Sunday, January 15, 2017

TBI Việt Nam Thúc đẩy Đối thoại Chính sách Chi trả Dịch vụ Môi trường rừng



Nghị định 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) đã trở thành một trong những chính sách nổi bật của ngành lâm nghiệp Việt Nam trong những năm qua. Mục tiêu của chính sách chi trả DVMTR là nhằm bảo vệ diện tích rừng hiện có, nâng cao chất lượng rừng, gia tăng đóng góp của ngành lâm nghiệp vào nền kinh tế quốc dân, và giảm nhẹ gánh nặng lên ngân sách Nhà nước cho việc đầu tư vào bảo vệ và phát triển rừng.
Sau hơn 5 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách chi trả DVMTR vẫn còn một số tồn tại do thiếu bộ chỉ số hỗ trợ công tác giám sát đánh giá, mức chi trả thấp và tính không công bằng giữa các cộng đồng hưởng lợi. Đây là kết luận được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá thực trạng và khuyến nghị cải thiện chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại miền Trung-Tây Nguyên” do TBI Việt Nam phối hợp tổ chức với Quỹ Bảo vệ Phát triển rừng (BVPTR) tỉnh Thừa Thiên Huế (TTH) vào ngày 19 tháng 10 năm 2016 tại TP. Huế.
Tham dự hội thảo có hơn 50 đại biểu, là đại diện đến từ Quỹ BVPTR Việt Nam, Quỹ BVPTR các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, Ủy Ban Nhân dân tỉnh TTH, Sở Nông nghiệp và Phát tiển Nông thôn tỉnh TTH, các Trường đại học, cơ quan nghiên cứu, các cá nhân và tổ chức trong lĩnh vực nông-lâm nghiệp từ trung ương đến địa phương, cùng với các đơn vị chi trả và bên hưởng lợi của chính sách chi trả DVMTR.

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các bài tham luận về: những bất cập trong thể chế chính sách chi trả DVMTR hiện nay; vấn đề giám sát, đánh giá và thẩm định kết quả bảo vệ rừng; sự kết nối giữa các đơn vị chi trả DVMTR, đơn vị quản lý và bên hưởng lợi; và vấn đề sử dụng kinh phí cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng cũng phát triển sinh kế. Đại diện của dự án nghiên cứu “Tác động của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và tầm nhìn tại Việt Nam” thuộc TBI Việt Nam đã có bài trình bày về tác động của chính sách chi trả DVMTR đối với nhận thức và sinh kế của người dân, theo đó đã nhận những được những đóng góp mang tính xây dựng từ các đại biểu tham dự hội thảo.
Kết quả thảo luận cho thấy mặc dù các địa phương đã tiến hành giám sát hoạt động chi trả DVMTR, trên thực tế vẫn thiếu bộ chỉ số giám sát đánh giá, vì vậy đã gây khó khăn trong việc đánh giá trữ lượng và chất lượng rừng trước và sau khi chi trả. Ngoài ra, với mức chi trả thấp như hiện nay, ví dụ: tại thôn Tân Mỹ, huyện Phong Điền, Tỉnh TTH, trung bình mỗi người dân nhận được khoảng 450 nghìn đồng/năm nên đã chưa thực sự khuyến khích và tạo động lực để họ tham gia vào hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Đại biểu tham dự còn bày tỏ sự quan ngại về vấn đề bất bình đẳng của quá trình chi trả do sự chênh lệch về mức chi trả xảy ra giữa các địa phương, nơi có các nhà máy thủy điện, và các nhà máy nước (là những đơn vị chi trả DVMTR), với những nơi không có các doanh nghiệp này. Điều này cũng tiềm ẩn sự không hài lòng và xung đột giữa các nhóm hưởng lợi.
Kết quả hội thảo sẽ là nguồn thông tin đầu vào hữu ích giúp các nhà nghiên cứu thuộc TBI Việt Nam điều chỉnh và bổ sung cho những phát hiện nghiên cứu ban đầu. Đồng thời, đây còn là cơ sở giúp TBI Việt Nam và Quỹ BVPTR tỉnh TTH đưa ra đề xuất nhằm hoàn thiện chính sách chi trả DVMTR trong thời gian tới.  


Phát triển thủy điện ở miền Trung-Tây Nguyên: bài toán của sự đánh đổi

Bên cạnh việc cung cấp nguồn điện phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày và phát triển sản xuất, việc xây dựng hàng loạt các nhà máy thủy điện ở khu vực miền Trung-Tây Nguyên trong những năm gần đây đã tạo ra nhiều tác động tiêu cực đối với môi trường, xã hội và sinh kế của người dân địa phương. Nguyên nhân chính là do quá trình quy hoạch thiếu phù hợp, thiếu sự giám sát trong quá trình thực thi, và những tồn tại dai dẳng liên quan đến vấn đề đền bù và tái định cư cho người dân chưa được giải quyết triệt để. Đó chính là kết luận được đưa ra tại hội thảo “ Đối thoại vì sự phát triển thủy điện bền vững khu vực miền Trung- Tây Nguyên” do Tropenbos Việt Nam phối hợp tổ chức với CSRD, Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật TP. Đà Nẵng, và Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN) vào ngày 6 tháng 12 năm 2016 tại TP. Đà Nẵng.
Hội thảo là diễn đàn đối thoại đa phương của hơn 80 đại biểu đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các Công ty Thủy điện, tổ chức nghiên cứu, Hội phụ nữ tỉnh, huyện; UBND các huyện, xã và cộng đồng dân cư nơi có các nhà máy thủy điện của 5 tỉnh (Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đak Lak, và Đak Nông), và các cơ quan chức năng có liên quan tại Đà Nẳng.
Tại hội nghị, đại biểu đã có cơ hội lắng nghe các bài trình bày về: Tác động của các dự án thủy điện tới cộng đồng; những vấn đề kinh tế và xã hội hậu tái định cư; phát triển thủy điện và quản lý tổng hợp lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn; và vấn đề trồng rừng bồi hoàn trong phát triển thủy điện.
Các đại biểu đã nêu lên hàng loạt những hệ lụy của việc phát triển ồ ạt thủy điện trong những năm qua, bao gồm: ngập lụt, hạn hán, xói lở bờ sông do thay đổi chế độ nước hạ lưu và vận hành xả lũ không đúng quy trình; làm thiếu hụt lượng phù sa bổ sung độ màu cho đất nông nghiệp vùng hạ lưu; gây mất rừng và làm cho tình trạng chặt phá rừng ngày càng gia tăng do người dân không có đất sản xuất; sự bất ổn xã hội do quá trình tái định cư trì trệ, việc chi trả tiền đền bù chậm, mức đền bù thấp, và cơ sở hạ tầng phục vụ cho người dân tại nơi ở mới có chất lượng thấp (bao gồm cả nhà ở, bệnh viện và trường học).
Kết quả thảo luận cho thấy việc quy hoạch thiếu hiệu quả là nguyên nhân chính của phần lớn mọi vấn đề. Theo đó, quy hoạch thiếu sự tham gia của người dân đã làm cho người dân không có đầy đủ thông tin về trách nhiệm, quyền lợi, cũng những những tác động có thể có từ các nhà máy thủy điện đối với đời sống của mình. Chính vì vậy, các hộ dân trở nên bị động trong việc thích ứng với điều kiện sinh hoạt mới, cũng như tìm nguồn sinh kế thay thế, đặc biệt là các hộ có đời sống phụ thuộc vào sông nước do các đập thủy điện không xả nước điều tiết kịp thời dẫn đến tình trạng lòng sông bị thiếu nước và khô cạn vào mùa khô.

Các đại biểu còn chỉ ra rằng rất nhiều công trình thủy điện thiếu các đánh giá tác động kinh tế-xã hội và môi trường tổng hợp. Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng bên cạnh các đánh giá tác động môi trường, cần phải có các kế hoạch quản lý môi trường được xây dựng 5 năm một lần để hạn chế tác động tiêu cực của thủy điện.

Phát biểu chia sẻ kết quả nghiên cứu tại hội nghị, ô. Trần Hữu Nghị, giám đốc TBI Việt Nam, cho rằng khoảng 386.000 ha đất rừng đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng từ năm 2006 đến nay, bao gồm cả phần diện tích được chuyển đổi để xây dựng đập thủy điện. Trong đó, diện tích rừng bồi hoàn mà các dự án thủy điện cần trồng ước tính khoảng 68.000 ha. Tuy nhiên, đến nay, chỉ chưa đến 44% diện tích nói trên được các đơn vị chức năng trồng trên thực tế (tương đương 29,920 ha). Riêng ở tỉnh Quảng Nam, có đến 1.389ha rừng bị mất do lòng hồ thủy điện chiếm chỗ, 9.293 ha rừng mất để dọn chỗ cho tái định cư và bố trí sản xuất cây lương thực. Tuy nhiên, tính đến cuối năm 2014, tỉnh Quảng Nam mới trồng thay thế 24/700 ha rừng (đạt 3,4% kế hoạch). 

Việc suy giảm về diện tích rừng tự nhiên cũng đồng nghĩa với việc giảm chức năng lưu giữ nước của rừng. Ông Nghị đồng thời nêu lên sự cần thiết phải giám sát quá trình thực thi trồng rừng bồi hoàn, và tổ chức đánh giá kịp thời về tác động của các công trình thủy điện tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Lý giải cho tỷ lệ trồng rừng thấp, ông Nghị cho rằng nguyên nhân là do các chủ đầu tư không bố trí đủ ngân sách cho hoạt động trồng rừng, kết hợp với sự chậm trễ trong việc ra các thông tư/hướng dẫn từ chính quyền cấp quốc gia.
Các ý kiến tham luận tại hội thảo đã tạo ra cái nhìn tổng hợp và đa chiều về chi phí-lợi ích của việc phát triển thủy điện tại Việt Nam trong thời gian qua. Kết quả thảo luận sẽ được Tropenbos Việt Nam làm cơ sở để đưa ra các khuyến nghị chính sách tại hội thảo quốc gia có chủ đề liên quan trong thời gian tới.  


Chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su tại Việt Nam

Đất rừng đã và đang bị chuyển đổi sang trồng cao su một cách ồ ạt tại Viêt Nam, thậm chí ở những khu vực mà trước đây chưa từng trồng cao su. Tính đến năm 2012, tổng diện tích cao su là 910.500 ha. Điều này có nghĩa rằng diện tích cao su đã vượt 200,000 ha so với mức mà chiến lược phát triển cao su do Chính phủ Việt Nam đề ra đến năm 2015. 
Hàng loạt rừng trồng cao su được thiết lập ở hầu hết các tỉnh thành. Việc chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su đã ảnh hưởng đến tình hình sử dụng đất, chức năng môi trường và vùng đầu nguồn. Ngoài ra, chuyển đổi đất rừng còn ảnh hưởng đến xã hội, cụ thể như việc sở hữu đất đai và chia sẻ lợi ích về đất đai và tài nguyên thiên nhiên. Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách và hướng dẫn về chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc và tồn tại. Các cấp quản lý và xây dựng chính sách vẫn chưa có thông tin đầy đủ về quá trình chuyển đổi đất rừng.

Trước tình hình đó, Tropenbos International Việt Nam đã hợp tác với tổ chức Forest Trends và Viện Hàn lâm Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam để triển khai dự án “Chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su tại Việt Nam”. Mục tiêu của dự án là nhằm cung cấp thông tin cho các nhà quản lý và xây dựng chính sách về tác động của chuyển đổi đất rừng đối với tình hình kinh tế, xã hội và môi trường, đặc biệt là đời sống của người dân địa phương cũng như vai trò của các thành phần kinh tế tư nhân. Dự án còn nghiên cứu vấn đề quản trị rừng ở các cấp tại Việt Nam.
Kết quả mong đợi:
Báo cáo chi tiết về chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su.
Bản tin chính sách về chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su, và vấn đề bảo vệ rừng.
Đoạn phim ngắn về chủ đề chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su.
Quảng bá thông tin về chủ đề chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su trên các kênh truyền hình quốc gia và báo chí.
 
2013-2014
Mục tiêu chung của dự án: cải thiện quá trình và chính sách chuyển đổi đất rừng sang trồng cao su tại Việt Nam; góp phần sử dụng bền vững và phù hợp tài nguyên thiên nhiên, và hạn chế tình trạng phá rừng.
Rừng phân mảnh có nhiều ảnh hưởng xấu đến các loài cây rừng, đó là ảnh hưởng viền, giảm kích cỡ quần thể, và gia tăng sự cô lập giữa các quần thể. Trong luận văn này, chúng tôi phân tích các ảnh hưởng của rừng phân mảnh đến đa dạng loài cây, động thái quần thể và đa dạng nguồn gien cây rừng tại Việt Nam. Các mục tiêu nghiên cứu cụ thể là (1) đánh giá các ảnh hưởng của diện tích mảnh rừng đến cấu trúc rừng, đa dạng và thành phần loài cây; (2) đánh giá các ảnh hưởng của diện tích mảnh rừng đến động thái loài cây rừng;(3) đánh giá các ảnh hưởng của rừng phân mảnh đến đa dạng nguồn gien cây rừng.
Hà Văn Tiếp

Thông tư số 34/2009/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn : Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
______________
Số: 34/2009/TT-BNNPTNT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
___________________________
Hà Nội, ngày  10  tháng 06  năm 2009

THÔNG TƯ
Quy định tiêu chí xác định và phân loại rừng

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn tiêu chí xác định và phân loại rừng như sau:

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về tiêu chí xác định rừng và hệ thống phân loại rừng phục vụ cho công tác điều tra, kiểm kê, thống kê rừng, quy họach bảo vệ và phát triển rừng, quản lý tài nguyên rừng và xây dựng các chương trình, dự án lâm nghiệp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý rừng và đất lâm nghiệp có trách nhiệm thực hiện các quy định tại thông tư này.
2. Áp dụng cho toàn bộ diện tích rừng, bao gồm cả rừng tập trung và cây rừng trồng phân tán trên phạm vi toàn quốc.

Chương II
TIÊU CHÍ XÁC ĐỊNH VÀ PHÂN LOẠI RỪNG
Điều 3. Tiêu chí xác định rừng
Một đối tượng được xác định là rừng nếu đạt được cả 3 tiêu chí sau:
1. Là một hệ sinh thái, trong đó thành phần chính là các loài cây lâu năm thân gỗ, cau dừa có chiều cao vút ngọn từ 5,0 mét trở lên (trừ rừng mới trồng và một số loài cây rừng ngập mặn ven biển), tre nứa,…có khả năng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các giá trị trực tiếp và gián tiếp khác như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và cảnh quan.
Rừng mới trồng các loài cây thân gỗ và rừng mới tái sinh sau khai thác rừng trồng có chiều cao trung bình trên 1,5 m đối với loài cây sinh trưởng chậm, trên 3,0 m đối với loài cây sinh trưởng nhanh và mật độ từ 1.000 cây/ha trở lên được coi là rừng.  
Các hệ sinh thái nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản có rải rác một số cây lâu năm là cây thân gỗ, tre nứa, cau dừa,… không được coi là rừng.

2. Độ tàn che của tán cây là thành phần chính của rừng phải từ 0,1 trở lên.

3. Diện tích liền khoảnh tối thiểu từ 0,5 ha trở lên, nếu là dải cây rừng phải có chiều rộng tối thiểu 20 mét và có từ 3 hàng cây trở lên.
Cây rừng trên các diện tích tập trung dưới 0,5 ha hoặc dải rừng hẹp dưới 20 mét được gọi là cây phân tán.

Điều 4. Phân loại rừng theo mục đích sử dụng
1. Rừng phòng hộ: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, chống sa mạc hoá, hạn chế thiên tai, điều hoà khí hậu và bảo vệ môi trường.

2. Rừng đặc dụng: là rừng được sử dụng chủ yếu để bảo tồn thiên nhiên, mẫu chuẩn hệ sinh thái của quốc gia, nguồn gen sinh vật rừng; nghiên cứu khoa học; bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh; phục vụ nghỉ ngơi, du lịch, kết hợp phòng hộ bảo vệ môi trường.

3. Rừng sản xuất: là rừng được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh gỗ, các lâm sản ngoài gỗ và kết hợp phòng hộ, bảo vệ môi trường.

Điều 5. Phân loại rừng theo nguồn gốc hình thành
1. Rừng tự nhiên: là rừng có sẵn trong tự nhiên hoặc phục hồi bằng tái sinh tự nhiên.
a) Rừng nguyên sinh: là rừng chưa hoặc ít bị tác động bởi con người, thiên tai; Cấu trúc của rừng còn tương đối ổn định.
b) Rừng thứ sinh: là rừng đã bị tác động bởi con người hoặc thiên tai tới mức làm cấu trúc rừng bị thay đổi.
- Rừng phục hồi: là rừng được hình thành bằng tái sinh tự nhiên trên đất đã mất rừng do nương rẫy, cháy rừng hoặc khai thác kiệt;
- Rừng sau khai thác: là rừng đã qua khai thác gỗ hoặc các loại lâm sản khác.

2. Rừng trồng: là rừng được hình thành do con người trồng, bao gồm:
a) Rừng trồng mới trên đất chưa có rừng;
b) Rừng trồng lại sau khi khai thác rừng trồng đã có;
c) Rừng tái sinh tự nhiên từ rừng trồng đã khai thác.

Theo thời gian sinh trưởng, rừng trồng được phân theo cấp tuổi, tùy từng loại cây trồng, khoảng thời gian quy định cho mỗi cấp tuổi khác nhau.

Điều 6. Phân loại rừng theo điều kiện lập địa
1. Rừng núi đất: là rừng phát triển trên các đồi, núi đất.
2. Rừng núi đá: là rừng phát triển trên núi đá, hoặc trên những diện tích đá lộ đầu không có hoặc có rất ít đất trên bề mặt.
3. Rừng ngập nước: là rừng phát triển trên các diện tích thường xuyên ngập nước hoặc định kỳ ngập nước.
a) Rừng ngập mặn: là rừng phát triển ven bờ biển và các cửa sông lớn có nước triều mặn ngập thường xuyên hoặc định kỳ.
b) Rừng trên đất phèn: là rừng phát triển  trên đất phèn, đặc trưng là rừng Tràm ở Nam Bộ.
c) Rừng ngập nước ngọt: là rừng phát triển ở nơi có nước ngọt ngập thường xuyên hoặc định kỳ.
4. Rừng trên đất cát: là rừng trên các cồn cát, bãi cát.

Điều 7. Phân loại rừng theo loài cây
1. Rừng gỗ: là rừng bao gồm chủ yếu các loài cây thân gỗ.
a) Rừng cây lá rộng: là rừng có cây lá rộng chiếm trên 75% số cây.
- Rừng lá rộng thường xanh: là rừng xanh quanh năm;
- Rừng lá rộng rụng lá: là rừng có các loài cây rụng lá toàn bộ theo mùa chiếm 75% số cây trở lên;
- Rừng lá rộng nửa rụng lá: là rừng có các loài cây thường xanh và cây rụng lá theo mùa với tỷ lệ hỗn giao theo số cây mỗi loại từ 25% đến 75%.
b) Rừng cây lá kim: là rừng có cây lá kim chiếm trên 75% số cây.
c) Rừng hỗn giao cây lá rộng và cây lá kim: là rừng có tỷ lệ hỗn giao theo số cây của mỗi loại từ 25% đến 75%.

2. Rừng tre nứa: là rừng chủ yếu gồm các loài cây thuộc họ tre nứa như: tre, mai, diễn, nứa, luồng, vầu, lô ô, le, mạy san, hóp, lùng, bương, giang, v.v….
3. Rừng cau dừa: là rừng có thành phần chính là các loại cau dừa.
4. Rừng hỗn giao gỗ và tre nứa
a) Rừng hỗn giao gỗ - tre nứa: là rừng có cây gỗ chiếm > 50% độ tàn che;
b) Rừng hỗn giao tre nứa - gỗ: là rừng có cây tre nứa chiếm > 50% độ tàn che. 

Điều 8. Phân loại rừng theo trữ lượng
1. Đối với rừng gỗ
a) Rừng rất giàu: trữ lượng cây đứng trên 300 m3/ha;
b) Rừng giàu: trữ lượng cây đứng từ 201- 300 m3/ha;
c) Rừng trung bình: trữ lượng cây đứng từ 101 - 200 m3/ha;
d) Rừng nghèo: trữ lượng cây đứng từ 10 đến 100 m3/ha;
đ) Rừng chưa có trữ lượng: rừng gỗ đường kính bình quân < 8 cm, trữ lượng cây đứng dưới 10 m3/ha.
2. Đối với rừng tre nứa: Rừng được phân theo loài cây, cấp đường kính và cấp mật độ           
a) Nứa
Trạng thái
D (cm)
N (cây/ha)
Nứa to
≥ 5

- Rừng giàu (dày)

≥ 8.000
- Rừng trung bình

5.000 - 8.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 5.000
Nứa nhỏ
< 5

- Rừng giàu (dày)

≥ 10.000
- Rừng trung bình

6.000 - 10.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 6.000

b) Vầu
Trạng thái
D (cm)
N (cây/ha)
Vầu to
≥ 6

- Rừng giàu (dày)

≥ 3.000
- Rừng trung bình

1.000 – 3.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 1.000
Vầu nhỏ
< 6

- Rừng giàu (dày)

≥ 5.000
- Rừng trung bình

2.000 - 5.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 2.000

c) Tre, luồng
Trạng thái
D (cm)
N (cây/ha)
Tre, luồng to
≥ 6

- Rừng giàu (dày)

≥ 3.000
- Rừng trung bình

1.000 – 3.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 1.000
Tre, luồng nhỏ
< 6

- Rừng giàu (dày)

≥ 5.000
- Rừng trung bình

2.000 - 5.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 2.000

d) Lồ ô
Trạng thái
D (cm)
N (cây/ha)
Lồ ô to
≥ 5

- Rừng giàu (dày)

≥ 4.000
- Rừng trung bình

2.000 - 4.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 2.000
Lồ ô nhỏ
< 5

- Rừng giàu (dày)

≥ 6.000
- Rừng trung bình

3.000 - 6.000
- Rừng nghèo (thưa)

< 3.000

Điều 9. Đất chưa có rừng
1. Đất có rừng trồng chưa thành rừng: là đất đã trồng rừng nhưng cây trồng có chiều cao trung bình chưa đạt 1,5 m đối với các loài cây sinh trưởng chậm hay 3,0 m đối với các loài cây sinh trưởng nhanh và mật độ < 1.000 cây/ha. 
2. Đất trống có cây gỗ tái sinh: là đất chưa có rừng quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, thực vật che phủ gồm cây bụi, trảng cỏ, lau lách và cây gỗ tái sinh có chiều cao 0,5 m trở lên đạt tối thiểu 500 cây/ha.
3. Đất trống không có cây gỗ tái sinh: là đất chưa có rừng quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp gồm đất trống trọc, đất có cây bụi, trảng cỏ, lau lách, chuối rừng, chít, chè vè v.v…
4. Núi đá không cây: là núi đá trọc hoặc núi đá có cây nhưng chưa đạt tiêu chuẩn thành rừng.

Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.
Các quy định về tiêu chí xác định và phân loại rừng trước đây trái với quy định tại thông tư này đều bãi bỏ.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, đề nghị các địa phương, các tổ chức, cá nhân báo cáo, phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Phó Thủ tướng TT CP Nguyễn Sinh Hùng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ;
- Cục Kiểm tra VB Bộ Tư pháp;
- UBND các tỉnh, Thành phố trực thuộc TƯ;
- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT;
- Các cơ quan đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Công báo Chính phủ;
- Lưu: VT, KHCN.

  

 

No comments:

Post a Comment