Tuesday, February 14, 2017

GIỚI THIỆU TÀI LIỆU XIÊM LA QUỐC LỘ TRÌNH TẬP LỤC -




LỜI TÒA SOẠN

Xiêm La quốc lộ trình tập lục là tập tài liệu Hán Nôm khảo tả các tuyến đường từ Việt Nam (trực tiếp là từ miền Nam) đến Xiêm La (Thái Lan), một số nước khác ở Đông Nam Á và các hải đảo trên vịnh Thái Lan. Đây vốn là tập tài liệu thuyết minh cho bức địa đồ nước Xiêm, do Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu biên vẽ và soạn tập, trong dịp hai ông cầm đầu sứ đoàn ngoại giao sang Xiêm vào năm 1809, sau đó trở về và dâng lên vua Gia Long vào năm 1810. 

Tuy nhiên, không rõ vì một lý do nào đó mà các tài liệu này hoàn toàn bị lãng quên cho đến gần 150 năm sau, vào năm 1959, một học giả người Hoa là Giáo sư Trần Kinh Hòa mới phát hiện được tập Xiêm La quốc lộ trình tập lục khi ông tham gia sắp xếp lại châu bản triều Nguyễn, theo chương trình tài trợ của UNESCO cho Viện Đại học Huế. Nhận thấy đây là một tài liệu quý hiếm, có giá trị tham khảo nhiều mặt, Giáo sư Trần Kinh Hòa cùng với một số nhà nghiên cứu khác đã tiến hành công tác khảo cứu, chú giải và đến năm 1966, Xiêm La quốc lộ trình tập lục đã được in nguyên văn tại Hồng Kông. 

Mặc dù vậy, cũng phải mất thêm gần 50 năm nữa, độc giả trong nước mới bắt đầu biết đến Xiêm La quốc lộ trình tập lục qua bài giới thiệu và trích dịch một phần của tác giả Phạm Hoàng Quân trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển vào cuối năm 2011. Về nội dung, Xiêm La quốc lộ trình tập lục khảo tả các tuyến hành trình đường bộ và đường thủy từ miền Tây Nam Bộ qua Campuchia đến Xiêm La, đặc biệt là các tuyến đường nội địa của Xiêm La cho đến biên giới Myanmar, vòng xuống tận bờ tây của bán đảo Mã Lai, cùng các hải đảo trên vịnh Thái Lan. Hầu hết các lộ trình điều được khảo tả theo một tiêu chí thống nhất: xác định phương hướng, khoảng cách, thời gian đi, mô tả chi tiết các đối tượng địa lý (núi non, sông ngòi, cửa biển, vũng, vịnh, đảo…), cảnh quan trên đường, các loại tài nguyên, vật sản… Các địa danh quan trọng được ghi chép về tình hình đồn trú quân đội của các nước sở tại, tình hình dân cư và sinh hoạt kinh tế, văn hóa… Chỉ điểm qua sơ khởi ngần ấy nội dung cũng thấy được giá trị tham khảo của Xiêm La quốc lộ trình tập lục đối với các ngành địa lý, giao thông, lịch sử, dân tộc học, ngôn ngữ, quân sự…, không chỉ riêng cho Việt Nam mà còn nhiều nước khác ở khu vực Đông Nam Á. Phải mất hơn 200 năm sau khi hoàn thành, tập tài liệu quý giá này mới ra mắt bạn đọc qua bản dịch và chú giải của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân. Đáng tiếc là bức địa đồ kèm theo hiện vẫn chưa tìm thấy. Được biết, tác giả Phạm Hoàng Quân đang chuẩn bị tái hiện lại bức địa đồ dựa trên nội dung của Xiêm La quốc lộ trình tập lục kết hợp đối chiếu với các bản đồ hiện đại, để tăng thêm giá trị tham khảo của công trình. Tất nhiên, với một tư liệu được viết bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm, đối tượng khảo tả đa dạng, địa bàn lại trải rộng, liên quan đến nhiều quốc gia với hàng trăm địa danh cần phải xác định và chú giải, bản dịch lần đầu này sẽ không tránh khỏi thiếu sót, chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý của bạn đọc gần xa để những lần tái bản sau sẽ tốt hơn.

554 Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (106). 2013

XIÊM LA QUỐC LỘ TRÌNH TẬP LỤC
Tác giả: Tống Phước Ngoạn và Dương Văn Châu biên vẽ và soạn tập, trong dịp hai ông cầm đầu sứ đoàn ngoại giao sang Xiêm vào năm 1809, sau đó trở về và dâng lên vua Gia Long vào năm 1810.

Book Link:

Trích đoạn: Trang 42 – 54 & 55 trong sách “Xiêm La quốc lộ trình tập lục”

Ba Thắc, cửa biển, 𠀧 忒海 , cũng là tên Sông Hậu, gốc từ tiếng Khmer Bàsàk (neak Tà Bàsàk), người Pháp viết Bassac. Trong các hiệp ước quốc tế/ vùng hoặc phân định ranh giới Việt Nam - Campuchia, dùng tên “Tônlé Bassac” để chỉ Sông Hậu, hoặc dùng song song hai tên. Về thuật ngữ, văn bản Hán Nôm Việt Nam xưa phần nhiều dùng từ “hải môn” hoặc “hải khẩu” nghĩa là “cửa biển” để chỉ “cửa sông”, giới khoa học ngày nay thống nhất dùng từ “cửa sông (estuary/ river mouth)”, nhưng để theo gần nguyên văn, tôi dịch là “cửa biển”, xin hiểu như “cửa sông”. Trong lịch sử, địa danh cửa Ba Thắc được ghi nhận là tên chính của cửa Sông Hậu trong Hoàng Việt nhất thống dư địa chí-1806, Gia Định thành thông chí-1820, địa đồ Đại Nam nhất thống toàn đồ-1834, Nam Kỳ lục tỉnh địa dư chí-1872..., cá biệt thấy trên địa đồ Đại Nam toàn đồ-1838 - phụ bản in trong sách Hải trình chí lược - ghi tên cửa biển này là cửa Ba Xuyên (có lẽ do năm 1836 đổi tên phủ Ba Thắc thành phủ Ba Xuyên). Đặc biệt, trên bản đồ An Nam đại quốc họa đồ in phụ lục trong Dictionarium Annamitico-Latinum (1838) của Aj. L. Taberd lại viết chữ Quốc ngữ là “Cửa Ba Thắc”, cửa Trấn Di được viết là “Cửa Cha Vang”, cửa Định An được viết là “Cửa Vam Rây”. Các từ điển địa danh và sách địa lý tự nhiên Việt Nam hiện nay viết là Bát Xắc hoặc Ba Sắc. Ba Thắc là một trong chín cửa của sông Mekong, một trong ba cửa Sông Hậu, nằm giữa cửa Định An và cửa Tranh Đề (Trần Đề), thuộc huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng. Cửa sông này bị bồi lấp khoảng năm 1970.

(VI)
HẢI MÔN THUỶ TRÌNH
[Đường thuỷ theo các cửa biển]

Cửa biển Ba Thắc 𠀧
Cửa biển rộng khoảng 2 dặm, nước sâu 8 thước, hai bên là rừng ngập nước, ngoài biển có bãi cát dài rộng khoảng 3 dặm, tục gọi là cồn Mũi Áo, cồn này lúc nước biển dâng đầy thì không thấy, lúc nước hạ thì thấy, [vào trong là] sông dài uốn lượn, hai bên bờ là rừng ngập nước, đi 2 canh thì đến bãi cồn đất dài rộng khoảng 1 dặm, rừng cây tươi tốt, tục gọi là cù lao Nai. Từ cù lao Nai sông dài uốn một đoạn, hai bên bờ là rừng ngập nước, thuỷ trình nửa canh thì đến một bãi rừng, cồn bãi này rộng khoảng 3 dặm, cây cối rậm rạp, nhiều cọp dữ, tục gọi là cù lao Dung, bên tây sông có con kinh nhỏ, tục gọi là vàm Trà Ôn ăn thông đến cửa biển Mỹ Thanh, ghe dài đi được.

Từ cù lao Dung theo sông lớn, sông dài cong, hai bên bờ rừng cây rậm rạp tươi tốt, thuỷ trình 1 canh đến ba bãi cồn, các bãi cồn cách nhau dài khoảng 4 dặm, rừng cây tạp tươi tốt, tục gọi là cù lao Ba Mũi cách bên đông là khoảng ruộng, tục gọi là Bãi Lúa có dân cư cày cấy, nhiều đảng cướp.

Từ cù lao Ba Mũi sông lớn dài uốn khúc, hai bên là rừng tạp, cư dân canh tác ruộng vườn, thuỷ trình 1 canh đến một bãi đất dài, tục gọi cù lao Dài,  trên là rừng tạp, cư dân canh tác ruộng vườn.

Từ cù lao Dài sông lớn dài cong một đoạn đến một bãi đất, rộng khoảng 1 dặm, có rừng cây tạp và vườn cau, tục gọi là cù lao Mây.

Từ cù lao Mây thuỷ trình 1 canh có một nhánh rẽ ở phía bờ đông bắc, tục danh là vàm Cái Vồn nơi này có quan Phân thủ do quan Thủ ngự ở Kinh lập, sông dài uốn lượn, hai bên bờ cư dân canh tác ruộng vườn dày đặc, thuỷ trình 2 ngày đến vàm Ốc Nha Mân. Nơi này dòng chảy thông qua Sông Tiền.

Từ Cái Vồn sông lớn rộng uốn lượn, hai bên bờ cư dân canh tác ruộng lúa vườn cau dày đặc, thuỷ trình 2 canh đến một bãi lớn, rộng khoảng 1 dặm, cư dân canh tác ruộng vườn chen lẫn rừng cây tạp, tục gọi là cù lao Tô Châu, cư dân canh tác ruộng lúa vườn cau dày đặc [câu này trùng ý câu trước]. Bên bờ tây sông là một nhánh, tục gọi là vàm Cần Thơ, có quan ở Kinh đặt Phân thủ, cư dân phố chợ sầm uất, sông dài uốn lượn, hai bên bờ dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, sông đổ vào Láng Sen, rồi chảy ra Cửa Bé.

Từ vàm Cần Thơ sông dài uốn lượn, hai bên bờ dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến vàm Bình Thủy, vàm này ăn thông qua hòn Ô Môn.

Từ Bình Thuỷ sông dài uốn lượn, hai bên bờ ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 2 canh đến hòn Ô Môn. Bên bờ đông sông lớn là một nhánh, tục gọi là Lai Vung, ăn thông qua Sông Tiền. Giữa sông lớn là bãi đất, tục gọi là cù lao Lai Vung, dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn.

Từ Lai Vung sông dài uốn lượn, hai bên bờ dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến vàm Lấp Vò, có dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, ăn thông qua Sông Tiền.
Từ sông lớn Ô Môn, bên bờ tây dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến rạch Bằng Tăng, rạch này hai bên bờ ruộng vườn rừng cây chen lẫn, chảy đến nơi ngọn cùng. 

Từ rạch Bằng Tăng sông lớn tiếp tục uốn lượn, hai bên bờ ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến rạch Thốt Nốt, rạch này như một sông lớn, trong có bãi đất, dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, tục gọi là cù lao Lai Vung.

Từ Thốt Nốt sông dài uốn lượn, hai bên bờ dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến rạch Ba Rách, rạch này ăn thông sang song lớn Chân Sum.

Từ rạch Ba Rách sông lớn tiếp tục uốn lượn, hai bên bờ dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến rạch Chắt Cà Đao, rạch này ăn thông sang rạch Mạc Cần Nhưng.
Từ Chắt Cà Đao sông lớn uốn lượn, hai bên bờ dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến rạch Mạc Cần Nhưng, rạch này ăn thông sang rạch Ba Rách.

Từ Mạc Cần Nhưng sông lớn uốn lượn, hai bên bờ dân cư ruộng vườn rừng cây chen lẫn, thuỷ trình 1 canh đến rạch Châu Đốc,nơi đây có cư dân và đặt quan Phân thủ, rạch này ăn thông qua sông lớn Chân Sum.

Từ rạch Châu Đốc đến Nam Vang, sông dài uốn lượn, hai bên bờ là rừng tạp, có bãi đất rừng tục gọi là cù lao Kết, bờ sông bên tây có một nhánh ăn thông đến Bát Tầm Bôn, các nhánh rẽ hướng nam, hướng bắc đều đến ngọn cùng.

Cửa biển Mỹ Thanh -
Cửa biển rộng khoảng 25 tầm, nước sâu 4 thước, tâm cửa hướng về phía nam, phía đông ngoài biển có bãi cát, hai bên là rừng ngập nước. Dòng sông uốn lượn, hai bên bờ là dừa nước, dòng chảy đến ngã ba Cổ Cò chia làm hai nhánh, một nhánh theo hướng đông bắc ăn thông qua sông lớn Ba Thắc; một nhánh chảy theo hướng tây nam, hai bên bờ là dừa nước, thủy trình 2 ngày đến ngã ba Cái, lại chảy vòng về thông vào láng rộng đến đạo Long Xuyên.


No comments:

Post a Comment