Sunday, August 30, 2020

MEKONG, NƠI TỤ HỌP CỦA THẢM HỌA


(In the Mekong, a Confluence of Calamities)

Courtney Weatherby and John Lichtefeld – Bình Yên Đông lược dịch
Foreign Policy – April 28, 2020

Người dân Cambodia phơi cá trong một làng dọc theo Tonle Sap ở Phnom Penh trong năm 2019, năm mà nước nầy đối mặt với một trong những trận hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử cận đại. [Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP]

Hạn hán cùng với đại dịch corona báo hiệu nguy hiểm cho an ninh lương thực.

Trong năm vừa qua, hạn hán nặng nề được các đập thủy điện ở thượng lưu làm nghiêm trọng thêm đã bóp nghẹt mức sản xuất nông nghiệp, hủy hoại ngư nghiệp, và đe dọa cuộc sống của hàng triệu người trong lưu vực Mekong.  Đại dịch coronavirus làm phức tạp thêm tình hình nầy, làm gián đoạn nguồn cung cấp và tăng giá gạo và các thức ăn chánh khác.  Mặc dù các chánh phủ Mekong đã cam kết với người dân của họ để bảo đảm các nguồn cung cấp thực phẩm, nhiều lo ngại đang gia tăng liệu thực phẩm có đầy đủ và vừa túi tiền cho dân số dễ tổn thương nhất trong khu vực.  Không có nơi nào mà những nguy cơ về sự bất ổn lượng thực rõ hơn ở Cambodia.

Đối với nông dân và ngư dân trên khắp lưu vực sông Mekong, coronavirus xảy ra vào lúc tệ hại.  Trong tháng 4 năm 2019, khu vực bắt đầu khổ sở vì trận hạn hán nghiêm trọng và kéo dài.  Hiện tượng thời tiết El Niño khiến tình trạng thiếu nước lan rộng, vì mưa mùa – thường bắt đầu từ tháng 5 và kéo dài đến tháng 10 để trồng vụ lúa chánh – đã không đến.  Các hồ chứa trên khắp khu vực bắt đầu cạn, và mực nước trong hạ lưu Mekong xuống đến mức thấp lịch sử.  Các đập của Trung Hoa ở thượng lưu Mekong làm cho ảnh hưởng của hạn hán thêm tồi tệ, hạn chế nước chảy xuống hạ lưu nơi nó có thể giảm bớt tình trạng khô hạn kỷ lục. [Lời người dịch: Điều nầy đã gây tranh cãi rất nhiều từ tháng 4 năm 2020.]

Các cộng đồng nông nghiệp thiệt hại lớn lao.  Vào tháng 7, Thái Lan tuyên bố tình trạng khẩn cấp trong 12 tỉnh và yêu cầu nông dân hoãn việc canh tác lúa để dùng số nước ít ỏi còn lại cho việc gia dụng.  Mực nước trong các hồ chứa vẫn thấp trong suốt mùa mưa, và vào đầu năm 2020, Bangkok huy động quân đội để cứu hạn trong 43 tỉnh.  Các ước tính sơ khởi cho thấy một sự tụt giảm mạnh từ 40 đến 54% sản lượng lúa trái mùa của nước nầy. 

Trong khi đó ở Lào, mực nước trong sông Mekong được ghi nhận gần 7 m dưới mức bình thường ở Vientiane.  Vì tình trạng khô khan, nông dân chỉ có thể canh tác lúa trên khoảng 40% diện tích đất có thể canh tác của quốc gia, và chánh phủ ước tính rằng sản lượng năm nay sẽ thấp hơn năm 2018 khoảng 17.500 tấn.  Việt Nam cũng đối mặt với những thách thức tương tự nhưng khá hơn.  Với dòng chảy trong Mekong giảm đi, nước mặn xâm nhập sâu vào trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long của nước nầy, gây thiệt hại cho trên 30.000 ha ruộng lúa.  Chánh phủ mau chóng cộng tác với nông dân để chuyển các mùa lúa và tránh rủi ro cho mùa chánh, và kết quả là, mức sản xuất của quốc gia được dự đoán chỉ giảm khoảng 3% trong năm 2020.

Cambodia bị thiệt hại nặng bởi hạn hán.  Vào tháng 12, khoảng 45.000 ha ruộng lúa bị thiệt hại, và 16 trong 25 tỉnh của nước nầy đối mặt với tình trạng thiếu nước.  Chánh phủ đề nghị nông dân nên bỏ mùa lúa thứ 2nd để tiết kiệm nước, và các tổ chức cứu trợ bắt đầu chia sẻ báo cáo về nông dân đang chật vật với nợ nần vì thất mùa.

Là một quốc gia đang phát triển, Cambodia vẫn còn lệ thuộc nặng nề vào nông nghiệp để duy trì cuộc sống và cung cấp thực phẩm.  Trợ cấp canh tác rất phổ biến – Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc ước tính rằng trên 70% nông dân Cambodia tham gia vào một trong các lề lối nầy – và thành phần nông nghiệp sử dụng trên 30% dân số, đóng góp trên 1/5 GDP của quốc gia.  Đa số đất canh tác được dùng để trồng lúa, và nông dân thường vay nợ để mua sắm những thứ cần thiết để làm mùa.  Đối với nhiều người, thất mùa hay mất mùa có thể là sạt nghiệp.

Cùng lúc với nông nghiệp trong khu vực bắt đầu khát nước, số cá đánh được của quốc gia đã sụp đổ.  Hệ thống sông Mekong là nền ngư nghiệp nước ngọt lớn nhất trên thế giới, thường cung cấp trên 2,6 triệu tấn cá hàng năm.  ¼ số nầy đến từ Cambodia và hầu hết từ hồ Tonle Sap.  Mặc dù mưa mùa trong năm 2018 đưa đến một sản lượng cá lớn hơn bình thường, thay đổi trong dòng chảy từ các đập thủy điện và thay đổi khí hậu, cùng với việc đánh bắt bừa bãi, khiến cho số lượng cá đánh bắt được trong những năm gần gây giảm xuống.

Sản xuất tự nhiên của sông Mekong do mưa: Lượng nước mưa làm cho phụ lưu nối hồ Tonle Sap với Mekong đảo ngược dòng chảy.  Dòng chảy đảo ngược nầy làm ngập hồ Tonle Sap và mang cá con vào các khu rừng và đồng lụt ở chung quanh hồ.  Khi mưa mùa chấm dứt, sông đảo dòng một lần nữa, và nước và cá lớn trở lại dòng chánh Mekong.  Lũ càng lớn, số cá đánh được càng nhiều.  Nhịp lũ nầy phần lớn không xảy ra trong năm 2019 vì hạn hán và sự can thiệp vào dòng chảy của các đập ở thượng lưu.  Vào tháng 10, ngư dân sống dọc theo hồ Tonle Sap báo cáo rằng số cá đánh được ít hơn trung bình từ 60 đến 70%.

Cũng như lúa, cá là một nguồn sinh sống chủ yếu của quốc gia.  Trên 2 triệu người Cambodia làm việc về thủy sản, chiếm khoảng 10 đến 18% GDP của Cambodia.  Cá cũng cung cấp khoảng 70% chất đạm tiêu thụ ở Cambodia, vì thế một sự sụt giảm đáng kể có thể đưa đến sự tăng vọt cấp thời của bất ổn lương thực.  Trong các cộng đồng dọc theo Tonle Sap, sự tụt giảm của số cá đánh được góp phần cho việc ra đi của lao động và buộc các gia đình phải vay nợ để trang trải chi phí hàng ngày.

Hạn chế mậu dịch đang làm đứt chuỗi cung cấp, và việc hạn chế đi lại vì coronavirus ngăn chận lao động làm việc ở nông trại.  Các quốc gia cần phải lui bước và ngưng hoảng hốt.

Chỉ số An ninh Lương thực Toàn cầu (Global Food Security Index) của Bộ phận Tình báo Kinh tế (Economist Intelligance Unit) liệt kê Cambodia gần hạng chót, 90 trong số 113 được lượng định.  Sự bất ổn lương thực tương đối của Cambodia phản ánh mức phát triển kinh tế vừa phải, cũng như thiếu sự đa dạng trong thức ăn vì quá lệ thuộc vào lúa và cá.  Ngay trong một năm bình thường, 1/5 dân số thiếu ăn, và suy dinh dưỡng ở khắp nơi.

Mặc dù thị trường toàn cầu có thể cung cấp thực phẩm thay thế cho số cá mất mất và sản lượng lúa giảm trong năm hạn hán, đại dịch coronavirus đưa đến tình trạng thiếu lương thực và giá cả tăng vọt ở nơi mà chuỗi cung cấp nội địa bị gián đoạn.  Nhu cầu cho thức ăn chánh như lúa và bột mì đã tăng vọt vì được tìm mua hớt hải.  Ở Cambodia, giá lúa ở Siem Reap tăng 33% từ tháng 3 đến tháng 4.  Ngay ở Thái Lan, có kho lúa quốc gia đáng kể, giá cả tăng trên 25% từ đầu năm, đạt mức cao nhất trong 7 năm.  Sau cá, heo tính đến nay là nguồn chất đạm được tiêu thụ rộng rãi nhất ở Cambodia.  Nhưng các đợt cúm heo Phi Châu liên tiếp ở Trung Hoa và láng giềng Việt Nam đã giới hạn nguồn cung cấp khu vực trong năm qua, đẩy giá lên trong các thị trường bị ảnh hưởng và trong các quốc gia lệ thuộc vào nhập cảng như Cambodia.

Dự trữ lúa ở Thái Lan và Việt Nam có vẻ dư để đáp ứng nhu cầu quốc gia, nhưng vì không biết chắc ảnh hưởng kinh tế của coronavirus, việc xuất cảng đã bị cấm để bảo đảm an ninh lương thực ở trong nước.  Vào tháng 3, Việt Nam tạm ngưng xuất cảng gạo trong thời gian ngắn và sau đó thay thế bằng định mức xuất cảng vào giữa tháng 4.  Các nhà phân tích tiên đoán số lượng xuất cảng của quốc gia sẽ giảm khoảng 40%.  Mặc dù Thái Lan hy vọng được lợi từ việc gia tăng xuất cảng gạo, chánh phủ đã yêu cầu sự hỗ trợ của thành phần tư nhân để bảo đảm cho việc cung ứng vững chắc thị trường nội địa và cấm xuất cảng trứng tiếp theo các báo cáo về việc tích trữ ở địa phương.  Cambodia đã áp dụng các biện pháp của mình, loan báo cấm xuất cảng một số gạo vào ngày 30 tháng 3, và ngày 4 tháng 4 cấm xuất cảng cá.  Các thương thuyết gia của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)) đã nhóm họp trong đầu tháng 4 để thảo luận luật lệ duy trì mậu dịch nông sản tự do nhưng không thể đi đến một thỏa thuận quan trọng.

Từ việc lượng định của mình, Cambodia phải có đủ dự trữ lương thực để đáp ứng nhu cầu quốc gia; tuy nhiên, viễn ảnh của các cộng đồng nông dân và ngư dân mang nợ nần thì không lạc quan.  Liệu thực phẩm vừa túi tiền có đến với người dân hay không trở thành vấn đề ngày càng nguy ngập khi khủng hoảng kéo dài và ảnh hưởng kinh tế gia tăng.  Việc cấm xuất cảng của quốc gia có thể có lợi ích ngắn hạn ở địa phương nhưng cũng có thể làm gián đoạn thêm chuỗi cung cấp và gây thiệt hại cho nông dân và ngư dân nếu không được quản lý cẩn thận.  Mặc dù giới tinh hoa và trung lưu trong thành phố có thể có biện pháp để bảo đảm có đủ thực phẩm vừa túi tiền, các cộng đồng nông thôn rải rác trong các làng mạc trên khắp nước có thể thấy hệ thống thực phẩm ở địa phương ít thích nghi hơn.

Trong những lúc bình thường, cơ chế thị trường và chuỗi cung cấp có thể thay thế cho việc thiếu hụt hay giá cả tăng vọt ảnh hưởng đến thức ăn chánh – nhưng đây không phải là lúc bình thường.  Người nghèo ở Cambodia có thể đối mặt với một sự tụ họp chưa từng thấy của mất lợi tức, thiếu cung cấp, giá thực phẩm cao, và sự gián đoạn chuỗi cung cấp.  Chánh phủ cần phải theo dõi cẩn thận tình hình nầy trong ngắn hạn và phải có những biện pháp để can thiệp trong trường hợp các cộng đồng nông dân và ngư dân không thể tự cung cấp cho họ.

Khi cuộc khủng hoảng cấp thời do sự đe dọa của coronavirus đã qua, Cambodia và các láng giềng vẫn phải đối mặt với thách thức lâu dài để bảo đảm một hệ thống sông Mekong khả chấp và tươi sáng.  Mặc dù thay đổi khí hậu do con người gây ra và hiện tượng thời tiết tự nhiên như El Niños nằm ngoài sự kiểm soát của những người hoạch định chánh sách, các chánh phủ Mekong có thể hành động ngay bây giờ để thi hành các chánh sách và quy định để giảm nhẹ ảnh hưởng của chúng trong tương lai.  Điều nầy gồm có việc thương thảo với Bắc Kinh để chia sẻ dữ kiện thủy học quanh năm của sông và việc điều hành các đập Trung Hoa ở thượng lưu.  Nó cũng gồm có một sự thăm dò các giải pháp thay thế cho các đập mới được dự trù hiện nay trên Mekong và các phụ lưu ở Lào, mà nếu được xây sẽ làm giảm thêm số cá đã tụt giảm.

Đại dịch coronavirus là một thách thức ngắn hạn khó khăn cho an ninh lượng thực của người dân dễ tổn thương nhất ở Cambodia.  Tuy nhiên, hạn hán là một vấn đề tái diễn trong vùng cần được đặc biệt đối phó để bảo đảm rằng khủng hoảng nông nghiệp sẽ không trở thành thông lệ.  Đối với Cambodia, là quốc gia lệ thuộc nặng nề vào nhịp lũ tự nhiên để cung cấp thực phẩm, bảo tồn dòng chảy tự nhiên của Tonle Sap phải là một ưu tiên hàng đầu.

Sơ lược về tác giả

Courtney Weatherbay là một phân tích viên nghiên cứu của các chương trình Đông Nam Á và Năng lượng, Nước, và Tính Khả chấp của Trung tâm Stimson.  Nghiên cứu của bà chú trọng đến những thách thức trong phát triển năng lượng và hạ tầng cơ sở khả chấp ở Đông Nam Á và Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhất là mối quan hệ thực phẩm-nước-năng lượng trong Mekong và vùng phụ cận.

John Lichtefeld là một học giả ngoại trú của các chương trình Đông Nam Á và Năng lượng, Nước, và Tính Khả chấp của Trung tâm Stimson, và là phó chủ tịch của Nhóm Á Châu.  Lãnh vực nghiên cứu của ông bao gồm an ninh môi trường và thích ứng chánh trị với thay đổi khí hậu ở lục địa Đông Nam Á.


.

No comments:

Post a Comment