Sunday, January 24, 2021

CÁC HỢP ĐỒNG KHAI THÁC CÁT GÂY LO NGẠI SÂU XA

 (Sand mining contracts cause serious concerns)

Jason Boken – Bình Yên Đông lược dịch

Khmer Times – January 7, 2021

Đào cát trong sông Mekong ở Cambodia.  Nhu cầu cát gia tăng phản ánh qua việc đô thị hóa và tăng trưởng dân số ở nhiều nơi trên thế giới. [Ảnh: Siv Channa]

Bộ Hầm mỏ và Năng lượng đã gọi thầu cho các giấy phép khai thác cát trên 2.000 hectares trong tỉnh Koh Kong và Preah Sihanouk.

Khai thác cát phấn lớn từ hầm lộ thiên, bãi biển, các đụn cát nội địa hay đào vét đáy biển hay sông.

Cát được khai cát phần lớn để làm bê tông dùng trong việc xây cất, nhưng hoạt động ít được chú ý và không được kiểm soát nầy có cái giá lớn lao vì nó gây nguy hại cho sông và hủy hoại hệ sinh thái ven biển và có thể xóa hoàn toàn các đảo.

Nhu cầu cát gia tăng được thúc đẩy bởi việc đô thị hóa nhanh chóng, kể cả sự bùng nổ xây cất ở Cambodia và tăng trưởng dân số toàn cầu.

Việc loan báo ấn định 3 địa điểm đấu giá trong tỉnh Koh Kong.  Chúng gồm có 109 hectares trong xã Ta Noun thuộc huyện Botum Sakor, 882 hectares trong xã Andong và Kandal thuộc huyện Botum Sakor và 464 hectares ở các xã Dang Peng, Chi Khor và Chrouy Svay thuộc huyện Sre Ambel.

Có 4 nơi được đấu giá trong Sihanoukville, gồm 318 hectares ở xã Keo Phos thuộc huyện Stung Hay, 81 hectares ở xã Tumnob Rolok thuộc huyện Stung Hay, 60 hectares ở xã Ou Chrov thuộc huyện Prey Nob và 228 hectares ở xã Ream và Ou Chrov thuộc huyện Prey Nob.

Theo phúc trình, Hiểu biết về Hệ quả của Khai thác Cát: Phân tích Cuộc sống Ven biển Cambodia (Understanding the Implications of Sand Mining: A Livelihoods Analysis in Coastal Cambodia), Vương quốc [Cambodia] nằm trong những nước xuất cảng cát lớn nhất trên thế giới với các hoạt động khai thác cát bắt đầu trong năm 2007.  Nó tiếp tục tăng trưởng như một kỹ nghệ.

Hoạt động khai thác cát đại qui mô bắt đầu trước tiên trong tỉnh Koh Kong trong năm 2008, và nó nhanh chóng trở thành trung tâm khai thác cát ở Cambodia.

Hầu hết hoạt động bắt đầu trong các hệ thống cửa sông ở phía tây Koh Kong và bờ biển phía nam Cambodia.  Cát được xuất cảng sang Singapore để dùng xây cất hay lấp biển.

Trong năm 2009 và 2010, khai thác cát mở rộng dọc theo duyên hải Cambodia.  Trong tháng 10 năm 2009, 14 công ty được chuyển nhượng trong các tỉnh Koh Kong, Preah Sihanouk và Kampot.

Khai thác cát bị cấm ở Koh Kong trong năm 2017.

Phát nhôn nhân của Bộ Hầm mỏ và Năng lượng Meng Saktheara nói chánh phủ đã ngưng tất cả các giấy phép xuất cảng cát trong tỉnh đó sau khi tái xét ảnh hưởng xã hội và môi trường trên các hệ thống sông.

Ông nói bộ làm việc với các tổ chức dân sự để đánh giá việc khai thác cát ở Koh Kong và thấy rằng tỉnh không thể chịu nỗi việc đào cát đại qui mô.

San Chey, giám đốc điều hành của Chi nhánh Hệ thống Trách nhiệm Xã hội (Affiliated Network for Social Accountability), nói trước đây rằng việc đào cát là một vấn đề ảnh hưởng đến dân làng và môi trường.

“Đào cát ảnh hưởng dân làng nơi bờ sông sụp đổ.  Theo tôi, không cần khai thác lúc nầy,” San nói.

Ông lưu ý là các người khai thác cát có khuynh hướng bỏ qua khía cạnh kỹ thuật và chỉ chú trọng đến lợi lộc.

Các nhà phê bình cũng nói nó có thể gia tăng ngập lụt và đe dọa nghiêm trọng đến đa dạng sinh học, Brian Eyler, một chuyên viên Đông Nam Á của cơ quan nghiên cứu Trung tâm Stimson và tác giả của Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ, cho biết.  “Khi anh rút tất cả phù sa từ đáy, sông tìm phù sa mới, vì thế nó kéo các bờ xuống sông và điều nầy khiến cho một số đường sá, nhà cửa và thị trấn đổ xuống sông.”

Cho đến nay, cát là món hàng hóa duy nhất được đào nhiều nhất.

.

ĐẬP MEKONG: TRUNG HOA CẮT DÒNG CHẢY 50%, BỊ CHỈ TRÍCH VÌ THIẾU CẢNH BÁO

 (Mekong dam: China cuts river flow 50 per cent, is slammed for lack of warning)

Catherine Wong and Maria Siow – Bình Yên Đông lược dịch

South China Morning Post – 9 January 2021

Các nhà quan sát và hoạt động sông Mekong vừa cảnh báo ảnh hưởng 

của các đập của Trung Hoa đối với các cộng đồng và đời sống hoang dã ở hạ lưu.

[Ảnh: Pianporn Deetes]

  • Beijing (Bắc Kinh) nói với các quốc gia hạ lưu rằng dòng chảy sẽ giảm đến ngày 24 tháng 1 để bảo trì lưới điện
  • Quan sát viên đã báo cáo sự tụt giảm mực nước lớn lao trước đó và nói hệ sinh thái và cuộc sống lâm nguy

Quyết định của Trung Hoa để giữ dòng chảy của sông Mekong ở một đập thủy điện gần 1 tháng sẽ làm xáo trộn thủy sản và cuộc sống ở địa phương dọc theo thủy lộ là mạch sống của 60 triệu người, các quan sát viên và nhà hoạt động cảnh báo.

Bộ thủy lợi Trung Hoa hôm Thứ Ba nói với các quốc gia láng giềng ở hạ lưu trên con sông dài nhất Đông Nam Á rằng họ giảm dòng chảy cho đến ngày 24 để “bảo trì đường dây dẫn điện của lưới điện”.  Các nhà hoạt động nói việc loan báo quá trễ.

Trạm thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) đã cắt lưu lượng xuống 1.000 m3/sec (35.315 ft3/sec), một sự sụt giảm 47%, bộ loan báo trên một mạng được thành lập như một phần của thỏa ước chia sẻ dữ kiện nước giữa Trung Hoa và các láng giềng Mekong.

Điều nầy đến một ngày sau Theo dõi Đập Mekong, một hệ thống theo dõi mới, cho biết có một sự tụt giảm thình lình mực nước ở Thái Lan và nói Trung Hoa đã không thông báo cho các quốc gia ở hạ lưu về việc hạn chế nước được phát hiện lần đầu hồi 31 tháng 12.

Ảnh hưởng của việc giảm dòng chảy đã được nhận thấy ở Chiang Saen, một huyện ở đông bắc Thái Lan cách đập Jinghong khoảng 300 km (186 miles).  Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) nói mực nước ở đó đã tụt giảm khoảng 2 m từ ngày 2 đến 4 tháng 1.

John Roberts, một nhà hoạt động của Hiệp hội Voi Á Châu Tam giác Vàng (Golden Triangle Asian Elephant Foundation), có trụ sở ở huyện, nói đoạn sông không còn đi lại được, và ông tin rằng nó do một số đập của Trung Hoa ở thượng lưu gây ra, kể cả việc xây cất Jinghong bắt đầu trong năm 2003.

“[Dân làng] không còn đi lại được bằng thuyền nhỏ, cái mà chúng ta không mong đợi cho đến tháng 4,” ông nói.

“Đồng cỏ thường bị ngập mỗi năm trong 2 hay 3 tháng theo nước của Mekong; điều nầy đã ngưng trong năm [2008] mà nay chúng tôi biết đập lớn [đi vào hoạt động].  Từ đó, nước ngập 1 hay 2 ngày mỗi năm, và hoàn toàn không còn trong 2 năm vừa qua.”

Ông nói lũ lụt tự nhiên rất quan trọng để phục hồi các hệ sinh thái và cung cấp nơi cư trú thiết yếu cho cá, thủy cầm và đời sống hoang dã.

Các đoạn sông khác cũng bị ảnh hưởng.  Theo một ước tính của MRC, khúc sông chảy qua Vientiane và Paksane ở Lào, và Nong Khai ở Thái Lan, sẽ có mực nước giảm từ 22 đến 35 cm trong 5 ngày cuối tháng 1.

“Các hoạt động thủy vận trên sông Mekong, nhất là ở chung quanh các vùng gần Jinghong có thể bị ảnh hưởng,” Tiến sĩ Lâm Hùng Sơn, trưởng trung tâm lũ lụt và hạn hán khu vực của MRC, cho biết trong một tuyên bố.  “Một số hoạt động của cuộc sống ở địa phương như nhặt rong ở đáy sông và đánh cá cũng có thể bị ảnh hưởng.”

Trung Hoa đã bác bỏ các phúc trình nói rằng 11 đập khổng lồ được xây dọc theo thượng lưu Mekong, gọi là Lancang ở Trung Hoa, gây ra hạn hán ở hạ lưu trong những năm gần đây, và nói thay đổi khí hậu toàn cầu và ít mưa là nguyên nhân.

Nhưng các chuyên viên và nhà hoạt động nói hành động mới nhất, một lần nữa, cho thấy các hoạt động ở thượng lưu của Trung Hoa làm xáo trộn hệ sinh thái và cuộc sống trong các quốc gia Mekong ở hạ lưu.

“Điều nầy không mới.  Nó là một khẩn cấp triền miên,” Pianporn Deetes, giám đốc chiến dịch của nhóm International Rivers ở Thái Lan, cho biết.

“Việc tụt giảm nhanh chóng và thình lình của mực nước sông Mekong ở Chiang Saen, hạ lưu của đập Jinghong và chuỗi đập Lancang của Trung Hoa, đã được cư dân nhận thấy trong gần 2 thập niên.  Nhưng nó không được ghi nhận và thừa nhận chánh thức bởi các chánh phủ Trung Hoa [và các quốc gia Mekong].”

“Điều nầy đã tàn phá hệ sinh thái của Mekong.  Nó quan trọng hơn trong đại dịch Covid-19 khi người dân cần dựa vào Mekong để có lợi tức và an ninh lương thực.”

Bộ ngoại giao Trung Hoa không cho biết nhận xét.

Brain Eyler là trưởng dự án của Theo dõi Đập Mekong, một sáng kiến được phát động trong tháng 12 được tài trợ một phần bởi bộ ngoại giao Hoa Kỳ và là cơ quan đầu tiên báo cáo sự tụt giảm của mực nước ở Chiang Saen.  Ông cảnh báo việc giữ nước của Trung Hoa ở thượng lưu lần nầy sẽ có một “ảnh hưởng sâu đậm” đối với thủy sản địa phương ở Thái Lan, Lào và Myanmar và kêu gọi Beijing báo động trước đến các quốc gia ở hạ lưu.

“Sự tụt giảm mực nước bất thường nầy sẽ có những ảnh hưởng sâu đậm đến khả năng tăng trưởng của cá, và nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hàng trăm cộng đồng đánh cá dọc theo biên giới Thái-Lào, dựa vào số cá đánh được vào lúc nầy trong năm,” ông nói.

Eyler nói rằng thông báo của Trung Hoa hôm Thứ Ba đáng hoan nghênh, nhưng “đến trễ 5 ngày và không tham vấn trước với các bên liên hệ ở hạ lưu.”

“Không ai có thời giờ để chuẩn bị cho sông tụt giảm gần 1 m trong 1 đêm,” ông nói.  “Trung Hoa cần phải thông báo đúng lúc hơn và cũng cứu xét kỹ lưỡng nhu cầu ở hạ lưu để thật sự chứng tỏ rằng họ có trách nhiệm cao trong khu vực và giữ lời hứa trong quá khứ.”

.

Sunday, January 17, 2021

CHÁNH TRỊ NƯỚC NHẤN CHÌM MEKONG

 (Mekong drowned in water politics)

Editorial – Bình Yên Đông lược dịch

Bangkok Post – 10 January 2021


Sông Mekong hùng vĩ là trái tim và linh hồn của Đông Nam Á (ĐNA).  Hàng triệu cuộc sống nối liền với nó, nhất là về thực phẩm, năng lượng và an ninh nước.  Ngoài việc sản sinh ra một trong những lưu vực sông đa dạng sinh học nhất trên trái đất, bản chất xuyên biên giới của sông – bắt đầu hành trình trên cao nguyên Tây Tạng và chảy dài 2.140 km qua Trung Hoa trước khi vào vùng hạ lưu ở ĐNA – có nghĩa là nó đang đối mặt với đe dọa chưa từng thấy cho sự hiện hữu của mình: chánh trị nước.

Trong những năm gần đây, mực nước thấp lịch sử trong Mekong đã tàn phá các cộng đồng như Tonle Sap ở Cambodia, từng là nơi cư trú của một trong những nền thủy sản nước ngọt phong phú nhất thế giới.  Nhưng Tonle Sap không đơn độc.  Những hình ảnh tương tự của đáy sông khô cạn, cá chết và vườn tược bị hủy hoại được chia sẻ trong các cộng đồng trên khắp ĐNA, ngay Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã huy động quân đội để cứu hạn ở bắc và đông bắc [Thái Lan] trong năm 2019.

Năm rồi, 2 phúc trình cung cấp các tường thuật khác nhau về nguyên nhân của mối đe dọa.  Trong khi nghiên cứu đầu tiên của hãng cố vấn Eyes on Earth được Hoa Kỳ hậu thuẫn cáo buộc các hoạt động của đập Trung Hoa ở thượng lưu làm giảm mực nước trong mùa nắng và mưa cũng như sự dao động bất thường, một nghiên cứu của Đại học Tsinghua (Thanh Hoa) của Trung Hoa cho rằng thời tiết và El Nino đã gây hạn hán và mực nước thấp.  Các động lực chánh trị có lẽ đã bảo đảm các kết quả nghiên cứu được dùng để thúc đẩy cốt chuyện; nó là một trò chơi của ngoại giao nước đã đục khoét việc cai quản nước xuyên biên giới và ảnh hưởng hàng triệu người trong tiến trình.

Khi các lo ngại tiếp tục gia tăng vì Mekong khô cạn, Thủ tướng Trung Hoa Li Keqiang (Lý Khắc Cường) hồi tháng 9 đã hứa là nước nầy sẽ bắt đầu chia sẻ dữ kiện thủy học với các quốc gia ở hạ lưu quanh năm thay vì chỉ trong mùa mưa, một hành động đáng hoan nghênh.

Nhưng tuần rồi, người dân địa phương ở Chiang Saen phía bắc thức giấc với một sự ngạc nhiên không hay trong Năm Mới khi họ ghi nhận mực nước trong Mekong đã tụt xuống một lần nữa.  Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitor), được thành lập hồi tháng 12, cho thấy một hình ảnh rõ hơn.  Bằng cách dùng viễn thám và ảnh vệ tinh, nó xác nhận mực nước đã tụt xuống “trên 1 m” từ ngày 2 đến 4 tháng 1 vì trữ nước ở đập Jinghong (Cảnh Hồng) trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) ngày 31 tháng 12. [Lời người dịch: Đây là một trong những nghi vấn của dự án Theo dõi Đập Mekong, vì nó chỉ cho thấy một sự kiện đã xảy ra mà không cho thấy nguyên nhân.  Dó đó, có thể có nhiều diễn dịch cho cùng một sự kiện.  Ở đây, lý do khiến mực nước ở Chiang Saen tụt xuống trên 1 m là để giảm mức sản xuất điện chứ không phải để trữ nước.]

Vào ngày 5 tháng 1, sau khi dữ kiện được công bố, Beijing (Bắc Kinh) cuối cùng thông báo cho Trung tâm Chỉ huy Nước Quốc gia (National Water Command Center) của Thái Lan rằng đập Jinghong sẽ giảm lưu lượng 47% từ ngày 5 đến 24 tháng 1 để “bảo trì lưới điện” (có lẽ để đáp ứng nhu cầu sau khi việc cúp điện tràn lan ở Trung Hoa được báo cáo sau khi cấm nhập cảng than đá từ Australia), mâu thuẫn với lời hứa trước đây để chia sẻ dữ kiện thủy học và thông báo trước cho các quốc gia ở hạ lưu việc điều hành đập.

Cái rõ ràng là một Mekong lành mạnh cần sự hợp tác chung của tất cả các quốc gia mà nó chảy qua.  Tuy nhiên, sự hiện diện của các diễn viên quốc gia và không quốc gia và các nghị trình khác nhau đã khiến nó trở thành một công việc khó khăn.

Hiện nay, 2 cơ quan, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)), đang dẫn đầu các nỗ lực để hàn gắn sông nhưng đường lối của họ chỉ một chiều, chỉ chú trọng vào việc cải thiện việc tiên đoán hạn hán để tránh mực nước thấp.  Mặc dù điều nầy quan trọng, ngăn chận các ảnh hưởng tiệu cực của đập và các dự án thủy điện cũng cấp bách cho hệ sinh thái mong manh nầy.

Các cơ quan độc lập đã thực hiện các nghiên cứu của họ cũng ghi nhận rằng các hoạt động đập chưa từng thấy đã làm thiếu phù sa, từng chảy xuống hạ lưu, bón đất, và giúp cá sinh sản.  Thật vật, ảnh hưởng của đập rất rõ khi nước Mekong ở hạ lưu trở màu trong xanh thay vì đục ngầu như thông lệ.

Nhưng việc điều hành và xây cất thêm đập tiếp tục thiếu kiểm soát không chỉ ở Trung Hoa mà còn ở Lào, đang dự trù xây hết đập như một phần của chiến lược “Bình điện của Á Châu” để xuất cảng điện, mặc dù không có người mua (Thái Lan đã dư điện và Covid-19 giảm nhu cầu thêm, theo Bộ Năng lượng).

Rõ ràng, đập không ra đi, vì thế cải thiện phải được thực hiện trong tiến trình hiện nay để tránh việc lặp lại các tình trạng đã thấy trong những năm vừa qua.

Nói thẳng ra, cần có một tiến trình dựa trên đối thoại, nhân nhượng, và tin cậy giữa tất cả các đối tác.  Nếu Trung Hoa nghiêm chỉnh về việc thực hiện một “cộng đồng Á Châu có chung vận mệnh” của họ để khuyến khích hòa bình khu vực, phát triển và thịnh vượng, họ phải cải thiện giây liên lạc của mình.  Trong khi đó, các quốc gia ở hạ lưu phải cùng nhau hành động để cân bằng chiến lược áp đảo ở thượng lưu của Trung Hoa.

Chỉ sau khi một đường lối dựa trên luật lệ được thiết lập mới có trách nhiệm và một viễn cảnh khác cho tương lai của Mekong và khu vực.

.