Sunday, May 30, 2021

‘BẢN CHẤT’ CỦA LŨ LỤT SINH LỢI CỦA SÔNG MEKONG

 

(The ‘Nature’ of Beneficial Flooding of the Mekong River)

Carl Middleton – Bình Yên Đông lược dịch

Mùa nước nổi ở Đồng bằng sông Cửu Long. [Ảnh: Lục Tùng]

Phần giới thiệu

Lũ lụt là một sự kiện phổ biến ở lục địa Đông Nam Á (ĐNA) do ảnh hưởng của mưa mùa.  Trong nhiều thế kỷ qua, mưa mùa tây-nam, có thể đoán trước một cách hạn chế, cùng với hệ thống thời tiết xích đạo kể cả bão tố, đã hình thành xã hội và cuộc sống của người dân trong khu vực (Lebel and Sinh 2007).  Mặc dù nhiều vùng rộng lớn của khu vực vẫn duy trì đặc tính nông thôn và nông nghiệp, xã hội và lối sống cũng đang thay đổi khi khu vực trải qua các tiến trình kết hợp kinh tế, kỹ nghệ hóa, và đô thị hóa trong khung cảnh đào sâu và mở rộng mối quan hệ của thị trường tư bản (Kaosa-ard and Dore 2003).  Những biến đổi xã hội nầy làm thay đổi mối quan hệ của khu vực với mưa mùa, mặc dù thay đổi khí hậu cũng làm cho tương lai của khí hậu bấp bênh thêm (Rayanakorn 2011).

Với lũ lụt thường xảy ra ở lục địa ĐNA, không có gì ngạc nhiên khi tất cả lũ lụt không giống nhau.  Chế độ lũ lụt1 đa dạng xảy ra bao gồm đồng lụt bị ngập theo mùa, nước chảy tràn bờ bất thường, lũ quét trong vùng đô thị, đất chuồi và lũ quét ở vùng núi, ngập lụt ven biển, và sóng thần (Lebel et al. 2011).  Kinh nghiệm của những thứ lũ lụt khác nhau nầy hoàn toàn khác từ người nầy đến người khác tùy theo cuộc sống, vị trí, nhóm kinh tế-xã hội và tiếng nói chánh trị.  Thí dụ, nông dân và ngư dân ở nông thôn có mối quan hệ với lũ lụt rất khác với những người sống và làm việc trong các vùng đô thị hay lân cận.  Dù cho lũ lụt được cho là “tàn phá”, “sinh lợi,” hay “không có hại;” nói cách khác, tùy theo quan điểm của người trải qua lũ lụt và mối quan hệ của họ (Lebel and Sinh 2007).

Một số lũ lụt bị nhiều người cho là tàn phá.  Thí dụ, lũ lụt rộng lớn trong lưu vực Chaophraya ở Thái Lan vào cuối năm 2011, ảnh hưởng 65 trong 77 tỉnh của Thái Lan, gây thiệt hại cho trên 20.000 km2 đất canh tác, làm ngập nhiều vùng đô thị kể cả thủ đô Bangkok, phá hủy hạ tầng cơ sở công cộng và chế biến, gây thiệt mạng cho trên 800 người và ảnh hưởng trực tiếp cho 13,6 triệu người.  Lũ lụt đã làm xáo trộn lớn lao hoạt động kinh tế của Thái Lan, mà Ngân hàng Thế giới ước tính lên đến 45,7 tỉ USD, tính đến ngày 1 tháng 12 năm 2011 (World Bank 2011).

Những lũ lụt khác, tuy nhiên, được nhiều người xem là có lợi, nhất là lũ lụt do mưa mùa hàng năm đã hình thành một phần lối sống hàng ngày của nông dân và ngư dân.  Lũ lụt nầy hỗ trợ cho nông nghiệp thích ứng với lũ lụt, chẳng hạn như các hình thức trồng lúa khác nhau, và duy trì việc đánh cá tự nhiên trong các đồng lụt.  Thí dụ, trên khắp hạ lưu vực sông Mekong, từ phụ lưu vực Songkram và Khong-Chi-Mun ở đông bắc Thái Lan đến vùng chung quanh hồ Tonle Sap và khắp châu thổ Mekong trải dài từ Phnom Penh cho đến miền nam Việt Nam, có nhiều đồng lụt phong phú và thủy sản tự nhiên dồi dào.  Cuộc sống và an ninh lương thực của 60 triệu người sống trong lưu vực Mekong có liên quan mật thiết đến sông và tài nguyên thiên nhiên của nó. (MRC 2010).

Lũ lụt sinh lợi theo mùa, tuy nhiên, có thể tàn phá nếu chúng bất ngờ và rất lớn.  Trong trường hợp nầy, lũ lụt gây thiệt hại cho mùa màng và hạ tầng cơ sở, đe dọa an ninh lương thực, và có thể gây thiệt hại nhân mạng.  Thật vậy, một trận lũ lụt tương tự có thể có lợi cho một số người và tàn phá đối với một số người khác ở các nơi khác nhau trong cùng lưu vực sông.  Ngoài ra, một số lũ lụt từng được xem là có lợi nay trở nên tàn phá, nhất là lũ lụt đe dọa các khu đô thị đang phát triển nhanh chóng nằm trong các đồng lụt thấp, kể cả các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Bangkok.  Dù vậy, đối với lưu vưc sông Mekong, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) viết rằng “Lũ lụt và hạn hán…  cả hai đều bắt người dân trong lưu vực gánh chịu chi phí kinh tế và xã hội, nhưng lợi ích kinh tế của lũ lụt vượt quá chi phí.  Chi phí hàng năm trung bình của lũ lụt trong hạ lưu vực Mekong (LMB) là 60-70 triệu USD, trong khi giá trị trung bình hàng năm của lợi ích là 8-10 tỉ USD – khoảng 100 lần nhiều hơn” (MRC 2010).

Trong trường hợp lũ lụt tàn phá, ‘tính tổn thương’ của người dân đối với lũ lụt phản ánh câu chuyện rộng lớn hơn về bất công chánh trị và kinh tế xã hội, trong đó lũ lụt tàn phá thường ảnh hưởng những nhóm kinh tế xã hội thấp hơn và kém sức mạnh chánh trị (Wisner et al. 2004).  Tính dễ tổn thương tạo ra từ bất công xã hội và thiếu quyền hạn, nói cách khác, thiếu tiếp cận với chánh trị, tài nguyên kinh tế, xã hội và môi trường, thường là những tiến trình hòa giải thiên vị quyền lợi của một số nhóm (Collins 2010).  Thật vậy, dán nhãn cho một trận lũ lụt là ‘tai họa’ là một hành động chánh trị rõ rệt có thể đưa đến việc kiểm soát bất thường và gây hệ quả cho các hành động tiếp theo của những người có quyền hành và tính dễ tổn thương của nhóm người bị ảnh hưởng (Lebel and Sinh 2007).  Một trận lũ lụt thảm khốc không đơn thuần là một mối nguy tự nhiên, nhưng được xây dựng xã hội, với hệ quả cho môi trường và công lý xã hội.

Bài viết nầy xem xét làm thế nào mà những người hưởng lợi từ lũ lụt trong lưu vực Mekong có thể mất đi những lợi ích nầy vì các kế hoạch phát triển hạ tầng cơ sở nước lớn lao trên khắp lưu vực, nhất là các đập thủy điện, có thể làm xáo trộn chế độ lũ lụt của sông Mekong, hệ sinh thái và tài nguyên thiên nhiên.  Nói cách khác, bài viết nầy thám hiểm điều ngược lại cái nhìn của Wisner et al’s (2004) về mối liên hệ chánh trị giữa ‘thiên tai’ và tính dễ tổn thương, cho rằng mất mất lợi ích của lũ lụt có thể xem là một ‘tai họa’ của những người hiện được hưởng, mặc dù hạ tầng cơ sở nước làm thay đổi chế độ lũ lụt được hợp thức hóa bằng ‘phát triển’.  Bằng cách dùng các công cụ của sinh thái chánh trị, bài viết trước hết cứu xét làm thế nào người dân và xã hội tác động qua lại uyển chuyển với ‘thiên nhiên’ và bằng cách đó khái niệm hóa chế độ lũ lụt của sông Mekong như một ‘sự ráp nối thiên nhiên-xã hội.’  Rồi bài viết mô tả sự liên hệ giữa chế độ lũ lụt của sông Mekong với hệ sinh thái của nó, và thăm dò ai được lợi, nơi và làm thế nào lợi ích của lũ lụt hình thành trong lưu vực Mekong.  Đoạn, bài viết đưa ra một nhận xét về chiều hướng phát triển trong khu vực có tiềm năng biến đổi chế độ lũ lụt của sông Mekong, và nêu ra những rủi ro tiếm tàng và hệ quả của chúng đối với người dân bị tổn thương vì những thay đổi nầy?  Bài viết kết luận bằng cách thảo luận mối iên hệ giữa lũ lụt sinh lợi, tính dễ tổn thương, và công lý môi trường trong lưu vực Mekong.

XIN BẤM "READ MORE" ĐỂ ĐỌC TIẾP

Sunday, May 23, 2021

CÁC ĐẶC SỨ PHỦ NHẬN CÁO BUỘC BÁ QUYỀN NƯỚC CỦA TRUNG HOA TRONG CHUYẾN THĂM VIẾNG CÁ NHÂN

 (Envoys refute China’s water hegemony on Mekong River with in-person visits)

Hu Yuwei – Bình Yên Đông lược dịch

Global Times – May 10, 2021

Trạm thủy điện Jinghong trong tỉnh Yunnan ở tây nam Trung Hoa. [Ảnh: Hu Yuwei]

 .

Nằm trong tỉnh Yunnan (Vân Nam) ở Tây Nam Trung Hoa, hồ chứa nước của Trạm Thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) lấp lánh với sóng nước màu xanh lá cây hòa vào bầu trời xanh cuối tháng 4 khi các nhà ngoại giao từ các quốc gia Mekong đến viếng thăm.  Điều nầy đã cho họ một nhận thức hoàn toàn mới về vai trò của các đập do Trung Hoa xây trên sông Lancang, thượng lưu của sông Mekong nối liền 6 quốc gia duyên hà.

Các trạm thủy điện Jinghong và Nuozhadu (Nọa Trát Độ), được xây trên sông Lancang, từng là mục tiêu của nghi ngờ và tấn công của truyền thông Tây phương và một số lực lượng chánh trị mô tả chúng như là cửa ngỏ cho “bá quyền nước” của Trung Hoa trên sông Mekong qua việc kiểm soát thủy lộ bằng các đập.

Tuy nhiên, “Thấy là Tin” đã trở nên từ ngữ thông dụng nhất trong 4 ngày thăm viếng các trạm thủy điện của các đặc sứ từ 6 quốc gia duyên hà.  Những người khách đã công nhận những nỗ lực của Trung Hoa để bảo đảm nhu cầu nước ở hạ lưu trong mùa nắng và mùa mưa và để kiểm soát lũ lụt như “một láng giềng có trách nhiệm ở thượng lưu,” trong khi tìm hiểu về việc điều hành và kỹ thuật của các dự án thủy điện và sự đóng góp tiềm tàng của chúng trong việc điều tiết lũ lụt và quản lý hạn hán.

Công nhận qua quan sát tận mắt

Một vài lực lượng chánh trị hay các NGOs được chánh quyền hậu thuẫn từ một số quốc gia tiếp tục chỉ trích vai trò của Trung Hoa trong khu vực Mekong trong những năm gần đây và phóng đại “đe dọa đập” của Trung Hoa chỉ với bằng chứng và nguồn tin yếu kém.

Tuy nhiên, công nhận của các chuyên viên quốc tế và nhiều ấn bản nghiên cứu hàn lâm được duyệt nhóm đã bác bỏ lý lẽ của những cáo buộc không có cơ sở đó bằng cách dựa vào bằng chứng khoa học cho thấy rằng hạn hán ở hạ lưu phần lớn là do mưa ít và thời tiết cực đoan.

Những cáo buộc đó biến thành quỹ và phóng đại ảnh hưởng của Trung Hoa trong khu vực, nhưng sự thật là lưu vực sông Lancang chỉ chiếm có 20% của toàn thể Lưu vực sông Lancang-Mekong, trong khi lượng chảy tràn chỉ chiếm 13,5%, và mức tiêu thụ nước chỉ bằng 0,6% lượng chảy tràn của toàn lưu vực, Zhong Young, trưởng Nhóm Công tác Hỗn hợp về Hợp tác Thủy lợi của LMC [Lancang-Mekong Cooperation (Hợp tác Lancang-Mekong)] của Trung Hoa, nói với Global Times.

Các nhà nghiên cứu độc lập của Trung Hoa và các quốc gia Mekong khác, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) và các tổ chức quốc tế cho thấy rằng lượng nước chảy tràn của Lancang giảm dọc theo dòng chánh trong khi một số lớn phụ lưu ở trung và hạ lưu Mekong đóng góp một lưu lượng cao.

Nhưng trách nhiệm của Trung Hoa không bao giờ ngừng.  Dữ kiện mới nhất cho thấy trong 2 tháng qua, Trạm Thủy điện Jinghong đã xả nước nhiều hơn lưu lượng trung bình tự nhiên được đo đạc trong sông Mekong trong mùa khô hiện nay.

“Khi tôi nghe các quốc gia Tây phương nói về thiệt hại do các đập của Trung Hoa gây ra cho sông Mekong, tôi cảm thấy nó rất nghiêm trọng.  Nhưng khi tôi đến để thấy, sự thật hoàn toàn khác với cái họ nói.  Các đập rất tốt để bảo vệ môi trường và thú hiếm, và nhất là để ngừa lũ lụt và hạn hán trong các quốc gia ở hạ lưu,” Sreng Sataro, đặc sứ của Tòa Đại sứ Cambodia ở Trung Hoa, nói với Global Tiems sau chuyến viếng thăm.  “Anh thấy truyền thông Tây phương bỏ qua sự kiện như họ làm với quốc gia của tôi,” ông ghi nhận.

Một số phái đoàn từ các quốc gia duyên hà nói với Global Times rằng cuộc thăm viếng đã thay đổi nhận thức của họ về các dự án thủy điện ở thượng lưu.

“Không chắc để nói các đập của Trung Hoa đang gây vấn đề ở hạ lưu.  Một số đập ở Lào có sự tham dự của các chuyên viên Trung Hoa.  Họ đã làm rất tốt để cải thiện điều kiện sống của người dân và mang thêm công việc,” Thongsavanh Phyathep, đặc sứ của Tòa Đại sứ Lào ở Trung Hoa, nói với Global Times.

“Chúng tôi lo ngại về việc xây đập nhưng khi chúng tôi thấy cái mà chúng đã làm, tôi cảm thấy mừng.  Chúng giữ cho thiên nhiên được tốt.  Nó có vẻ rất an toàn.  Đây là một kinh nghiệm tốt mà tôi thấy bằng mắt ngày hôm nay,” Phyathep nói.

Đặc sứ của các quốc gia viếng thăm Trạm Thủy điện Jinghong trong tỉnh Yunnan ở Tây Nam Trung Hoa ngày 28 tháng 4 và tìm hiểu về kỹ thuật trong việc điều tiết nước khi có lũ lụt và hạn hán. [Ảnh: Hu Yuwei]

.

“Năm 2016, các quốc gia sông Mekong gánh chịu trận hạn hán tồi tệ nhất trong 100 năm.  Trung Hoa đã có những nỗ lực đúng lúc để xả nước từ đập vào khu vực hạ lưu Mekong và đã giảm nhẹ có hiệu quả hạn hán trong các quốc gia Mekong đó,” Htun Htun Oo, đệ nhị bí thư của Tòa Đại sứ Myanmar ở Trung Hoa, nói.

Mongkol Visitstump, tổng lãnh sự của Thái Lan ở Kunming (Côn Minh), Yunnan cũng cám ơn cuộc viếng thăm và nói rằng nó cho phép chúng tôi “hiểu tình hình thật sự của sông Lancang và vùng thượng lưu ở Trung Hoa bằng chính mắt của chúng tôi và thu thập tin tức từ chính tai và có thể học hỏi với tinh thần cởi mở.”

Đầu tư liên tục vào môi trường

Các đặc sứ rất cảm kích với “những lề lối thực hành tốt của các nhà phát triển đập trong việc chăm sóc môi trường chung quanh” sau khi thăm viếng một làng tái định cư sinh động, một trạm gây giống cá và một trạm cứu nạn thú vật, cùng với Trạm Thủy điện Nuozhadu, tất cả là một phần của các nỗ lực của chánh quyền địa phương để duy trì đa dạng sinh học.

Trong cuộc viếng thăm, Global Times được biết rằng Trung Hoa đã cứu xét ảnh hưởng của việc xây các trạm thủy điện trên sông Lancang đối với hệ sinh thái ở hạ lưu và đã điều chỉnh một số kế hoạch của dự án để bảo đảm cho các lòng lạch của di ngư không bị ảnh hưởng.

Việc xây cất các dự án thủy điện bao gồm nhiều phương pháp lấy nước và sự tăng trưởng của cá và các trạm thả cá để bảo vệ các loại cá ở địa phương.

“Chúng tôi thường điều chỉnh nhiệt độ của nước cho việc sinh sản của cá và theo dõi chặt chẽ sự di chuyển của cá theo tiêu chuẩn quốc gia,” Zhou Jian, phó chủ tịch của Công ty Thủy điện sông Lancang Huaneng, nói với Global Times trong cuộc viếng thăm.

Chánh quyền địa phương và các nhà thầu không những cứu xét áp lực của nhu cầu nước đối với sinh thái sông mà còn đầu tư một số tiền lớn để tối ưu hóa thiết kế kỹ thuật và xây các trạm gây giống và thả cá để giảm thiểu ảnh hưởng tai hại cho môi trường ở hạ lưu.

Các nhà thầu dời các cây cối quý giá nằm trong hồ chứa của đập đến một vườn bách thảo riêng biệt để bảo tồn.  Họ cũng giữ các loại cây ít có khả năng sinh sản trong hồ chứa qua việc gây giống nhân tạo, Zhou nói.

Các nhà khoa học bảo tồn một loại lúa có nguy cơ tuyệt chủng ở vườn bách thảo của Trạm Thủy điện Nuozhadu. [Ảnh: cnsphoto]

 

Thách thức cần cộng tác minh bạch

Nước đã trở thành một trong những vấn đề cốt lõi cho việc phát triển khả chấp của 6 quốc gia duyên hà.  Điều nầy nằm trong bản chất của mâu thuẫn giữa cai quản nước và áp lực ngày càng tăng để thực hiện phát triển khả chấp nguồn nước, Zhong nói, nhấn mạnh rằng sự cần thiết và quan điểm chung để các quốc gia Mekong thắt chặt hơn để phát triển thêm.

Tình hình đã khiến cho 6 quốc gia duyên hà phát triển việc hợp tác nguồn nước mạnh mẽ hơn qua đường lối cởi mở và minh bạch hơn, các đặc sứ nói.

Từ năm 2003, Bộ Thủy lợi Trung Hoa đã cung cấp dữ kiện thủy học sông Lancang trong mùa lũ cũng như bão tố, hạn hán và tin tức về lũ quét và tình hình bất thường cho Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt Nam trong 18 năm liên tục.  Điều nầy đã giúp ngăn ngừa và giảm thiểu thiệt hại của tại họa trong các quốc gia Mekong.

Các đặc sứ cũng khen ngợi Trung Hoa đã bắt đầu chia sẻ dữ kiện thủy học quanh năm với các quốc gia Mekong kể từ tháng 11 năm 2020, và các nỗ lực để phát động một diễn đàn chia sẻ tin tức để cho việc trao đổi có hiệu quả hơn.

 .

NÔNG DÂN CAMBODIA KHÔNG THỂ DỰA VÀO HỒ TONLE SAP NỮA

 (Cambodian farmers can no longer rely on the Tonle Sap lake)

Gerald Flynn and Phoung Vantha – Bình Yên Đông lược dịch

The Third Pole – May 10, 2021

Nông dân phun thuốc trừ sâu trên đồng lúa ở Raeng Kesei trong tỉnh Battambang, phía tây Cambodia. [Ảnh: Alamy]

 

Ngập lụt theo mùa của hồ nước ngọt lớn nhất Á Châu đang bị xáo trộn bởi các đập ở thượng lưu và thay đổi khí hậu – và ảnh hưởng đến 4,8 triệu người.

“Tôi thấy sản lượng của nông trại của tôi thấp hơn mỗi năm kể từ năm 2017 hay 2018 – không có đủ nước,” Yoeum Yoeut nói.

Yoeut, 52 tuổi, là một cư dân lâu đời của huyện Baran thuộc tỉnh Battambang ở tây bắc Cambodia.  Cuộc sống của bà luôn luôn dựa vào lũ lụt tự nhiên của hồ Tonle Sap và các phụ lưu của nó, nhưng thay đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các đập ở thượng lưu đã chấm dứt điều đó.

“Năm ngoái, mùa màng không tăng trưởng như thường lệ.  Sản lượng của tôi có thể bằng 70% cái mà tôi mong mõi – và năm ngoái còn tồi tệ hơn năm 2019.  Mỗi năm, mưa khó đoán hơn, có ít nước trong sông Sangke và chúng tôi đều nhận thấy,” Yoeut nói.  Bà thêm rằng người dân ở phía tây của Quốc lộ 5, một con đường chạy dọc theo bờ phía nam của Tonle Sap, “không còn nước nữa”.

“Họ có kinh và mương thủy nông, nhưng chúng khô cạn trước mùa thu hoạch.”

Không có mưa trong 6 tháng qua, Yoeut phải bơm nước từ sông Sangke, một phụ lưu dài 250 km chảy vào hồ Tonle Sap.  Dùng máy bơm dầu và mương do bà đào, Yoeut chuyển nước từ sông Sangke ở xa ½ km vào một ao chứa nước.

Có lúc, bà nhớ lại, lúa có thể trồng trong mùa mưa và khô.  Nhưng nay trong mùa mưa, từ tháng 10 đến tháng 4, Yoeut phải quay sang trồng xoài và các hoa màu khác cần ít nước.

“Kể từ khi có Covid-19, không có chợ.  Giá xoài sụt giảm và chưa có mưa để trồng lúa, vì thế mỗi 2 ngày tôi phải chi 100.000 riel [khoảng 25 USD] cho dầu chạy máy bơm.  Tôi đang chật vật để không bị lỗ.”

Nhịp bất thường của Tonle Sap

Từng là xương sống của kinh tế Cambodia, tổng sản lượng quốc gia (GDP) của nông nghiệp giảm từ 47% trong năm 1995 xuống còn 20% trong năm 2019.  Nhưng năm ngoái, Covid-19 đã ngăn trở những thành phần khác của kinh tế, khiến cho Hun Sen, thủ tướng của Cambodia, khuyến khích việc trở lại đồng ruộng trong tháng 8 năm 2020.  Viện Hàn lâm Hoàng gia Cambodia tiên đoán rằng nông nghiệp có thể đóng góp 32% GDP trong năm nay.

Tuy nhiên, việc lệ thuộc vào canh tác bị cản trở bởi các đập thủy điện ở thượng lưu ở Trung Hoa và Lào, đã thay đổi lớn lao nhịp tự nhiên của nguồn nước trong khu vực.

Trung Hoa có 11 đập đang hoạt động trên sông Mekong trong lãnh thổ của họ, được gọi là Lancang.  Thêm 11 đập trên dòng chánh trong các giai đoạn khác nhau từ hoạch định đến hoàn tất ở Lào và Cambodia, 10 trong số đó liên quan đến đầu tư của Trung Hoa.

Mỗi năm, lũ lụt Mekong và đảo ngược dòng chảy của sông Tonle Sap, khiến cho hồ Tonle Sap phình ra 5 lần lớn hơn diện tích trong mùa khô và tạo nên hồ và thủy sản nước ngọt lớn nhất Á Châu.  Chu kỳ tự nhiên nầy, đã đến muộn trong 2 năm qua, gây thiệt hại cho thủy sản và ảnh hưởng đến nông nghiệp.

Kong Chhum, 71 tuổi, sống cả đời trong tỉnh Battambang – khoảng 70 km từ bờ hồ Tonle Sap trong huyện Thma Koul.  Mặc dù mùa khô nầy đem lại cho Chhum sản lượng lúa tốt, ông lo ngại về mùa bất thường.

Cái may mắn của Chhum là ở gần hồ chứa nước Pheas, ở đông bắc của hồ Tonle Sap.  Trong những năm gần đây, hồ chứa nước Phaes đã được phục hồi, vì thế nó rộng đến 300 hectares trong mùa khô và 500 hectares trong mùa mưa.  Nó phục vụ 9 huyện trong Battambang, kể cả Thma Koul.  Đối với Chhum, điều nầy có nghĩa là việc trồng lúa đã trở thành hoạt động quanh năm, cung cấp ổn định cần thiết.  Nhưng những nông dân khác trên khắp huyện Aek Phnum và Thma Koul, nhiều người ở trong khu vực Tonle Sap, đã bị thiệt hại nặng nề vì lũ lụt sụt giảm.

Bốn năm trước, nguồn nước suy yếu dần đã thay đổi cộng đồng của Chhum, khi nhiều người tìm cách di chuyển đến gần hồ hơn.  “Có những xung đột…  các cộng đồng đánh nhau vì nước khi các dòng suối [các nhánh cùa sông Sangke] bắt đầu khô cạn.  Không có đủ nước cho mọi người,” Chhum nói.

Vấn đề thêm phức tạp vì đe dọa ngày càng tăng đối với số cá từ các đập ở thượng lưu.  Trước đây, việc đánh cá có thể bổ túc cho canh tác và bù trừ cho những mất mát tài chánh và sinh kế do các hiện tượng thời tiết cực đoan.  Nay, tất cả nguồn nước của Cambodia – duy trì việc đánh cá và canh tác chung quanh lưu vực Tonle Sap – đang lâm nguy, tạo vấn đề cho 4,85 triệu người Cambodia sống trên khắp 8 tỉnh trong khu vực Tonle Sap.

‘Không có cá, lũ lụt, du khách hay việc làm ở nước ngoài’

“Đại dịch, mực nước lũ thấp, giá cả lên cao cùng với việc đánh cá và canh tác – tất cả có ảnh hưởng tiêu cực đối với cộng đồng ở đây,” Hou Savy, trưởng Hiệp hội Du lịch Kampong Khleang ở tỉnh Siem Reap, nói.  Ông nói ông đã thấy cộng đồng chật vật qua đại dịch Covid-19, nhưng trước virus rất lâu, họ đã đối mặt với mối đe dọa thầm lặng và từ xa khác.

“Người dân rất lo ngại về các đập.  Mặc dù Covid-19 đã giết chết du lịch và giá nông sản, các đập đang giết chết Tonle Sap.  Người dân từng có thể đi sang Thái Lan, nơi luôn có việc làm, nhưng hiện nay không còn,” ông nói.

Không có di dân hay du lịch, Savy nói, người dân của huyện Kampong Khleang chú ý nhiều hơn đến mực nước tụt giảm gần đây.

“Đây không phải là đe dọa ở xa – nó đang xảy ra.  Mực nước thấp đã là vấn đề trong nhiều năm, nhưng nay không có thị trường cho bất cứ sản lượng mà chúng tôi có thể sản xuất,” ông nói.

“Không có cá, không có lũ lụt, không có du khách và không có việc làm ở nước ngoài – thật là khó khăn.  Tôi sẽ bán cá hay hoa màu của tôi với giá thấp,” ông nói thêm.  “Giá cả chúng tôi bán không thể chấp nhận được, nhưng nếu có người mua, chúng tôi sẽ bán.  Tất cả chúng tôi đều có nợ phải trả và họ [các tổ chức tài chánh] muốn tiền lời của họ.”

Nợ của Savy có khoảng 400 USD tiền lời mỗi tháng.  Nhưng ông không đơn độc trong việc trả các khoản nợ dùng để tài trợ các hoạt động canh tác: chi phí canh tác gia tăng, nhất là nước dẫn thủy, đã ăn bớt lợi tức của nhiều nông dân.

Ly Map cũng sống trong huyện Kampong Khleang.  Mùa lúa trong mùa khô của bà đã thất bại từ năm 2017 và nay, với thu hoạch trong mùa mưa chỉ đủ để trả lại cho ngân hàng.

“Tôi vay 10.000 USD cho nông trại của tôi, nhưng những ngày nầy tôi dùng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu.  Sản lượng càng ngày càng tệ.  Tôi có khoảng 40 hectares, nhưng tôi cho mướn một phần,” bà nói.  “Tôi lỗ khoảng 7.000 USD với sản lượng hàng năm mang lại khoảng 23.000 USD.  Tôi vẫn phải trả tiền lời cho khoản nợ,” bà nói.

Trên đồng lụt, nhiều người địa phương tin rằng vấn đề của họ bắt đầu ở thượng lưu.  “Những ngày nầy, người dân nói nó là do các đập, các đập ở Trung Hoa, đang chận nước…  Nếu tôi không thể canh tác, tôi không biết phải làm gì – tương tự với mọi người ở đây,” Map nói.  “Không có hỗ trợ, ngay cả các NGOs.”

Dẫn tưới một quốc gia

Sự lệ thuộc ngày càng tăng trên dẫn thủy và ảnh hưởng theo sau trên khắp khu vực Tonle Sap rất khó để đo lường.  Nghiên cứu năm 2019 cho thấy rằng gần 30% nông trại trên cả nước dựa vào thủy nông, mặc dù việc xếp loại theo hoa màu thay vì khu vực khiến rất khó để biết việc lệ thuộc vào thủy nông của Tonle Sap khu vực Tonle Sap đã thay đổi như thế nào.

Năm 2019, hạn hán tồi tệ nhất thế kỷ đã xảy ra.  Sau đó, trong tháng 2 năm 2021, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), một hội đồng cố vấn khu vực gồm đại diện của Cambodia, Lào, Thái Lan và Việt Nam, tường trình rằng mực nước thấp trong sông – dẫn vào hồ Tonle Sap và hỗ trợ nông nghiệp của các đồng lụt – rất “đáng ngại” sau khi nhiều khúc sông Mekong trở màu xanh.

“Cả các dự án hạ tầng cơ sở trong sông lẫn thay đổi khí hậu góp phần làm cho mực nước thấp,” Khoy Rada, một cố vấn nghiên cứu chuyên về phát triển nông nghiệp của Angkor Research and Consulting, nói.  Thay đổi khí hậu, Rada nói, có nghĩa là nhiệt độ cao hơn, hạn hán nặng nề hơn và ít mưa.  Điều nầy đưa đến mực nước ngầm thấp và độ bốc hơi cao hơn trong các nguồn nước hiện hữu – tất cả phức tạp thêm vì thay đổi cách sử dụng đất.

Các cộng đồng dọc theo Mekong, nhất là các cộng đồng dựa vào Tonle Sap, tất cả đều bị ảnh hưởng, Rada nói.  Ông ca ngợi các nỗ lực của chánh phủ để cải thiện lề lồi canh tác nhưng ít lạc quan về cơ hội của Cambodia để ảnh hưởng thay đổi ở thượng lưu.

“Đối với hạ tầng cơ sở trên dòng nước, nó là một vấn đề xuyên biên giới.  Các quốc gia [ở hạ lưu] đã cố gắng để ngăn chận việc xây đập hay yêu cầu các quốc gia ở thượng lưu hợp tác, nhưng điều đó có vẻ không có hiệu quả,” ông nói.

Yin Savuth, giám đốc Nha Thủy học và Công tác Sông của Bộ Thủy lợi và Khí tượng Cambodia, thừa nhận các vấn đề của thay đổi khí hậu và mưa ít, nhưng cũng ghi nhận rằng các đập đã góp phần vào những thách thức mà nông dân Cambodia phải đối phó.

“Như những năm trước đây, chúng tôi ghi nhận rằng lượng mưa rất thấp trong vùng Mekong, nhưng nước của Cambodia thường đến từ mưa và nước ở thượng lưu, vì thế chúng tôi không thể kết luận rằng mực nước thấp là do thiên tai hay chỉ các đập – mà cả hai,” ông nói.

Xung đột nước

Bất kể nguyên nhân gốc, xung đột liên quan đến nước đang gia tăng, với nông dân đào các mương dẫn thủy để dẫn nước vào nông trại của họ.

“Người dân ở chung quanh Tonle Sap bị siêu áp lực nước,” Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Stimson, nói.  Eyler nói nông dân ở xa bờ hồ hơn đang nhận thức rằng lũ lụt có thể không đến nữa và buộc phải ngân chận nước trước khi nó chảy vào hồ Tonle Sap từ các phụ lưu.

Sự phát đạt của các đập nhỏ thường được xây, ông nói, mà không có sự chấp thuận của chánh quyền, đã tạo nên một chu kỳ ăn trộm nước.

“Làng kế cận ở hạ lưu bị ăn trộm nước.  Các dòng suối không thể chuyển nước và tôi nghe nói rằng nó đang trở nên đáng sợ vì hiện tượng ăn trộm nước đã xảy ra trong cả thập niên qua,” ông nói.

Đáp lại với những lo ngại của quần chúng, trong năm 2020, Cambodia đã trì hoãn 10 năm việc xây đập trên dòng chánh Mekong.

Với Trung Hoa đồng ý chia sẻ thêm dữ kiện ở thượng lưu và theo dõi dữ kiện tức thời qua Theo dõi Đập Mekong (Mekong Dam Monitoring), hiện đang có nhiều tin tức hơn bao giờ về ảnh hưởng của các đập trên dòng chánh.

“Chúng ta sắp có dữ kiện để biết và xác định làm thế nào việc điều hành đập ở thượng lưu ảnh hưởng đến nhịp lũ của Mekong.  Có thể trong 6 đến 12 tháng, chúng ta sẽ biết chắc chắn làm thế nào các đập nầy làm giảm cường độ của nhịp lũ, trên khối lượng thật sự,” Eyler nói.  “Khoa học đang bắt đầu để đồng ý rằng ảnh hưởng lâu dài của việc điều hành đập ở thượng lưu sẽ sâu đậm hơn ảnh hưởng của thay đổi khí hậu.”

Eyler nói Cambodia có ít lựa chọn nhưng hợp tác với láng giềng Việt Nam ở hạ lưu và thăm dò các nỗ lực phối hợp để tái kiến tạo các đập hiện hữu ở hạ lưu để tạo nên nhịp lũ nhân tạo.

Nhưng để làm điều nầy, Eyler cảnh báo, Cambodia trước hết phải thừa nhận đe dọa của các đập của Trung Hoa – cái mà ông công nhận là sẽ khó khăn về mặt chánh trị, vì một số viên chức chánh phủ tiếp tục bác bỏ vấn đề một cách công khai.

Sơ lược về tác giả

Gerald Flynn là một phóng viên độc lập ở Cambodia.  Ông phụ trách các vấn đề môi trường và xã hội, cộng tác với Mongabay, New Naratif, VOD English, Cambodianess và Southeast Asia Globe.

Phoung Vantha là một phóng viên Cambodia ở Phnom Penh.  Ông tường trình cho Cambodianess và là phóng viên độc lập về các vấn đề xã hội, nhân quyền và môi trường, gồm có ảnh hưởng đến sức khẻ, các giải pháp thay đổi khí hậu và đốn gỗ trái phép.

.