Sunday, July 10, 2022

TRUNG HOA HỨA CHIA SẺ THÊM DỮ KIỆN VỀ SÔNG MEKONG VỚI CÁC QUỐC GIA Ở HẠ LƯU

(China pledges to share more data on the Mekong River with downstream nations)

Jack Lau – Bình Yên Đông lược dịch

South China Morning Post – 5 July 2022

 

Phà đưa hành khách và xe cộ qua sông Mekong ở Phnom Penh, Cambodia. [Ảnh: AFP]

 

·                    Ngoại trưởng Wang Yi (Vương Nghị) cũng nói với các đối tác rằng nước ông sẽ thực hiện kiểm tra an toàn cho 20 hồ chứa nước và đập

·                    Các đập của Trung Hoa ở thượng lưu bị cáo buộc gây lũ lụt và hạn hán tàn khốc ở phía dưới

Trung Hoa sẽ chia sẻ thêm dữ kiện về sông Mekong với các quốc gia ở hạ lưu.  Ngoại trưởng Wang Yi nói, giữa các chỉ trích từ lâu rằng các dự án của họ đã gây lũ lụt và hạn hán trong các khúc sông ở hạ lưu.

Điều nầy có nghĩa là “chia sẻ cổ phần của sự hợp tác và thúc đẩy phát triển”, Wang nói trong phiên họp các ngoại trưởng của Hợp tác Lancang-Mekong ở Bagan, Myanmar hôm Thứ Hai.

Ông cũng nói Trung Hoa sẽ “kiểm tra an toàn của 20 hồ chứa nước và đập để kiểm soát lũ lụt, bảo vệ nguồn cung cấp nước và lương thực và an toàn sinh thái cho 70 triệu người trong lưu vực,” theo một tuyên bố của bộ ngoại giao Trung Hoa.

 

Ngoại trưởng Trung Hoa Wang Yi (thứ ba từ trái) với các đối tác từ Hợp tác Lancang-Mekong ở Bagan, Myanmar hôm Thứ Hai. [Ảnh: Xinhua]

 

Nhóm mang lại với nhau các quốc gia cùng chia sẻ con sông dài nhất ở Đông Nam Á – được gọi là Lancang ở Trung Hoa – rất quan trọng đối với mậu dịch và kế hoạch hạ tầng cơ sở của Beijing (Bắc Kinh), Sáng kiến Vành đai và Con đường.  Hoa Kỳ cũng có tư thế như một đối tác tốt hơn của các quốc gia ở hạ lưu nầy – Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam – trong việc quản lý sông.

Các nhóm môi trường đã cáo buộc các đập của Trung Hoa ở thượng lưu đã gây lũ lụt và hạn hán ở xa về phía hạ lưu Mekong gây thiệt hại sinh thái địa phương và sinh kế của ngư dân.  Năm ngoái, Trung Hoa cắt dòng chảy ½ ở 1 đập thủy điện gần 1 tháng để sửa chữa đường dây điện mà không thông báo trước cho các quốc gia ở hạ lưu, gây thêm bất tin cậy giữa các láng giềng.

Wang cũng nói trong phiên họp hôm Thứ Hai rằng Trung Hoa sẽ xây các trạm thời tiết và theo dõi nước mới, đẩy nhanh việc xây cất các cơ sở thủy nông quang điện, và thiết lập các dự án tiên phong cho việc quản lý và cung cấp nước nông thôn, theo bảng tuyên bố.

Những hoạt động nầy là một trong 6 dự án được đề nghị bởi Trung Hoa trong phiên họp.  Một dự án khác, về hợp tác không gian, gồm có việc phát triển một vệ tinh quan sát Trái đất của Trung Hoa với 5 quốc gia, tuyên bố của ngoại trưởng cho biết.  Beijing cũng đề nghị xây các cơ sở tính toán mây trong vùng và giúp phát triển “các hệ thống kỹ thuật tin tức hiện đại”, mà không cung cấp chi tiết.

Các ngoại trưởng trong phiên họp chấp thuận trên nguyên tắc kế hoạch 5 năm sắp tới của nhóm từ 2023 đến 2027.

Kế hoạch hành động của nhóm tương tự do Hoa Kỳ cấm đầu, Hợp tác Mekong-Hoa Kỳ, sẽ chấm dứt trong năm 2023.  Hợp tác đó chú trọng đến việc đối phó với ảnh hưởng môi trường của các dự án hạ tầng cơ sở và làm cho việc quản lý nguồn nước trong Mekong thêm minh bạch – những vấn đề mà Trung Hoa bị chỉ trích.

Không như sáng kiến của Trung Hoa, nhóm do Hoa Kỳ cầm đầu liên quan đến các quốc gia từ các vùng khác chẳng hạn như Nhật Bản, Nam Triều Tiên và New Zealand cung cấp chuyên môn trong các lãnh vực chẳng hạn như năng lượng và tiên đoán nguy cơ thiên nhiên.

Trong một thông cáo chung hôm Thứ Hai, 6 ngoại trưởng nói họ “khuyến khích” Hợp tác Lancang-Mekong bổ sung cho kế hoạch vành đai và con đường và Sáng kiến Phát triển Toàn cầu mới của Chủ tịch Trung Hoa Xi Jinping (Tập Cận Bình).  Các dự án của Hợp tác Lancang-Mekong dựa vào tài trợ từ kế hoạch vành đai và con đường của Beijing.

Các lãnh đạo của nhóm của các quốc gia thành viên sẽ tham dự một phiên họp thượng đỉnh riêng biệt vào cuối năm nay.

No comments:

Post a Comment