩa hẹp.
Phải tính đến tác động lên môi trường khi “cấy” vào địa bàn một vật thể xa lạ, và khi vật thể đó đi vào hoạt động, trong đó có tác động của cảng than lên bờ biển và lên hệ sinh thái thủy vực ven bờ tại vùng đặt NMNĐ than.
Phải tính đến sự phát tán các hạt bụi ra môi trường (tùy thuộc vào hoa gió, (nhất là gió chướng), địa hình và kích cỡ của các bụi mịn) và từ đó tác động đến sản xuất nghề muối, nuôi trồng thủy hải sản và sức khỏe của người dân.
Sau cùng phải tính đến tác động lên môi trường của bãi xỉ của NMNĐ than.

2.6. Cảng than quy hoạch ven biển, tại các cửa sông. Lợi và hại.

Cảng than không chỉ là một vấn đề thiết yếu của các NMNĐ than ven biển. Nó còn làm thay đổi đường bờ biển nơi nó được “cấy” vào.
Ảnh vệ tinh VNRedsat và Landsat 8, đặc biệt ảnh Landsat 8 chụp ngày 19.04.2017 cho thấy những gì diễn ra bên trong cảng than (Hình 3, B1, B2) giữa Kè Bắc và Kè Nam, và bên ngoài cảng, vùng ven biển huyện Duyên Hải, rất cần được theo dõi và làm rõ vì liên quan đến sự tồn tại bền vững của cảng, nghĩa là của TTNĐ, và của vùng ven biển huyện Duyên Hải.

 Hình 3. Ảnh Landsat 8 (19.04.2017) 
Cảng than TTND Duyên Hải, hai kè và vùng ven biển hai bên cảng than 

Hình 4a. Bờ biển thôn Vĩnh Tiến bị xâm thực. 
Ảnh vệ tinh
 
Tại Vĩnh Tân, ảnh vệ tinh ở hai thời điểm 24.11.2010 và 07.08.2017 cho thấy sự xâm thực ở hai thôn Vĩnh Tiến và Vĩnh Hưng trong 7 năm này là rất rõ, mà một nguyên nhân có thể là do hai kè Tây và Đông của cảng than đã chặn dòng chảy ven bờ tạo nên dòng chảy xoáy. Hình 4a, 4b.
Ảnh vệ tinh Landat 8 ngày 28.09.2017 (vào mùa mưa, gió Tây Nam–Đông Bắc) và ngày 23.03.2018 (vào mùa khô, gió Đông Bắc–Tây Nam) cung cấp những thông tin về màu nước biển tại thôn Vĩnh Tiến, tại cửa ra của cảng than và tại thôn Vĩnh Hưng. Màu của nước là gì và do đâu? Hình 5 cho thấy diện tích lấn biển 1060 ha ở Vĩnh Tân đã gây những xáo trộn như thế nào trong dòng chảy ven bờ biển.

Hình 4b. Bờ biển thôn Vĩnh Hưng bị xâm thực. qua ảnh vệ tinh ngày 24.11.2010 và năm sau ngày 07.08.2017

Hình 5. Ảnh vệ tinh Landsat 8 TTNĐ Vĩnh Tân, 28.09.2017 (trái), 23.03.2018 (phải) 

Tác động lên môi trường của cảng than quan trọng là vậy, không biết báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai NMNĐ than Duyên Hải và Vĩnh Tân đã đánh giá thế nào các mặt lợi / hại. Rất tiếc không tìm được để tham khảo.

2.7. Tro xỉ và bãi xỉ than

Đối với các nhà máy điện sử dụng than nội địa, chủ yếu là dải than cám 5a, 5b và 6a có độ tro trung bình từ 29% đến 37,5%, trong đó khối lượng tro bay chiếm từ 70-80% và khối lượng xỉ đáy lò chiểm 20-30%.
Đối với các nhà máy điện sử dụng than nhập, loại than sử dụng là bituminos khối lượng tro bay từ 80-85% và khối lượng xỉ đáy lò chiểm 15-20%.
Tổng khối lượng tro xỉ của các nhà máy của EVN phát sinh trung bình trong một năm là 8,1 triệu tấn (2).
Tiêu thụ và tồn lại tích lũy tại các bãi xỉ là một vấn đề lớn chưa được giải quyết tại các Trung tâm điện lực Duyên Hải và Vĩnh Tân. Hình 6 cho thấy tốc độ tích lũy tro xỉ tại bãi xỉ Vĩnh Tân.

Hình 6. Sau 15 tháng, bãi xỉ Vỉnh Tân đã phải nâng thêm một tầng bờ bao

Một bài toán mà các bãi xỉ đặt ra là bụi. Bãi xỉ cần được tưới phun để giảm phát tán bụi. Tưới phun bằng nước ngọt. Đây là một thách thức lớn ở cả hai nơi, Vĩnh Tân và Duyên Hải, bởi phải tưới nhiều vào mùa khô trong khi vào mùa này nước ngọt lại khan hiếm, nhất là ở Vĩnh Tân.
Vì các bãi xỉ được lót vải địa kỹ thuật chống thấm ở đáy nên vào mùa mưa nguy cơ úng ngập là hiễn nhiên, nhất là khi bãi xỉ gần đầy. Khi đó nước từ bãi xỉ sẽ tràn bờ bao và thẩm thấu xuống lòng đất. Nếu có tràn bờ bao, nước bãi xỉ sẽ tràn ra khu dân cư, hoặc đổ trực tiếp ra biển ngay bên cạnh như ở Duyên Hải.
Ở Vĩnh Tân, bãi xỉ còn là vật cản đối với dòng chảy bề mặt và dòng chảy ngầm từ bên trong nội địa ra biển, do đó có thể gây ra úng ngập tại những nơi thấp. 
Với biến đổi khí hậu, những trường hợp cực đoan (các đợt nắng hạn và mưa to) sẽ xảy ra thường xuyên hơn, cường độ mạnh hơn, thời gian kéo dài hơn. Đây là những tình huống càng thêm bất lợi cho môi trường mà các bãi xỉ gây ra.
Ở NMNĐ than Quảng Ninh và Mông Dương (mà tôi đã đến khảo sát tháng 6.2018), tro xỉ được thải ra dưới dạng lỏng được bơm ra bãi xỉ bảng đường ống. Vấn đề tiêu thụ tro xỉ cũng đặt ra: Bãi xỉ NMNĐ Quảng Ninh dù rộng đến 161 ha đã hai lần nâng cao bờ bao. Bãi xỉ Mông Dương 1 chỉ còn trên dưới 12 tháng là đầy tràn.

Hình 7. Các bãi xỉ ở NMNĐ Quảng Ninh (trái) và ở Mông Dương (phải) 

Tác động lên môi trường của bãi xỉ than quan trọng là vậy, không biết báo cáo nghiên cứu khả thi (NCKT) và báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của hai Trung tâm NĐ than Duyên Hải và Vĩnh Tân đã đánh giá ra sao. Rất tiếc không tìm được để tham khảo.

2.8. Hoạt độ phóng xạ của than xỉ NMNĐ Vĩnh Tân 
Trong chuyến khảo sát thực tế tại Vĩnh Tân, tôi đã đề nghị EVN cung cấp một số mẫu than, tro bay và xỉ đáy lò, với ý định, bên cạnh các kết quả về bụi, khí SO2, NOx trong khí thải và các loại oxyt trong tro xỉ mà NMNĐ đã phân tích, tìm hiểu về nguy cơ tiềm ẩn bức xạ từ các mẫu tro xỉ này ra sao, có khác biệt gì giữa than cám 6A1 và than bitum và á-bitum nhập khẩu (3).
Kết quả bước đầu đã được thông báo cho lãnh đạo Tập đoàn EVN và chỉ cho địa chỉ này mà thôi. Hôm nay, xin trích một vài kết quả trong slide dưới đây.



Có sự tăng cường nhiều lần nồng độ phóng xạ trong tro bay và xỉ than ở các nhà máy nhiệt điện VT2 (đốt than cám 6A1), VT4 (đốt than bitum và á bitum). Tại VT4 hệ số tăng cường nồng độ phóng xạ Ra-226 và Th-232 trong tro bay, xỉ than cũng cao vượt trội hơn so với ở VT2.
Vì tầm quan trọng của vấn đề, từ tháng 9.2018, tôi đã đề nghị với Tập đoàn EVN cần phân tích một cách hệ thống và liên tục hoạt độ phóng xạ từ than nguyên liệu đầu vào, các mẫu tro xỉ ở các công đoạn khác nhau trong các nhà máy, các mẫu tro xỉ ở các bãi chôn lấp và môi trường xung quanh nhằm đánh giá đầy đủ nguy cơ tiềm ẩn do phơi chiếu bức xạ, trong nhà máy, tại các bải thải, và khu vực dân cư xung quanh các NMNĐT.

2.9. ĐBSCL một trung tâm nhiệt điện than của cả nước?

Theo quy hoạch chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam, vào năm 2030, ĐBSCL sẽ là một trung tâm nhiệt điện than lớn nhất cả nước với tổng công suất 18.270 MW, sử dụng hàng chục triệu tấn than mỗi năm.
Đây là một quyết định hệ trọng cần cân nhắc vì hậu quả tai hại đối với môi trường và sức khỏe của 19 triệu người dân đang sinh sống tại một trong ba châu thổ lớn của thế giới đang bị uy hiếp nhất bới biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nghiêm túc cho từng nhà máy và báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược (ĐMC) cho tổng thể các NMNĐ than dự kiến xây dựng tại ĐBSCL.
“Không đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế” và “Không thể vì nghèo mà hy sinh môi trường và sức khỏe người dân”. Hai chủ trương lớn này của Đảng và Nhà nước cũng phải được áp dụng cho ĐBSCL.

3. Nhiệt điện than trong Tổng sơ đồ năng lượng quốc gia đổi mới

Vị trí của nhiệt điện than ở Việt Nam trong những thập kỷ tới xuất phát từ điều kiện, định hướng và mục tiêu phát triển của đất nước.
Giải pháp cho một vấn đề cục bộ (nhiệt điện than) phải đặt trong tổng thể (tổng sơ đồ năng lượng quốc gia).
Tổng thể phải luôn đổi mới trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư thay đổi sâu sắc và nhanh chóng mọi hệ thống.
Hội nhập sâu rộng đòi hỏi ở mỗi quốc gia “tư duy toàn cầu, hành động địa phương”.
Do vậy, đổi mới cách xây dựng Tổng sơ đồ năng lượng quốc gia là một nhiệm vụ cấp bách, không thể lần lữa. Nó có nội hàm rộng, với nhiều mối liên kết.

Xin đề xuất một số hướng tiếp cận đổi mới Tổng sơ đồ sau đây:

(1) Đối với từng dạng năng lượng, phân tích khách quan và đầy đủ cán cân Được - Mất trên cả ba mặt kinh tế, môi trường và xã hội, đặc biệt sinh kế và sức khỏe của người dân. Tù đó suy tính trọng số cho từng dạng năng lượng.
Thực tế đang diễn ra là hầu như chỉ có mặt kinh tế được xem xét (và cũng chưa phải đầy đủ, toàn diện). Sinh kế và sức khỏe của người dân ít được quan tâm.
Cần khẳng định: “Không thể đánh đổi môi trường với tăng trưởng kinh tế”, “Không thể vì nghèo mà hy sinh môi trường và sức khỏe người dân”.

(2) Theo dõi sát sao tiến bộ khoa học, đổi mới công nghệ và giá thành trong lĩnh vực năng lượng; nói riêng trong lĩnh vực điện than, năng lượng tái tạo (NLTT), rút ra những dự báo và điều chinh kịp thời.
Trên thế giới, đầu tư Nghiên cứu – Triển khai – Thương mại hóa cho hai hướng nâng cao hiệu suất chuyển đổi điện năng và tích trữ điện năng được chuyển đổi là đảm bảo cho tiến bộ KHCN nhanh, giá thành 1 MW giảm trong lĩnh vực NL Gió và NL Mặt trời.

(3) Tăng trưởng NLQG phải đi trước và là tiền đề cho tăng trưởng kinh tế. Nhưng với tốc độ nào, liên quan ra sao với hệ số đàn hồi điện là hợp lý? Nhớ rằng:
♦ Nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của NLQG còn tùy thuộc vào mô hình tăng trưởng kinh tế;
♦ Mô hình tăng trưởng kinh tế ngày nay của các nước đã thay đổi dưới tác động của hai cuộc cách mạng công nghiệp lần thú ba và lần thứ tư;
♦ Tạo ra nguồn NL mới phải đi cùng với tiết kiệm trong sử dụng NL;
♦ Mô hình tính toán nhu cầu và tốc độ tăng trưởng của NLQG theo tăng trưởng GDP, và phân bổ các dạng năng lượng cần thường xuyên được cập nhật. 
Tỷ trọng của kinh tế tri thức ngày càng tăng. Công nghệ thông tin, tự động hóa, kinh tế công nghiệp 4.0, kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại điện tử, và một số ngành kinh tế dịch vụ, sử dụng NL ít hơn các ngành công nghiệp nặng nhưng đóng góp không kém phần quan trọng cho GDP.

(4) Mô hình tăng trưởng kinh tế lại phải được lồng vào bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế, biến đổi khí hậu toàn cầu và phải tính đến những tham vọng của các siêu cường về lãnh thổ, lãnh hải và tài nguyên thiên nhiên.

(5) Tổng sơ đồ phải tính đến tiềm năng năng lượng của các vùng kinh tế - sinh thái của đất nước, khai thác tối đa các tiềm năng này để đóng góp vào tổng sơ đồ, đồng thời phục vụ cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Sự đổi mới này trong xây dựng tổng sơ đồ năng lượng quốc gia còn giúp tối ưu hóa mạng lưới truyền tải điện quốc gia, giải tỏa ràng buộc và áp lực “thêm 1MW cần 11 km đường dây”.
Một ví dụ cụ thể đó là tiềm năng NL Gió ở duyên hải Trung Bộ, Nam Bộ và Tây Nguyên, và tiềm năng NLMT suốt dọc duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ thuộc loại cao nhất nước.

(6) Kết hợp tập trung với phân tán, giảm tải cho tập trung, cùng lúc với phát huy tiềm năng của phân tán được định hướng bằng chính sách của Nhà nước. 
Có như vậy mới tìm được giải pháp cho các bài toán nan giải với cách tiếp cận tập trung bao cấp: đầu tư bao nhiêu để tạo ra một việc làm mới? (USD/job); để có thêm 1MW mới cần 11,8 km đường dây?; cần đầu tư bao nhiêu để tăng thêm 1m2 nhà ở/người dân ở Hà Nội, (câu hỏi từ những năm 1980), v.v. …
Năng lượng phân tán, một mặt sẽ giảm tải cho tập trung, mặt khác sẽ tạo ra việc làm mới (job engine) mà người dân tự đầu tư và hưởng thụ thành quả. (Xã An Bình (Lý Sơn) từ khi có điện là một ví dụ).

(7) Tầm quan trọng, vai trò của chính sách mà Nhà nước kiến tạo cần ban hành. Chính sách đúng sẽ giải phóng năng lực của xã hội. Đó là một trong những bài học lớn của Đổi Mới 1986.

(8) Các tiếp cận trên đây đan kết với nhau. Do vậy cách xây dựng tổng sơ đồ cần được đổi mới với tầm nhìn rộng, với quan điểm hệ thống và động, và tư duy luôn đổi mới.

Chú thích:

(*) Bài tham luận được trình bày tại cuộc tọa đàm về Nhiệt điện do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tại Hà Nội, ngày 05.03.2019.
(1) Xem thêm: Shannon N. Koplitz et al, Burden of Disease from Rising Coal-Fired Power Plant Emissions in Southeast Asia. Environ. Sci. Technol. 2017, 51, 1467−1476, DOI: 10.1021/acs.est.6b03731
(2) EVN, Tổng hợp tình hình tro xỉ tại các NMNĐ than của EVN. Tài liệu Hội nghị “Sản xuất VLXD từ tro xỉ” Hà Nội, 20/6/2018.
(3) Công việc đã được thực hiện tại Phòng thí nghiệm Kỹ thuật hạt nhân thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 04.03. 2019

GS. TSKH Nguyễn Ngọc Trân

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Khoa học và Kỹ thuật nhà nước (1980-1992), nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Đối ngoại của Quốc Hội (1997-2007), Đại biểu Quốc hội (1992-2007).