Thursday, October 31, 2019

20 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp nguy cơ vì nước biển dâng


30/10/2019
  VOA



Các nhà nghiên cứu dự báo hầu hết Đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam sẽ biến mất dưới nước vào năm 2100
Công trình nghiên cứu của tổ chức Climate Central vừa được công bố hôm 29/10 cảnh báo rằng đến năm 2050, trên toàn thế giới, khoảng 300 triệu người sẽ sống ở những vùng gặp nguy cơ ngập lụt do biến đổi khí hậu gây ra, trong đó có 20 triệu người ở Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.
Trong thế kỷ 21, theo tính toán của Climate Central, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở New Jersey, Mỹ, mực nước biển toàn cầu có thể tăng từ 60 centimet đến 2,1 mét, thậm chí có thể hơn thế.
Toàn bộ các thành phố duyên hải có thể bị xóa sổ nếu không có đủ các biện pháp phòng vệ đối với biển cả. Khoảng 70% số người gặp nguy cơ bị lũ lụt hàng năm và ngập lụt vĩnh viễn là ở 8 nước châu Á là Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Philippines, và Nhật Bản, theo nghiên cứu của Climate Central, được đăng trên tạp chí Nature Communications của Anh.

Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam nằm trong số các đô thị gặp nguy cơ. Toàn bộ phần cực nam của Việt Nam có thể bị ngập nước, Climate Central dự báo.
Bình luận về thông tin từ công trình này, ông Jean-Pascal van Ypersele of thuộc trường Đại học Catholique de Louvain ở Bỉ nói: “Nếu hàng trăm hay chỉ cần hàng chục triệu người bị ngập lụt ở châu Á hay châu Phi, tình trạng đó sẽ gây ra biến động xã hội và kinh tế ở quy mô cực lớn”.

Cuộc nghiên cứu cũng bao gồm việc sử dụng các biện pháp cải tiến để đo đạc cao độ của các vùng đất ở châu Á và các nhà khoa học nhận thấy rằng mặt đất đã lún xuống hàng chục centimet so với hình dung trước đây.
Benjamin Strauss, khoa học gia trưởng của Climate Central, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết lâu nay “chúng ta đều không biết rõ về cao độ của mặt đất nơi chúng ta đứng” và các đo đạc cho thấy “vấn đề nghiêm trọng hơn những gì chúng ta đã từng hiểu”.
(CNN, CBS)



Monday, October 28, 2019

ĐE DỌA ĐỐI VỚI SÔNG MEKONG RẤT NGHIÊM TRỌNG



(Threat to the Mekong River is Critical, Critics Say)

Our Correspondent – Bình Yên Đông lược dịch
Asia Sentinel – October 8, 2019



Những dấu hiệu bắt đầu cho thấy không có gì có thể cứu lưu vực sông Mekong rộng 800.000 km2, cung cấp phương tiện sinh sống thiết yếu cho gần 100 triệu người, tránh khỏi sự tàn phá môi trường của các đập nước dọc theo chiều dài 4.350 km của dòng sông hùng vĩ nầy.

Mặc cho Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) phản đối, chánh phủ Lào trong tháng 7 đã cam kết xây dựng con đập thứ 5 trên dòng chánh, khiến lưu lượng và mực nước càng khó đoán trước được và đe dọa cá và thú hoang mà người dân sống nhờ vào.

Từ mức nước thấp kỷ lục trong tháng 6 và 7 cho đến lũ lụt quan trọng ở nhiều nơi trong lưu vực trong tháng 8 và 9, các đập thủy điện đã làm tăng ảnh hưởng đối với dòng sông và con người.  Những đập có qui mô lớn, đặc biệt là các đập được dự trù trên dòng chánh Mekong, là một nguyên nhân đáng kể chứ không phải giải đáp của khủng hoảng Mekong, các nhà môi trường cho biết như thế.

Như Asia Sentinel tường trình ngày 15 tháng 7, thay đổi khí hậu và các đập trên sông ở thượng lưu đe dọa Biển Hồ dài 125 km, một hồ thiên nhiên thiết yếu cho phúc lợi của quốc gia.  Mực nước thấp đe dọa việc nước chảy ngược hàng năm của sông Tonle Sap nối Biển Hồ với sông Mekong, khiến Biển Hồ phình ra đến 11.000-16.000 km2, gây nguy hiểm cho bầy thủy cầm và cá quan trọng trên toàn cầu có nguy cơ tuyệt chủng.  Mực nước xuống thấp nhất trong 100 năm.

Save the Mekong, một tổ chức NGO [non-governmental organization (tổ chức phi chánh phủ)] môi trường kêu gọi ngừng xây đập, nói: “Thay vì thực hiện những bước cấp bách để đối phó với sự suy thoái nhanh chóng của tính lành mạnh và mức sản xuất của hệ thống sông, chánh phủ Lào chánh thức thông báo với MRC ý định xây đập Luang Prabang.”

Những đập nước, theo tổ chức nầy, sẽ biến dòng sông thành một chuỗi hồ nước gây ảnh hưởng quan trọng đến môi trường.  Họ muốn biến sông Mekong thành một trong những con sông bị ngăn chận nhiều nhất, với những hậu quả môi trường không biết được.

Save the Mekong nói: “Nếu được xây, đập Luang Prabang, cùng với các đập Pak Beng, Xayaburi và Pak Lay, sẽ hoàn tất việc biến khúc sông Mekong ở bắc Lào thành một loạt hồ chứa bậc thềm, gây thiệt hại không thể đảo ngược đối với tính lành mạnh và mức sản xuất của sông.  Điều nầy có nghĩa là những lợi ích kinh tế và xã hội lớn lao mà dòng sông từng cống hiến sẽ mất, và dòng sông sẽ trở thành một lòng lạch để sản xuất điện, chủ yếu mang lợi lộc cho các công ty thủy điện.”

Lào, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, bao quanh bởi Trung Hoa, Việt Nam, Cambodia và Thái Lan, tự xem mình là “Bình điện của Á Châu,” mong muốn xây đập trên tất cả dòng sông, nhiều lần trong nhiều trường hợp, và xuất cảng điện sang các nước láng giềng giàu mạnh hơn bất chấp nguy hiểm đối với sinh thái tự nhiên và con người lệ thuộc vào những dòng sông nầy để cung cấp giao thông và thực phẩm.

Trong quá khứ, MRC đã cố gắng nhưng hoàn toàn thất bại trong việc khuyến cáo Lào nên trì hoãn đợt xây đập và cứu xét vài dự án, đặc biệt là Xayaburi, đập đầu tiên trên dòng chánh ở hạ lưu Mekong và được xem là đập hủy hoại môi trường nhiều nhất ở Lào.  Nhưng nhiều đập khác đã được xây trên khúc sông Mekong ở Lào, với những khối bê tông vọt lên ở Pak Beng và Don Sahong gần thác Si Phan Don ngay biên giới Cambodia.

Một trong những đập đó, đập Xe Pian, đã vỡ trong tháng 7, tạo nên con sóng nước đục ngầu, cuốn trôi tất cả làng mạc và giết chết hàng chục hay hàng trăm người.  Hy vọng chánh phủ sẽ xem việc vỡ đập nầy như là một bước ngoặt cho chiến dịch xây đập hấp tấp của họ.  Như việc chấp thuận dự án Luang Prabang cho thấy, việc nầy đã không xảy ra.

Save the Mekong yêu cầu Việt Nam cứu xét lại việc tham dự vào đập Luang Prabang, với nhà đầu tư hàng đầu là Điện lực PV, một chi nhánh của công ty quốc doanh Petro Vietnam.

Liên minh Mekong nói rằng sự tham dự của một công ty quốc doanh Việt Nam đi ngược lại với những lo ngại được lặp đi lặp lại bởi chánh phủ Việt Nam trong tiến trình Thông báo Trước cho các đập trên dòng chánh.  “Dựa trên những lo ngại về những ảnh hưởng đối với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), trong tiến trình Thông báo Trước của đập Xayaburi, chánh phủ Việt Nam kêu gọi ‘một sự trì hoãn ít nhất 10 năm’ cho đập Xayaburi và các đập được dự trù khác trên dòng chánh.”

Rõ ràng, điều đó không xảy ra.  Liên minh Mekong nói Điện lực PV có thành tích xấu trong các dự án thủy điện ở Lào.  Mặc dù đã hoàn tất, các đập Xe Kaman 1 và 3 ở nam Lào không vận hành thích đáng và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cộng đồng địa phương.

“Vì đập Luang Prabang sẽ gia tăng ảnh hưởng đối với dòng sông và ĐBSCL, chánh phủ Việt Nam phải xem xét lại việc tham dự vào dự án,” Liên minh cho biết.

Nghiên cứu của Hội đồng MRC, đánh giá các kế hoạch phát triển hiện tại và trong tương lai, cho thấy rõ rằng các đập được dự trù trên dòng chánh và phụ lưu Mekong đe dọa nghiêm trọng đến sinh thái, kinh tế và an ninh lương thực của khu vực.  Đối với các đập trên dòng chánh, Nghiên cứu của Hội đồng MRC cho thấy ảnh hưởng liên quan đến sự nối kết thì “nghiêm trọng và vượt quá ảnh hưởng của tất cả việc phát triển nguồn nước trong hạ lưu vực Mekong.”

Một trong những đề nghị then chốt của Nghiên cứu là các nước thành viên nên nghiêm chình cứu xét các giải pháp năng lượng tái tạo thay thế cho các đập có qui mô lớn.  Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy những đề nghị nầy được thực hiện hay dùng trong việc lấy quyết định đối với các đập trên dòng chánh.

Một nghiên cứu trong năm 2018 của MRC, một cơ quan chỉ có danh nghĩa trong việc xây đập trên sông, lưu ý rằng vào năm 2040 Lào có kế hoạch xuất cảng 11.739 MW điện sang Thái Lan, trong khi chánh phủ Thái Lan cho thấy chỉ cần 4.274 MW.  Tổ chức NGO nói sự sai biệt gần 7.500 MW nầy lớn hơn công suất thiết trí của tất cả 7 đập trên dòng chánh đang được xây hay dự trù gộp lại.

Liên minh cho biết trong một công bố rằng “Những đường lối và giải pháp năng lượng khả chấp và bình đẳng tôn trọng quyền của cộng đồng và thỏa mãn nhu cầu nước và năng lượng trong khu vực đã sẵn có.”  Một tiềm năng khổng lồ cho năng lượng có hiệu quả và năng lượng phi thủy điện hiện có trong khu vực.  Một sự đánh giá tổng thể sẽ giúp xác định đường lối và giải pháp năng lượng khả chấp và bình đẳng cho khu vực nhưng không cần hủy hoại các hệ thống sông mà hàng triệu người phụ thuộc vào để sinh sống.

Không chắc những lo ngại của NGO sẽ được để ý.  Lào, với hạ tầng cơ sở thiếu thốn và lệ thuộc nặng nề vào việc xuất cảng tài nguyên thiên nhiên, đang bán mình cho phần còn lại của khu vực.  Đầu tư trực tiếp của ngoại quốc không chỉ nằm trong các đập thủy điện được chú ý dọc theo sông Mekong mà còn nằm trong các mỏ đồng và vàng, đốn gỗ và xây dựng mà không có hay ít quan tâm đến ảnh hưởng môi trường của chúng.  Cũng không chắc rằng lợi lộc sẽ giúp cho người nghèo ở Lào.  Hầu như chúng sẽ chui vào túi của những người có thẩm quyền quyết định.

Our Correspondent – Bình Yên Đông lược dịch

.

CÁC BIỆN PHÁP ĐỂ GIẢM BỚT ẢNH HƯỞNG CỦA ĐẬP ĐỐI VỚI NGƯ NGHIỆP Ở HẠ LƯU SÔNG MEKONG



(Options to mitigate the impacts of the Lower Mekong Basin river damming to fisheries)

Asean Today – Bình Yên Đông lược dịch
ASEAN Today – December 4, 2018


Những đập mới xây đe dọa hệ sinh thái mong manh của Hạ Lưu vực Mekong 
(Lower Mekong Basin (LMB)).  
Có nhiều giải pháp, nhưng trong hầu hết trường hợp, chánh trị thường là vật chướng ngại.

Vào ngày 4 tháng 12, Diễn đàn Đại Mekong về Nước, Lương thực và Năng lượng (Greater Mekong Forum on Water, Food and Energy) sẽ họp tại Khách sạn Inya Lake ở Yangon, Myanmar.  Sự kiện nầy là một sự kiện chia sẻ kiến thức lớn nhất trong khu vực, khi các NGO’s (non-governmental organizations (các tổ chức phi chánh phủ)), các công ty tư nhân, các nhà hoạch định chánh sách, và các cơ quan phát triển địa phương gặp gở để chia sẻ nghiên cứu về ảnh hưởng của phát triển kinh tế đối với LMB.

Một trong những vấn đề cấp thiết nhất đang quấy rầy hệ sinh thái của LMB là ảnh hưởng của các đập đối với đàn cá ở địa phương.  Chánh phủ Lào có sứ mệnh khai thác tiềm năng năng lượng của Mekong.  Nhưng ngoại trừ có những biện pháp để bảo vệ sự di chuyển của cá, việc phát triển có thể gây nên những hậu quả thảm khốc cho con người và môi trường.
Lào đang cố gắng để trở thành “bình điện của Đông Nam Á”

Chánh phủ Lào đã tung một chiến dịch để đẩy mạnh xuất cảng năng lượng qua việc xây cất hàng chục đập thủy điện trên dòng chánh Mekong trong lãnh thổ của mình và trên các phụ lưu khác.

Dự án, tìm cách biến Lào thành “bình điện của Đông Nam Á”, đã xây hơn 46 nhà máy thủy điện, với 54 nhà máy khác được dự trù.

Trong số nầy, có 4 đập trên dòng chánh Mekong.  Đề nghị mới nhất được đệ nạp trong tháng 6 cho đập Pak Lay trong tỉnh Xayaburi.

Ảnh hưởng của đập đối với con người và môi trường chưa được cứu xét kỹ lưỡng

Chánh phủ Lào xem kế hoạch xây đập như là một phương cách khả chấp để giảm nghèo cho quốc gia.  Nhưng dù các nhà máy thủy điện là nguồn năng lượng sạch, điều đó không có nghĩa là chúng không có ảnh hưởng môi trường lớn lao.

Sông Mekong có nền ngư nghiệp nội địa lớn nhất trên thế giới.  Khoảng 25% số cá nước ngọt đánh được trên toàn cầu từ sông Mekong, cung cấp sinh kế và kinh tế cho hơn 60 triệu người.

Sông Mekong là một mạch máu mang sự sống cho khu vực.  Cá trong sông nuôi người dân.  Các phụ lưu của nó cung cấp nước cho mùa màng, và phù sa giúp đất thêm màu mỡ cho nông nghiệp.

Nhưng các đập được đề nghị sẽ đe dọa khu vực.  Vào tháng 2, Ủy hội Sông Mekong (Mekong River Commission (MRC)) phổ biến kết quả một nghiên cứu trị giá 4,7 triệu USD.  Nghiên cứu, mất 7 năm để thực hiện, cho thấy 11 đập thủy điện được đề nghị trên dòng chánh Mekong, cùng với 120 đập được đề nghị trên các phụ lưu, sẽ đe dọa nghiêm trọng đến sinh thái của khu vực.

Nghiên cứu ước tính số lượng cá sẽ giảm đến 40%.  Phù sa chảy về hạ lưu gần như không còn, giảm đến 97%, ảnh hưởng đáng kể đến kỹ nghệ nông nghiệp của Việt Nam và Cambodia.

Đã có những đấu hiệu cho thấy các đập hiện có đang hủy hoại hệ sinh thái của LMB.

Việc xây cất đập Don Sahong ở Lào bắt đầu trong năm 2016.  Kể từ đó, số lượng cá đã giảm mạnh ở khúc sông phía dưới.  Ngư dân địa phương ở trong làng Hang Sadam gần đó nói, “trong quá khứ, có rất nhiếu cá trong sông Mekong, nhưng nay chúng ta chỉ bắt được 30% số cá chúng tôi có thể bắt 5 năm trước”.

Số cá heo Irrawady cũng bị ảnh hưởng.  Hiện nay chỉ còn 4 con ở Lào.  Chúng sống trong một vùng chỉ cách Don Sahong 500 m. Một viên chức Lào ẩn danh nói, “hồi trước có 5 con, kể cả con nhỏ nhất vừa chết trong tháng qua vì ảnh hưởng nghiêm trọng [đối với môi trường]”.

Những giải pháp sáng tạo giúp cá di chuyển tự do

Việc xây cất đập ngăn chận cá di chuyển một cách tự do về phía thượng lưu đến nơi sinh sản của chúng.  Kết quả là chúng không thể hoàn tất chu kỳ sinh sống.

Có nhiều giải pháp cho phép cá di chuyển tự do mà không ảnh hưởng đến khả năng sản xuất thủy điện.  Cửa xả tràn để điều hòa lưu lượng chỉ có thể giúp được một số cá.

Các ống vận chuyển có thể được xây dọc theo đập để cung cấp đường di chuyển tự do cho cá.  Các lưới quay hay âm thanh lùa cá từ các kinh dẫn vào turbine đến các lòng lạch đưa vào ống vận chuyển.  Những ống nầy sẽ phun cá xuống hạ lưu đập.

Phương pháp nầy có hiệu quả cho cá di chuyển xuống hạ lưu, nhưng tạo luồng lạch cho cá di chuyển lên thượng lưu thì khó khăn hơn.

Một vài chiến lược đã thành công.  Ở Queensland, Úc, đập Paradise dùng máng nâng cá để giảm thiểu ảnh hưởng đối với ngư nghiệp địa phương.  Ở cuối kinh dẫn sát vách đập là một cái thùng.  Sau khi cá lội vào thùng, cửa kinh được đóng lại và thùng được nâng lên.

Khi đến đỉnh đập, một cần trục sẽ kéo thùng qua khỏi đập rồi thả xuống hồ chứa để cá tiếp tục di chuyển về phía thượng lưu.

Các giải pháp sáng tạo khác đã được dùng ở Lào.  Đại học Charles Sturt, với sự tài trợ của chánh phủ Hoa Kỳ và Úc và MRC, đã hoàn tất “đường cá” đầu tiên ở làng Pak Peung.

Đường cá chính là một cái thang cho cá.  Nó gồm có nhiều hồ nước nhỏ nối liền nhau đi lên như bậc thang.  Những bậc thang nầy đủ nhỏ để nước có thể chảy tự do.  Thác nước nầy thu hút cá.  Chúng có thể nhảy từng bậc, và leo dần lên thang.

Đường cá thử nghiệm ở Huyện Pak San tỉnh Bolikhamsay, Lào [Ảnh: Flickr]


Chánh trị là trở ngại chớ không phải kỹ thuật

Với những giải pháp có sẵn, khó khăn trong việc giảm bớt ảnh hưởng không nằm trong vấn đề kỹ thuật mà nằm trong vấn đề chánh trị.

Mặc cho nghiên cứu tổng thể của MRC, các chánh phủ cũng không muốn đầu tư vào các giải pháp.  Mặc dù các đập được đề nghị phải được đệ trình lên MRC qua Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (Procedures for Notification, Prior Consultation and Agreement (PNPCA)), phẩm chất của dữ kiện được đệ trình rất đáng nghi ngờ.

Vẫn còn nhiều mối lo ngại chưa được giải đáp cho nhiều đập được đề nghị.  Việc xây cất đập Don Sahong và Xayaburi đã được xúc tiến trước khi những mối lo ngại nầy được giải quyết.

Chỉ có đập Pak Beng bị trì hoãn sau khi trở thành chủ đề cho một vụ kiện của Tòa Hành chánh ở Thái Lan.

Thủy triều có thể thay đổi

Một phần của vấn đề là do MRC không có quyền hạn pháp lý đối với các chánh phủ.  Cơ chế PNPCA không có ảnh hưởng đáng kể đến quyết định của họ.

Thế nhưng có những dấu hiệu cho thấy thủy triều đang thay đổi.  Lào loan báo trong tháng 8 sẽ tạm ngưng việc chấp thuận các dự án xậy đập mới.  Nhưng sự thay đổi không phải vì lo ngại môi trường.

Tuyên bố được đưa ra 4 tháng sau khi chánh phủ Thái phổ biến Kế hoạch Phát triển Điện lực 2018, cho thấy tham vọng của Thái Lan nhằm sản xuất ½ điện năng từ năng lượng tái tạo vào năm 2036.

Thái Lan hiện là quốc gia nhập cảng năng lượng lớn nhất của Lào, và nhu cầu của Thái là một yếu tố quan trọng hàng đầu trong quyết định xây cất đập của chánh phủ Lào.  Khi bành trướng khả năng năng lượng của mình, Thái Lan sẽ giảm bớt lệ thuộc vào năng lượng nhập cảng.

Đồng tiền có tiếng nói.  Nhu cầu năng lượng giảm có thể làm chậm việc xây đập, nhưng nó không thể làm gián đoạn những đập đang xây hay sắp hoàn tất.

Từ ngư dân ở Thái Lan và Cambodia cho đến nông dân ở Việt Nam, toàn thể khu vực tùy thuộc vào Mekong và sự di chuyển tự do của cá và phù sa.  Các giải pháp đã có.  Nay là lúc các chánh phủ ra tay thực hiện.  Số phận của 60 triệu người đang bấp bênh.

Asean Today – Bình Yên Đông lược dịch

.

Tuesday, October 22, 2019

ĐBSCL trước thách thức chưa từng có



21/10/2019

Giữa mùa nước nổi ĐBSCL mênh mông gợi lại ký ức đầy cảm xúc từ thời xa xưa cha ông vượt qua hai "đại giang" sông Tiền, sông Hậu mở đất phương Nam. Lịch sử hàng trăm năm kiến tạo hình thành nên vùng châu thổ rộng lớn.
Một vùng “mưa thuận, gió hòa”, thiên nhiên hào phóng, đất nỡ, sông bồi…đẩy mũi thuyền Cà Mau tiến ra biển mỗi năm hàng trăm mét. Nhưng rồi câu chuyện hôm qua đã chuyển sang một chương mới trước thời tiết biến đổi khác thường. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học và thực tế cuộc sống cư dân trong vùng đã nhận diện “thiên tai và nhân tai”.
Một câu chuyện thời sự nóng đan xen thách thức hy vọng tạo ra cơ hội vì mục tiêu phát triển bền vững cho cả vùng. Báo NNVN có cuộc  trò chuyện với PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ). Ông Trung từng theo học chuyên ngành thủy nông, nghiên cứu sinh tại Hà Lan.

PGS.TS Nguyễn Hiếu Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu .
(Đại học Cần Thơ). Ảnh: HĐ.


Thời sự sụp lún và tác nhân

Hai năm qua sạt lở đã gióng lên hồi chuông báo động. Trên bản đồ trực tuyến sạt lở ĐBSCL cảnh báo dày đặc 226 điểm/423km chiều dài theo ven bờ sông, bờ biển khắp 12 tỉnh, thành phố. Ông nghĩ gì về những thách thức đáng lo ngại nhất cho vùng đất này?
Tôi cho rằng sạt lở và sụt lún đang là thách thức chưa từng có. Có nhiều nguyên nhân khác nhau. Thứ nhất tác động từ quá trình tự nhiên như dân gian thường nói “Sông sâu bên lở, lở bên bồi”.

Theo dòng chảy tự nhiên, con sông lúc nào nó cũng có sự dịch chuyển. Nếu xét theo chu kỳ lặp lại 10 năm - 20 năm - 30 năm hay 50 năm đến 100 năm, con sông sẽ dịch chuyển. Nhìn ảnh vệ tinh con sông sẽ không còn nằm ở vị trí cũ mà có sự xê dịch. Do yếu tố tự nhiên, dòng chảy đổ xuống nếu gặp vật cản nào nếu phá được sẽ phá. Còn không thì dòng chảy sẽ tránh, quẹo vòng qua dấn vào chỗ nào mềm để tiếp tục phá mở lối đi. Dòng chảy tùy thuộc vào địa hình khu vực. Đất chỗ cao, chỗ thấp, nền đất yếu, mềm và nền đất yếu, lún sụp đều do yếu tố tự nhiên.

Theo ông, quá trình hình thành địa chất vùng ĐBSCL và yếu tố tự nhiên nên dễ chịu tác động?

Đúng vậy, do yếu tố tự nhiên đồng bằng là vùng đất ngập nước. Ngập và khô như thế diễn ra làm cho bề mặt đất yếu. Khi nước lên thì đất bị đọng nước rồi nở ra, đến lúc nước hạ xuống thì đất co lại. Nhìn mắt thường không thấy đất nứt ra. Vào đầu mùa mưa, mưa xuống đất nở ra và trôi đi. Lúc đó lún rồi gây sạt lở.

Sạt lở là do dòng chảy, do địa chất, do quá trình dịch chuyển chiều ngang và chiều đứng của dòng sông. Mưa gây xói lở và còn có yếu tố tự nhiên trên mặt đất. Nếu trên mặt đất hiện hữu cỏ cây, rừng sẽ khác so với bề mặt phẳng trơn, sẽ giống như trên mặt đất toàn là cát mà không có cây thì dễ bị cuốn trôi. Hơn nữa đồng bằng có vận tốc lún cao hơn các vùng khác cũng là do yếu tố tự nhiên.

Song, lịch sử quá trình hình thành phát triển vùng đất mới còn có bàn tay con người...
Nói tới yếu tố tác động của con người, nếu nhìn lại lịch sử phát triển đồng bằng thì xưa kia trên vùng đất mới gần như không có vật cản nên khi lũ lớn nước chan đều ra. Mặt nước dâng cao, tốc độ dòng chảy chậm.

Bây giờ trên mặt đất đó chúng ta đặt đủ thứ lên (các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng nhà cửa, cầu đường, đê bao, cống đập, bờ kè…), nước chảy vào sẽ bị thu hẹp hoặc gom lại, nó giống như chúng ta đi giữa hai căn nhà cao tầng thì gió sẽ mạnh hơn bên ngoài đất trống. Trong những năm qua do làm lúa tăng vụ hình thành đê bao, phần đê bao ngăn chặn nước sẽ làm cho dòng chảy càng lớn hơn. Do vậy khu vực sạt lở thường nằm chiều ngang chặn hướng dòng chảy. Dòng chảy sẽ tập trung vào điểm nào yếu nhất của vật cản trở, phá vỡ đi.

Như vậy còn có yếu tố ngoại biên nào khác?

Đề cập tác động dòng chảy từ thượng nguồn, chúng ta phải dựa vào con số thấy được qua cơ quan chuyên môn (khí tượng thủy văn). Như năm nay theo dự báo tổng lượng nước về ĐBSCL ít hơn những năm trước đây, chúng ta không thể cho rằng do nước trên thượng nguồn chảy xiết làm cho đồng bằng bị xói lở. Vấn đề là chúng ta phải kiểm tra, đánh giá các điểm sạt lở trên cơ sở khoa học, chia ra nhiều loại sạt lở khác nhau. Sạt lở do đất nền yếu, sạt lở do dòng chảy xoáy vào, sạt lở do các công trình xây dựng lấn bờ sông, sạt lở do khai thác cát…
Hay nói đến lượng phù sa cần có số đo đạc cụ thể. Nếu cho rằng nước đói phù sa thì ít nhất phải chịu tác động trong thời gian dài, chớ không phải trong một hai năm được. Những năm qua nước vẫn có phù sa nhưng do chính chúng ta đóng cống, đê chặn đuổi phù sa ra biển đó thôi.

Sạt lở, ô nhiễm môi trường sẽ trầm trọng thêm. Ảnh: HĐ.

Còn hiện tượng sói lở bờ biển Đông và Tây, nhất là khu vực chịu tác động nặng nề ở Bán đảo Cà Mau?

Xói bờ biển là một vấn đề khác. Bờ biển xói lở có thể do dòng hải lưu dọc theo bờ biển gây xói lở, do sóng… Có một số điểm do nền đất bồi lắng trong một giai đoạn nào đó trong năm nhưng lại có những tháng bị xói lở. Nhiều khi giai đoạn xói lở lại lớn hơn giai đoạn bồi nên mất đất. Muốn đất bồi giữ được hay không là nhờ có rừng. Nhưng khu vực nào không còn rừng nữa lẽ đương nhiên nước biển dâng, sóng biển đánh vào… nên cần có các giải pháp khác. Trước đây đê chắn sóng đưa sát ra biển để bảo vệ rừng ngập mặn bên trong, khi nghiệm ra không phải giải pháp đúng. Bờ đê chắn sóng nên nằm bên trong, rừng bên ngoài để phát triển.  

Quá trình tiệm tiến

Hàng trăm năm qua lịch sử kiến tạo vùng châu thổ ĐBSCL, từ yếu tố căn nguyên cấu trúc nền móng hình thành từ phù sa bồi đắp trong điều kiện nước biển dâng cao. Nhìn hướng phát triển ĐBSCL làm thế nào đứng chân tạo nền tảng bền vững?

ĐBSCL nền đất yếu nhưng nếu biết cách chúng ta vẫn giữ và phát triển vững vàng trong tương lai. Nằm ở cuối nguồn sông Mekong, địa chất vùng ĐBSCL có cấu tạo tầng đất ở dưới toàn là đất cát, đất bùn chen lẫn đất sét sâu mấy trăm mét. Đất không có chân, chân đất cắm dưới sâu.

Về phía trên dọc theo vùng biên giới Tây Nam từ dãy Hà Tiên (Kiên Giang) qua Châu Đốc (Kiên Giang) đất có chân. Còn về miền hạ, đất không có chân. Do vậy nhiều công trình xây dựng phải đóng cọc móng sâu xuống đất. Nhà ở bình thường đóng cọc sâu 20 - 30m. Nhà cao tầng đóng cọc sâu cả trăm mét. Vì thế các công trình xây dựng đồ sộ trên nền đất đồng bằng muốn được như như những thành phố khác chi phí tăng cao rất nhiều.

Trước đây có tài liệu khoa học nói đến cấu tạo địa chất dọc theo sông Hậu có những vết đứt gãy, liệu có ảnh hưởng, tác động đến cả vùng?
Không, vết đứt gãy theo sông Hậu không chuyển động và chưa thấy kết luận khoa học như một số khu vực khác thuộc trong vành đai Thái Bình Dương đang chịu tác động, gồm Đài Loan - Nhật hay Đài Loan kéo xuống Philippines. Khu vực trên dịch chuyển liên tục, gây động đất.

QL 91 sạt lở dữ dội bên bờ sông Hậu. 
Ảnh: Lê Anh Tuấn.


Dân cố cựu ở miền Tây hoài niệm một thời không xa, rừng còn mênh mông, làng mạc trù phú, đồng ruộng cò bay thẳng cánh, thiên nhiên trong lành… Thế nhưng ngày nay dân cư đông đúc, khí hậu biến đổi đã ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân. Nếu hình dung một bức tranh tương lai?

Theo tôi còn tùy vào từng giai đoạn và từng mục tiêu phát triển. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên có giai đoạn đặt mục tiêu trọng tâm vào lương thực, để ăn no phải trồng lúa, cải tạo đất, xổ phèn, kênh rạch mở ra đưa nước vào… Lúc đó mục tiêu dùng tất cả trí lực, tài lực hướng vào trồng lúa.

Thời đó về mặt thể chế quyết định mục tiêu phát triển, nhà nước tập trung vào cây lúa. Cả trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu trọng tâm vào cây lúa, thủy lợi phục vụ trồng lúa. Rồi đại học chuyên ngành thủy lợi ở miền Bắc quy hoạch các hệ thống đê bao, kiến thức phục vụ cho sản xuất lúa.
Nếu thử hình dung bỏ tiền ra cải tạo thành vùng chuyên canh cây ăn trái? Tôi còn nhớ có lúc nghe thầy Xuân (GS-TS Võ Tòng Xuân) nói ĐBSCL thay vựa lúa thành vùng trồng cây ăn trái, nhưng bị phản bác ngay.

Bây giờ nếu theo hướng này là giàu rồi. Lúc đó nếu trồng cây ăn trái thì bây giờ mình làm chủ công nghệ, làm chủ thị trường. Cây ăn trái sử dụng nước ít hơn. Bẵng đến sau năm 2000 khởi xướng ra chuyện nuôi tôm - cá, do thủy sản mở được thị trường xuất khẩu. Do đó vấn đề không chỉ có lương thực mà là mục tiêu gia tăng thu nhập.

Từ giá trị nông - thủy sản đã thấy ở đồng bằng bắt đầu làm giàu. Nông dân đào ao nuôi cá tra, bè cá. Vùng ven biển chặt rừng, đồng lúa chuyển qua nuôi tôm...
Tuy cách làm của mình vào thời điểm đó chuyển đổi quá nhanh, kiến thức chưa trang bị đủ nên một số người chỉ thành công ban đầu rồi sau đó trắng tay. Còn lại người nuôi tôm giỏi, có kiến thức tồn tại. Đến sau này các tập đoàn lớn vào đầu tư, kỹ thuật ngành nuôi trồng thủy sản nâng cao hơn.  
Có giải pháp đúng, ngập lên 1m vẫn không sao
Lẽ thường mỗi khi xảy ra sạt lở bờ sông hay ven biển ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân, chính quyền địa phương sốt ruột muốn đối phó, bảo vệ vùng bờ. Trước mắt là đổ tiền xây dựng bờ kè, đóng cọc cừ tràm hay kè bê tông… ngăn chặn xói lở. Nhưng có giải pháp nào phù hợp, thích ứng?

Tôi cho rằng phải làm bản đồ phân loại các kiểu sạt lở. Nghiên cứu thực tiễn cụ thể địa chất, tốc độ lún bao nhiêu, dòng chảy như thế nào, xem xét hai bên bờ xây dựng mật độ như thế nào? Đường sá tải trọng ra sao… mỗi điểm sạt lở cần có thông tin đầy đủ. Trên cơ sở đó mới xác định nguyên nhân chính do đầu. Cách khắc phục, đưa ra giải pháp nào khả thi nhất. Trường hợp đặc biệt tới mức làm gì cũng không được thì nên bỏ qua, khó quá tìm giải pháp sau. Khu vực sạt lở cảnh báo quá nguy hiểm mà chưa có cách khắc phục thì phải tìm cách di dời dân cư ra nơi ở an toàn, tìm những nơi khác có khả năng phát triển.

Đồng vốn có hạn, nếu không khéo chỉ “đổ sông đổ biển”. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các Bộ ngành và địa phương, đồng thời sẽ chi hỗ trợ hơn 3.000 tỷ đồng trong 2 năm (2019 - 2020) cho các giải pháp ứng phó trước vấn nạn sạt lở ở ĐBSCL. Theo ông đâu là việc cần làm trước, giải pháp nào đạt hiệu quả nhất?

Lâu nay nghe ý kiến đề xuất giải pháp cứng và mềm. Tôi nghĩ giải pháp công trình dạng cứng hay mềm đều cần có. Đối với những khu đặc biệt quan trọng về an ninh quốc phòng, sân bay, những khu vực bị nguy cơ đe dọa bị ảnh hưởng lớn như bãi rác ngập nguy cơ gây ra dịch bệnh, bệnh viện hoặc nhà máy nhiệt điện, kho lưu trữ, khu hành chính… cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên phải đầu tư đúng chỗ. Không thể nói chung chung làm kè là xây kè hết.

Vấn đề quan trọng nhất vẫn là cơ chế phối hợp quy hoạch. Tương lai lâu dài có tiền nhiều xây dựng đường cao tốc trên cao như bên Mỹ. Ở vùng biển làm cao tốc trên cao bền vững, không sợ gì hết. Cách làm cứng là cứng những công trình đó, cho các trục giao thông chính của đồng bằng. Giao thông của mình làm sao cho thật ngon lành, nối kết các điểm cần sơ tán hay vận chuyển hàng hóa lưu thông, phát triển cho cả vùng.

Vụ sạt lở mới đây bên bờ kinh Cái Sắn, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ. 
Ảnh: BVT.

Nếu cần cho giải pháp mềm?

Tôi nhận thấy phát triển đô thị và giao thông làm sát bờ sông không ổn. Do tập quán sinh cư lâu nay hình thành nên nhiều khu dân cư, nhà cửa xây cất sát bên bờ. Hồi xưa dựng nhà sàn nhà bằng cừ tràm nhẹ. Ngày nay xây nhà bằng bê tông cốt thép. Đúng ra mình phải có kế hoạch, quy hoạch khu dân cư không để người dân sống trên sông, rạch và đường giao thông bộ cũng phải cách xa bờ sông.

Nếu xác định phạm vi bờ sông, khi mình vẽ mặt cắt ngang con sông thì đường biên hai bên bờ dựa vào mặt nước. Nước lớn trải rộng ra tới hai mép bờ. Còn như ép sông xây bờ kè chặn lại (nước tràn vào mép sông tự nhiên) thì tổng diện tích nước sẽ tăng cao hơn, vận tốc dòng chảy cao hơn. Nếu ép quá tức nước vỡ bờ.

Nước vào khúc cua sẽ phá nhiều hơn trước khi sông chưa xây kè. Yếu tố này rất quan trọng vì vậy dù có làm kè đi nữa theo cách tiếp cận cũ thì sẽ không bao giờ giữ được. Muốn bảo vệ đê điều có thể làm bờ kè lùi vào phía trong, sau đó tới đường, nhà dân. Để lại cho phía ngoài hành lang ven bờ mùa khô nước rút xuống, nơi đây sẽ phục hồi nguyên một vùng sinh thái đất ngập nước, có cá, tôm, chim chóc… hội về.

Tương lai nước biển dâng, sạt lở, sụt lún… nếu cứ xây công trình ven bờ sông càng xây sẽ càng lún xuống nữa và dần dần rồi cũng phải di dời vào trong thôi. Theo lẽ đó giải pháp bờ kè chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững. Chúng ta không thể đổ tiền xây kè hết theo chiều dài sông Hậu.

Hoạt động nghiên cứu chính của Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu đã và đang hướng vấn đề trọng tâm là phát triển bền vững và dự báo tương lai cho vùng này ra sao?
Trong 10 năm qua Viện chú trọng nghiên cứu vào các vấn đề phức tạp đang tác động lên đồng bằng. Nếu chỉ nói BĐKH thì chưa đủ mà là một sự tổng hợp nhiều yếu tố. Đối với đồng bằng cần mở rộng tầm nhìn tổng thể từ phía trên thượng nguồn, đến lượng mưa tăng - giảm và mùa khô sẽ diễn biến ra sao. Đó là định hướng Viện đã làm.

Bên cạnh đó yếu tố nội vùng cho thấy chịu tác động trên từng tiểu vùng khác nhau gồm Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên, Bán đảo Cà Mau đến vùng cửa sông, vùng ven biển Đông…Mỗi tiểu vùng có đặc trưng khác nhau và chịu tác động BĐKH khác nhau. Do vậy cần có đánh giá cụ thể, Viện rất chú trọng vào vấn đề này. Tuy nhiên gần đây những phát sinh mới thông qua nghiên cứu của Hà Lan về sụt lún đất ở ĐBSCL, Viện đang xúc tiến nghiên cứu bước đầu.

Hiện nay theo định hướng cây ăn trái, thủy sản ở vùng ĐBSCL đang theo hướng phát triển tốt. Vấn đề là phải đảm bảo được đầu ra. Qua thực tế nhu cầu thị trường cần gì nông dân đồng bằng SX được hết. Nhà nước giúp tìm được thị trường hoặc là đầu tư khoa học công nghệ để cho sản phẩm của vùng đáp ứng được yêu cầu thị trường. Bởi cái chết chưa hẳn là do BĐKH, vì vậy chuyển đổi sản xuất trong điều kiện khí hậu thay đổi cần phải tính toán khoa học.
Dù trong nguy nan vẫn tìm ra cơ may tạo ra động lực. Tôi nghĩ rằng nếu biết khai thác và tạo ra động lực để phát triển thì không phải lo âu ngay cả khi mực nước ngập lên 1m người dân đồng bằng vẫn sống được.
Xin cảm ơn ông!

HỮU ĐỨC

Theo hướng phát triển kinh tế gia tăng giá trị, nhưng còn hệ lụy môi trường? Tác hại ra sao khi người dân một số địa phương bắt đầu thấy khó khăn và than vãn, kêu ca?
Hiện nay Nhà nước đã có chính sách phát triển cho ngành thủy sản. Nhưng thủy sản đi sau nên thủy lợi chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu (do mục tiêu thủy lợi trước đây chủ yếu phục vụ cho trồng lúa). Chăn nuôi thủy sản sử dụng nước và nước thải ra nếu không xử lý tốt là nước dơ. Trong sản xuất nông nghiệp cây lúa sử dụng rất nhiều nước và thải ra môi trường còn dư lượng thuốc BVTV.

Hệ lụy dẫn tới là ở vùng nông thôn không dám lấy nước dùng cho sinh hoạt ăn uống, tắm giặt, thậm chí rửa tay còn sợ. Thế là người ta bày cách lấy nước ngầm. Dùng nước ngầm quá nhiều gây ra ô nhiễm.

Vùng Bán đảo Cà Mau khá phổ biến tình trạng lấy nước nuôi tôm, nước tưới làm rẫy, trồng hành và hoa màu cũng lấy từ nước ngầm, dẫn tới báo động đồng bằng đang sụt lún.
Chúng ta chuyển đổi tạo được giá trị gia tăng từ cá tôm, từ khai thác tài nguyên nước, ép bức thiên nhiên quá mức. Nay thiên nhiên đang đòi lại. Vì nếu khai thác lấy hết nước ngầm, đồng bằng lún xuống nước bên ngoài tràn ngập vào… Đất lún phục hồi không được.
Nếu chúng ta không kiểm soát được tình trạng này, tôi cho rằng tới lúc nào đó chúng ta phải bỏ tiền ra bao nhiêu cũng không đủ bù đắp.

SOURCE:


Sunday, October 20, 2019

Nguy cơ chiến tranh nước gia tăng trên sông Mê Kông




Trung Cộng với khả năng mới được củng cố để ngăn chặn nước sông Mê Kông chảy đến các quốc gia vùng Đông Nam Á cho thấy một điểm nóng mới trong khu vực này.

David Hutt * Đỗ Tùng (Danlambao) dịch: Sông Mê Kông, một con sông lớn bắt nguồn từ Trung Cộng (TC) và chảy ngoằn ngèo qua năm quốc gia Đông Nam Á, đang nổi lên như một điểm nóng mới về an ninh, tương tự như những xung đột đang leo thang ở Biển Đông.
TC đã xây dựng 11 đập và có kế hoạch cho tám đập khác dọc theo phần thượng nguồn của dòng sông Mê Kông, là con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, trải dài qua phần lớn lục địa Đông Nam Á (ĐNA), và kết thúc ở đồng bằng sông Mê Kông là vựa lúa của Việt Nam.
Các con đập này ngoài việc gây ra những hậu quả về môi trường, còn mang yếu tố chiến lược mới nổi, là đã làm giảm lợi thế của các quốc gia ĐNA đối với TC và các dự định rộng lớn hơn cho khu vực lân cận.

TC hiện có khả năng ngăn chặn hoàn toàn dòng nước chảy xuống các quốc gia hạ nguồn, một điểm áp lực có thể được sử dụng để phá hoại nền kinh tế nông nghiệp của các nước ở hạ nguồn và tạo sự khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng lợi thế này để đe dọa các nước ĐNA phải nể sợ hay dọa trừng phạt nước nào chống lại chính sách bành trướng của TC, gồm cả vấn đề Biển Đông hay các kế hoạch trong khu vực về Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường.
Sau cuộc họp cấp Bộ trưởng về Sáng kiến ​​Hạ lưu sông Mê Kông tại Bangkok, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu vào ngày 1 tháng 8: "Chúng tôi thấy một loạt những công trình đập xây dựng lan tràn ở vùng thượng nguồn nhằm kiểm soát dòng chảy về phía hạ lưu." Trong khi đó các học giả đề cập về sông Mê Kông như một điểm nóng mới nổi "kế tiếp Biển Đông".

Một nhà phân tích độc lập, Eugene Chow, đã mô tả vào năm 2017 rằng các con đập của TC là những vũ khí "được giấu ngay trước mắt, cho phép TC bắt giữ một phần tư dân số thế giới làm con tin mà không cần bắn một phát đạn nào."

Các quốc gia ở hạ nguồn dễ bị tổn thương vì các con đập của TC là điều dễ thấy. Năm 2016, các chính phủ trong vùng ĐNA đã phải cầu xin TC xả thêm nước từ các đập thượng nguồn để giúp làm giảm bớt nạn hạn hán khắc nghiệt. Bắc Kinh đã đáp ứng, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng sự kiện đó cho thấy mức độ kiểm soát mà TC gần đây đã có được đối với con sông quan trọng này.
Ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại Tân Đề Li, mới đây đã viết: "Lần tới TC có thể đòi hỏi một điều kiện gì đó để đáp lại, và khi một quốc gia đang khát nước một cách tuyệt vọng thì khó có thể từ chối. Nói tóm lại, TC có thể sử dụng các con đập của mình như một thứ vũ khí về nước."
"Khi hạn hán trở nên thường xuyên và khắc nghiệt hơn, hệ thống đập ở thượng nguồn sẽ tăng thêm ưu thế của TC đối với các nước ở vùng hạ lưu," ông Chellaney nói thêm.

Một tình huống tương tự đã xuất hiện vào đầu năm nay. Khi viên chức TC mở cửa đập Cảnh Hồng (Jinghong Dam) cho mục đích bảo trì, nó đã gây ra lũ lụt vùng hạ lưu ở Lào và Thái Lan và theo báo cáo cho biết đã phá hủy mùa màng và ngư nghiệp.
Sau khi việc sửa chữa đập kết thúc, các viên chức TC tích nước vào hồ chứa lúc đó đã cạn nước, việc này làm cho mực nước ở hạ lưu xuống thấp (vì không có nước xả từ đập Cảnh Hồng - ND). Vì việc sửa chữa đập xảy ra nhằm lúc vùng ĐNA đang bị một đợt hạn hán vào tháng 7, mực nước sông đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, khiến một số quốc gia ĐNA lại phải yêu cầu Bắc Kinh xả thêm nước xuống hạ nguồn.
Vào thời điểm đó, tòa Đại sứ TC tại Thái Lan tuyên bố rằng việc Bắc Kinh chăm sóc dòng sông "thể hiện sự ràng buộc tự nhiên của sự tương trợ." Yang Yang, phát ngôn viên của tòa Đại sứ TC phát biểu: "TC rất chú ý đến những mối quan tâm và yêu cầu của các quốc gia ở hạ nguồn."

Bắc Kinh tuyên bố những cáo buộc rằng TC vũ khí hóa dòng sông là không có thật và chỉ nhằm mô tả một cách không công bằng TC là một kẻ bắt nạt trong khu vực. Nhưng các mối đe dọa tiềm năng và các lợi thế thực tế quyết định chính sách đối ngoại. Ông Prem Premrudee Deoruong của tổ chức Theo dõi Đầu tư về Đập ở Lào, một nhóm về môi trường, đã phát biểu vào tháng 7 vừa qua về sông Mê Kông như sau: "Hiện nay TC đã hoàn toàn nắm sự kiểm soát dòng sông. Từ giờ trở đi, nỗi lo ngại là dòng sông sẽ bị kiểm soát bởi những người xây đập."
Thật vậy, nếu sự hung hãn của TC ở Biển Đông được coi là một hình thức "ngoại giao của pháo hạm", thì hành động của họ đối với sông Mê Kông tuy tế nhị hơn nhưng là một thứ "ngoại giao khóa vòi" có tiềm năng mạnh mẽ hơn.

Việt Nam là quốc gia ở cuối sông Mê Kông - và cũng là quốc gia chống đối to tiếng nhất về các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông - sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu TC có động thái ngăn chận dòng chảy của sông Mê Kông.
Một bài báo được xuất bản vào tháng 8 trên Tạp chí Quốc phòng, một ấn phẩm do Bộ Quốc phòng Việt Nam điều hành, đã thừa nhận như thế mặc dù, như thường lệ, được che đậy trong thứ ngôn ngữ vô thưởng vô phạt.
Bài báo có đoạn viết: "Việt Nam là một quốc gia dễ bị thiên tai, vì vậy tiềm năng mất mùa rất cao. Nếu điều này xảy ra, ngay cả trong thời bình, đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn; nếu điều đó xảy ra trong thời chiến, khó khăn sẽ gấp bội. Vì vậy, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là một vấn đề chiến lược."
Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp nước từ sông Mê Kông trừ khi Hà Nội đáp ứng đòi hỏi của họ ở Biển Đông.
Bắc Kinh có thể đe dọa tương tự với Lào, một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các đập thủy điện, trong số đó có nhiều công trình đã được xây dựng bằng các khoản tiền vay của TC và bởi các công ty xây dựng của TC.
TC cũng đang xây dựng các dự án đập ở Lào và Campuchia (trong khi một dự án lớn đã bị đình chỉ ở Miến Điện), đây là một cách hữu ích để tìm kiếm doanh thu mới cho các công ty xây dựng lớn của TC khi tại đất nước họ tăng trưởng kinh tế và cơ hội thương mại đã bị chậm lại.

Đầu những năm 2000, Ủy ban sông Mê Kông - gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam - dự đoán nền kinh tế của các nước thành viên sẽ hưởng lợi ích kinh tế lên đến khoảng 30 tỷ đô-la từ việc xây dựng các đập nước dọc theo các phần tương ứng của sông Mê Kông.
Nhưng tờ Nữu Ước Thời Báo trong tuần này nói rằng con số đó đã được điều chỉnh giảm mạnh xuống mức lỗ 7 tỷ đô la.
Xuất cảng điện và khoáng sản hầm mỏ chiếm khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội của Lào. Nếu TC đe dọa sẽ ngăn chặn dòng nước chảy vào Lào, thì việc này sẽ nhanh chóng gây bất ổn toàn bộ nền kinh tế của Lào, là một nước không giáp biển.

Một điều chắc chắn rằng Bắc Kinh không thể lựa chọn tắt nguồn cung cấp nước cho, ví dụ riêng Việt Nam, vì việc cắt dòng chảy sông Mê Kông xuống hạ nguồn cũng sẽ ảnh hưởng đến Lào, Miến Điện, Thái Lan và Campuchia.
Một động thái như vậy nếu được thực hiện thì sẽ là một hình phạt tập thể đối với tất cả các nước ĐNA, chứ không thể là một đáp trả những hành động của một quốc gia riêng biệt nào. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, một đe dọa như thế sẽ làm suy yếu sự đoàn kết của các nước ĐNA.
Chẳng hạn, liệu Bangkok có ủng hộ các yêu sách của Hà Nội ở Biển Đông nếu Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi một phản ứng trừng phạt của Bắc Kinh trên sông Mê Kông? Cách tiếp cận e dè của Thái Lan đối với các tranh chấp trên biển khi họ làm Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia ĐNA (ASEAN) trong năm nay cho thấy họ cân nhắc lợi ích quốc gia của họ trong khi điều khiển nghị trình của một khối rộng lớn hơn.
Nhưng nếu có một cuộc "chiến tranh nước" ở Đông Nam Á, xung đột trên sông Mê Kông sẽ phức tạp hơn nhiều so với các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Cốt lõi những tranh chấp ở Biển đông là những đặc điểm gì trong khu vực hàng hải thuộc về quốc gia nào. Các tranh chấp trên biển có thể được giải quyết theo luật pháp quốc tế, nếu Bắc Kinh đồng ý.
Đối với sông Mê Kông, chủ quyền về đường thủy không có tranh chấp. Đoạn sông Mê Kông nằm trong lãnh thổ TC thuộc chủ quyền của TC, không thể tranh cãi. Cách Bắc Kinh quản lý đoạn sông này như thế nào là trách nhiệm duy nhất của họ và không thể được xác định hoặc chịu ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế hoặc các quốc gia Mê Kông khác.

Do đó đây không phải là một câu hỏi về chủ quyền quốc gia mà là quyền sở hữu chung - một khuôn khổ và khái niệm ít rõ ràng hơn theo luật pháp quốc tế và trong cộng đồng quốc tế. Điều rõ ràng là TC đang nắm giữ các con bài, vì họ là quốc gia ở thượng nguồn.
Các quốc gia ĐNA dọc sông Mê Kông đã cố gắng nhưng thất bại trong việc thương lượng tập thể. Năm 1995, họ ra mắt Ủy ban sông Mê Kông (MRC) nhằm tạo cảm giác đoàn kết và phát triển chính sách chung cho dòng sông.
Nhưng "tinh thần đồng đội" đã được chứng minh là khó duy trì. Năm 2010, MRC khuyến nghị Lào nên hoãn lại 10 năm đối với việc xây đập. Viêng Chăn từ chối các đề xuất của MRC, và có lý do để nghĩ rằng Lào đã bị áp lực của Bắc Kinh trong quyết định đó.
Số phận của MRC đã bị đóng lại vào năm 2015 khi Bắc Kinh đưa ra cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong của riêng TC (Lancang là tên đoạn sông Mê Kông năm trong lãnh thổ TC - chú thích của người dịch), một giải pháp thay thế được tài trợ tốt hơn và thông qua đó TC đã thúc đẩy lợi ích của họ vượt trên lợi ích của bốn quốc gia ở hạ nguồn.

Những lo ngại chiến lược về sự kiểm soát của TC đối với sông Mê Kông đang vang lên ngoài khu vực ĐNA. Vào năm 2012, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng "trong 10 năm tới, các vấn đề về nước sẽ góp phần gây mất ổn định ở các quốc gia quan trọng đối với lợi ích an ninh của nước Mỹ."
Bảy năm sau, có vẻ như Washington đang ngày càng tập trung vào vấn đề này.
Vào tháng 8 vừa qua Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Pompeo, đã ghi nhận rằng "dòng sông ở mức thấp nhất trong một thập niên - một vấn đề liên quan đến quyết định của TC trong việc tắt nguồn nước ở thượng lưu." Vị Ngoại trưởng nói thêm, "TC cũng có kế hoạch khai thông lòng sông. TC đang tiến hành các cuộc tuần tra trên sông ở ngoài lãnh thổ của họ."
Một tài liệu của Nghị viện Châu Âu công bố năm ngoái đã ghi nhận rằng "TC không tham khảo các quốc gia ở hạ nguồn về các dự án xây dựng đập của họ; TC cũng thường xuyên xả những lượng lớn nước từ các hồ chứa với rất ít cảnh báo trước nên đã tàn phá vùng hạ lưu."
Nhưng cộng đồng quốc tế có ít lựa chọn hơn để tác động đến các vấn đề của Mê Kông so với ở Biển Đông, là nơi Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đã tham gia vào các hoạt động nhằm bảo đảm "tự do hàng hải".

Cho đến nay vẫn chưa rõ là các nước bên ngoài có thể hoặc sẽ tạo áp lực tương tự để chống lại Trung Quốc trên sông Mê Kông.
Gần đây Washington đã ra mắt Hiệp định Đối tác Điện lực Mê Kông giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhằm mục đích giúp phát triển nguồn cung cấp điện trong khu vực. Vào tháng 8, Pompeo đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá 14 triệu đô la để chống lại tội phạm xuyên quốc gia và buôn lậu trên sông Mê Kông.
Nhiều khoản tiền như vậy dành cho sông Mê Kông có thể sớm trở thành hiện thực.
Tháng trước, quốc hội Hoa Kỳ đã tranh luận về việc có nên hay không tạo ra một "Quỹ chống ảnh hưởng Trung Quốc" có giá trị khoảng 375 triệu đô la Mỹ, trong đó ít nhất 25 triệu đô la "sẽ được cung cấp để hỗ trợ cho Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam thực thi và chống lại chương trình tội phạm xuyên quốc gia trên sông Mê Kông." 
Nhưng bất kỳ cuộc tuần tra nào được Mỹ hậu thuẫn hoặc tài trợ sẽ trở nên vô hiệu nếu Trung Quốc quyết định thực hiện các biện pháp ngăn dòng nước sông Mê Kông chảy vào Đông Nam Á để tạo ra một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực này. 


Nguồn

Người dịch:
Đỗ Tùng