Sunday, January 12, 2020

NƯỚC NGỌT Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG LÂM NGUY VÌ KHAI THÁC CÁT VÀ XÂY ĐẬP



(Mekong Delta Freshwater In Peril By Sand Mining And Dam Construction)

Utrecht University – Bình Yên Đông lược dịch
Water Online – December 9, 2019



Các nhà nghiên cứu của Đại học Utrecht thấy rằng triều và sự xâm nhập của nước mặn gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có liên hệ đến hiện tượng đói phù sa do các đập ở thượng lưu và việc khai thác cát ở địa phương.  Thủy triều dâng cao có 2 ảnh hưởng quan trọng đối với sạt lở bờ sông và ngập lụt trong thành phố đang sụt lún và gia tăng tính dễ tổn thương của các thành phố và khu đô thị.  Nghiên cứu được công bố trong Phúc trình Khoa học cho thấy mực nước biển dâng và thay đổi khí hậu chỉ chiếm một phần nhỏ của các chiều hướng nầy; phần còn lại do các đập ở thượng lưu và khai thác cát khiến cho các lòng lạch chánh sâu thêm từ 2 đến 3 m trong vòng 15 năm qua.  Sự liên hệ giữa hiện tượng đói phù sa với xâm nhập mặn đã được quan sát ở nhiều vùng châu thổ khác trên khắp thế giới.

Phù sa bị chận và nhu cầu cát to lớn

Đề đạt được mục tiêu phóng thích CO2, Trung Hoa đầu tư mạnh mẽ vào thủy điện.  Lào dự tính trở thành bình điện của Á Châu  cũng bằng thủy điện.  Và việc hoàn tất đập Xayaburi gây tranh cãi được nối tiếp bởi các mực nước thấp lịch sử trên khắp hạ lưu vực Mekong.  Trong thời kỳ nước thấp đó, sự xâm nhập của nước mặn sẽ xảy ra đáng kể trong mùa khô từ tháng 1 đến tháng 4.  Ngoài những đập trên dòng chánh, có khoảng 350 đập rải khắp lưu vực Mekong không chỉ ảnh hưởng đến dòng chảy mà còn ngăn chận phù sa.

Cùng lúc, tình trạng đô thị hóa nhanh chóng ở các quốc gia hạ lưu Mekong đòi hỏi một số lượng cát lớn lao để xây dựng đường sá, nhà cửa và hạ tầng cơ sở.  Nghiên cứu cho thấy việc khai thác cát ở ĐBSCL tăng hơn trước đây gấp 4 đến 8 lần.  Điều nầy có nghĩa là chỉ ở Việt Nam, không kể Cambodia và Lào, số cát được khai thác nhiều hơn số cát do sông Mekong cung cấp.

Xâm nhập của nước mặn, đáy sông sâu hơn và thủy triều dâng cao

Các kết quả mới đây của Dự án Lên Xuống của Đại học Utrecht liên kết thủy triều dâng cao và nước mặn xâm nhập với hiện tượng đói phù sa do các đập ở thượng lưu và việc khai thác cát ở ĐBSCL.  Vì đói phù sa, đáy sông sâu hơn từ 2 đến 3 m, thủy triều dâng lên khoảng 2 cm mỗi năm và độ mặn tăng gấp đôi trong một số lòng lạch trong vòng 2 thập niên qua.  Thủy triều dâng cao ảnh hưởng đến tình trạng ngập lụt của thành phố đang sụt lún và gia tăng tính dễ tổn thương của các thành phố và sạt lở bờ sông trong khu đô thị.  Nghiên cứu cho thấy rằng nước biển dâng và thay đổi khí hậu, trong 2 thập niên vừa qua, chỉ góp một phần nhỏ của chiều hướng nầy.  Phần còn lại do sự can thiệp của con người.

Hành động tập thể có thể ảnh hưởng 10-20 lần lớn hơn

Nước biển dâng không thể giải thích các chiều hướng quan sát được.  Khi tất cả được cứu xét, mực nước biển dâng khoảng 3 mm mỗi năm do thay đổi khí hậu, mặt đất sụt lún khoảng 20-30 mm mỗi năm do khai thác nước ngầm bừa bãi và đáy sông chìm xuống khoảng 200-300 mm mỗi năm do khai thác cát và xây đập ở thượng lưu.

Mặc dù thay đổi khí hậu có những nguy cơ cuối cùng trong các thập niên sắp tới, nếu giải quyết không đúng, nó làm mất tính cấp thiết giữa các cộng đồng và chánh quyền địa phương vì nó có vẻ “quá lớn để giải quyết”.  Tuy nhiên, nếu công chúng hiểu rằng hành động tập thể, ở địa  phương hay khu vực, có thể ảnh hưởng gấp 10 đến 20 lần, có thể có cơ hội tạo nên một chánh sách đúng đắn.  Với các chiều hướng bất lợi được xác định, các chánh phủ lưu vực Mekong phải cấp bách cùng hướng vào việc quản trị nguồn tài nguyên nước xuyên biên giới một cách có hiệu quả, trước khi những thiệt hại không thể hàn gắn đổ xuống Mekong và cư dân của nó.


No comments:

Post a Comment