Ngoài ra Ngân hàng AIIB TQ lập ra để TQ đầu tư vào những dự
án các nước đang mở mang muốn vay nhưng không đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi
trường và bảo vệ xã hội (social safeguards) mà World Bank, Asian Development
Bank hay ExIm Bank quốc tế đòi hỏi.
Một nhà máy điện chạy than tại Ninh Bình. Ảnh chụp tháng
9/2007
Báo chí Mỹ vào đầu tháng 2 cho biết rằng Tập đoàn dầu khí Việt
Nam đã rút đơn xin vay vốn tài trợ từ Ngân hàng xuất khẩu Mỹ US Ex-Im bank, cho
dự án nhà máy điện chạy bằng than Long Phú 1 ở tỉnh Sóc Trăng.
Theo thông tin từ Bộ Công thương Việt Nam, dự án này đang rất
thiếu vốn và tiến độ thi công đang chậm so với dự tính là 400 ngày.
Mối lo ngại Trung Quốc
Thông tin về việc Tập đoàn dầu khí rút lại đơn vay tiền từ US
Ex-Im Bank làm dấy lên sự lo ngại từ một số chuyên gia và nhà quan sát quan tâm
đến vấn đề môi trường, họ lo rằng Trung Quốc sẽ nhảy vào thay thế.
Kỹ sư Phạm Phan Long, một trong những người sáng lập tổ chức
Viet Ecology tại Mỹ, quan tâm về vấn đề môi trường, nói với chúng tôi:
“Vấn đề bế tắc về tài chính đối với ngân hàng Mỹ có thể đưa đến
một tình trạng xấu hơn cho đồng bào mình ở Đồng bằng Sông Cửu Long, lý do là
Ngân hàng đầu tư phát triển hạ tầng của Á châu, của Trung Quốc có rất nhiều tiền,
có rất nhiều lý do để Trung Quốc vào thế chổ để tài trợ cho dự án này.”
Ông Long cho rằng với một số vốn lớn tài trợ cho dự án, Trung
Quốc sẽ nhân cơ hội đó đem vào các máy móc cũ kỹ gây hại cho môi trường, cũng
như sẽ đem công nhân dư thừa của họ sang Việt Nam làm việc.
Chia sẻ lo ngại này với Kỹ sư Phạm Phan Long, là Tiến sĩ Lê
Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu biến đổi khí hậu thuộc Đại học Cần
Thơ, ông nói:
“Tôi cũng đang lo như vậy, vì đây là một bài học từ Duyên Hải,
Trà Vinh, Trung Quốc họ vô họ xây, ngoài chuyện công nghệ lạc hậu, họ còn đưa
công nhân Trung Quốc qua, làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội ở đó.”
Trung tâm nhiện điện chạy bằng than Duyên hải được xây dựng ở
tỉnh Trà Vinh, do Trung Quốc cung cấp đến 85% vốn đầu tư. Vào năm 2014, dự án
này được báo mạng VNexxpress liệt kê là một trong 10 dự án lớn nhất của Trung
Quốc ở Việt Nam. Sau khi nhà máy đi vào hoạt động vào năm 2016 cho đến nay,
nông dân và ngư dân xung quanh liên tục phàn nàn về khói bụi và xỉ than của nhà
máy đã gây hư hại cho hoa màu và hải sản của họ. Các ông Nguyễn Thiện Nhân,
nguyên Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, ông Trần Hồng Hà Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và
môi trường đã phải đến khu vực nhà máy để nghe ý kiến của dân chúng, nhưng vấn
đề ô nhiễm vẫn chưa giải quyết xong.
Tuy nhiên một chuyên gia về ngân hàng hiện đang làm việc ở Việt
Nam là ông Nguyễn Trí Hiếu không bi quan lắm với khả năng Ngân hàng phát triển
hạ tầng Á châu mà Trung Quốc nắm cổ phần chính, sẽ tài trợ dự án Long Phú 1:
“Đây là một định chế tài chính liên quốc gia, chứ không phải
là một định chế tài chính thương mại, thì tôi hy vọng rằng họ cũng sẽ có những
tiêu chí khắt khe, chặt chẽ trong việc xét đơn của bất cứ chính phủ nào, trong
đó có Chính phủ Việt Nam, cho việc xây dựng hạ tầng cơ sở cho quốc gia đó.”
Dù vậy ông cũng đồng ý rằng, cũng giống như các định chế tài
chính Mỹ và châu Âu, khi tài trợ cho dự án phát triển nào ở nước ngoài cũng sẽ
qui định rằng dự án đó phải mua một số lượng tối thiểu nào đó các máy móc của Mỹ
và châu Âu. Do vậy ông Hiếu nói rằng nếu Ngân hàng phát triển hạ tầng Á châu
tài trợ dự án Long Phú 1 thì khả năng bắt buộc phải mua máy móc của Trung Quốc
là rất cao.
Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng châu Á được Trung Quốc
thành lập vào năm 2014 tại Bắc Kinh, hiện có 57 quốc gia thành viên, được cho
là được Bắc Kinh thành lập để cạnh tranh với các định chế tài chính của Mỹ và
Nhật như Ngân hàng thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á. Hiện chưa có thông
tin về những dự án tại Việt Nam do ngân hàng này tài trợ nhưng ngân hàng này đã
tài trợ cho các dự án tại Indonesia, Bangladesh, Pakistan.
Theo một bản tin đăng trên Tạp chí năng lượng Việt Nam vào
năm 2013, thì mức độ tối thiểu phải mua các máy móc do Trung Quốc sản xuất
trong các dự án do họ tài trợ là 60%.
Lý do của việc rút đơn xin tài trợ từ US Ex-Im bank
Tại sao chủ đầu tư của dự án Long Phú 1 là Tập đoàn dầu khí
Việt Nam lại rút đơn vay vốn?
Theo kỹ sư Phạm Phan Long có thể có những lý do như sau:
“Theo nhận xét của tôi thì Chính phủ Trump chưa tổ chức ban
lãnh đạo ngân hàng Eximbank để nó hoạt động bình thường. Nếu tôi không lầm thì
đến giờ này vẫn có những vị trí chưa được bổ nhiệm, nên họ đang có những vấn đề
trì trệ, không cứu xét hồ sơ một cách nhanh chóng. Điều thứ hai là ngân hàng
này có những điều kiện về ô nhiễm, về rủi ro, và khả năng của bên đối tác, cho
nên những điều kiện đó cũng bất tiện và khó khăn, khiến cho phía Việt Nam phải
rút ra.”
Ông Long đã có gửi thư đến cho ngân hàng US Ex-Im bank để hỏi
về việc phía Việt Nam rút đơn thì được ngân hàng xác nhận, nhưng không cho biết
lý do.
Theo thông tin từ báo chí Mỹ, ngay khi phía Việt Nam nộp đơn
xin vay vốn, ngân hàng US Ex-Im bank đã nói rằng họ sẽ quan tâm đến những lo ngại
về vấn đề quản lý yếu kém, gây ra một đại án tham nhũng ở Tập đoàn dầu khí Việt
Nam, trong đó người cựu chủ tịch là ông Đinh La Thăng bị án tù.
Trước đó báo chí Việt Nam cũng có đưa tin một quan chức của
ngành dầu khí là ông Nguyễn Quốc Khánh đã có sai phạm nghiêm trọng liên quan đến
việc chỉ định thầu cho dự án Long Phú 1, nhưng không nêu rõ chi tiết.
Những quan ngại về môi trường chưa chấm dứt
Dự án Long Phú 1 có công suất đến 1200 MW, nằm trong một cụm
năng lượng gọi là Long Phú với 3 nhà máy, và những nhà máy này nằm trong tổng số
14 nhà máy điện chạy bằng than đã , đang và sẽ được xây dựng tại vùng Đồng bằng
Sông Cửu Long. Theo thông tin từ ngành điện Việt Nam thì vào năm 2030 lượng điện
do các nhà máy chạy bằng than cung cấp sẽ chiếm đến 55% tổng sản lượng điện Việt
Nam.
Các dự án này gây nên nhiều chỉ trích từ những nhà khoa học
và các chuyên gia về môi trường trước nguy cơ gây ô nhiễm quá lớn của chúng, đặc
biệt mạnh mẽ là từ hai tổ chức Liên minh năng lượng Việt Nam, và Trung tâm sáng
tạo xanh, lo ngại về lượng khí thải và bụi than của các nhà máy này.
Trước khi nộp đơn xin US Ex-Im bank tài trợ, theo báo chí Mỹ
Tập đoàn dầu khí Việt Nam cũng đã nộp đơn xin một ngân hàng ở Anh tài trợ nhưng
bị từ chối vì dự án này dùng nhiên liệu than, gây ô nhiễm môi trường. Cũng
trong tháng Hai năm 2018, một tổ chức dân sự tại Việt Nam là CHANGE cũng đã vận
động các ngân hàng tại Singapore không tài trợ cho các dự án điện than tại Việt
Nam.
Mặc dù vậy, theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, các quyết định của
chính phủ trung ương tại Hà Nội, cho đến nay vẫn nghiêng về xây dựng các nhà
máy điện chạy than hơn là các trung tâm năng lượng tái tạo không gây ô nhiễm.
“Những người tôi tiếp xúc ở Bộ Công thương hay Viện Năng lượng,
là những người đã lớn tuổi, và ngày xưa họ học bên Nga là nhiều. Họ vẫn nghĩ rằng
năng lượng tái tạo là đắt tiền, đầu tư trên 1kwh điện sẽ cao hơn là điện than.
Rồi họ cũng nói rằng bây giờ có những kỹ thuật mới, chẳng hạn như siêu tới hạn,
để bớt ô nhiễm, rồi người ta có thể sử dụng tro xỉ để làm gạch.”
Ông Tuấn nói tiếp là những lý do mà những nhà quyết định
chính sách đưa ra để biện minh cho việc xây nhà máy điện chạy than là không đứng
vững, vì loại kỹ thuật gọi là siêu tới hạn khi đốt than là rất đắt tiền, và nhất
là họ đã không tính tới những chi phí môi trường phát sinh sau đó khi các nhà
máy điện than đi vào hoạt động, như trường hợp ở Vĩnh Tân, tỉnh Bình Thuận,
Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
Chúng tôi có đặt câu hỏi đến Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng
cũng như Sở Tài nguyên & Môi trường của tỉnh này về tương lai của nhà máy
điện Long Phú 1, nhưng không có hồi đáp bằng email và từ chối trả lời bằng điện
thoại.
Kính Hòa RFA