Sunday, October 25, 2020

CON SÔNG NỔI TIẾNG NHẤT CỦA CAMBODIA ĐÃ NGƯNG ĐỔI DÒNG?

(Did Cambodia's Most Famous River Stop Changing Course?)

Abby Seiff – Bình Yên Đông lược dịch

VICE – October 15,2020

 

Để làm đầy hồ Tonle Sap, Tonle Sap đảo ngược dòng chảy 2 lần trong năm.  Nhưng hạn hán và đập dường như đã làm ngưng hiện tượng độc đáo nầy.

Không xa lắm với các đền đài Angkor Wat nổi tiếng của Cambodia, các trụ cao nâng các nhà gỗ đến mức an toàn bên trên mặt nước trở thành vô dụng – mặt đất ở bên dưới khô ráo.

Bây giờ là tháng 9, cao điểm của mùa mưa, và các làng nổi trên rìa phía bắc của hồ Tonle Sap phải ngập nước.  Nhưng điều bất thường đã xảy ra.  Con sông cùng tên mang hàng tỉ gallons nước vào hồ mỗi mùa mưa đã im lặng.  Hồ Tonle Sap, phình ra và co lại như nhịp đập của tim 2 lần trong năm từ hàng ngàn năm nay, tràn qua ranh giới trong mùa khô không bao xa.

“Chúng tôi không thấy nước dâng lên như trước,” Kheav Cheam, một ngư dân 50 tuổi, nói.  “Trong quá khứ, nước dâng cao hơn và tràn vào hồ, vì thế chúng tôi có thể đánh cá.  Nhưng nay, nước không chảy vào hồ và cá không lớn.”

Ở Cambodia, cá là nguồn chất đạm chánh cho gần 80% dân số.  Cheam, sống cùng với gia đình trên một chiếc thuyền nhỏ di chuyển từ hồ đến sông, đã sống nhờ các con nước trọn cả cuộc đời của ông.  Nay, ông thường bắt không đủ cá để bù cho tiền xăng.  “Chúng tôi lo sợ rằng người dân sống ở thượng lưu đã đóng các đập, vì thế chúng tôi không còn hy vọng.  Việc đánh cá càng ngày càng trở nên tồi tệ - trong tương lai, sẽ không còn cá, vì không còn nước.”

Hồ Tonle Sap là một hồ nước ngọt lớn nhất ở Đông Nam Á (ĐNA) và là một trong những nền thủy sản phong phú nhất trên thế giới.  Sản lượng của nó được tạo nên bởi tác động thủy học độc đáo.  Hồ được nuôi dưỡng bởi Tonle Sap, một phụ lưu của Mekong, đảo ngược dòng chảy 2 lần trong năm để mang nước, chất dinh dưỡng, và di ngư từ các nhánh thượng lưu của sông Mekong hùng vĩ của Á Châu vào hồ và ngược lại.  Việc đảo dòng đầu tiên thường xảy ra trong tháng 5, khi Mekong phình ra với mưa mùa, đẩy nước vào Tonle Sap và vào hồ.  Đến tháng 11, dung tích của hồ lớn đủ để làm nước chảy ngược lại, qua Tonle Sap rồi đổ vào sông Mekong.

Nhịp lũ nuôi dưỡng Tonle Sap có thể căng rộng diện tích hồ lên gấp 6 lần – có thể lên đến 6.000 mi2 – trong mùa mưa.  Với nó là cá, một số lượng khác thường đã duy trì dân số trong hàng ngàn năm.  Các mộ cỗ ở ven bờ hồ còn giữ tàn tích của thức ăn được nấu nướng: cá muối và mắm; cháo cá; cá chiên và nướng.  Việc cứu rỗi linh hồn Angkor trang hoàng bằng cá lóc và cá chép và con buôn bán cá vừa mới bắt.  “Có rất nhiều loại cá tôi không biết tên, tất cả đều đến từ Biển Nước ngọt,” Zhou Daguan, một phái viên Trung Hoa, người ngoại quốc đầu tiên viết về Cambodia vào cuối thế kỷ 13th.  Ngày nay, khoảng 500.000 tấn cá được kéo lên từ hồ mỗi năm, và thêm hàng triệu từ phần còn lại của lưu vực Mekong, từ các nước láng giềng Thái Lan, Lào và Việt Nam.  Với nhịp lũ chập lại, cá biến đi nhanh chóng.

Năm rồi, Tonle Sap đảo ngược dòng chảy trễ hơn nhiều tháng so với bình thường và chỉ kéo dài 6 tuần.  Năm nay, một số người tin rằng nó sẽ không đảo ngược dòng chảy.  Nếu thế, thay đổi khí hậu và đập làm cho mực nước sông xuống quá thấp nên không thể làm dòng chảy đảo ngược.

Thông thường, việc đảo ngược dòng chảy kéo dài 160 ngày và mang 38,37 km3 nước lũ vào hồ, theo con số trung bình trong 2 thập niên thu thập bởi Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một cơ quan liên chánh phủ có mục đích quản lý dòng sông chung.  Một phúc trình của MRC phổ biến hồi cuối tháng 9 cho thấy sự tụt giảm chóng mặt.  Trong tháng 7, 8 và 9, hồ chỉ đạt ¼ dung tích bình thường.  Thật vậy, dung tích hồ vào lúc đó chỉ bằng ½ dung tích trong năm trước – khi Mekong xuống đến mức thấp lịch sử, đưa đến tình trạng khan hiếm lương thực trên khắp khu vực.

“Chúng tôi không biết nước ra sao,” Im Kim Rai, một ngư dân 33 tuổi với số cá đánh được tụt giảm rất nhiều, cho biết.  “Tôi chưa bao giờ thấy nước thấp như vậy.”

Kim Rai sống trên sông Mekong ở Kampong Cham, khoảng 30 mi về phía thượng lưu của Phnom Penh.  Cá đánh được trong Mekong rất ít, mực nước sông trong suốt tháng 9 thấp hơn nhiều so với năm trước, vì thế Kim Rai, vợ anh, với đứa con 5 tuổi xuôi xuống Mekong nơi tiếp giáp với Tonle Sap với hy vọng đánh được nhiều cá hơn.  Vài ngày từ khi họ đến Phnom Penh, tuy nhiên: “Chúng tôi phải đi đánh cá gần 10 lần nhưng không bắt được gì cả.”

 

Dữ kiện của MRC cho thấy mực nước của Tonle Sap trong tháng 9 chỉ vào khoảng ½ mức trung bình.  Vào cuối tháng 9, sông đạt mức cao nhất: thường vào khoảng 8,5 m ở cảng Phnom Penh, nằm ở cuối Tonle Sap, cách hợp lưu với sông Mekong dưới 1 mile.  Năm nay, nó chỉ lên 4,4 m.

Cho đến giữa tháng 10, một cơn giông nhiệt đới và lũ quét tràn qua Cambodia, mực nước của Tonle Sap chưa đến 5 m – mực nước, nếu được duy trì, sẽ là điểm đánh dấu việc đảo dòng của sông, theo Brian Eyler, giám đốc chương trình ĐNA của Trung tâm Stimson.

“Mekong có thể có thêm giông bão trong mùa mưa năm nay, nhưng chúng đến và đi rất nhanh.  Tôi không hy vọng nhiều cho việc phình ra của Tonle Sap trong năm nay,” Eyler, một chuyên viên về sông Mekong theo dõi mực nước của Tonle Sap qua vệ tinh và báo động về việc ngưng đảo dòng trong năm nay, giải thích.

MRC nói sông đã đảo ngược dòng chảy – vào ngày 4 tháng 8.  Nhưng mực nước quá thấp, và lượng nước lũ chảy vào hồ không đủ, nó không thể làm được gì hết.  “Dòng chảy từ Mekong đến Tonle Sap đảo ngược, nhưng rất nhỏ - đó là lý do tại sao tôi nói là tình hình rất là nguy cập,” Sopheak Meas, tùy viên báo chí của Văn phòng MRC, cho biết hồi đầu tháng 10.

Với sự phát triển nhanh chóng các đập thủy điện dọc theo Mekong và các phụ lưu, hồ Tonle Sap đã bị bức tử từ nhiều năm nay, nhưng cái chết khá nhanh của nó làm cho nhiều ngư dân ngạc nhiên.  Chỉ trong 2 thập niên, mực nước trung bình của Tonle Sap giảm khoảng 2 m.  Năm năm qua là 5 năm ấm nhất kỷ lục, và hiện tượng thời tiết El Nino liên tục đưa đến nhiều đợt hạn hán tàn phá ở ĐNA.  Bất cứ cơ hội để phục hồi từ thay đổi khí hậu đã bị xóa sạch bởi các đập trên dòng chánh và các phụ lưu của sông Mekong dài 2.700 miles – chảy qua Trung Hoa, Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia trước khi vào Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam.

Kể từ thập niên 1990s, các đập thủy điện được xây nhộn nhịp trên Mekong và các phụ lưu.  Mười một đập đang hoạt động trên dòng chánh Lancang, hay thượng lưu Mekong trong lãnh thổ Trung Hoa, và 2 trên hạ lưu Mekong ở Lào – với trên một chục đập khác đang được hoạch định.  Có hơn 100 đập trên các phụ lưu, và 400 đập khác được dự trù.  Những đập đó đã nhanh chóng ngăn chận dòng chảy ở hạ lưu.  Để cho Tonle Sap đảo ngược dòng chảy, lượng nước trong Mekong phải có đủ.  Năm ngoái, Mekong xuống đến mức thấp nhất kỷ lục,  Năm nay, nó không cao hơn bao nhiêu.

“Tonle Sap đã trải qua hạn hán nặng nề trước đây.  Hệ thống thích ứng và thủy sản có thể hồi phục.  Nhưng các đập đã giết chết các đường di chuyển của cá và có ảnh hưởng vĩnh viễn đến Tonle Sap trong mùa khô lẫn mùa mưa,” Eyler nói.

Các nhà nghiên cứu, từ lâu, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của đập đối với hệ sinh thái của lưu vực sông Mekong.  Chúng ngăn chận đường di chuyển của cá và phù sa chảy xuống các đồng lụt.  Đồng thời, các phân tích viên an ninh cảnh báo sự nguy hiểm cố hữu của việc kiểm soát dòng chảy của một quốc gia ở thượng lưu đối với một trong những con sông dài nhất trên thế giới.  Điều đó có vẻ đã nảy sinh.  Nghiên cứu của Eyes on Earth cho thấy rằng trong năm rồi, trong khi hạ lưu vực Mekong thống khổ vì hạn hán tồi tệ nhất trong thế kỷ, Trung Hoa giữ lại một số nước chưa từng thấy – khiến cho các láng giềng ở hạ lưu chết đói.  Trung Hoa bác bỏ nghiên cứu, nói họ tìm cách xả đủ nước và cũng thống khổ vì mưa ít.  Nhưng kết quả rất quả quyết, đặc biệt khi Trung Hoa tìm cách bành trướng vai trò như một lãnh đạo trong khu vực Mekong.  “Nếu các đập của Trung Hoa không hạn chế dòng chảy, các nơi dọc theo biên giới Thái-Lào sẽ có lưu lượng trên trung bình từ tháng 4 năm 2019 cho đến nay, thay vì phải khổ sở vì tình trạng hạn hán nghiêm trọng,” một phúc tình của Trung tâm Stimson lưu ý.

Khi ngư dân đấu tranh với một năm thứ hai có mực nước thấp, họ tuyệt vọng thấy rõ.  Nhiều ngư dân thuộc vào những người nghèo nhất nước, không có đất đai nhưng nợ nần chồng chất vì cuộc sống càng ngày càng khó tiên đoán.  “Chúng tôi không biết phải làm gì khi họ đóng đập ở thượng lưu,” Kheav Cheam nói.  “Cách duy nhất là chánh phủ phải yêu cầu các quốc gia khác xả nước.  Chúng tôi là người dân, nhưng chúng tôi không có quyền.”

No comments:

Post a Comment