Wednesday, September 30, 2020

Ls Lưu Tường Quang - Biển Đông và Vấn đề Sông Mekong: Thử thách lớn cho Việt Nam trong vị trí kép năm 2020 tại Asean và Hội đồng Bảo an LHQ

29/9/2020

Những chấm là các đập thủy điện

 

Vấn đề Sông Mekong hầu như bị bỏ quên trong hầu hết những phát biểu của lãnh đạo Đảng Cộng Sản trong Bộ Chính Trị, cũng như trong chính phủ, khi họ hoạch định hướng đi và sách lược của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt nam trong năm 2020.  Thế nhưng Biển Đông và Mekong đều có tầm quan trọng như nhau và thiết yếu cho sự độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và trường tồn của đất nước Việt nam.

2020 là năm Đại dịch Covid 19 và do đó phương thức sinh hoạt ngoại giao đa phương đã và đang phải được tổ chức trực tuyến /online với kỹ thuật mới, nhưng không phải vì thế mà Việt Nam không thể đóng vai chủ nhà với tư cách là chủ tịch luân phiên hàng năm của Tổ chức Asean. Vai trò nầy ngắn so với 24 tháng mà Việt Nam làm thành viên không thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (LHQ). Phó thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Bình Mình coi vai trò kép nầy là cơ hội thuận lợi cho Việt nam trong lãnh vực bang giao quốc tế.

Nếu Việt Nam có thể coi Đại dịch Covid 19 là một trở lực và 2020 là một năm “đã mất” thì đây có vẻ không phải là tầm nhìn từ Bắc Kinh. Trung Quốc đã lợi dụng Đại dịch Covid 19 để phát động phương thức ngoại giao khẩu trang và đáng kể hơn là ngoại giao chủng ngừa /vaccine như là quyền lực mềm để bổ túc cho thể đứng quân sự của họ tại Biển Đông và vị trí địa dư của họ với tư cách quốc gia thượng nguồn sông Mekong.

Khi kiểm điểm thành quả trong năm 2019 và định hướng năm 2020, Ông Phạm Bình Minh xác quyết là quan hệ Việt-Mỹ ở mức độ đối tác toàn diện và Việt-Trung ở mức độ cao nhất là đối tác chiến lược toàn diện, đã được ổn định và tiếp tục ổn định.

Liên quan đến Biển Đông, Ông Phạm Bình Minh coi đó là vấn để bảo vệ “chủ quyền thiêng liêng” rồi ông lặp lại những gì mà những người tiền nhiệm của ông đã nhiều lần nói đến: “Vấn đề quan trọng là các nước phải tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng Công ước Luật Biển 1982. Đây là điều quan trọng nhất, cũng là việc chúng ta phát huy vài trò. Khi Việt Nam tham gia vào Hội đồng Bảo an LHQ, cũng như các tổ chức quốc tế khác, Việt Nam luôn nêu cao vấn đề tăng cường chủ nghĩa đa phương, tức là các cơ chế đa phương, và tôn trọng luật pháp quốc tế. Ở Biển Đông cũng vậy”.

Mười năm trước đây, khi Việt nam giữ vai trò chủ tịch luân phiên Tổ Chức Asean 2010, Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, với tư cách Chủ tọa Hội Nghị Diễn Đàn Khu Vực Asean (ARF) đã ghi nhận như sau: “Các vị Bộ trưởng (tham dự Hội Nghị ARF) khuyến khích các bên liên hệ tiếp tục tự chế và phát huy những biện pháp tạo niềm tin trong khu vực cũng như hoan nghênh những cam kết của họ nhằm giải quyết những tranh chấp tại Biển Nam Trung Hoa bằng phương tiện hòa bình theo tinh thần của Bản Tuyên Bố Ứng Xử (DOC) và công nhận những nguyên tắc của Luật Quốc Tế, kể cả Công Ước Luật Biển LHQ (UNCLOS 1982).

Vào ngày 12-09-2020, trong tư cách chủ tọa Hội Nghị ARF, Ông Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh “yêu cầu thượng tôn pháp luật, tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982”. Phó Thủ tướng khẳng định ASEAN sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.

Và trong Bản Thông Cáo Chung ARF mà Ông Phạm Bình Minh phổ biến, có đoạn ghi nhận như sau: “Các vị Bộ trưởng (tham dự Hội Nghị ARF) tái xác nhận nhu cầu cải thiện niềm tin hỗ tương, cung cách tự chế để tránh các sinh hoạt làm phức tạp tình hình hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định cũng như tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Các vị Bộ trưởng tái xác nhận thêm nhu cầu theo đuổi giải quyết hòa bình những tranh chấp, đúng theo những nguyên tắc đã được công nhận phổ quát bởi luật quốc tế kể cả Công Ước LHQ về Luật Biển UNCLOS 1982.                                       

Tôi tin rằng sau Đại Hội Đảng lần thứ 13 vào đầu năm 2021, nếu Ông Phạm Bình Mình được lên chức và không còn giữa chức vụ hiện tại, người kế nhiệm ông cũng có thể sẽ lặp đi lặp lại công thức nầy, như chính ông đã nhại lại hầu như nguyên văn phát biểu của Ông Phạm Gia Khiêm 10 năm trước đây.

Mười năm không phải là một thời gian ngắn trong bang giao quốc tế. Thật ra, thế giới đã thay đổi rất nhiều trong khoảng thời gian nầy. Hồi năm 2013, Tổng bí thư Tập Cận Bình đã phát động Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) để thực hiện Giấc Mộng Trung Hoa làm bá chủ thiên hạ. Từ năm 2015, tại Biển Đông, Bắc Kinh đã xây dựng bất hợp pháp 5, 7 Đá (reefs) thành đảo nhân tạo tại Quần đảo Trường Sa của Việt nam và tiếp tục không ngừng chương trình quân sự hoá tại Trường Sa, mà Bắc Kinh đã chiếm đoạt của Việt nam hồi năm 1988 – cũng như tại Hoàng Sa mà Bắc Kinh đã cưỡng chiếm hồi đầu năm 1974, sau cuộc chiến với Hải quân Việt Nam Cộng Hoà.

Tuy Ông Phạm Bình Minh đề cập đến vài tiến bộ trong việc thảo luận giữa Trung Quốc và Asean về một Bộ Qui Tắc Ứng Xử – Code of Conduct (COC), nhưng điều này có dẫn đến một COC có hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982 hay không là một việc mà chúng ta phải chờ xem và có lẽ phải chờ rất lâu.

Bản đồ Đường Lưỡi Bò

Từ khi được bổ nhiệm thay thế Ông Yang Jiechi / Dương Khiết Trì hồi tháng 3 năm 2013 trong vai trò Bộ trưởng Ngoại giao, Ông Wang Yi /Vương Nghị đã đưa ra nhiều điểm nguyên tắc, cam kết đầy mạnh việc thương thuyết với Asean, nhưng điều mà Bắc Kinh không thay đổi và không nhân nhượng trong vòng 20 năm qua là Bộ Qui Tắc Ứng Xử nầy sẽ không áp dụng đối với quần đảo Hoàng Sa mà Bắc Kinh coi là vấn đề song phương giữa Việt nam và Trung Quốc. Mặc dầu vậy, Bắc Kinh vẫn luôn luôn từ chối thảo luận về Hoàng Sa với Việt nam và xác quyết chủ quyền đối với quần đảo nầy trên cơ sở quyền lịch sử đã có từ xa xưa (trái với luật quốc tế và đặc biệt là Công Ước UNCLOS 1982).

Vấn đề cốt lõi thứ nhì là tính cách ràng buộc pháp lý của COC. Lập trường của Asean, kể cả Việt nam, là COC phải là Bộ Qui Tắc Ứng Xử có tính cách ràng buộc pháp lý. Từ khi được đồng thuận và áp dụng trong 20 năm qua, Bản Tuyên Bố Ứng Xử DOC chẳng những không có tính cách ràng buộc pháp lý mà còn được / bị diễn dịch tùy tiện bởi Bắc Kinh.

So với 10 năm trước đây, thế hệ ngoại giao Việt nam ngày nay chuyên nghiệp và linh hoạt hơn về mặt vận động hậu trường cũng như phát biểu tại các diễn đàn quốc tế. Tuy vậy, đó chỉ là những cải tiến về mặt sinh hoạt ngoại giao trong khi mục tiêu của sinh hoạt vẫn hãy còn xa vời, vì Bắc Kinh vẫn tiếp tục dậm chân tại chỗ về mặt nội dung.

Lãnh vực mà Bắc Kinh không dậm chân tại chỗ là xây dựng cấu trúc hành chánh và hạ tầng để củng cố thế đứng về mặt chủ quyền pháp lý và tăng cường sức mạnh quân sự tại Biển Đông, trước và sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA tại The Hague công bố phán quyết ngày 12.07.2016. Trong vụ kiện giữa Philippines chống Trung Quốc về Đường Lưỡi Bò 9 đoạn, Tòa PCA bác lập luận quyền lịch sử của Bắc Kinh và tuyên bố xác quyết chủ quyền biển của Bắc Kinh là bất hợp pháp. Phán quyết PCA là sau cùng và có tính cách rằng buộc, nhưng Bắc Kinh đã từ chối chấp nhận và thi hành.

Hồi năm 2012, Bắc Kinh đã thiết lập Thành phố Tam Sa mà chính quyền được đặt tại Đảo Phú Lâm của Việt nam và trực thuộc Tỉnh Hải Nam. Đảo Phú Lâm và ít nhất là 3 đảo nhân tạo khác tại Trường Sa (Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi) còn có những thiết bị quân sự, được coi là những tiền đồn thuộc Chiến Khu Nam Hoa và trực tiếp đe dọa Việt nam.

Bắc Kinh còn lợi dụng thời kỳ Đại dịch Covid 19 để gia tăng hoạt động quân sự và kinh tế tại Biển Đông như là một “ao nhà” mà theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, với cung cách hành xử như một “đế quốc hải dương – a maritime empire”.

Tất nhiên là Việt Nam phải lên tiếng phản đối như một thông lệ để tránh bị coi là mặc nhiên chắp nhận chủ quyền của Bắc Kinh, nhưng những phản đối này không đem lại kết quả gì cụ thể.

Tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong năm 2020 còn đưa đẩy đến một sinh hoạt ngoại giao mới: cuộc chiến công hàm. Hồi đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã chuyển công hàm đến Tổng Thư Ký LHQ để bác xác quyết chủ quyền biển của Bắc Kinh tại Biển Đông mà Mỹ coi là bất hợp pháp. Đây là lần đầu tiên mà Mỹ đã minh thị bày tỏ quan điểm với Liên Hiệp Quốc – một quan điểm phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa PCA. Ba tuần sau, ngày 23.07.2020, chính phủ liên bang Úc và gần đây vào ngày 27.08.2020, chính phủ tam cường dân chủ Châu Âu (Pháp, Đức và Anh) cũng đã chuyển công hàm tương tự đến Tổng Thư Ký LHQ.

Đây là một diễn tiến tích cực có thể coi là thuận lợi cho Việt nam. Tuy vậy, khởi thủy của cuộc chiến công hàm nầy có thể cho thấy sự rạn nức trong nội bỏ Asean, cá biệt là giữa Malaysia và Việt nam.

Vào ngày 12.12. 2019, Malaysia đã đơn phương chuyển công hàm đến Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa LHQ xác quyết chủ quyền một phần thềm lục địa ở phía Bắc vùng được gọi là “defined area” mà Việt nam và Malaysia đã thỏa hiệp trong công hàm chung (joint Note Verbale) của hai nước, được chuyển đến LHQ hồi năm 2009. Bắc Kinh đã lập tức gửi công hàm đến LHQ để bác lập luận của Malaysia. Do công hàm đề ngày 30.03.2020 gửi Tổng Thư Ký LHQ, Việt nam đã bác nội dung công hàm của Bắc Kinh, xác nhận chủ quyền của Việt nam theo Luật quốc tế và Công Ước UNCLOS 1982, nhưng lại không nói gì đến công hàm của Malaysia.

Không ai ngạc nhiên khi Bắc Kinh bác tất cả những công hàm của Malaysia, Việt Nam, Mỹ, Úc, Anh, Pháp và Đức.  

Trong nỗ lực gọi là Gắn Kết, Việt nam có thể còn gặp nhiều khó khăn nữa trong nội bộ Asean, vì Bắc Kinh đang tổ chức thử nghiệm lâm sàng chuẩn vaccine tại Indonesia. Nếu Bắc Kinh thành công với một vaccine được công nhận, Bắc Kinh sẽ có ảnh hưởng lớn đối với các thành viên trong Asean, đặc biệt là Indonesia và Philippines.

Bên lề các sinh hoạt quốc tế trực tuyến hồi giữa tháng 9/2020, Ngoại trưởng Mike Pompeo còn đồng chủ tọa trong ngày 11 tháng 9, phiên họp sáng lập cấp Bộ trưởng gọi là Đối Tác Mekong-Hoa Kỳ bao gồm 5 quốc gia thuộc Vùng Hạ Lưu Song Mekong (Myanmar, Thái Lan, Lào, Cambodia và Việt nam) và Tổng Thư Ký Asean. Đối tác nầy sẽ mở rộng Sáng Kiến gọi là Lower Mekong Initiative do Ngoại trưởng Hillary Clinton phát động hồi năm 2009. Theo lời Ông Mike Pompeo, Đối Tác mới nầy sẽ củng cố nền tự chủ, độc lập kinh tế và phát triển bền vững tại các nước hạ nguồn.

Thà chậm còn hơn không. Mỹ đã không quan tâm nhiều về vai trò của Sông Mekong trong khi Bắc Kinh đã và đang sử dụng vị trí thượng nguồn như một sách lược gây ảnh hưởng, bắt chẹt mà Việt nam bị thiệt thòi nhiều hơn cả , vì Đồng bằng Sông Mekong nằm ở vị trí cuối. Hồi tháng 12 năm 2008, tác giả bài nầy đã báo động “Hà Nội trong Gọng Kìm Bắc Kinh: Chiến Lược Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây của Trung Cộng”.  (Tập san Nghiên Cứu Văn Hóa Đồng Nai & Cửu Long, Số 3 – 2009)


Ls Lưu Tường Quang, AO

Sydney, 23.09.2020

https://vietluan.com.au/

Sunday, September 27, 2020

HOA KỲ NÓI TRUNG HOA PHẢI “CHỊU TRÁCH NHIỆM” VỀ CÁC ĐẬP MEKONG TẠI PHIÊN HỌP NGOẠI TRƯỞNG CỦA KHU VỰC

 (US says China has to be made ‘accountable’ for Mekong dams at meeting with region’s foreign ministers) 

Kyodo – Bình Yên Đông lược dịch

South China Morning Post – 12 September 2020

 

Người dân đi thuyền trên sông Mekong ở Phnom Penh, Cambodia. [Ảnh: EPA]

 

           Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Biegun dùng phiên họp để tố cáo Trung Hoa về hạn hán đang xảy ra ở vùng hạ lưu Mekong

           Tuy nhiên, một viên chức Thái nói phiên họp có mục đích thảo luận các biện pháp để “tăng cường hợp tác qua Sáng kiến Hạ lưu Mekong (Lower Mekong Initiative (LMI))”

Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Biegun và các ngoại trưởng của 5 quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) dọc theo sông Mekong đã gặp nhau lần đầu tiên hôm Thứ Sáu, thảo luận các biện pháp để tăng cường việc hợp tác trong lúc có sự kình chống với Trung Hoa về dòng sông dài 4.350 km.

Trong phiên họp khai mạc, Biegun tố cáo rằng hạn hán mà các quốc gia hạ lưu Mekong gánh chịu trong 2 năm qua là do các đập của Trung Hoa xây ở thượng lưu gây ra.

“Chúng ta phải quy trách nhiêm cho Trung Hoa vì quyết định của Beijing ảnh hưởng đến tất cả các bạn trong khu vực,”  Biegun nói với các ngoại trưởng của các quốc gia hạ lưu Mekong – Cambodia, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam.

Mười một đập của Trung Hoa trên sông đã có “ảnh hưởng tai hại đến an ninh lương thực, môi trường và cuộc sống của người dân Mekong,” viên chức Hoa Kỳ nói.

 

Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ Stephen Biegun. [Ảnh: AFP]

“Không giống như Trung Hoa đang áp đặt người khác, các nỗ lực của Hoa Kỳ là trao quyền cho người dân địa phương, và giúp cho chủ quyền và độc lập của các quốc gia trong vùng.”

Bắt nguồn từ Trung Hoa, sông Mekong chảy dọc theo biên giới đã trở thành một thủy lộ quan trọng nhất ở ĐNA, nuôi sống trên 60 triệu dân ở ven sông.

Trong những năm gần đây, tuy nhiên, mực nước sông xuống thấp đến mức kỷ lục, gây hạn hán và lũ lụt làm ngập nhà cửa, tàn phá mùa màng và làm giảm số lượng cá trong sông.

Một phúc trình trong tháng 4 của Eyes on Earth ở Hoa Kỳ cho thấy các đập của Trung Hoa ở thượng lưu đã giữ lại 47 tỉ m3 nước.


Sông Mekong.

 

Phúc trình được ủy thác bởi Hợp tác Hạ tầng Cơ sở Khả chấp (Sustainable Infrastructure Partnership) được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn và LMI – một đối tác dài một thập niên giữa Mekong và Hoa Kỳ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khả chấp ở trong vùng.

Đầu tuần nầy, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhao Lijian đả kích Hoa Kỳ đang tìm cách tạo tranh chấp giữa Trung Hoa và các quốc gia Mekong.

Ông đáp lại một tuyên bố của David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách về Đông Á và Thái Bình Dương, trong buổi hội thảo qua mạng gần đây rằng Trung Hoa đã “kiểm soát dòng chảy dọc theo sông Mekong trong vòng 25 năm, gây gián đoạn lớn nhất cho dòng chảy tự nhiên phù hợp với việc xây cất và điều hành các đập lớn.”

Stilwell nói Trung Hoa đã can dự vào hoạt động nầy “vì lợi ích của họ với cái giá lớn lao cho các quốc gia ở hạ lưu.”


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhao Lijian. [Ảnh: Reuters]

Phiên họp hôm Thứ Sáu, theo một viên chức Thái, có mục đích thảo luận các biện pháp “để tăng cường hợp tác qua LMI liên quan đến năng lượng, sự nối kết, quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên và phát triển nhân sự.”

“Ảnh hưởng của Covid-19 rất cao trong nghị trình và các thành viên nhắm thúc đẩy hợp tác để giảm nhẹ ảnh hưởng của Covid-19 và phục hồi kinh tế hậu đại dịch,” viên chức nói.

Ngoại trưởng từ gần 30 quốc gia, gồm có Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Hoa Kỳ và 10 thành viên của Hiệp hội các Quốc gia ĐNA (Association of Southeast Asian Nations (ASEAN)), sẽ tham dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ASEAN Regional Forum (ARF)), một phiên họp thường niên được tổ chức qua mạng vào Thứ Bảy.

ARF gồm có 10 thành viên của ASEAN cùng với Australia, Bangladesh, Canada, Trung Hoa, East Timor, Ấn Độ, Nhật Bản, Mongolia, New Zealand, Bắc Triều Tiên, Pakistan, Papua New Guinea, Nga, Nam Triều Tiên, Sri Lanka, Hoa Kỳ cùng Liên hiệp Âu Châu.

Các quốc gia ASEAN gồm có Brunei, Cambodia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

PHÓNG ĐẠI VẤN ĐỀ NGUỒN NƯỚC MEKONG LÀ MỘT TRÒ HỀ CHÁNH TRỊ

 (Hyping Mekong water resources issue a political farce)

Xinhua – Bình Yên Đông lược dịch

September 13, 2020

Sông Mekong ở Nong Khai, Thái Lan khô cạn. [Ảnh: AFP]

 

KUNMING – Một vài chánh trị gia Hoa Kỳ đang phóng đại vấn đề nguồn nước Mekong, qua các nhận định vô căn cứ và các phúc trình không đáng tin, nhắm mục đích gây xích mích giữa các quốc gia và phá hoại không khí của Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)).  David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói hôm đầu tháng rằng việc “kiểm soát” dòng chảy sông Mekong của Trung Hoa là một thách thức tức thời đối với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (Association of Southeast Asian nations (ASEAN)).  Ông trích dẫn một phúc trình nói rằng “Trung Hoa đã kiểm soát dòng chảy dọc theo Mekong từ 25 năm nay, làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên phù hợp với việc xây cất và đều hành đập lớn.”  Phúc trình, có lẽ là nghiên cứu của Eyes on Earth, cáo buộc Trung Hoa đã giữ lại 280 tỉ m3 nước.  Thật sự, dung tích tối đa của các hồ chứa của Trung Hoa chỉ có 42 tỉ m3.  Một phúc trình với một sự sai biệt rõ rệt như thế thì không có giá trị khoa học và được nhiều chuyên viên thủy học quốc tế xem là sai lạc chết người.

Cơ chế LMC được phát động bởi 6 quốc gia: Trung Hoa, Cambodia, Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam.  Nó lấy tên từ dòng sông gọi là Lancang ở Trung Hoa và Mekong ở 5 quốc gia còn lại.  “Việc phát triển thủy điện trong sông Lancang gây hạn hán ở hạ lưu” đã là một chủ đề để giới truyền thông trong một số quốc gia suy đoán, chánh trị hóa vấn đề nguồn nước để lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia Lancang-Mekong.  Các chuyên viên thấy rằng từ khi chuỗi hồ chứa của Trung Hoa được sử dụng, lưu lượng trong mùa khô ở nhiều nơi đã gia tăng 20% so với lưu lượng tự nhiên.  Phúc trình mới nhất của Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)), công bố trong tháng 8, cũng công nhận chức năng của hồ chứa là trữ nước trong mùa mưa để dùng trong mùa khô, giúp duy trì dòng chảy đều đặn của Mekong.  Nói chung, các cơ sở thủy điện ở Trung Hoa mang lợi ích cho các quốc gia Mekong.

Thêm vào đó, Trung Hoa trong 18 năm liên tục đã cung cấp dữ kiện thủy học trong mùa mưa miễn phí cho MRC và các quốc gia ở hạ lưu và đang giúp họ hình thành các kế hoạch phòng ngừa lũ lụt và giảm nhẹ hạn hán.

Từ khi LMC được phát động, Trung Hoa đã gởi cảnh báo khẩn cấp về những thay đổi quan trọng của việc xả nước từ nhà máy thủy điện Jinghong (Cảnh Hồng) trên 10 lần.

Lưu vực Lancang-Mekong đã bị hạn hán nặng nề nhiều lần trong những năm gần đây.  Trung Hoa, cũng bị ảnh hưởng của hạn hán và đối mặt với tình trạng thiếu mưa ở thượng lưu, đã vượt qua những khó khăn và cấp bách gia tăng xả nước sông Lancang để giúp các quốc gia Mekong cứu hạn, là một hiện tượng khí hậu.  Bắt đầu từ năm 2020, Trung Hoa sẽ chia sẻ dữ kiện thủy học của sông Lancang quanh năm với các quốc gia Mekong, theo phiên họp thượng đỉnh LMC lần thứ 3rd được tổ chức hồi cuối tháng 8.

Hơn thế, Trung Hoa sẽ cộng tác với các quốc gia LMC khác để thiết lập Diễn đàn Chia sẻ Tin tức Hợp tác Nguồn Nước Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Water Resources Cooperation Information Sharing Platform) để đối phó tốt hơn với thay đổi khí hậu và thiên tai, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán.

Sông Lancang-Mekong liên kết chặt chẽ tương lai của 6 quốc gia duyên hà.  Chừng nào mà 6 quốc gia vẫn tín nhiệm, hiểu biết và hỗ trợ lẫn nhau, vượt qua những quấy rối từ bên ngoài và chú trọng đến hợp tác thực tiễn, họ có thể quản lý đúng đắn nguồn tài nguyên chung và thúc đẩy phát triển khả chấp và toàn bộ cho lợi ích của tất cả người dân của họ.

SÔNG MEKONG HÙNG VĨ CHỈ CÒN TÍNH TỪNG NGÀY

(The days of the mighty Mekong River are numbered)

UCNA/La Croix – Bình Yên Đông lược dịch

Sunday Examiner - September 18, 2020

Lối sống cổ truyền dọc theo sông Mekong bị đe dọa bởi việc xây đập thủy điện. 

[Ảnh: Tomáš Malík]

Các chuyên viên môi trường từ lâu đã cảnh báo rằng Mekong Hùng vĩ chỉ còn tính từng ngày vì chánh sách năng lượng của Trung Hoa đã không cứu xét cái giá sinh thái của việc xây đập tràn lan trên thượng lưu sông.

Mực nước dọc theo khúc sông Mekong ở Thái Lan xuống đến mức báo động, gây khó khăn cho ngư dân và nông dân sống ven sông.

Trong tỉnh Nakhon Phanom ở đông bắc, giáp ranh với Lào, mực nước chỉ ở khoảng 5 m, 8 m thấp hơn mực nước tràn 13 m, giới chức địa phương cho biết.

Mực nước thấp trong sông, là nguồn nước chủ yếu của hàng chục triệu người trong một số quốc gia, đang gây bối rối nhất là khi mùa mưa sắp đến.  Cùng lúc, 4 phụ lưu chánh của sông Mekong ở vùng nông thôn cũng có mực nước tụt giảm chỉ còn từ 1/5 đến 1/3 mực nước bình thường vào lúc nầy trong năm.

Thái Lan không ở trong tình trạng nguy hiểm nầy một mình.  Tình trạng khan hiếm nước trong Mekong đang gây tai họa sinh thái trong vài quốc gia Đông Nam Á (ĐNA) khác và không có gì bí mật ở đàng sau: Trung Hoa giữ lại nước trong các hồ chứa phía sau đập thủy điện ở thượng lưu (Sunday Examiner, June 5 and July 19).

Chánh quyền Beijing thường huênh hoang về nhu cầu phát triển khả chấp theo nguyên tắc xã hội chủ nghĩa, nhưng đã làm ngược lại tính khả chấp của Mekong, mà họ xem là tài sản riêng để tiêu xài; các quốc gia khác bị nguyền rủa.  Bằng cách xây một chuỗi đập khổng lồ trên thượng lưu trong những năm gần đây, Trung Hoa đã giáng một đòn chí tử cho Mekong ở hạ lưu.

Các chuyên viên môi trường từ lâu đã cảnh báo rằng Mekong Hùng vĩ chỉ còn tính từng ngày vì chánh sách năng lượng của Trung Hoa không cứu xét cái giá sinh thái của việc xây đập tràn lan trên thượng lưu sông.

David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, gần đây đã có hành động ngoại giao tế nhị và tố cáo Trung Hoa là “khuynh đảo” Mekong “cho lợi ích riêng của mình” và làm như vậy “với cái giá rất cao của các quốc gia ở hạ lưu” chẳng hạn như Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam.

Tuy nhiên, một số các quốc gia nầy cũng góp phần vào tình trạng bấp bênh của sông.  Lào là quốc gia đã xây đập với đầu tư từ Trung Hoa và Thái Lan và đang dự trù xây thêm.

Giống như đối tác Trung Hoa, đảng cộng sản ở Vientiane đã tham gia vào mùa xây đập mà không có giám sát môi trường và rất ít tham vấn với người dân.  Họ quyết tâm biến quốc gia nghèo khó không có bờ biển thành “bình điện của ĐNA” qua một loạt đập thủy điện, cho dù chúng có cái giá kinh tế và môi trường chết người cho nông dân Lào chịu thiệt thòi từ lâu.

Trong khi đó, các quốc gia ĐNA khác, tất cả đều phụ thuộc ở mức độ khác nhau vào đầu tư của Trung Hoa để thúc đẩy nền kinh tế của họ, không thể làm gì hơn là thỉnh thoảng lên tiếng than phiền.

Khi Beijing thuộc địa hóa khu vực về kinh tế, họ tạo một sức mạnh chánh trị lớn lao đối với các chánh quyền địa phương, mà nhiều chánh phủ sẵn lòng để đi với Trung Hoa.

Như có thể đoán được, Beijing đã phủ nhận các chỉ trích về vai trò của mình trong việc hủy hoại Mekong, đổ thừa cho thay đổi khí hậu và hạn hán kéo dài đã làm cho mực nước xuống thấp triền miên.

Tuy nhiên, các chuyên viên nhấn mạnh rằng hạn hán không thôi không phải là nguyên nhân cho tình trạng thiếu nước cố định dọc theo sông.

Trong 2 năm liên tiếp, mực nước ở Hạ lưu vực Mekong đã xuống đến mức thấp kỷ lục.  Việc dẩn tưới, sản xuất lúa và thủy sản đã bị ảnh hưởng tồi tệ, đe dọa an ninh lương thực của hàng chục triệu người.

Hơn nữa, một số chủng loại ở dưới nước từ cá đến rùa bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là ở những nơi như Tonle Sap của Cambodia, phụ thuộc vào Mekong để có nước.

Lưu vực Mekong là “nền thủy sản nước ngọt phong phú nhất trên thế giới, chiếm trên 15% số cá nước ngọt đánh được trên toàn cầu,” 4 nhà môi trường giải thích trong một bài viết gần đây.  “Trong lúc đó, (các nhà nghiên cứu của Quỹ Đời sống Hoang dã Thế giới (World Wide Fund for Nature)) ước tính rằng phần đóng góp lên đến ¼ số cá đánh được trên thế giới.”

Rõ ràng, Beijing không thể không quan tâm.  Việc Trung Hoa bất chấp các yếu tố môi trường dọc theo Mekong trong khi giữ lại nước dưới danh nghĩa kiểm soát lũ lụt ở thượng lưu là một tai họa không thể giảm nhẹ.

“Nỗ lực của Beijing để hạn chế nhịp (tự nhiên của sông) qua danh nghĩa “ngừa lụt” đe dọa cuộc sống của hàng chục triệu nông dân và ngư dân ở hạ lưu,” các chuyên viên lưu ý.  “Lợi ích duy nhất của việc hạn chế như thế là các nhà điều hành đập và thị trường điện ở thượng lưu Trung Hoa.”

Không cần phải nói, Beijing rất hài lòng với tình trạng như thế.  Nhưng đáng buồn, một trong những dòng sông vĩ đại của thế giới nay đang biến mất dưới mắt của chúng ta chỉ vì thái độ dốt nát nầy.

THÁI LAN BỊ ÁP LỰC ĐỂ CHỐNG LẠI DỰ ÁN ĐẬP SANAKHAM

 (Thailand under pressure to act against the Sanakham dam project)

 

Sông Mekong ở Chiang Khan, Thái Lan. [Ảnh: Ian Cook]

Những người tham gia chiến dịch hy vọng việc từ chối mua điện từ đập Sanakham có thể ngăn cản tiến trình xây đập và tránh gây thêm nguy hại cho sinh thái mong manh của Mekong

“Nước lên rất nhanh và rút rất nhanh vì nó không chảy một cách tự nhiên…  Nó ảnh hưởng lớn lao đến chúng tôi.  Rất khó để bắt được cá, và cá không thể đẻ trứng,” Prayoon Saen-ae, 62 tuổi, trưởng nhóm ngư dân địa phương ở Chiang Khan, bắc Thái Lan, cho biết.

Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) chánh thức bắt đầu giai đoạn tham vấn trước cho đập Sanakham được Trung Hoa hậu thuẫn hôm 30 tháng 7.  Các nhà hoạt động Thái cảm thấy có trách nhiệm chống lại dự án thủy điện chỉ cách biên giới Thái có 2 km.  Dự án 648 MW sẽ được phát triển bởi chi nhánh của Datang International Power Generation, một công ty điện quốc doanh của Trung Hoa, và được dự trù hoàn tất vào năm 2028.  Với 7 dự án đập được dự trù trên dòng chánh Mekong ở Lào, không kể đập Xayaburid đang hoạt động, Sanakham là đập thứ 6th ở Hạ lưu Mekong được tham vấn trước.


“Chúng tôi chống lại dự án Xayaburi, và rất khó khăn vì nó nằm trên lãnh thổ của họ - không phải của chúng tôi,” Prayoon Saen-ae, một cư dân lâu đời ở Chiang Khan, nói.  Ông nói chỉ có NGOs nói với ông về dự án Sanakham.  Ông nói ông “hơi tức giận [chánh phủ Thái] vì chúng tôi không thể làm gì khác.  Khi chúng tôi chống đối đập Xayaburi, chánh phủ Thái không giúp gì hết.  Họ luôn luôn bào chữa.”

Nhóm Công tác của Ủy ban Hỗn hợp MRC bác bỏ các văn kiện tham vấn trước và gửi lại cho chánh phủ Lào để sửa chữa, nói là tin tức “quá cũ”, nhưng MRC và giới chức Thái không thể ngừng công tác.

“Dân làng biết về đập nầy, nhưng họ không biết phải làm gì, Channarong Wongla, 50 tuổi, thuộc Nhóm Bảo tồn Rak Chiang Khan, nói.  “Chúng tôi trao đổi tin tức và báo cho dân làng biết qua tin nhắn trên app hay Facebook.”

Lào sử dụng Mekong và các phụ lưu trong ý định trở thành “bình điện của Á Châu” gây khó khăn trong việc cai quản nguồn nước xuyên biên giới.  Đã có một vài đập mới được đề nghị ở phía trên Sanakham, bao gồm các dự án Pak Lay và Pak Beng được Trung Hoa hậu thuẫn, và đập Luang Prabang được Việt Nam tài trợ.  Trên Nam Ou, một phụ lưu đóng góp phần lớn phù sa cho Mekong, Lào đã hoàn tất hay dự trù một chuỗi gồm 7 đập thủy điện, với rất ít giám sát môi trường.

Không có tự do báo chí và xã hội dân sự ở Lào đã đặt các nhà hoạt động Thái Lan vào một tư thế duy nhất để lên tiếng chống lại việc xây đập Sanakham trị giá 2 tỉ USD.

Một chiếc đò neo trên sông Mekong ở Chiang Khan, đông bắc Thái Lan giáp ranh với Lào. [Ảnh: Eddie Gerald]

“Mục tiêu chánh là ngừng dự án.  Chúng tôi sẽ cho dân làng biết về luật lệ, quyền lợi và ảnh hưởng của dự án đập,” Channarong Wongla nói, người có bằng cấp về thiết kế đập thủy điện và làm việc nhiều năm trong giới kỹ nghệ và công ty trước khi quyết định trở về quê nhà ở Chiang Khan để tham gia vào các vấn đề môi trường.

Các tập thể NGOs Thái, chẳng hạn như Save the Mekong (Cứu Mekong) và People’s Network of Isaan Mekong Basin (Hệ thống Người dân Lưu vực Mekong ở Isaan), đã nhanh chóng chỉ trích đập Sanakham, trích dẫn các lo ngại môi trường và khả năng lặp lại hạn hán năm 2019.


Không có người mua, không có đập Sanakham

“Ai cần? Ai thật sự cần? Pianporn Detees của NGO International Rivers nói.  “Thái Lan không cần vì chúng ta có thừa điện.  Vậy thì ai thật sự cần?  Các công ty xây cất?  Ngân hàng?  Hay những người cầm quyền có thể được lợi riêng?”

Giống như Xayaburi, đập Sanakham sẽ cung cấp điện cho Thái Lan, nhưng nhiều nhóm đang áp lực MRC để dời vị trí đập cũng như yêu cầu Thái Lan không mua điện để dự án kém khả thi về mặt tài chánh.

“Cái chúng ta thấy trong thập niên vừa qua trong chuyên môn của tôi là hầu hết các dự án thủy điện được thúc đẩy bởi thành phần xây dựng và kỹ nghệ liên hệ, không phải vì nhu cầu điện,” Pianporn Detees nói.

Nguồn cung cấp điện thừa thãi của Thái Lan thêm nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, với bộ năng lượng gần đây loan báo rằng nhu cầu điện đã giảm khoảng 40% tổng số công suất.

Mới đây Cơ quan Phát điện Thái Lan (Electricity Generating Authority of Thailand (EGAT)) loan báo các kế hoạch đóng cửa các nhà máy cũ kỹ, khuyến khích kỹ nghệ nông nghiệp sử dụng nhiều điện, và bán điện cho Myanmar.

“Ngày nay, chúng ta đang gặp khủng hoảng y tế, làm thế nào để chúng ta biện minh cho việc mua thêm điện?” Suwit Kulapwong, hội trưởng của Hiệp hội Môi trường và Nhân quyền Isaan và đại diện của Hệ thống Người dân, cho biết.

Hệ thống Người dân do Suwit đại diện là tuyến đầu trong các nỗ lực bảo tồn chống lại đập Sanakham, lên tiếng chống đối từ tháng 5. 

Sông Mekong ở Chiang Khan, Thái Lan. [Ảnh: Engdao Wichitpunya]

Đóng dấu

“Không nên xây đập Sanakham.  Cộng đồng và xã hội dân sự đang hành động ở cấp vùng và quốc gia để ngừng dự án, nhấn mạnh đến sự không cần thiết, rủi ro và tốn kém,” Gary Lee của International Rivers, Thái Lan cho biết, và thêm rằng tỉnh Loei đã chịu thiệt hại vì đập Xayaburi.  “Ảnh hưởng gồm có mực nước giao động nhanh chóng, gián đoạn phù sa và chất dinh dưỡng, đưa đến các ảnh hưởng quan trọng đến thủy sản cần thiết cho cuộc sống và lợi tức của các cộng đồng.”

Đánh giá ảnh hưởng của đập Sanakham đệ trình cho MRC có rất ít tham khảo các nghiên cứu trong thập niên vừa qua và bị tố là đạo văn của dự án Pak Lay cách đó trên 50 km – chỉ thay đổi tên của dự án.  Tuy nhiên, MRC không có quyền phủ quyết việc xây đập của Lào và tham vấn trước vẫn là ý kiến.

Tiến trình tham vấn trước rất lôi thôi, và các nhà phê bình nói nó không có hiệu quả và rằng các thảo luận liên quan đến các dự án thủy điện chỉ đề cập chung quanh vấn đề giảm nhẹ thay vì liệu dự án có nên tiến hành.

Tuy nhiên, Gary Lee cho thấy rằng “bắt đầu tiến trình tham vấn trước không có nghĩa là đập Sanakham sẽ tiến hành.  Thí dụ, đập Pak Beng và Pak Lay, với tiến trình tham vấn hoàn tất năm 2017 và 2019, theo thứ tự, vẫn chưa tiến hành.”  Hai đập phải ký thỏa thuận mua điện với Thái Lan, ông nói thêm.

Thỏa ước Mekong 1995, nền tảng của tiến trình tham vấn trước, liên quan đến việc thông báo cho các quốc gia để đề nghị và giảm nhẹ các ảnh hưởng xuyên biên giới có thể có.  Điều nầy xảy ra với Xayaburi, Don Sahong, Pak Beng, Pak Lay và Luang Prabang.  Đối với Xayaburi, tiến trình khiến chánh phủ Lào phải đầu tư để điều chỉnh thiết kế của đập để giải quyết vấn đề di chuyển của phù sa và cá.

“MRC thực hiện hay ủy thác nhiều nghên cứu, nhấn mạnh các đập qui mô lớn trên dòng chánh và phụ lưu đe dọa nghiêm trọng đến sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực của Mekong, với những gia đình nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất,” Gary Lee nói.  “Tuy nhiên, các dự án vẫn tiến hành, xem nhẹ hay bỏ qua rất nhiều bằng chứng khoa học.”

Có tin cho biết nhà phát triển đã xây đường đi đến vị trí đập Sanakham.

“Tôi không nghĩ [MRC] có bất cứ lợi ích nào,” Channarong Wongla nói. “Chúng ta cũng không cần MRC thảo luận về việc hủy bỏ các dự án đập vì có vẻ họ là cơ cấu khuyến khích các dự án đập.”

Không thể hủy bỏ dự án Sanakham, giới chức Thái đang chuẩn bị để giảm nhẹ ảnh hưởng của đập, với Phó Thủ tướng (PThT) Prawit Wongsuwon nhấn mạnh đến phù sa, thủy sản và thủy vận.

Lỗi của chánh quyền

Giống như MRC, chánh phủ Thái Lan không có quyền ngưng đập do Trung Hoa xây ở Lào.

“Theo chỗ tôi biết, Thái không thể ngừng vì Sanakham sẽ được xây trên đất Lào.  Đó là quyền của họ,” Lertsak Pattanachaikul, một thành viên quốc hội của tỉnh Loei, nói.  Ông thêm rằng không biết nhiều về đập ở Thái Lan và rằng ông được lưu ý bởi các nhóm thiện nguyện địa phương làm việc với Bộ Khuyến khích Phẩm chất Môi trường.

Lertsak đệ trình nghi ngờ của ông về đập Sanakham lên chánh phủ Thái ngày 23 tháng 7.  Trong một diễn văn tại quốc hội, ông đề nghị EGAT nên từ chối mua điện từ đập Sanakham.

Prapat Photasuthon, Thứ trưởng Nông nghiệp và Hợp tác, có ý định trả lời nghi vấn của Lertsak, nói rằng Sanakham sẽ nhỏ hơn Xayaburi và rằng ảnh hưởng của đập trên Mekong là “một thực tế mới”.

Lertsak nói với China Dialogue: “Nhiệm vụ PThT của tôi là cố gắng làm cho chánh phủ thừa nhận các ảnh hưởng sẽ xảy ra cho dân làng sống ven sông.  Mực nước giao động là một vấn đề cho họ kể từ khi Trung Hoa bắt đầu các dự án đập 20 năm trước.  Nhưng khi Xayaburi bắt đầu, chúng tôi có thể thấy rõ sự thay đổi.  Mekong rất khô cạn.  Cho nên, dự án nầy sẽ ảnh hưởng toàn thể hệ thống sông.  Nó sẽ tệ hại hơn.”

 

Một lối đi bằng kính với cảnh quan trên Mekong ở Phra Yai Phu Khok Ngio, Chiang Khan. [Ảnh: Aphirak Thila]

Các nhóm môi trường và chánh phủ nhanh chóng nêu lên ảnh hưởng của đập mới đối với các dự án công cộng.  Vùng Chiang Khan uể oải sẽ thu hút du khách, và doanh nghiệp và người địa phương lo ngại bị ảnh hưởng.  Ở quốc hội, Lertsak dự đoán rằng đập mới sẽ hạ thấp cái nhìn được người thụ thuế tài trợ từ một lối đi bằng kính vừa được xây.

Chiang Khan và phần còn lại của tỉnh Loei đối mặt với các dự án quản lý nước gây tranh cãi khác, kể cả dự án Kong-Loei-Chi-Mun, một dự án đầy tham vọng của Thái Lan trị giá 75 tỉ để chuyển nước Mekong dẫn tưới cho 17 tỉnh.  Đập Sanakham và Mekong khô cạn khiến cho dự án 16 tuổi nầy, cũng không được nhiều người địa phương trong vùng biết đến, gặp khó khăn, các nhà hoạt động cho biết.

Cũng có nhiều lời kêu gọi từ các nhà hoạt động và chánh phủ để giải quyết tính nhạy cảm của đập Sanakham đối với động đất.  Đường nứt Loei đã được thêm vào dự án, Channarong Wongla ở Rak Chiang Khan nói.  Tiếp theo sau một trận động đất nhỏ mới đây, Bộ Tài nguyên Mỏ sẽ đánh giá Đường nứt Loei trong năm 2022.

“Tôi đặc biệt lo ngại cho sự an toàn vì tin tức về vụ vỡ đập ở Lào.  Với Xayaburi, chúng tôi biết rằng nó được một công ty Thái xây và đạt tiêu chuẩn,” PThT Pertsak Pattanachaikul nói.  Đập phụ D do Tập đoàn SK của Nam Triều Tiên xây ở hạ Lào sụp đổ năm 2018, giết chết 40 người và di tản hàng ngàn người.  “Với Sanakham, một dự án đầu tư của Trung Hoa và có lẽ sẽ được xây bởi nhóm Trung Hoa của họ.  Tôi lo ngại về chuyện nầy.”


Đối trọng của Trung Hoa

Sự tham dự của Trung Hoa vào dự án Sanakham và việc tài trợ tiếp theo các đập Pak Lay và Pak Beng – cũng như việc khoán trắng các dự án ở Lào – cũng gây nhiều lo ngại cho các nhà hoạt động và chánh phủ Thái.

Ở thượng lưu của Lào, Trung Hoa có 12 đập khổng lồ trên phần sông Mekong của mình, được gọi là Lancang, và các nghiên cứu gần đây của Eyes on Earth tố cáo rằng Trung Hoa đang giữ lại nước rất cần cho các quốc gia ở hạ lưu, làm cho hạn hán thêm tồi tệ và gây căng thẳng xuyên biên giới Mekong.  MRC và một nhóm chuyên viên Mekong phủ nhận lời tố cáo nhưng lặp lại sự cần thiết để chia sẻ thêm dữ kiện từ Trung Hoa.

“Văn phòng Thủy lợi Quốc gia Thái Lan rất bi quan về ảnh hưởng của các đập mới trên dòng chánh ở Lào, kể cả Sanakham, đối với dòng chảy cũng như phù sa và sự di chuyển của cá ở hạ lưu,” Brian Eyler ở Trung tâm Stimson, và tác giả của quyển Những Ngày Cuối cùng của Mekong Hùng vĩ (Last Days of the Mighty Mekong), cho biết.  “[Các đập của Trung Hoa ở thượng lưu] tạo sự bất định cho cái mà trước đây là chu kỳ thủy học có thể đoán trước một cách khá dễ và rằng sự bất định sẽ không thu hút các nguồn tài trợ cho các đập ở hạ lưu.”

Hồi cuối tháng 8, Thủ tướng Trung Hoa Li Keqiang (Lý Khắc Cường) loan báo rằng Trung Hoa sẽ chia sẻ dữ kiện quanh năm với các quốc gia hạ lưu Mekong để giúp làm giảm lo ngại, nhưng liệu nó sẽ đến từ các trạm thủy học khác với 2 trạm hiện nay hay không.  Cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Copperation (LMC)), câu trả lời của Trung Hoa cho việc hoạch định phát triển các quốc gia Mekong ở hạ lưu, đã gặp lãnh đạo các quốc gia Mekong hôm 25 tháng 8 để xác nhận thêm dữ kiện sẽ được chia sẻ với các quốc gia ở hạ lưu.

Vấn đề thủy điện không phải là một ưu tiên cao cho LMC, Eyler nói, nhưng các dự án của LMC và Sáng kiến Vành đai và Con đường (Belt and Road Initiative (BRI)) tạo các chướng ngại vật cho các nhà hoạt động Thái Lan, trái ngược với Lào và Cambodia, nơi đầu tư của Trung Hoa phần lớn không bị chỉ trích.

“Ở Lào, anh có thể đi tù vì nói về các đập,” Suwit nói.  Năm rồi, giới chức Lào bắt giữ 8 nhà hoạt động khi chuẩn bị chống đối việc lấy đất, xây đập và phá rừng.  Suwit nói mối liên hệ chặt chẽ giữa Trung Hoa và Thái Lan khiến cho việc đối phó các vấn đề nầy gặp khó khăn, trích dẫn các nhóm Thái-Trung Hoa và sự thiếu tin cậy.  “Chúng tôi đề nghị về minh bạch và cai quản tốt, cho nên các nhà đầu tư Trung Hoa đưa công ty Datang hay Viện Khổng Tử để nói chuyện với chúng tôi.  Họ không nghĩ đến việc hủy bỏ dự án.”

Năm nay, đã có một số thắng lợi trong các chiến dịch chống lại việc phát triển Mekong, nổi bật nhất là việc hủy bỏ kế hoạch phá nổ ghềnh thác ở phía bắc Thái Lan để gia tăng lượng mậu dịch.  Hồi tháng 3, Cambodia tạm ngưng các đập trên dòng chánh Mekong trong 10 năm theo sau các hoạt động liên tục và nguy hiểm đến sinh thái của hồ Tonle Sap.

Khi thời hạn 6 tháng để tham vấn trước cho đập Sanakham bắt đầu, các nhà hoạt động hy vọng chánh phủ Thái sẽ từ chối việc mua điện và giới chức Thái nhấn mạnh đến việc có thể dời vị trí đập xa hơn về phía thượng lưu.

“Không có ai chánh thức nói chuyện với chúng tôi về đập.  Chỉ có các NGOs ở địa phương.  Không có chánh phủ hay Thủ tướng,” Prayoon nói khi ông đợi tin về việc làm thế nào để Trung Hoa, Thái Lan và Lào cùng hướng về ngư dân và sinh thái của Mekong.  “Chúng tôi không có sức mạnh để chống lại.”

Monday, September 14, 2020

Sông Mekong và hiểm hoạ từ các con đập thượng nguồn của Trung Quốc


VOA Tiếng Việt
14/9/2020

 
Nuozhadu, con đập lớn nhất trong số 11 con đập của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. Báo cáo mới của MRC cho thấy các con đập này góp phần làm ảnh hưởng dòng chảy của con sông dưới hạ nguồn, trong đó có Việt Nam.

Dòng chảy sông Mekong đã xuống tới mức thấp kỷ lục do lượng mưa giảm và các con đập ở thượng nguồn do Trung Quốc xây dựng, đe doạ sự sống còn của dòng sông, nơi hàng chục triệu người dân Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, đang dựa vào để kiếm kế sinh nhai
Mekong là một trong những dòng sông quan trọng nhất ở châu Á và là nguồn sống của 60 triệu người dân, với Trung Quốc ở thượng nguồn và Việt Nam ở cuối nguồn. Nhưng đây là năm thứ hai liên tiếp khu vực hạ lưu sông Mekong có lưu lượng nước xuống mức thấp kỷ lục, làm ảnh hưởng đến thuỷ lợi, sản lượng lúa và đánh bắt cá – tất cả đều trọng yếu đối với an ninh lương thực của khu vực.

Một báo cáo mới của Uỷ hội sông Mekong (MRC) cho biết lượng mưa giảm đã phần nào gây ra sự thiếu hụt nước trên dòng sông chảy xuyên qua 6 quốc gia trong khu vực. Nhưng báo cáo vừa được công bố vào tháng 8 cũng chỉ ra rằng các đập thuỷ điện trên thượng nguồn – chủ yếu là ở Trung Quốc – đã chặn lại một lượng lớn nước chảy xuống hạ nguồn, với các phân lưu cuối cùng chảy qua các tỉnh Nam bộ Việt Nam trước khi đổ ra Biển Đông. Sông Mekong bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng của Trung Quốc.

Hiện có 11 con đập lớn hiện đang hoạt động trên thượng nguồn sông Mekong trước khi ra khỏi biên giới Trung Quốc và chảy vào Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam, theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ có trụ sở ở Washington, DC. Báo cáo của dự án Mekong của Stimson ra hồi tháng 4 cho biết rằng Trung Quốc đã xây dựng các đập trên thượng lưu sông Mekong trong 3 thập kỷ qua, làm các quốc gia ở hạ lưu lo ngại rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ “tắt nguồn nước.” Các dữ liệu của Stimson cho thấy trong 6 tháng của năm 2019, Trung Quốc nhận được một lượng mưa trên trung bình và các con đập của họ đã giữ lại một lượng nước lớn hơn bao giờ hết – trong khi các quốc gia ở hạ lưu đồng thời bị hạn hán nặng chưa từng có. Báo cáo của Stimson chỉ ra rằng Trung Quốc tích trữ lượng nước nhiều hơn bao giờ hết và đang gây ra những thay đổi thất thường và tàn khốc đối với mực nước ở hạ lưu sông Mekong.

Các con đập trên sông Mekong, gồm 11 đập của Trung Quốc đang hoạt động
trên thượng nguồn. (Ảnh của Trung tâm Stimson)

Tháng 4 vừa qua, một báo cáo qua chương trình Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong (LMI) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng cho rằng có sự liên quan giữa mực nước thấp kỷ lục của sông Mekong trong một nửa thế kỷ qua vào năm ngoái, với các hoạt động của đập thuỷ điện.
Trích dẫn báo cáo này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell hôm 4/9 cáo buộc Trung Quốc “thao túng” dòng chảy sông Mekong vì “lợi ích riêng” trong khi các nước hạ nguồn “phải trả giá đắt,” gây nên “một thách thức cấp bách” trong khu vực. Ông Stilwell nói rằng việc “thao túng dòng chảy dọc sông Mekong” của Trung Quốc xảy ra trong 25 năm qua, trong đó “sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và vận hành các con đập lớn.”
Trung Quốc phủ nhận kết quả của báo cáo này và nói rằng khu vực thượng lưu cũng ghi nhận lượng mưa thấp.

Tác động nghiêm trọng tới Việt Nam

Sông Mekong chảy qua Campuchia trước khi đổ vào Việt Nam và theo báo cáo mới của MRC, lưu lượng nước thấp có thể gây ra những tác động nghiêm trọng do mất đi tiềm năng về thuỷ sản và thuỷ lợi.
“Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long,” báo cáo của MRC nhận định. Hiện có khoảng 17 triệu người dân Việt Nam đang sinh sống tại lưu vực của hệ thống sông Cửu Long.

Báo cáo nghiên cứu tác động của các công trình thuỷ điện trên dòng chính sông Mekong của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố năm 2016 cũng cho rằng các bậc thang thuỷ điện dòng chính sẽ gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực và môi trường ở Việt Nam, bao gồm nguy cơ mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng của tới 10% các loài cá và thu nhập người dân có thể giảm tới 50%. Theo đánh giá này, ở Việt Nam, tổn thất hàng năm trong thuỷ sản và nông nghiệp do các đập thuỷ điện trên dòng chính gây ra có thể tới 15.800 tỷ đồng (khoảng 760 triệu USD).

Những người chỉ trích việc xây dựng đập trên sông Mekong cho rằng các đập này sẽ tiếp tục là nguồn xung đột trừ phi Trung Quốc chuyển sang các phương pháp sản xuất điện khác và sự hợp tác giữa các quốc gia được tăng cường.

Theo MRC, tình trạng thiếu thông tin về những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của phát triển thủy điện thượng nguồn và biến đổi khí hậu sẽ khiến người dân sống ở vùng đồng bằng sông Mekong có thể bị tổn thương do những tác động như gia tăng xâm nhập mặn, giảm phù sa bùn cát và dưỡng chất, ảnh hưởng nguồn cá di cư và thay đổi chế độ dòng chảy.
Một trong những khuyến nghị nêu trong báo cáo mới của MRC là sự minh bạch về dữ liệu và chia sẻ thông tin. Và để tăng cường sự minh bạch về các hoạt động của các con đập ở thượng nguồn sông Mekong cũng như chứng minh sự hợp tác có tính thiện chí, MRC cho rằng Trung Quốc cần xem xét việc cung cấp dữ liệu cho các nước ở hạ lưu sông Mekong.
Trước áp lực này, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cuối tháng trước khi phát biểu tại diễn đàn Lan Thương-Mekong, trong đó có Việt Nam, nói rằng Bắc Kinh sẽ bắt đầu chia sẻ dữ liệu thủy văn quanh năm của con sông này.

Bắc Kinh khởi động sáng kiên hợp tác nguồn nước Mekong, với tên gọi Khung Hợp tác Lan Thương-Mekong, vào năm 2016 với 5 quốc gia thành viên ở hạ lưu con sông này. Các nhà phê bình hoan nghênh tiềm năng hợp tác nhưng cũng cho rằng Trung Quốc có thể dùng sáng kiến này để “vũ khí hoá” nguồn nước cho các lợi ích kinh tế và địa chính trị.

Vấn đề sông Mekong được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) trong tuần qua, trong đó Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ (MUSP) lần đầu tiên, với mục tiêu nâng tầm Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI), để ứng phó với các tác động từ thượng nguồn do Trung Quốc gây ra. Hội nghị MUSP khẳng định cam kết của Washington đối với tương lai của LMI “như một phần của tầm nhìn chung cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từng lên tiếng kêu gọi các nước “cùng đoàn kết, hợp tác để sông Mekong mãi là dòng chảy của hoà bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực.”

SOURCE:
https://www.voatiengviet.com/


.

Chuyên viên Phóng đại "mối đe doạ về đập" của Trung Hoa trên sông Mekong của các tổ chức được Hoa Kỳ hậu thuẫn có nhiều nhập nhằng


(US-backed institutions' hyping China's 'dams threat' in Mekong River riddled with loopholes: expert)

Hu Yuwei and Lin Xiaoyi
Bình Yên Đông lược dịch
Global Times – 11 September 2020


Lời người dịch: Cuộc chiến thông tin về sông Mekong giữa Trung Hoa và Hoa Kỳ tiếp diễn.  Bài viết nầy nhằm đáp lại nhận định của ông David Stilwell, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ về Đông Á và Thái Bình Dương, nói rằng Trung Hoa đã kiểm soát dòng chảy của Mekong cho lợi ích của họ với cái giá to lớn cho các quốc gia ở hạ lưu.

Can thiệp của Hoa Kỳ vào các vấn đề nước sông Mekong có dụng ý ngăn chận Trung Hoa trong khu vực bằng cách phóng đại “mối đe dọa về đập” của Trung Hoa, trong khi chỉ trích dẫn bằng chứng và nguồn tin do các tổ chức được Hoa Kỳ hậu thuẫn, cáo buộc Trung Hoa gây tai họa ở hạ lưu, các quan sát viên Trung Hoa cho biết.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Hoa Zhao Lijian, hôm Thứ Ba, đả kích kịch liệt Hoa Kỳ đã phóng đại các vấn đề về nguồn nước Mekong để gieo rắc mối bất hòa giữa các quốc gia Mekong, sau khi David Stilwell, Phụ tá Ngoại trưởng về Đông Á và Thái Bình Dương, mới đây đã bôi bác Trung Hoa là “kiểm soát” nước để làm đầy các hồ chứa của Trung Hoa, mà theo “Eyes on Earth” được Hoa Kỳ tài trợ, có dung tích tổng cộng trên 47 tỉ m3.

Dung tích của hồ chứa lớn nhất của Trung Hoa ở thượng lưu sông chỉ có 42 tỉ m3, Zhao nói.  “Chúng tôi khuyến cáo các nhà ngoại giao Hoa Kỳ nên thận trọng trong việc trích dẫn phúc trình như thế, mà nhiều chuyên viên thủy học toàn cầu nói là sai và không có nhiều giá trị khoa học,” Zhao nói.

Các chuyên viên của Trung Hoa đánh giá kỹ lưỡng một phúc trình của các quan sát viên khí hậu Alan Basist và Claude Williams, và thấy rằng các mô hình nghiên cứu được dùng trong phúc trình có những sai sót và nhập nhằng, đưa đến các kết quả không xác thực và đánh lạc hướng.

Global Times nhận thấy phúc trình, có tựa đề Theo dõi Lượng Nước Chảy Qua Thượng Lưu vực Mekong trong Điều kiện Tự nhiên (Không bị Cản trở) (Monitoring the Quantity of Water Flowing Through the Upper Mekong Basin Under natural (Unimpeded) Conditions), do Basist và Williams soạn thảo, cựu nhân viên và nhân viên của chánh phủ Hoa Kỳ, không tuân theo bất cứ tổ chức học thuật được công nhận nào, và không được công bố chánh thức hay được duyệt nhóm.

Một đánh giá phúc trình chi tiết của các chuyên viên thủy lực Trung Hoa cho thấy những sai sót rõ rệt.  Tian Fuqiang, một học giả và nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung Hoa về nguồn nước sông Mekong của Đại học Tsinghua (Thanh Hoa), nói với Global Times trong cuộc phỏng vấn trước đây rằng mực nước ở các trạm thủy điện dọc theo sông Lancang không nhất thiết quan hệ chặt chẽ với độ ẩm trong lưu vực.  Do đó, ước tính dòng chảy của các trạm thủy điện trên sông Lancang bằng chỉ số độ ẩm sẽ đưa đến kết luận không chính xác.

Hơn nữa, mô hình Basist dùng để phát hiện độ ẩm, được gọi là Chỉ số Độ ướt Basist (Basist Wetness Index (BWI)), không thể áp dụng cho vùng rừng núi như lưu vực sông Lancang, như chính Basist đã lưu ý trong các bài viết khoa học trước đây.

Các tác giả của phúc trình dùng tài liệu và nguồn tin từ đầu thập niên 1990s để làm nghiên cứu và mô hình phân tích, hầu như không thực tế với sự thay đổi khí hậu và môi trường trên thế giới hiện nay, Tian nói trong đánh giá của ông.

Hoa Kỳ, một quốc gia ngoài khu vực, đã gia tăng nỗ lực trong việc tấn công cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong (Lancang-Mekong Cooperation (LMC)) do Trung Hoa phát động trong năm 2016.  Việc chánh trị hóa các vấn đề của họ tiếp tục leo thang khi một số cơ quan truyền thông phóng đại như là “một tranh chấp Biển Đông thứ hai.”

Một cơ quan nghiên cứu khác ở Washington, Trung tâm Stimson, đã liên tục phê bình về các vấn đề Mekong trong những năm gần đây.  Giám đốc chương trình Đông Nam Á (ĐNA) của Trung tâm, Brian Eyler, chỉ trích Trung Hoa nhiều lần trong các buổi phỏng vấn, kể cả buổi phỏng vấn với Reuters hôm 4 tháng 9 nói rằng: “Vị thế quan trọng của Trung Hoa trong “Kế hoạch Bình điện của ĐNA” khiến Lào nhanh chóng trở thành như một tỉnh của Trung Hoa.”

Hôm 15 tháng 8, Eyler chuyển tiếp một thư của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vu khống Trung Hoa đã “kiểm soát dòng chảy một cách mờ ám,” mà các chuyên viên nói đã cố tình bỏ quên cự cam kết và nỗ lực lâu dài của Trung Hoa trong việc chia sẻ dữ kiện với các quốc gia ở hạ lưu.

Từ cuối thế kỷ 20th đến năm 2015, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và một số quốc gia khác ở ngoài khu vực đã can thiệp vào các vấn đề nước của sông Mekong.  Từ khi LMC được phát động trong năm 2016, tuy nhiên, các thế lực bên ngoài khu vực muốn can thiệp nhiều hơn mà ít tốn kém hơn vào khu vực Mekong, Zhang Li, một nhà nghiên cứu về Ngoại giao Nước và khu vực Mekong của Đại học Fudan (Phục Đán), nói với Global Times.

Quảng bá tin đồn được xem là một phương pháp ít tốn kém như thế.  Bên lề Phiên họp Ngoại trưởng ASEAN trong tháng 8 năm 2019, Pompeo cáo buộc Trung Hoa “khóa nước ở thượng lưu” và “để cai quản dòng sông.”

Hoa Kỳ cũng cáo buộc Trung Hoa cho vụ vỡ đập không liên quan gì đến Trung Hoa.  Vào tháng 7 năm 2018, đập do một công ty Nam Triều Tiên xây ở Lào bị vỡ, gây thiệt hại nhân mạng nặng nề.  Trung Hoa lập tức gởi một toán cấp cứu sau tai nạn.

Hoa Kỳ lợi dụng cơ hội để tố cáo Trung Hoa đã xây đập ở thượng lưu, hủy hoại sự cân bằng sinh thái ở địa phương, Zhang cho biết.

Chướng ngại vật lớn nhất cho việc nâng cao mối liên hệ Trung Hoa-ASEAN trong tương lai có thể là sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, Peng Nian, một học giả của Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông của Trung Hoa (China’s National Institute for South China Sea Studies), viết trong một bình luận được đăng trước đây trên Global Times.

Các quốc gia Mekong từ lâu đã bị Hoa Kỳ quên lãng trong quá khứ vì kinh tế nhỏ nhoi của họ.  Nhưng nay, sự tấn công của các chánh trị gia Hoa Kỳ báo hiệu rằng Hoa Kỳ sẵn sàng để cạnh tranh cho sức mạnh và tiếng nói, Peng nói.